Valerie Strauss, Washington Post
20/7/2020
Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt
Năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu chỉ trong vài tuần nữa đối với hàng triệu học sinh - và một số khu học chánh vẫn chưa cho biết rõ ràng về những gì sẽ xảy ra sau đó.
Với số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng - đôi khi theo cấp số nhân - ở nhiều tiểu bang, ngày càng nhiều học khu đã tuyên bố họ sẽ bắt đầu năm mới bằng việc học từ xa nhưng chuyển sang hướng dẫn trực tiếp khi (hoặc nếu?) đại dịch thuyên giảm.
Giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh đều có những lo ngại lớn lao về việc năm học sẽ diễn ra như thế nào và đây là tám nỗi bận tâm đang cướp đi giấc ngủ của một giáo viên ở California. Ông là Larry Ferlazzo, người dạy các môn tiếng Anh và Nghiên cứu Xã hội tại trường trung học Luther Burbank ở Sacramento.
Ông Ferlazzo đã viết hoặc hiệu đính 12 cuốn sách về giáo dục và sắp xuất bản cuốn thứ 13, viết blog tư vấn giáo viên cho Tuần Giáo dục của Giáo viên và có một blog chia sẻ tài nguyên phổ biến. Ông cũng đã viết các bài cho blog này trong nhiều năm qua, bao gồm một bài về cách giáo viên có thể giúp học sinh tự tạo động lực và bài này, một bài yêu thích của tôi, có tiêu đề: “Nóng tin (không phải tin nóng): Giáo viên yêu cầu học sinh chấm điểm cho mình. Một người viết: Tôi cho ông Ferlazzo một điểm A gây phiền nhiễu.”
Bài tiểu luận của Larry Ferlazzo
Với quyết định cho hầu hết các trường học ở California sẽ học từ xa toàn phần vào mùa thu, chúng tôi đã nhận được món quà của sự minh bạch.
Đồng thời, tôi đã bắt đầu làm việc từ sáng sớm với những suy nghĩ trong đầu về việc tất cả những thứ này sẽ hoạt động như thế nào, và những gì tôi phải tìm ra trong vài tuần tới.
Tôi đã có một kinh nghiệm khá tích cực với việc học từ xa đột ngột vào mùa xuân, với sự tham gia cao của lớp học, và, Katie Hull và tôi gần đây đã hoàn thành một chương về học từ xa trong cuốn sách sắp tới của chúng tôi - “Hướng dẫn sinh tồn của giáo viên dạy ESL/ELL” [ESL: Tiếng Anh như Ngôn ngữ thứ hai] - sắp được phát hành miễn phí.
Tôi biết rất nhiều giáo viên không có trải nghiệm tích cực vào mùa xuân, và không hẳn đã có thể dành thời gian như tôi để xử lý trải nghiệm thông qua viết lách.
Vì vậy, nếu tôi mất ngủ và lo lắng về khoá học mùa thu, tôi e rằng tôi không là ngoại lệ!
Dưới đây là tám điều lo lắng hàng đầu của tôi (không theo thứ tự quan trọng):
Tôi lo lắng về việc tôi sẽ nhanh chóng và hiệu quả như thế nào để có thể xây dựng mối quan hệ với học sinh. Như chúng ta đều biết, điều làm cho khoá học mùa xuân vừa rồi thực hiện [từ xa] được, thực tế là các giáo viên của chúng ta đã có mối quan hệ được xây dựng với tất cả học sinh của chúng ta. Năm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu. Như nhà nghiên cứu giáo dục Robert Marzano nói, mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh là một trong những biến được trích dẫn phổ biến nhất liên quan đến hướng dẫn hiệu quả.
Tôi lo lắng về việc tìm ra những gì tôi sẽ không thể dạy trong năm nay. Tôi sẽ có ít thời gian đứng lớp với học sinh và chúng nó sẽ có ít thời gian hơn để làm bài ở nhà - nhiều em sẽ phải chăm sóc em út và/hoặc làm việc gì đó hoặc ngoài chuyện sách đèn để giúp đỡ gia đình chúng. Thêm vào đó, trong tất cả các bài giảng của mình, tôi sẽ phải ưu tiên sự tham gia của học sinh hơn là một số điều mà tôi nghĩ có thể rất quan trọng nhưng có thể khó dạy một cách hấp dẫn - không phải mọi thứ đều vui vẻ. Rốt cuộc, việc có một chương trình giảng dạy “nghiêm túc" không phải là điều rất quan trọng nếu học sinh không đến lớp hoặc không coi trọng chuyện học. Cũng như vào mùa xuân, ngoài việc chăm sóc em út và công việc, thói ngủ nướng, chơi trò chơi điện tử, lướt mạng xã hội hay xem phim, sẽ là những đối thủ cạnh tranh của chúng tôi.
Tôi lo lắng về sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh. Năm đến mười phần trăm học sinh của tôi trong khoá mùa xuân có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và những em khác thì đau ốm về thể xác vì bị căng thẳng theo nhiều cách. Chuyện gì sẽ xảy ra khi lệnh hoãn việc siết nhà vì không trả tiền của California kết thúc vào tháng 9 và chúng ta nhận được sự gia tăng to lớn số lượng học sinh vô gia cư?
Tôi lo lắng về các văn phòng trung tâm của các học khu trên khắp đất nước, bao gồm cả học khu chúng tôi, không có cái nhìn thực tế về việc dạy học từ xa thực sự như thế nào và phát triển các kế hoạch không hữu ích cho học sinh, gia đình hoặc giáo viên của chúng tôi - và họ sẽ không đàm phán trong thiện chí về những điều đó với các đoàn thể địa phương. Những người giáo viên thực sự có giảng dạy từ xa phải là đối tác bình đẳng trong các kế hoạch đó. Một phân tích về các bài kiểm tra PISA quốc tế vào tháng trước đã phản ánh những gì cựu Thống đốc bang California Jerry Brown thường nói về nguyên tắc của “trao quyền cho cấp dưới" trong bối cảnh giáo dục. “Trao quyền cho cấp dưới" có nghĩa là những người gần gũi nhất với các vấn đề có khả năng đưa ra quyết định tốt nhất ảnh hưởng đến những vấn đề đó.
Tôi lo lắng về việc xử lý các công cụ công nghệ chính để thúc đẩy sự tham gia phát biểu [trong giờ học]. Tôi lo lắng về việc thiết lập - và những trục trặc có thể có - những phòng giải lao trên Zoom. Tôi lo lắng về việc không biết công cụ trực tuyến nào được học khu trả tiền (và khi nào tôi mới được biết) và rồi tôi sẽ phải tự trả lấy bao nhiêu cho những công cụ mà tôi nghĩ là quan trọng đối với việc giảng dạy của tôi.
Tôi lo lắng về sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi và sức khỏe tinh thần và thể chất của các đồng nghiệp của tôi. Tôi đã làm việc nhiều giờ hơn trong thời gian học từ xa đột ngột vào mùa xuân so với khi tôi làm việc bình thường tại trường học và đã phải dành quá nhiều giờ khom lưng trước màn hình máy tính. Và những lúc giảng dạy trực tuyến, tôi đã luôn cảm giác [căng thẳng] như đứng trước ống kính truyền hình! Vợ tôi thường xuyên bình luận về việc tôi đã mất quá nhiều năng lượng cho nó như cô ấy quan sát được. Hãy đối mặt với nó, nó không dễ để thấy sự nhiệt tình trên mạng như trong lớp học thực sự. Và tôi đã kiệt sức sau mỗi tiết học. Các mẫu tin nhắn và các cuộc gọi tới lui với các học sinh không bao giờ ngớt suốt cả ngày và đêm, và tôi biết tôi không phải là giáo viên duy nhất ở vị trí đó. Con cái của chúng tôi đã lớn, nhưng rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang phải tự dạy học ở nhà cho con cái họ cùng với việc họ đang dạy con cái mọi người khác. Tôi thật sự không biết họ phải làm sao! Tôi vẫn còn nhớ có một cuộc họp bằng video với một đồng nghiệp là một giáo viên xuất sắc và ở giữa chừng, một trong những đứa con nhỏ của cô ấy đã kéo cái vòi nước tưới cây vào trong nhà khi nước đang còn chảy. Tất cả những gì cô có thể làm là gục đầu vào tay mình (may mắn thay, chồng cô vừa về nhà và đã có thể ngăn chặn dòng nước lũ!).
Tôi lo lắng về việc, khi nào và làm thế nào quá trình chuyển đổi sang kiểu dạy học nửa từ xa và nửa tại lớp có thể xảy ra nếu tỷ lệ nhiễm coronavirus bắt đầu thuyên giảm ở tiểu bang của chúng tôi. Tôi sẽ chỉ có những lo ngại nhỏ nếu trong những trường hợp đó, tôi có thể dạy ngoài trời, với những ràng buộc về khẩu trang và giãn cách xã hội cho giáo viên và học sinh. Nhưng chỉ có một số hạn chế các khoảng không gian ngoài trời có thể sử dụng được, vì vậy nếu thời điểm đó đến, nhiều người trong chúng tôi sẽ ở bên trong phòng. Và một nguồn lo lắng khác lại đến riêng cho những người trong chúng tôi phải đứng lớp của các em học sinh lớn, vì các nghiên cứu cho thấy các em ở lứa tuổi đó cũng lây lan virus nhiều như người lớn.
Tôi lo lắng rằng các trường học ở khắp mọi nơi sẽ, như đã xảy ra khoá học mùa xuân, nhầm lẫn giữa “sự bình đẳng” (equality) và “sự công bằng" (equity). Chỉ khi chúng ta lưu tâm đến “sự công bằng,” chúng ta mới nhận ra rằng các nhóm sinh viên dễ bị tổn thương - như những người học tiếng Anh [không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ], những học sinh có nhu cầu đặc biệt và những em phải đối mặt với “khoảng cách về cơ hội” - sẽ cần được nhận thêm những hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng này. Đây không phải là lúc để đối xử với tất cả các sinh viên như nhau [theo kiểu “bình đẳng"].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét