Lời Người Mỹ Gốc Việt: Đây là một bản dịch bài lên tiếng chính thức của anh Lê Hoàng Nguyên (tiếp theo một bài dịch khác cho lời chia sẻ trước đó vài hôm của anh ta). Có lẽ bạn đã biết nhiều hơn tôi về sự việc này. Khi anh dựng tấm biển “Black Lives Matter - Ngừng kỳ thị chủng tộc - Stop racism" (tạm dịch: “Tôn trọng Những sinh mệnh Da đen - Ngừng kỳ thị chủng tộc." tại một khu thương xá Việt ở Houston Texas, anh đã phải nhận những sự tấn công thậm tệ từ những người “đồng bào" của mình. Những sự tấn công từ ngôn ngữ thô tục trong các còm trên live TV, đến kêu gọi tẩy chay cơ sở thương mại của anh, đến đe dọa cả treo cổ anh.
Tôi thật sự thất vọng. Tôi thật sự không hiểu.
Tôi không nghĩ mình cần chia sẻ nhiều hơn suy nghĩ riêng. Tôi chỉ mong bạn đọc và chia sẻ chính những lời của anh ta. Rất chân thành và rắn rỏi. Nếu bạn là người không ủng hộ anh ta, hoặc đã chống anh ta trong thời gian qua, tôi sẽ rất rất vui nếu bạn dành đôi phút nghe từ chính anh ấy.
Lời lên tiếng chính thức của Lê Hoàng Nguyên
Xin chào,
Đã mười hôm từ khi tôi dựng lên tấm biển “Black Lives Matter" để kêu gọi một sự công bằng giữa các sắc tộc và cho tất cả. Dù có tên gọi là “Tôn trọng Sinh mệnh Da đen”, nó chỉ là một phong trào, một phong trào để chấm dứt sự kỳ thị cho tất cả, chấm dứt sự bất công xã hội cho tất cả. Dù có đến cả triệu năm, tôi cũng không thể ngờ tôi có thể, như tôi đã, nhận một hăm dọa sát hại. Đã có lời kêu gọi công khai cho việc treo cổ tôi, “Treo cổ thằng Lê Hoàng Nguyên,” đến từ trong cộng đồng Việt của tôi, một cộng đồng mà tôi yêu thương, một cộng đồng mà tôi hãnh diện phục vụ và giúp tạo dựng, và giúp tạo cảm hứng cho thế hệ tương lai của những người lãnh đạo trẻ. Và đã có những kêu gọi tẩy chay cơ sở thương mại của tôi, “Tẩy chay thằng Lê Hoàng Nguyên." Bạn biết không, bạn có thể cố gắng cứng cỏi, nhưng bạn cũng chỉ là con người, và khi toàn bộ cuộc đời của bạn, 50 năm, mà bạn đã làm lụng vất vả để gầy dựng, để chia sẻ, đã bị - theo một cách phi lý và không công bằng - đánh giá, kết tội, và dọa tử hình, bằng treo cổ. “Treo cổ thằng Lê Hoàng Nguyên.” trong một phiên tòa của công luận, nó làm tổn thương. Nó đã làm tổn thương.
Vâng, sáng nay lúc 11 giờ, tôi có dịp để đến phòng thu của một đài truyền hình tiếng Việt địa phương, với mạng phát thanh và mạng Internet, căn bản để chia sẻ với cộng đồng Việt tại sao tôi làm điều tôi đã làm. Tại đó, tôi đã đọc bản lên tiếng chính thức của tôi và tôi đã ghi hình lại lúc tôi đọc bản nhận định được truyền hình trực tiếp bằng điện thoại di động. Và bây giờ tôi muốn được chia sẻ cùng các bạn. Và nó coi như là sự lên tiếng chính thức của tôi.
Chúc tất cả có một ngày tuyệt vời. Cảm ơn rất nhiều các bạn xem hay nghe. Vô cùng cảm kích các tình cảm và sự ủng hộ. Xin cảm ơn tất cả.
Bản nhận định đọc tại buổi phỏng vấn của Đài truyền hình địa phương:
Quý vị biết là tiếng Việt Nguyên rất là dở, hồi đó Nguyên học được tới lớp hai thôi là Nguyên phải bỏ nước Nguyên đi vượt biên, nên cho phép Nguyên chêm vô tiếng Anh. Vì quý vị hiểu cho Nguyên, Nguyên sợ nói tiếng Việt vì nó dễ mà nó cũng khó. Là vì khi Nguyên dùng một chữ gì hay nói từ gì sai thì có thể hiểu lầm với nhau. Vậy trước hết, cho Nguyên đọc cái nhận định của Nguyên. Xin cảm ơn quý vị.
oOo
Tôi tên Lê Hoàng Nguyên. Tôi tự hào là một người Mỹ gốc Việt. Tôi từng trải nghiệm sự kỳ thị chủng tộc trong nhiều năm, và nhất là khi chứng kiến những bất công xã hội gần đây tại Hoa kỳ, tôi đã dùng tiền của mình để dựng một tấm biển chia sẻ thông điệp của phong trào “Tôn trọng Các sinh mệnh Da đen" (Black Lives Matter). Tôi đã không nhận tài trợ từ bên ngoài. Ý kiến được biểu lộ là 100% của chính tôi.
Nó không phải là một thông điệp chính trị. Nó không ủng hộ bất cứ một tổ chức cụ thể nào. Nó ủng hộ ý kiến đơn giản của phong trào Black Lives Matter nhằm chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc và bất công cho tất cả mọi người.
Nó không có nghĩa các sinh mệnh không đáng tôn trọng. Tôi tin rằng mọi sinh mệnh đều đáng tôn trọng. Nhưng, nếu chúng ta không tranh đấu cho những sinh mệnh của những kẻ tầm thường nhất, làm sao chúng ta có thể nói mọi sinh mệnh đều đáng tôn trọng?
Tôi đã nghe nhiều phàn nàn về thông điệp này: Một số nhắc đến các vụ bạo loạn và hôi của, những việc làm mà tôi cũng không tán thành. Nhưng số lượng người biểu tình ôn hoà vượt xa số người gây rối.
Một số chỉ ra các tội ác phạm bởi người Mỹ gốc Phi gây ra cho người Mỹ gốc Việt. Tôi thông cảm với các nạn nhân. Nhưng không phải mọi người Mỹ gốc Phi đều là tội phạm.
Lại có những người nhắc rằng người Mỹ gốc Việt cũng là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc. Tôi hiểu và đồng ý. Tôi từng lớn lên trong sự chửi rủa. Tôi từng làm những công việc mà tôi bị giới hạn bởi màu da của mình. Đó là lý do tôi ủng hộ chấm dứt kỳ thị sắc tộc và bất công. Chỉ có vậy!
Cuối cùng, một số quý vị tranh biện rằng đây là miền đất của cơ hội và tất cả những gì bạn cần làm là làm việc chăm chỉ. Đó là sự thật, Hoa kỳ là một đất nước vĩ đại và tôi sẽ vĩnh viễn mang ơn xứ sở này. Tôi đến đây khi 9 tuổi không có cha mẹ và làm lụng vất vả để xây dựng một cuộc sống tuyệt vời. Tôi rất may mắn có một gia đình đẹp đẽ. Tuy nhiên, tôi không lớn lên với những người bỏ chạy khi nhìn thấy tôi. Tôi đã không phải lo sợ cho sinh mệnh mình mỗi khi tôi nhìn thấy cảnh sát. Tôi chưa hề bị mắng là tôi vô giá trị bởi những kẻ khác màu da. Tôi biết cuộc đời của tôi sẽ rất khó tạo lập hơn nhiều nếu tôi bị như vậy. Tôi là ai để phán xét những thử thách triền miên mà những kẻ khác đang đối diện?
Khi tôi dựng tấm biển lên, tôi có ba mục đích:
Để biểu lộ sự ủng hộ công khai cho việc chấm dứt tất cả kỳ thị sắc tộc và bất công.
Để gây cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo tương lai. Để lên tiếng và khởi đầu các cuộc thảo luận khó khăn về kỳ thị chủng tộc và bất công.
Nay khi đã hãnh diện đạt những mục đích trên, tôi quyết định sẽ dựng một tấm bản mới để vinh danh những Nhân viên cấp cứu Tuyến đầu. Tấm biển mới sẽ được dựng lên trong một tương lai gần.
Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ một câu danh ngôn tôi rất yêu thích của ông Alfred Adler: “Thông cảm là nhìn với đôi mắt của người khác, lắng nghe với đôi mắt của người khác, và cảm xúc với trái tim của người khác.”
Dẫu bạn có thể không đồng ý với cái nhận định này của Alfred, nó không có nghĩa là chúng ta không thể tôn trọng nhau.
Kính chào,
Lê Hoàng Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét