19 tháng 7 2020

Betsy DeVos muốn sử dụng các trường học ở Mỹ để xây dựng “Vương quốc của Chúa”

Bộ trưởng Giáo dục của Trump đã dành cả đời làm việc vất vả để chấm dứt giáo dục công cộng

 Kristina Rizga, Mother Jones

04/2017

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt


Đang là mùa Giáng sinh tại thành phố Holland, bang Michigan, và gió bắc từ hồ Macatawa mang vào một cơn lạnh không thương tiếc cho thành phố nhỏ được phủ sâu trong tuyết. Những ánh đèn lấp lánh treo trên cây trong các cửa hiệu ở trung tâm thành phố chiếu sáng những món ngon theo mùa nhập từ Hà Lan, cũng như những bức ảnh và bức tranh về cối xay gió và hoa tulip, những đôi giày gỗ, và những tấm biển có ghi  “Welkom Vrienden,” có nghĩa “Chào mừng các bạn” trong tiếng Hà lan.

Hơn 150 năm trước, những người nhập cư Hà Lan từ một giáo phái Kitô bảo thủ đã chọn miền tây Michigan làm bối cảnh cho bản sao lý tưởng này của Hà Lan, một phần vì sự cô lập của nó. Họ muốn ngăn cách những ảnh hưởng kiểu Mỹ khỏi cộng đồng chính thống của họ.  Mãi cho đến gần đây, các nhà hàng Hà Lan vẫn không thể bán rượu vào Chủ nhật. Cư dân vẫn không được phép la hét hoặc huýt sáo từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Nếu các quan chức thành phố quyết định rằng một hàng rào hoặc bảng tín hiệu bị mục nát, họ có thể lấy nó xuống và gửi hóa đơn cho chủ sở hữu. Những vụn  cỏ dài hơn tám inch phải được dọn dẹp và tiêu huỷ, và tuyết phải được xúc ngay sau khi nó rơi xuống đường. Hầu hết người dân địa phương nói rằng các quy tắc như thế này giúp giữ cho thành phố Holland thịnh vượng, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tội phạm ít, dịch vụ thành phố tốt và đảng viên Cộng hòa ở hầu hết các vị trí của chính quyền. Nó cũng là nơi mà người được Tổng thống Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Giáo dục - nhà từ thiện tỷ phú Betsy DeVos - đã lớn lên.

Ngồi trong văn phòng rộng rãi tại trung tâm thành phố, ông Arlyn Lanting háo hức nói về người bạn lâu năm của mình, người đang đợi cuộc bỏ phiếu của ủy ban Thượng viện vào ngày thứ Ba theo như dự trù để trở thành quan chức giáo dục hàng đầu của quốc gia - mặc dù có một phiên điều trần gây tranh cãi  đã được ghi nhận với các câu trả lời hời hợt và rập khuôn trước các câu hỏi sắc bén từ phe Dân chủ Thượng viện. [Cuộc bỏ phiếu bổ nhiệm bà có kết quả 50-50, và Phó tổng thống Mike Pence phải bỏ lá phiếu quyết định, một động tác hiếm khi cần đến trong lịch sử của Quốc hội Mỹ.]  Bà DeVos đã kết hôn với đại thiếu gia của [công ty đa cấp] Amway tên Dick DeVos (Forbes cho biết cha ông ta, ông Richard, có tài sản trị giá hơn 5 tỷ USD). Việc tiến cử bà được xem là một lựa chọn gây tranh cãi vì lịch sử chi tiền mạnh tay của gia đình này cho các mục tiêu của cánh hữu - ít nhất 200 triệu USD từ những năm 1970  cho các viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông, ủy ban chính trị và các nhóm vận động. Và cả sự hỗ trợ lâu dài của gia đình DeVos cho giải pháp cấp phiếu chi trả cho các trường tư thục, tôn giáo; các nhóm Kitô giáo bảo thủ như Quỹ giá trị truyền thống, đã thúc đẩy làm dịu đi sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước; và các tổ chức như Trung tâm Chính sách công Mackinac ở Michigan, đã luôn tiên phong trong việc tư nhân hóa hệ thống giáo dục.

"Mong ước của chúng tôi là đối đầu với cái văn hoá hiện tại theo những cách sẽ tiếp tục phát triển vương quốc của Chúa.” - Betsy DeVos

Nhưng ông Lanting, một doanh nhân, nhà đầu tư, và nhà từ thiện địa phương  75 tuổi, đã nhanh chóng gạt phắt ý niệm rằng DeVos có tham vọng đó cho các trường công lập truyền thống. “Betsy không chống lại các trường công lập,” ông nói. “Dẫu sao, bà ấy tin rằng các giáo viên ở các trường bán công và tư thục có nhiều khả năng dẫn đường đến một nền giáo dục tốt hơn - loại giáo dục thực sự để chuẩn bị học sinh cho thời đại hiện tại của chúng ta và đưa chúng ta ra khỏi việc thi cử và sự tiêu chuẩn hóa. Nhưng Dick và Betsy cũng đã tài trợ cho các trường công lập.”

Ông Lanting là một người chủ nhà nồng nhiệt và hào phóng, ông háo hức muốn khoe câu Kinh thánh yêu thích của mình, được vẽ ngay trên tường của mình: “Tôi không có niềm vui nào lớn hơn khi nghe rằng các con tôi đang đi trong Sự thật (3 John 4).” Cả ông và bà Betsy DeVos đều được nuôi dưỡng trong truyền thống của Giáo hội Cải cách Kitô giáo, một giáo phái Calvinist Hà Lan bảo thủ, ít được biết đến, có nguồn gốc từ những người sáng lập thành phố. Họ học cùng một trường trong hệ thống trường tư thục của thành phố, trường Kitô giáo Holland, được thành lập bởi các thành viên của nhà thờ. Giống như nhiều người tôi gặp ở Holland, Lanting vốn không phải là người ủng hộ Trump, ông đã bầu cho Ben Carson trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng rồi ông không thể bỏ phiếu cho Hillary Clinton, người mà ông gọi là “kẻ miệng lưỡi chuyên nghiệp." Và ông nói, “Trump có lẽ có nhiều khả năng sẽ mang Chúa vào thế giới này hơn.”

Đối với những người sùng đạo sâu sắc như Lanting và DeVos, giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong sứ mệnh đó. Kể từ khi được đề cử, DeVos đã không nói gì nhiều về đức tin của bà hay liệu bà có kế hoạch bảo vệ sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước trong các trường công lập hay không. (Bà DeVos đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của Mother Jones, nhưng một phát ngôn viên của nhóm chuyển giao quyền hành của Trump đã trả lời trong một email, “bà DeVos tin vào chủ thuyết hợp pháp về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.”) Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn năm 2001 cho The Gathering, một nhóm tập trung vào việc thúc đẩy đức tin Cơ-đốc thông qua hoạt động từ thiện, vợ chồng bà đã đưa ra một cái nhìn công khai hiếm hoi về quan điểm của họ. Khi được hỏi liệu các trường Cơ-đốc giáo có nên tiếp tục dựa vào tiền từ thiện - thay vì thúc đẩy để dùng tiền thuế của người dân thông qua các phiếu chi trả (voucher) - bà Betsy DeVos đã trả lời, “Tiền từ thiện ở Mỹ không có đủ để tài trợ cho nhu cầu giáo dục hiện nay... Mong ước của chúng tôi là đối đầu với cái văn hoá hiện tại theo những phương cách sẽ tiếp tục phát triển vương quốc của Chúa.”

Ông Dick DeVos nói thêm rằng: “Khi chúng ta nhìn vào nhiều cộng đồng ở nước ta, nhà thờ đã bị trường công lập thay thế như là trung tâm của hoạt động. Hẳn nhiên chúng tôi hy vọng rằng ngày càng nhiều nhà thờ sẽ hoạt động tích cực và tham gia vào giáo dục nhiều hơn.”

Thật vậy, các nhà phê bình cho rằng  gia đình DeVos đang cố gắng mở rộng định nghĩa về “sự lựa chọn trường học,” vốn được hiểu theo nghĩa là cho phụ huynh khả năng chọn bất kỳ trường công lập truyền thống hoặc trường bán công nào ở trong học khu và cũng cho phép tiền thuế của người dân được đi theo học sinh đến bất kỳ trường tư nào thông qua phiếu chi trả. Một số nhà phê bình lựa chọn trường học cho rằng các trường bán công (charter) - được tài trợ bởi công quỹ nhưng được cố vấn bởi các hội đồng được bổ nhiệm và thường được điều hành bởi các công ty tư nhân với mức độ giám sát khác nhau - có thể chọn lọc những học sinh có thành tích cao từ các trường công lập truyền thống, và bỏ lại nó [hệ thống công lập] nhiều trẻ em có nhu cầu cao hơn với một ngân sách ít hơn. Nhưng sự thúc đẩy cho cái gọi là “sự lựa chọn trường phổ quát", có thể tiến một bước xa hơn bằng cách cuối cùng dẫn đến việc chuyển hướng triệt để các quỹ từ các trường công lập truyền thống sang các trường tư thục, trong đó  phần lớn là Kitô giáo: đề nghị giáo dục của Trump kêu gọi  dành ra 20 tỷ đô la ngân sách liên bang để giúp các gia đình rời xa những gì ông gọi là “những trường học thất bại của chính phủ" chúng ta, và thay vào đó chọn các trường bán công, tư thục hoặc tôn giáo.

 Trump và Betsy DeVos tại một cuộc vận động ở Grand Rapid, MI vào 2017

Mặc dù gia đình DeVos hiếm khi bình luận về cách các quan điểm tôn giáo của họ ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện và hoạt động chính trị của họ, chi tiêu của họ nói lên nhiều điều. Tạp chí Mother Jones đã phân tích hồ sơ khai thuế của Quỹ Gia đình Dick và Betsy DeVos từ năm 2000 đến 2014, cũng như các hồ sơ năm 2001 đến 2014 của tổ chức từ thiện của cha mẹ bà, Quỹ Edgar và Elsa Prince. (Betsy DeVos đã được liệt kê là phó chủ tịch của Quỹ Prince trong những năm đó, mặc dù bà đã tuyên bố tại phiên điều trần bổ nhiệm rằng đó chỉ là “lỗi cô thư ký”. Trong thời gian đó, DeVos đã chi gần 100 triệu đô la cho việc từ thiện, và gia đình Prince đã chi 70 triệu đô la. Trong khi Dick và Betsy DeVos đã có tặng những khoản lớn cho các bệnh viện, nghiên cứu y tế và các tổ chức nghệ thuật, những hồ sơ này cho thấy sự chú trọng tràn trề vào việc tài trợ cho các trường Kitô giáo, các sứ mệnh truyền giáo, và các viện nghiên cứu thị trường tự do và bảo thủ như Viện Acton và Trung tâm Mackinac, những tổ chức muốn thu hẹp khu vực công trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục.

Hồ sơ từ thiện của cặp vợ chồng này làm rõ rằng họ xem sự lựa chọn và cạnh tranh là cơ chế tốt nhất để cải thiện hệ thống giáo dục của Mỹ. Nhìn chung, quỹ của họ đã trao tặng 5,2 triệu đô la từ năm 1999 đến 2014 cho các trường bán công. Khoảng 4,8 triệu đô la đã được chuyển đến một trường trung học bán công nhỏ mà họ thành lập, Học viện Hàng không miền Tây Michigan. (hàng không là một trong những niềm đam mê của Dick.) Người thụ hưởng lớn nhất tiếp theo của họ, New Urban Learning - một cơ sở mà đã dẹp bỏ trường bán công của họ sau khi các giáo viên bắt đầu lập công đoàn - nhận được 350.000 đô la.

Nhưng việc trao tặng của Quỹ từ thiện Gia đình DeVos cho thấy cặp vợ chồng ưu tiên rõ ràng nhất là dành cho các trường tư thục Kitô giáo. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với tạp chí Philanthropy, bà Betsy DeVos nói rằng trong khi trường bán công là “một lựa chọn rất hợp lệ,” thì họ đã “mất một thời gian để khởi sự và vận hành. Trong khi đó, có những trường ngoài công lập rất tốt, được treo bằng dây giày [ý nói ngân quỹ eo hẹp], có thể bắt đầu nhận học sinh ngay hôm nay.” Từ năm 1999 đến 2014, Quỹ từ thiện Gia đình Dick và Betsy DeVos đã trao 2,39 triệu đô la cho Hiệp hội trường trung học Kitô giáo thành phố Grand Rapids, 652.000 đô la cho Trường Kitô giáo Ada và 45.000 đô la cho các trường Kitô giáo Holland. Cộng lại, quỹ từ thiện của họ đã đóng góp  8,6 triệu đô la cho các trường  tư thục tôn giáo -  một sự phản ánh về sự cống hiến suốt đời của gia đình DeVos, để xây dựng vương quốc của Chúa thông qua giáo dục.

Hầu hết những người tôi gặp ở Holland  đều nói với tôi rằng sẽ khó để hiểu gia đình DeVos và Prince nếu không tìm hiểu về lịch sử của người Mỹ gốc Hà Lan ở miền tây Michigan. Vào giữa những năm 1800, một nhóm chủ yếu là nông dân nghèo được gọi là “Seceders” đã nổi dậy chống lại chính phủ Hà Lan khi họ cố gắng hiện đại hóa nhà thờ Calvinist, bao gồm cả việc thay đổi các tập sách bài hát  dùng trong việc thờ phượng và chấm dứt luật phân biệt đối xử đối với người Công giáo và người Do Thái. Năm 1846, một giáo sĩ Calvinist rất sùng đạo tên là A.C. van Raalte đã dẫn đầu hàng trăm người định cư từ Hà Lan đến Hoa Kỳ.

Mặc dù Seceders chỉ chiếm 2% dân số nước Hà Lan vào thời điểm đó, nhưng họ đã chiếm gần một nửa số người di cư của nước này đến Hoa Kỳ trước năm 1850. Những người đến lập nghiệp ở miền tây Michigan đã vượt qua nạn đói và bệnh tật để khai hoang vùng đất rừng rậm, đầm lầy và chịu đựng những mùa đông lạnh hơn và tuyết phủ sâu hơn so với quê hương Hà Lan của họ. Tại thành phố Holland, họ đã tái tạo ngôi làng Hà Lan của họ. Và giống như ở quê nhà, nhà thờ của họ về cơ bản là chính phủ của họ, ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt trong đời sống những người nông dân.

Mười một năm sau khi những người Seceders đầu tiên đến Holland, một phần ba cộng đồng gốc Hà Lan đã tách ra khỏi Giáo hội Cải cách Hoa kỳ và thành lập  Giáo hội Cải cách Kitô giáo. Điều thực sự củng cố sự chia rẽ này là những bất đồng về giáo dục, theo ông James D. Bratt, giáo sư danh dự tại Calvin College và là tác giả của Thuyết Calvin Hà Lan ở Hoa kỳ hiện đại. Các thành viên ở lại với Nhà thờ Cải cách Hoa kỳ đã hỗ trợ các trường công lập; các thành viên của Giáo hội Cải cách Kitô giáo tin rằng giáo dục chỉ là trách nhiệm của các gia đình - cụ thể không phải là chính phủ - và gửi con cái họ đến các trường tôn giáo. Nhiều thành viên nhà thờ trở thành đối thủ kiên quyết của các công đoàn mà vào thời điểm các đạo luật của thời kỳ New Deal [cuối đại khủng hoảng 1930s] đang bảo vệ quyền đình công và cho phép thương lượng tập thể, cái mà họ [phía nhà thờ] coi là sự xâm nhập của xã hội chủ nghĩa làm giảm uy quyền của nhà thờ và góp phần làm cho chính phủ lớn ra.

Cùng với việc mở trường Kitô giáo Holland, nhà thờ và các tín đồ đã thành lập trường đại học Calvin ở thành phố Grand Rapids kề bên. Bà Betsy DeVos, 59 tuổi, là một người tốt nghiệp từ cả hai và được nuôi dưỡng trong những năm 1960 và 1970 trong truyền thống Kitô giáo Cải cách. (Anh trai bà, ông Erik Prince, là người sáng lập Blackwater, nhà thầu quân đội tư nhân từng bị buộc tội đội giá và vi phạm nhân quyền trong Chiến tranh Iraq, và giờ đây anh ta làm cố vấn cho Trump về tình báo và quốc phòng, theo  The Intercept.) Trong những năm đó, thường có nghĩa là lớn lên trong một ngôi nhà cấm khiêu vũ, phim ảnh, uống rượu, làm việc vào Chủ nhật hoặc thậm chí tham gia lễ hội hoa tulip tháng Năm của thành phố. Việc ngăn cấm dạy thuyết tiến hoá của hệ thống Trường Kitô giáo Hà Lan đã tồn tại cho đến năm 1991, theo ông Larry ten Harmsel, tác giả cuốn sách Người Hà Lan ở Michigan.

Khi cuộc cách mạng văn hóa thập niên 1960 làm rung chuyển cả đất nước, nhiều thành viên của Giáo hội Cải cách Kitô giáo bao gồm cha mẹ Betsy DeVos, người sẽ trở thành một trong những cặp vợ chồng giàu nhất ở Michigan nhờ công ty phụ tùng ô tô của Edgar Prince, đã liên minh với phong trào truyền giáo. Gia đình Prince đã tiếp tục đóng góp cho một số nhóm tôn giáo cực hữu thế lực nhất của đất nước, như Hội đồng Nghiên cứu Gia đình. Betsy và Dick DeVos, hiện là thành viên của Nhà thờ Kinh thánh Mars Hill, một nhà thờ lớn nổi tiếng bên ngoài Grand Rapids, cuối cùng tập trung vào việc tài trợ cho các nhóm cải cách giáo dục và viện nghiên cứu ủng hộ cho phiếu chi trả trường học, đóng góp hàng trăm ngàn đô la cho các tổ chức tìm cách tư nhân hóa giáo dục và làm mờ đi sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Bao gồm các việc:

Viện nghiên cứu tôn giáo & tự do Acton: Bà Betsy DeVos từng phục vụ trong hội đồng của viện nghiên cứu có trụ sở tại Grand Rapids này, nơi chứng thực sự pha trộn giữa chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo và chủ nghĩa tư bản không kiềm chế. Nó được lãnh đạo bởi một linh mục Công giáo, Robert Sirico, người đã lập luận rằng các chương trình phúc lợi nên được thay thế bằng các tổ chức từ thiện tôn giáo. Trong một bài báo có tiêu đề “Các trường công lập của Hoa kỳ: Vấn nạn và Giải pháp,” một cựu thành viên ban cố vấn của Acton tên là Ronald Nash đã viết, “Không có tiến bộ thực sự nào trong việc cải thiện giáo dục Hoa kỳ có thể diễn ra khi mà là 90% trẻ em Hoa kỳ được dạy trong các trường chính phủ, nơi bỏ qua tín ngưỡng đạo đức và tôn giáo.” Vào tháng 11, Acton đã bị chỉ trích vì một bài tiểu luận trên trang web của mình với tiêu đề ban đầu là “Mang Lao động Trẻ em trở lại.” (Tiêu đề đã nhanh chóng được thay đổi.) Quỹ từ thiện Gia đình Dick và Betsy DeVos đã đóng góp 1,28 triệu đô la từ năm 2000 đến 2014, và Quỹ từ thiện Prince đã quyên góp ít nhất 550.000 đô la.

 Quỹ từ thiện cho Các giá trị Truyền thống: Được lãnh đạo bởi James Muffett, tổ chức này là nhánh giáo dục của tổ chức Công dân cho Các giá trị Truyền thống, một nhóm hành động chính trị có nhiệm vụ giữ gìn “ảnh hưởng của đức tin và gia đình như là nền tảng lớn của tự do Hoa kỳ thể hiện trong di sản Kitô-Do thái chúng ta”. Trên trang web dành riêng cho các cuộc hội thảo Muffett, một trang dành cho một bài giảng có tựa đề  “Chuyện vĩ đại nhất Không bao giờ kể” cho rằng, “Có một thời gian học sinh được dạy một sự thật về ảnh hưởng Kitô giáo trong nền tảng của chúng ta nhưng không còn nữa.” Quỹ Gia đình Dick và Betsy DeVos đã đóng góp $ 232.390 từ năm 1999 đến 2010.

• Tập trung vào Gia đình: Cả hai gia đình DeVos và Princes đều là những người ủng hộ chính của nhóm Tập trung vào Gia đình, được thành lập bởi nhà lãnh đạo truyền giáo có ảnh hưởng James Dobson. Trong một chương trình phát thanh năm 2002, ông Dobson đề nghị phụ huynh ở một số tiểu bang rút con ra khỏi các trường công lập, gọi chương trình giảng dạy là “vô thần và vô đạo đức” và cho rằng các giáo viên Kitô giáo cũng nên rời khỏi các trường công lập: “Tôi không thể ở trong một tổ chức ủng hộ kiểu vô nghĩa chống Kitô giáo đó.” Dobson cũng đã phân phát một tập các bài học lịch sử tuyên bố rằng “việc tách Kitô giáo ra khỏi chính phủ là gần như không thể và sẽ dẫn đến thiệt hại không thể tưởng tượng cho quốc gia và người dân.” Quỹ Gia đình Dick và Betsy DeVos đã trao $275,000 cho Tập trung vào Gia đình từ năm 1999 đến 2001 nhưng đã không được tặng thêm từ đó; nó đã trao thêm $30,760 cho các nhóm liên quan ở Michigan từ năm 1999 đến năm 2010. Quỹ Prince đã quyên tặng 5,2 triệu đô la cho Tập trung vào Gia đình và 275.000 đô la cho chi nhánh Michigan của nó từ năm 2001 đến 2013. (Nó cũng đã trao 6,2 triệu đô la cho Hội đồng Nghiên cứu Gia đình (FRC) do Dobson thành lập, một bộ phận trước đây của nhóm Tập trung vào Gia đình trở thành một tổ chức phi lợi nhuận độc lập vào năm 1992. FRC đã chiến đấu chống lại các chương trình hôn nhân đồng giới và chống bắt nạt - và được liệt kê là một “nhóm thù hận chống LGBT”  bởi Trung tâm Luật pháp Nghèo miền Nam.)

Ngoài ra, gia đình DeVos đã trao hàng triệu đô la cho Hiệp hội Willow Creek, một nhóm dành cho các nhà lãnh đạo nhà thờ, “mà nắm giữ một sự hiểu biết lịch sử, chính thống về Kitô giáo theo thánh kinh" tại hơn 90 quốc gia. WCA đã gây chú ý vào năm 2011 khi Giám đốc điều hành Starbucks Howard Schultz hủy bỏ sự xuất hiện tại một sự kiện do hiệp hội tài trợ sau khi một kiến ​​nghị của Change.org gọi đó là chống đồng tính (một tuyên bố bị WCA kịch liệt phủ nhận). Và cả gia đình DeVos và Prince đều là những nhà hảo tâm lớn của Viện Haggai, một tổ chức ở Atlanta đào tạo các chuyên gia ở nước ngoài để trở thành những nhà truyền giáo Kitô giáo ở nước họ bởi vì, như giám đốc của văn phòng Brazil đã giải thích với báo Christianity Today vào năm 2013, các chính phủ nước ngoài không quan tâm đến việc “cho phép người dân của họ tham gia khóa đào tạo lãnh đạo, trong khi họ sẽ không bao giờ cho phép người dân của họ tham gia một buổi hội thảo truyền giáo.”

Trong khi đó, gia tộc DeVos có lẽ nổi tiếng với hoạt động chính trị cứng rắn chống lại công đoàn lao động có tổ chức. Vào năm 2007, khi Dick DeVos vừa xong một cuộc tranh cử bất thành cho chức thống đốc bang Michigan, gia đình DeVos tập trung vào việc cổ suý và đóng góp của họ cho các dự luật về quyền-làm-việc gây tranh cãi vì nó đặt ra ngoài vòng pháp luật các hợp đồng yêu cầu tất cả nhân viên trong các nơi làm việc liên hiệp phải trả tiền cho các đại diện. Trở lại năm 2007, một đề xuất như vậy ở một bang có  công đoàn vững mạnh như Michigan được coi là một “ảo mộng cánh hữu,” nhưng nhờ tài trợ của gia đình DeVos và  thông tin từ bên trong - bà Betsy đã từng là chủ tịch đảng Cộng hòa tiểu bang - dự luật trở thành luật vào năm 2012 .

Luật quyền-làm-việc, hiện có trên các bộ luật ở 27 tiểu bang, đã là một đòn giáng mạnh vào phong trào lao động - bao gồm các công đoàn giáo viên, nhóm vận động hành lang mạnh nhất cho các trường công lập truyền thống và chống lại các trường bán công (mà những người giảng dạy thường không có công đoàn). Nhưng điều đó vẫn không khiến Betsy DeVos bớt cố gắng làm suy yếu thêm các công đoàn. Vào tháng 1 năm 2016, khi các nhà giáo dục ở Detroit yêu cầu kiểm toán pháp y về tài chính mờ ám của học khu và  phản đối việc các lớp học bị nấm mốc, gián, và chuột bọ, họ đã sử dụng những ngày nghỉ  bệnh để chứng minh luận điểm của họ - các nhân viên của khu vực công cộng Michigan vốn bị cấm đình công từ lâu. Một tháng sau, DeVos đã viết một bài xã luận trên Detroit News lập luận rằng các giáo viên không nên được phép dựng chuyện nghỉ bệnh.

Điều này đưa chúng ta trở lại với những lằn ranh lờ mờ giữa sự “lựa chọn trường học”, trường bán công và các phiếu chi trả cho trường học (voucher). Bà Betsy DeVos đã dành ít nhất hai thập niên để thúc đẩy các phiếu chi trả dùng tiền thuế của người dân tài trợ cho các trường tư thục  đưa vào chương trình nghị sự về giáo dục của Đảng Cộng hòa, nhờ một phần lớn vào Trung tâm Chính sách công Mackinac ở Michigan.

Vào giữa những năm 1990, lãnh đạo Mackinac đã đề xuất một chiến lược dài hạn về cách làm cho các chính sách phiếu chi trả không phổ biến trở nên dễ nuốt hơn cho dòng chính của Hoa kỳ. Phó chủ tịch cấp cao lúc bấy giờ của nó, ông  Joseph Overton, đã phát triển cái được gọi là Cửa sổ Overton, một lý thuyết về cách một chính sách mà ban đầu coi là cực đoan có thể được bình thường hóa thông qua sự thay đổi dần dần trong dư luận. Các chính sách giáo dục được đặt trên một dải băng liên tục từ tự do đến bảo thủ, với phía bên trái đại diện cho “sự truyền bá bắt buộc trong trường học chính phủ” và bên phải đại diện cho “trường học không thuộc chính phủ”.

Các trường bán công, sau đó, đã trở thành một con ngựa thành Troy cho những người ủng hộ phiếu chi trả: Một khi những người ủng hộ trường công đã quen với ý tưởng về trường bán công, các nhà hoạt động sẽ cố gắng thúc đẩy dư luận gần hơn với việc hỗ trợ sử dụng tín dụng thuế để trả cho các trường tư. Tại Michigan, Detroit là trung tâm của sự thúc đẩy trường bán công, bắt đầu khi Thống đốc John Engler ký thành luật công nhận trường bán công vào năm 1993. Ba năm sau đó, phóng viên Curt Guyette của báo Detroit Metro Times lúc đó cho biết Quỹ Prince, cũng như Quỹ được điều hành bởi cha mẹ của Dick DeVos, đã tài trợ cho một chiến dịch được dàn dựng cẩn thận để gắn nhãn cho các trường công lập ở Detroit là thất bại - thúc đẩy trường bán công và “sự lựa chọn giáo dục phổ quát” như là sự thay thế tốt hơn. Kể từ đó, Betsy DeVos đã viết về sự cần thiết phải “cho nghỉ hưu” và “thay thế” hệ thống trường công lập của Detroit và thúc đẩy mở rộng các trường bán công và phiếu chi trả.

Năm 2000, vợ chồng bà đã giúp thực hiện một dự luật đầu phiếu để chấp thuận trường bán công tại Michigan. Mặc dù cặp vợ chồng đã đổ hàng triệu đô la vào nỗ lực này, 69 phần trăm cử tri đã từ chối nó. Năm sau, Betsy DeVos tập trung vào một chiến lược mới: Thay vì kêu gọi trực tiếp các cử tri, bà đã tạo ra một ủy ban hành động chính trị (PAC) có tên là Dự án Giáo dục Đại hồ (GLEP, Great Lakes), để tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà lập pháp thúc đẩy các chính sách cải cách trường học. Đến năm 2002, uỷ ban GLEP có nhiều tiền hơn so với các công đoàn giáo viên lớn nhất của bang Michigan, Liên minh Công nhân Hoa Kỳ, hoặc bất kỳ PAC nào có liên quan đến đảng Dân chủ trong tiểu bang, theo báo Politico.

Michigan hiện đóng vai trò là một trong những ví dụ nổi bật nhất về các chính sách lựa chọn trường học theo phong cách DeVos đầy tính hiếu thắng, đặc biệt là khi nói đến việc mở rộng các trường bán công. Khoảng 80 phần trăm các trường bán công của tiểu bang được điều hành bởi các công ty vì lợi nhuận - một tỷ phần lớn hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trong đất nước - với sự giám sát ít ỏi của tiểu bang. Vào năm 2011, DeVos đã đấu tranh chống lại các định chế luật pháp vốn để ngăn chặn các trường bán công có hiệu suất thấp được phép mở rộng, và sau đó, bà cùng chồng tài trợ cho các nhà lập pháp nào phản đối đề xuất bổ sung việc giám sát đối với trường bán công tại Detroit.

Detroit, đặc biệt, cung cấp một câu chuyện cảnh báo về những gì xảy ra khi hệ tư tưởng của “sự lựa chọn trường học” định hướng thị trường đã chiến thắng sự tập trung vào kết quả của học sinh. Các trường học của thành phố, nơi 83% học sinh là người da đen và 74% là người nghèo, đã giảm dần kể từ khi các trường bán công bắt đầu sinh sôi nảy nở: Điểm kiểm tra ở trường công lập về toán và đọc trong các Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia vẫn là tồi tệ nhất so với các thành phố lớn khác kể từ năm 2009. Vào tháng 6, báo New York Times đã công bố một cuộc điều tra nghiêm trọng về khu học chánh của thành phố, nơi có tỷ lệ học sinh lớn thứ hai trong các trường bán công ở Mỹ (sau New Orleans). Phóng viên Kate Zernike kết luận rằng sự giám sát lỏng lẻo của tiểu bang và sự tăng trưởng được điều tiết một cách khiếm khuyết - bao gồm việc quá nhiều cơ quan được phép mở trường bán công mới - đã góp phần cho một hệ thống hỗn loạn được đánh dấu là “rất nhiều sự lựa chọn, với không có sự lựa chọn tốt nào.”

Một nghiên cứu năm 2015 từ Trung tâm Chính sách Giáo dục của trường Đại học Michigan State University cho thấy tỷ lệ cao các trường bán công cũng có tác động tàn phá đến tài chính của các khu học chánh nghèo ở Michigan như Detroit. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, theo luật tài chính và lựa chọn trường học của tiểu bang, các học khu khó có thể giữ cho các trường công lập truyền thống khỏi thâm hụt khi các trường bán công đạt đến 20% hoặc nhiều hơn tổng số học sinh ghi danh. Trong khi tài trợ công cho mỗi học sinh đi theo học sinh đến các trường bán công hoặc các học khu khác, các trường công lập truyền thống vẫn có chi phí cố định để trang trải, như chi phí xây dựng và lương giáo viên. Sự tăng trưởng trường bán công cũng làm tăng tỷ lệ học sinh có nhu cầu đặc biệt bị bỏ lại trong các trường công lập truyền thống, và chi phí thêm cho việc giáo dục những học sinh như vậy không được tiểu bang bồi hoàn đầy đủ.

Các trường bán công và lựa chọn trường hiện được chấp nhận bởi gần hai phần ba người Mỹ, nhưng gần 70 phần trăm vẫn phản đối việc sử dụng tài trợ công cho các trường tư. Tuy nhiên, với hầu hết các tiểu bang dưới sự lãnh đạo hoàn toàn của Đảng Cộng hòa, và những người ủng hộ trường bán công có tên tuổi như cựu Giám đốc Học khu Trường Công lập ở D.C. Michelle Rhee hiện đang hỗ trợ chu cấp ngân khoản công cho các trường tôn giáo, sân khấu đã bày ra cho cho một nỗ lực mới để nâng cả giới hạn trên của các tiểu bang về số lượng trường bán công (22 tiểu bang có một số loại giới hạn số lượng trường bán công) và mở rộng phiếu chi trả (14 tiểu bang và D.C. có các chương trình đang hoạt động).

Thật khó để nói có bao nhiêu người ủng hộ trường bán công sẽ hỗ trợ (hoặc đơn giản là không để ý) việc đưa phiếu chi trả cho các trường tư trong các chính sách lựa chọn, nhưng có một điều rõ ràng: Triển vọng thúc đẩy chính sách quyết liệt đối với “sự lựa chọn phổ quát”  - bao gồm cả việc chi cho các trường tôn giáo bằng tiền thuế của người dân - chưa bao giờ tốt hơn như hiện nay.

Betsy và Dick DeVos đã đóng góp hàng trăm ngàn đô la cho các tổ chức đang tìm cách tư nhân hóa giáo dục và làm mờ đi sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.

Vào ngày cuối cùng của tôi ở Holland, một giáo viên trường công lập đã nghỉ hưu tên là Cathy Boote đưa tôi tham quan thành phố mà bà ấy đã gọi là nhà trong 37 năm qua. Mặc một chiếc áo len màu đen và áo khoác màu trắng, Boote tự mô tả là một người Cộng hòa ôn hòa, người đã được nuôi dạy theo giáo phái bảo thủ Calvin và đi học các trường công lập trước khi dạy môn nghệ thuật ở một học khu gần đó. Trong gần bốn thập niên làm việc tại các trường công lập, bà đã chứng kiến sự suy giảm của ngành công nghiệp ô tô và sự sa sút của tầng lớp trung lưu ảnh hưởng đến những đứa trẻ nghèo và tầng lớp lao động mà bà dạy. “Khi cha mẹ phải làm việc nhiều giờ hơn và nhiều công việc hơn và được trả ít tiền hơn, ở nhà có nhiều căng thẳng hơn. Điều đó có nghĩa là ít thời gian hơn để đọc và làm bài tập về nhà, và dành nhiều thời gian hơn để xem TV và chơi trên mạng hơn là học tập.”


“Cha của bà Betsy, ông Edgar Prince, được coi là vị thánh bảo trợ của Holland,” bà Boote nói khi chiếc xe tải của chúng tôi lăn trên đoạn đường nhựa được sưởi nóng bởi một mạng lưới ống ngầm độc đáo lưu thông nước nóng bên dưới một khu vực nhỏ của trung tâm thành phố và làm tan những bông tuyết ngay khi nó chạm xuống. Chính ông Prince đã giúp đưa hệ thống sáng tạo này đến đây, gợi ý những con đường được sưởi nóng vào năm 1988 và đã chi ra hơn 250.000 đô la để trang trải gần một phần tư chi phí. Giống như Boote, hầu hết những người Holland mà tôi đã nói chuyện đều tin tưởng vào viễn kiến của  Prince cho việc chuyển đổi thành phố thành một địa điểm du lịch.

Sự pha trộn giữa sự nhạy bén trong kinh doanh và mong muốn bảo vệ “người dân của chúng ta,” của Prince đã đưa ông ta vào một đường đạn đạo để ông trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất ở Michigan. Năm 1965, ông rời công việc là kỹ sư trưởng tại Công ty Máy móc Buss sau khi các công nhân quyết định lập công đoàn. Ông đã mở công ty riêng của mình mà cuối cùng chuyên sản xuất phụ tùng ô tô và trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Holland. Khi Prince Corp được bán với giá 1,35 tỷ đô la vào năm 1997, hai năm sau khi ông qua đời, khoảng 4.500 nhân viên cũ đã nhận được 80 triệu đô la tiền thưởng. “Hầu hết mọi người ở đây cảm thấy rằng bạn xây dựng gia đình của riêng bạn. Bạn không cần một công đoàn để xây dựng một gia đình có sức cạnh tranh,” bà Boote giải thích, điều chỉnh kính của mình. “Bạn phải đối xử tốt với nhân viên của mình và họ không cần phải phàn nàn. Phàn nàn, phản đối, là xấu. Bạn làm việc chăm chỉ và bạn không phàn nàn.”

Chiếc xe tải của bà Boote leo rẽ vào khu vực người Mỹ Latin của thị trấn, với những ngôi nhà lớn kiểu Victoria, sân bãi và những cây cổ thụ. Hầu hết trẻ em trong khu phố này đến trường công. Trong hai thập niên kể từ khi lựa chọn trường học được thực hiện ở Michigan, số học sinh da trắng đăng ký vào các trường công lập Holland Holland đã giảm mạnh 60%, với một trường bán công gần đó trở thành điểm đến hàng đầu của họ, theo một cuộc điều tra của Tạp chí Bridge có trụ sở tại Ann Arbor. Học sinh Latino hiện là bộ mặt của hệ thống, và 70 phần trăm tất cả học sinh của trường đều nghèo, nhiều gấp đôi tỷ lệ nghèo của học khu khi bắt đầu có lựa chọn trường học. Tạp chí Bridge đã tìm thấy một mô hình tương tự trên khắp Michigan: Phụ huynh da trắng có xu hướng sử dụng hệ thống lựa chọn để đưa con cái họ đến các quận thậm chí còn trắng hơn, trong khi phụ huynh da đen bị thu hút vào các trường bán công bao gồm hầu hết các học sinh da màu. Trong khi đó, các trường Kitô giáo Hà Lan chủ yếu là người da trắng.

Chúng tôi rời khỏi trung tâm thành phố và đổ dọc theo hồ Macatawa khoảng ba dặm trước khi đậu xe ở phía trước một biệt thự khổng lồ nhìn như một lâu đài. Đây là ngôi nhà mùa hè của Betsy và Dick DeVos, một khu nhà ba tầng rộng 22.000  bộ vuông có tám máy rửa chén, 10 phòng tắm và 13 vòm hiên.

Khi chúng tôi nhìn vào ngôi nhà bằng đá ốp, Boote diễn tả về cách mà hầu hết mọi người ở đây - gia đình bà, gia đình Betsy DeVos - đã lớn lên và nghe nhắc về tổ tiên di dân Hà Lan kiêu hãnh của họ đã vượt qua nghèo đói thế nào. Bà DeVos sau đó tiếp tục theo học tại một trường tôn giáo tư nhân nhỏ, ưu tú, chủ yếu là da trắng và một trường đại học có tỷ lệ sắc dân tương tự. Rồi bà kết hôn vào một triều đại giàu có.

"'Nhìn chúng tôi đây. Chúa đã ban cho chúng tôi. Tôi có thể sửa cái này. Tất cả những gì bạn phải làm là giống như tôi.’ Bạn có thể hiểu cái cách bạn suy nghĩ như vậy, nếu bạn lớn lên ở đây,”  bà Boote nói sau đó, khi chúng tôi liếc nhìn lần cuối căn biệt thự qua cánh cổng sắt cao lớn của nó. “Nếu bạn đến từ một môi trường nhỏ,  khép kín, đặc quyền của Holland, rất có thể bạn sẽ có một thế giới quan rất hạn chế, bao gồm cả cách khắc phục nền giáo dục.”


Nguyên bản: 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét