21 tháng 2 2025

MÀN TẤN CÔNG CỦA TRUMP NHẮM VÀO ZELENSKY BÁO HIỆU MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI ĐANG THÀNH HÌNH



Donald Trump khi còn là UCV đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9. (Ảnh: Julia Demaree Nikhinson/AP)

Từ việc xa lánh các đồng minh đến ca ngợi kẻ thù, Trump dường như sắp từ bỏ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ của nhiều thập niên.


Alexander Ward, WSJ

19 tháng 2 năm 2025

Tổng thống Trump đã đổi hướng đáng kể chính sách đối ngoại Hoa Kỳ chỉ trong bốn tuần ngắn ngủi, biến Hoa Kỳ trở thành một đồng minh kém tin cậy và rút lui khỏi các cam kết toàn cầu theo những cách có thể định hình lại cơ bản mối quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới.

Các công sứ hàng đầu của ông đã trao cho Nga những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt, kế đến Trump gọi nhà lãnh đạo Ukraine là một nhà độc tài, và ông ta giữ khoảng cách với châu Âu khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Ông đã giải thể cơ quan viện trợ hàng đầu của Hoa Kỳ USAID cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập chỗ đứng. Kế hoạch chiếm hữu Gaza của Trump và đưa người Palestine khỏi vùng đất này đã xóa bỏ nỗ lực kéo dài nhiều thập niên của Washington nhằm làm trung gian cho giải pháp hai-quốc-gia. Và kế hoạch tăng thuế quan của ông báo hiệu sự kết thúc của chiến lược toàn cầu hóa do Mỹ thúc đẩy.

Không ai mong đợi Trump xử lý các vấn đề toàn cầu như những người tiền nhiệm của mình. Nhưng ít ai ngờ rằng ông lại hành động nhanh chóng như thế để chuyển hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ khỏi lộ trình mà nước này đã vạch ra từ năm 1945.

Hầu hết các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho biết kể từ khi Thế chiến II kết thúc, hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã củng cố quyền lực của Hoa Kỳ. Bằng cách tuyên thệ bảo vệ các đồng minh ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, Hoa Kỳ đã đảm nhận vai trò là người bảo lãnh toàn cầu cho thương mại tự do và ổn định, một sứ mệnh bao gồm việc chống lại Liên Xô lúc ban đầu và gần đây hơn là Trung Quốc.

Trump có quan điểm khác: Các đồng minh lấy đi nhiều hơn những gì họ bỏ ra. Trump cho rằng thay vì dựa vào quân đội Hoa Kỳ và chiếc dù hạt nhân của Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh, các quốc gia khác nên chi nhiều hơn cho quân đội của họ trong khi vẫn cung cấp các ưu đãi kinh tế để duy trì ân sủng của Hoa Kỳ. Viễn kiến về chính sách đối ngoại của Trump mang nặng tính giao dịch, hơn thua.

Bà Victoria Coates, phó chủ tịch an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation, biện minh: "Không phải là Tổng thống Trump đang từ bỏ trật tự hậu Đệ Nhị Thế Chiến, mà là chúng ta không còn ở thời kỳ hậu Thế Chiến nữa và chúng ta phải chấp nhận rằng bối cảnh địa chính trị đã thay đổi". Cùng một cách tiếp cận đã thúc đẩy chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đã đưa vào một yếu tố mới, đề xuất mở rộng biên giới Hoa Kỳ và đơn phương chiếm đoạt lãnh thổ ở nước ngoài.

Ngay cả trước khi trở lại Nhà Trắng, Trump đã suy tưởng về việc đòi lại Kênh đào Panama, chiếm đoạt Greenland từ Đan Mạchbiến Canada thành tiểu bang thứ 51. Khi ông lặp lại những ý tưởng này sau khi nhậm chức, những ý tưởng xa vời kia bỗng trở thành chính sách khả thi của Hoa Kỳ và là tín hiệu báo động đến các quốc gia trên toàn thế giới.

Ông Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức cấp cao trong nhiều chính phủ Cộng hòa cho biết: "Sẽ rất khó để hồi phục những gì đang được thực hiện trong chính sách đối ngoại hoặc thuyết phục các đồng minh rằng đây là một lần duy nhất không bao giờ lặp lại. Điều đó còn khả dĩ sau khi Trump thắng cử lần đầu, chứ giờ đây sau lần ông ta tái đắc cử thì không ai tin. Danh tiếng về độ tin cậy và tính dự đoán được của Hoa Kỳ đã bị tổn hại nghiêm trọng".

Các sự kiện gần đây chỉ làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ của các đồng minh về một nước Mỹ do Trump lãnh đạo.

Tuần trước, Trump đã đồng ý đàm phán có thể chấm dứt sự cô lập toàn cầu của Moscow sau một cuộc gọi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth sau đó cho biết các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ không cứu xét chuyện nước này gia nhập NATO một chiến thắng cho Moscow ngay cả khi đàm phán chưa bắt đầu. Hegseth đã rút lại các bình luận, nhấn mạnh rằng mọi lựa chọn vẫn còn trên bàn, nhưng các đồng minh đã lập tức cảm nhận Hoa Kỳ dưới thời Trump không quan tâm nhiều đến sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống JD Vance đã chỉ trích các đồng minh châu Âu vì những chuyện ông cho là sự phá hoại nền dân chủ mà không đá động gì về cách chấm dứt cuộc xung đột lớn ở phía đông châu Âu. Các chính phủ châu Âu đã yêu cầu một ghế tại bàn đàm phán Ukraine - Nga, chỉ để nghe các quan chức Hoa Kỳ đáp rằng họ không được tham dự các cuộc đàm phán nhưng quan điểm của họ sẽ được xem xét.

Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Obama, tuyên bố: "Những gì đang xảy ra là một thách thức nghiêm trọng đối với nền tảng của trật tự thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về tương lai của quốc gia này và thế giới này như hiện tại."

Các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì để thảo luận về an ninh châu Âu. (Ảnh: ANP/Zuma Press)

Vực thẳm xa cách trong liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên xa cách hơn trong tuần này. Vào thứ Ba, sau khi các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga kết thúc, Trump đổ lỗi cho Kyiv đã bắt đầu cuộc chiến, bất chấp thực tế chính quân đội Nga đã tràn qua biên giới ba năm trước, khi Putin ra lệnh xâm lược toàn diện. Những phát biểu của Trump đã khiến Tổng thống Zelensky nói rằng tổng thống Hoa Kỳ đang hót như vẹt các thông tin xuyên tạc của Điện Kremlin.

Trump đã đáp trả vào thứ Tư bằng lời chỉ trích gay gắt nhất từng có bởi bất kỳ quan chức Hoa Kỳ nào đối với Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trump gọi Zelensky là "Nhà độc tài không có bầu cử" trên mạng xã hội. Nhiệm kỳ của Zelensky đã hết hạn vào năm ngoái, nhưng các cuộc bầu cử đã bị hoãn lại vì luật pháp Ukraine cấm tổ chức các cuộc bầu cử trong khi đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật.

Ivo Daalder, đại sứ Hoa Kỳ tại NATO trong chính quyền Obama, cho rằng việc Mỹ nghiêng về Nga và tách rời Ukraine đã mang lại phần thưởng cho Moscow.

Ông Daalder nói, "Ông ấy đã nói theo các luận điệu của Putin. Putin hiện đang ở vị trí tuyệt vời khi chỉ cần nói 'Yes', biết rằng nếu Ukraine nói 'No', Trump sẽ đổ lỗi cho Kyiv."

Tất nhiên, đó không phải là cách chính quyền Trump nhìn nhận vấn đề. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes cho biết: "Sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã tạo ra cơ hội đàm phán đầu tiên sau nhiều năm và ông đã làm được điều này chỉ sau bốn tuần nhậm chức. Ông ấy không bỏ sót bất kỳ điều gì liên quan đến việc tìm ra giải pháp hòa bình cho Ukraine điều mà chính quyền trước đã thất bại thảm hại."

Justin Logan, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, một viện nghiên cứu theo khuynh hướng tự do tại Washington, cho biết đã đến lúc một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hành động theo cách thuyết phục người châu Âu quan tâm nhiều hơn đến khu vực của họ. Logan phát biểu, "Trump đang thực hiện tầm nhìn của Hoa Kỳ có từ thời Dwight Eisenhower, người đã lo lắng vào năm 1959 rằng thái độ thờ ơ của châu Âu đối với an ninh của chính họ đang biến Chú Sam thành Chú Sucker". 

Nhưng lập trường đối ngoại của Hoa Kỳ đã thay đổi từ trước khi xảy ra chuyện khấu ó về Ukraine.

Chính quyền Trump trong những tuần đầu tiên đã giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, đóng băng hàng tỷ đô la viện trợ cho các chương trình điều trị AIDS, theo dõi đại dịch và cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em. Các  nhân viên cứu trợ cho biết những chương trình trợ giúp của USAID rải khắp từ châu Mỹ Latinh đến Châu Phi đến Châu Á đã bị tạm dừng, làm xói mòn lòng tin được xây đắp trong bao nhiêu năm giữa chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác của mình tại các quốc gia đang phát triển.

Ngoại trưởng Marco Rubio, người đã dành nhiều năm ca ngợi USAID là lá chắn chống lại Trung Quốc khi còn trong tư cách một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, hiện đang chủ trì một chương trình viện trợ bị cắt giảm rất nhiều, mà phe Dân chủ và các nhân viên cứu trợ nước ngoài cho rằng sẽ chỉ có lợi cho các đối thủ của Hoa Kỳ đầu tư vào các khu vực mà Hoa Kỳ bỏ rơi. Trung Quốc đã nói với các nhà lãnh đạo Cộng sản ở Nepal rằng Bắc Kinh sẵn sàng lấp đầy khoảng trống tài trợ ở quốc gia này do USAID để lại.

Người dân biểu tình ở Washington phản đối việc cắt giảm USAID. (Ảnh: Kent Nishimura/Reuters)

Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (DC, New Hampshire), thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng tác động của việc rút lui ở Nepal và những nơi khác "sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người trên thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ. Nó để lại một khoảng trống mà Trung Quốc, Nga và các đối thủ của chúng ta sẽ lấp vào.”

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump cho biết cách tiếp cận của tổng thống đã mang lại những chiến thắng ban đầu. Cuộc nói chuyện về việc kiểm soát Kênh đào Panama đã khiến tổng thống Panama từ bỏ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Tây Bán cầu. Và mặc dù đề xuất trục xuất người Palestine khỏi Gaza trong khi Hoa Kỳ xây dựng lại dải bờ biển này, Trump vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc họp mà các quan chức chính quyền mô tả là có hiệu quả với các nhà lãnh đạo Trung Đông bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Abdullah II của Jordan.

Không phải tất cả những người chỉ trích Trump đều nói rằng tổng thống đang thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ một cách không thể đảo ngược.

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, người đã quay lưng lại với ông chủ cũ của mình, cho biết tổng thống không có đủ hệ tư tưởng mạch lạc để phá hủy trật tự toàn cầu.

"Đây là quan điểm của một người, chỉ không may là ông ấy là tổng thống", Bolton nói. Lời khuyên của ông dành cho các đồng minh: "Cứ nghiến răng và chịu đựng."


Nguồn: https://www.wsj.com/world/trump-zelensky-foreign-policy-world-alliances-a3592bc4


20 tháng 2 2025

TRUMP ĐÃ MỞ ĐƯỜNG CHO TRUNG QUỐC VÀO CHÂU MỸ LATINH RA SAO


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Rio de Janeiro vào ngày 18 tháng 11 năm 2024. (Li Xueren / Getty Images)


Kate LinthicumStephanie Yang, LA Times

Ngày 5 tháng 2 năm 2025

Trong chuyến công du chín ngày tại châu Mỹ Latinh vào mùa thu năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp các nhà lãnh đạo Mexico, Brazil, Bolivia, Chile và Argentina và khánh thành một hải cảng tại Peru trị giá 3 tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ.

Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh sự mối quan tâm của ông ta trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với một khu vực cách Bắc Kinh hơn mười ngàn dặm.

Ông ta nói với hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc: "Những người bạn thực thụ luôn cảm thấy gần gũi nhau. Bất kể khoảng cách giữa họ là bao xa".

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã bắt đầu thách thức quyền bá chủ lâu đời của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại ít nhất sáu quốc gia — Panama, Peru, Chile, Uruguay, Brazil và Bolivia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên trái, và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tạo dáng chụp ảnh trong buổi lễ chào mừng tại Cung điện Alvorada ở Brasilia vào ngày 20 tháng 11 năm 2024. (Eraldo Peres / Associated Press)

Giờ đây, các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã được trao một cơ hội khác trong nỗ lực thống trị khu vực: nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.

Trong hai tuần đầu tiên nhậm chức, Trump đã gây sức ép với các đồng minh của Hoa Kỳ, sử dụng mối đe dọa về thuế quan để giành được sự nhượng bộ từ Colombia và sau đó là Mexico. Đồng thời, ông đã tạm ngưng — và đe dọa sẽ xóa bỏ — nhiều chương trình viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ vốn là cứu cánh cho các quốc gia đang phát triển.

Đột nhiên, Trung Quốc có vẻ như là đối tác ổn định hơn đối với nhiều quốc gia trong vùng.

Bà Carol Wise, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học USC và là chuyên gia về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, cho biết: "Hoa Kỳ hiện đang trở nên khó lường và kỳ quặc hơn bao giờ hết. Chính quyền Trump có thái độ rất thù địch với khu vực này, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện thái độ thù địch như vậy, chưa bao giờ.”

Trong số tất cả những nơi mà chính sách đối ngoại của Trump đã tạo ra một cơ hội mới cho Trung Quốc, không nơi nào quan trọng hơn Mexico.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng trong lễ ký kết hiệp định thương mại Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico vào ngày 29/1/2020.(Alex Brandon / AP)

Các hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có từ ba thập niên trước gắn chặt nền kinh tế Mexico với Hoa Kỳ và trong một thời gian dài, Trung Quốc phần lớn bị loại ra rìa. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.

Để né tránh thuế quan của Hoa Kỳ áp dụng đối với một số hàng hóa của họ, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Mexico.

Theo số liệu của chính phủ Mexico, đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này đã tăng vọt lên 570 triệu đô la vào năm 2022 từ 5,5 triệu đô la vào năm 2013. Theo công ty phân tích bất động sản SiiLA, các công ty Trung Quốc hiện chiếm gấp đôi diện tích công nghiệp tại Mexico so với ba năm trước.

Họ đang xây dựng các nhà máy rộng lớn tại các khu công nghiệp như Hofusan, ở tiểu bang biên giới Nuevo León, và sản phẩm của họ được gởi đến Texas chỉ cách đó 125 dặm, và được miễn thuế.

Nhà máy sản xuất đồ nội thất Kuka Home tại Khu công nghiệp Hofusan ở Mexico là một trong nhiều công ty Trung Quốc đầu tư để rút ngắn chuỗi cung ứng. (Marian Carrasquero / Getty Images)


“Họ có thể đưa hàng nhập khẩu vào đất Hoa Kỳ chỉ trong một ngày”, Cesar Santos Cantú, một luật sư người Mexico đã xây dựng công viên công nghệ trên đất của gia đình mình với sự tài trợ của hai nhà đầu tư Trung Quốc, cho biết.

Các nhà lãnh đạo Mexico đã và đang chào mời thêm đầu tư từ Trung Quốc và các công ty nước ngoài khác trước động thái tăng cường các chính sách bảo hộ của Trump.

Ông Alicia Bárcena nguyên là ngoại trưởng Mexico phát biểu vào năm ngoái: “Mexico sẽ phải tìm kiếm những lối đi khác”, và ca ngợi Trung Quốc là quốc gia “luôn để tâm đến Mexico”.

Ông Juan Carlos Moreno-Brid, giáo sư kinh tế tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, khẩn nài Mexico cần đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, khi ông ta ví Hoa Kỳ như "một đối tác lạm dụng".

Ông nói, "Bạn không thể sống bốn năm với một khẩu súng chĩa vào đầu mình.”

Hoạt động thương mại của Mexico với Hoa Kỳ hiện vẫn lớn gấp tám lần hoạt động thương mại với Trung Quốc. Nhưng Washington đang theo dõi chặt chẽ các cuộc lấn sân của Trung Quốc ở phía nam biên giới.


Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ cho biết: "Tất cả những yếu tố này về mặt kinh tế đẩy Mexico về phía Trung Quốc. Nhưng điều đó làm phức tạp thêm mối quan hệ của Mexico với Tổng thống Trump".

Trung Quốc lần đầu tiên tăng cường thương mại với châu Mỹ Latinh vào đầu những năm 2000 để thỏa mãn nhu cầu gia tăng của nó về hàng hóa trong thời kỳ bùng nổ kinh tế.

Trung Quốc đã mua đậu nành từ Brazil, đồng từ Chile và lithium từ Bolivia trong khi đổ vào các thị trường Mỹ Latinh với các sản phẩm và mạng lưới viễn thông của Trung Quốc.


Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin tham dự cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 7 tháng 6 năm 2024. (Wang Zhao / AP)

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thương mại giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh đã tăng lên 315 tỷ đô la vào năm 2020 từ 12 tỷ đô la vào năm 2000. Dự kiến  chỉ trong một thập niên nữa, con số đó ​​sẽ đạt 700 tỷ đô la. Để so sánh, thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh vào năm 2020 đạt tổng cộng 767 tỷ đô la.

Ellis cho biết lúc đầu Hoa Kỳ phản ứng chậm trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Ellis cho biết: "Trong khi Trung Quốc đang tiến vào Nam Mỹ và phần nào của vùng Caribbean, tôi nghĩ rằng tại Hoa Kỳ vẫn đang còn một loại cảm giác an toàn giả tạo."

Sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của ngoại giao chiến lược.

Hơn 20 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribbean là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nó bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Và vào năm 2023, tám tổng thống Mỹ Latinh đã chính thức đến thăm Trung Quốc — nhiều nhất từ ​​trước đến nay trong một năm, theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston.

Quyền lực mềm đó giúp mở đường cho đầu tư của Trung Quốc. Nó cũng xây dựng sự ủng hộ cho một trong những mục tiêu địa chính trị chính của Trung Quốc: áp lực nhiều nơi trên thế giới công nhận yêu sách lãnh thổ của họ đối với Đài Loan.

Trong tám năm qua, có ít nhất năm quốc gia ở châu Mỹ Latinh đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan như một điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mới nhất là Honduras vào năm 2023, một năm sau khi Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Honduras, theo trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary.

Ông Bryan Burgess, chuyên gia cao cấp về chính sách tại đó, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ ra sức lấp đầy khoảng trống gây bởi việc cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho khu vực.

Ông Burgess cho biết: “Việc Hoa Kỳ rút lui khỏi vai trò của mình trong các dự án tài chính phát triển và viện trợ truyền thống thực sự mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tràn vào khu vực này. Một trong những lợi thế đối với các nước Mỹ Latinh hiện nay là khả năng đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, so kè kiếm lợi và cố gắng đạt được các điều khoản thuận lợi hơn”.

Một lợi ích được nhận thấy đối với nhiều nước Mỹ Latinh là Trung Quốc không can thiệp vào chính trị nước sở tại, ngoại trừ vấn đề Đài Loan. Hoạt động thương mại — và viện trợ — của Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc như về dân chủ hay nhân quyền bởi Hoa Kỳ, hoặc đòi hỏi hợp tác về vấn đề di dân bởi Trump.

Henry Huiyao Wang, người sáng lập Trung tâm phi chính phủ về Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, cho biết việc Trung Quốc nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế — thay vì cưỡng ép chính trị — đã tăng sức hấp dẫn của nó đối với các nước Mỹ Latinh đã chán ngán sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Ông Wang cho biết: “Mỹ Latinh vẫn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc có thể mang lại cho họ lợi ích kinh tế và cùng với nhiều độc lập chính trị hơn”.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, thứ hai từ trái sang, lắng nghe Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, thứ hai từ phải sang, phát biểu trong một cuộc họp tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 7 năm 2019. (Mark Schiefelbein / AP)


Tuy nhiên, quay sang với Trung Quốc cũng đi kèm với những rủi ro riêng. Việc vỡ nợ và những thất bại trong một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn — bao gồm một đập thủy điện trị giá 2 tỷ đô la ở Ecuador vừa hoàn thành đã có hàng ngàn vết nứt — cũng đã làm  các nước Mỹ Latinh lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Và những rắc rối kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể báo hiệu rồi đây sẽ có ít giao thương hơn và cũng ít hào phóng hơn đối với các chính phủ xa xôi này.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, một ngân hàng đầu tư của Pháp, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng Mỹ Latinh coi Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy, nhưng chắc chắn là đối tác hữu ích, đặc biệt là đối với các chế độ dân túy và cánh tả.”

Với việc Trung Quốc và Hoa Kỳ mới đây công bố các mức thuế quan mới đối với nhau, có vẻ như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra. Châu Mỹ Latinh sẽ là một trong những chiến trường của cuộc xung đột.

Ông Enrique Dussel Peters, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Mexico tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là một cuộc đối đầu sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mối quan hệ tay ba mới mẻ này đang diễn ra ở khắp Châu Mỹ Latinh” ./.


Nguồn: https://www.latimes.com/world-nation/story/2025-02-05/trumps-tariffs-give-china-opening-in-latin-america








24 tháng 7 2024

LÀM SAO KAMALA HARRIS CÓ THỂ CHIẾN THẮNG VÀ LÀM NÊN LỊCH SỬ

Hillary Rodham Clinton

Ngày 23 tháng 7 năm 2024


Lịch sử đang để mắt đến chúng ta. Quyết định ngừng tranh cử của Tổng thống Biden thuần túy là một hành động ái quốc mà tôi được chứng kiến ​​trong đời. Đó cũng là lời hiệu triệu tất cả chúng ta tiếp tục cuộc chiến vì linh hồn quốc gia. Mười lăm tuần lễ tới sẽ không giống những gì đất nước này từng trải qua về mặt chính trị, mà thật rõ ràng là: Đây là cuộc đua mà Đảng Dân chủ có thể và phải giành chiến thắng.

11 tháng 7 2024

TRUMP KHÔNG ĐỦ TƯ CÁCH LÃNH ĐẠO


Ông ta rất nguy hiểm trong lời nói, chủ tâm, hành động.

Ông ta đặt mình lên trên quốc gia.

Ông ta căm ghét những luật lệ chúng ta đang có.


Ban Biên Tập New York Times

11/07/2024


Tuần tới, lần thứ ba trong vòng tám năm, Donald Trump sẽ chính thức được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Một đảng chính trị một thời vĩ đại giờ đang phục vụ quyền lợi của một người, một người rõ ràng không xứng đáng với chức vụ tổng thống nếu so với bất kỳ ứng cử viên nào trong lịch sử lâu dài của nền Cộng hòa, một người có các giá trị, tính khí, ý tưởng và ngôn ngữ thật sự quá tương phản với phần lớn những gì đã làm cho đất nước này trở nên vĩ đại.

Đó là một sự chọn lựa đáng rùng mình vào thời khắc này của quốc gia. Trong hơn hai thập niên qua, đại đa số người Mỹ cho biết họ không hài lòng với đường hướng của đất nước, và thời kỳ hậu Covid với lạm phát dai dẳng, lãi suất cao, chia rẽ xã hội và sự mụ mẫm chính trị đã khiến nhiều cử tri càng thêm thất vọng và chán nản.

05 tháng 6 2024

MỘT KẺ TỘI PHẠM TRONG PHÒNG BẦU DỤC SẼ THỬ THÁCH HỆ THỐNG CỦA MỸ

Một số người đang tự hỏi cơ chế kiểm tra và cân bằng của Hiến pháp, nhằm buộc các tổng thống phải chịu trách nhiệm, sẽ hoạt động như thế nào nếu tổng thống tiếp theo được bầu đã là một tội phạm.


Hình minh họa của Patrick Henry, người đã cảnh báo tại Hội nghị Virginia về việc phê chuẩn Hiến pháp về khả năng xảy ra “chế độ chuyên quyền tuyệt đối”. (Ảnh: Thư viện Quốc hội)



Peter Baker

2/6/2024


Peter Baker, trưởng nhóm ký giả Bạch Cung của New York Times, đã đưa tin trong năm đời tổng thống cho đến nay, bao gồm cả Donald Trump và Joe Biden.

Người anh hùng thời Cách mạng Mỹ là Patrick Henry biết ngày này sẽ đến. Ông ta có thể đã không lường trước được tất cả các chi tiết, chẳng hạn như chuyện diễn viên khiêu dâm trong phòng khách sạn và khoản tiền bất chính để giữ cô ta im lặng. Nhưng ông lo ngại rằng sẽ có ngày một tên tội phạm có thể ngự trị phủ tổng thống và sử dụng quyền lực của hắn để ngăn cản bất kỳ ai tìm cách buộc hắn phải chịu trách nhiệm. Henry tuyên bố "Away with your president, we will have a king." (Tạm dịch: “Hùa theo tổng thống của các người, chúng ta sẽ có một vị vua.”

04 tháng 6 2024

MỘT TỐI CAO PHÁP VIỆN HỮU KHUYNH LỐ BỊCH NHẤT MÀ ĐỒNG TIỀN ĐEN TỐI CÓ THỂ MUA ĐƯỢC


Andrew Perez, Rolling Stone

3/6/2024


Trong hai thập niên qua, Tối cao Pháp viện đã bị các nhóm lợi ích đen tối chiếm giữ, và các thẩm phán đang định hình lại luật pháp và xã hội của chúng ta theo tầm nhìn phản động, cực hữu của họ. Đó là một vấn đề sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn khi một chính quyền Donald Trump thứ hai trở lại để theo đuổi chính sách hữu khuynh cực đoan.

Cố vấn tư pháp của Trump, Leonard Leo, người đã giúp lựa chọn ba thẩm phán Tối cao Pháp viện, có thể tự hào về công việc của mình. Mạng lưới của ông, gần đây đã nhận được khoản tài trợ lịch sử trị giá 1,6 tỷ Mỹ kim, đã chi hàng triệu đô để các thẩm phán đó được chuẩn nhận, và nỗ lực gây ảnh hưởng đến cả khối lượng vụ việc của các thẩm phán cũng như quyết định của họ. Leo gần đây cũng phải ngạc nhiên trước công việc của mình — và cơ hội trong tầm tay.

03 tháng 6 2024

TRUMP LÚNG TÚNG

Sau khi thua trước tòa, ông ta dường như không biết phải làm gì tiếp theo.

Juliette Kayyem, The Atlantic

6/2/2024


Cuộc họp báo đầu tiên sau phiên xử của vị cựu tổng thống và có khả năng là tổng thống tương lai, giờ là kẻ bị kết án trọng tội, thật kỳ quặc, ngay cả theo tiêu chuẩn của ông ta. Trong bối cảnh này nếu dùng từ unhinged (điên khùng, tâm thần bất ổn) thì có vẻ hơi thái quá, nhưng Donald Trump đã thiếu tập trung khi ông ta phát biểu sau khi kết thúc phiên xử tại tòa án tiểu bang New York về 34 tội danh đại hình liên quan đến việc trả tiền cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Người được cho là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chửi rủa hết điều này đến điều kia, đôi khi chêm vào những chuyện lạc đề như chuyện “các trận bóng chày thiếu niên của Little League” bị hủy bỏ, chuyện “bếp ga”, chuyện thời tiết mùa mưa và những người nhập cư sống trong “những khách sạn sang trọng”. Đó thực sự không phải là một cuộc họp báo - ông ta không nhận câu hỏi nào - nhưng cũng không phải điều mà một số người lo sợ: lời kêu gọi hành động.