22 tháng 7 2020

Mỹ có một Bộ Nội vụ


David Graham, The Atlantic

21/07/2020


Tổng thống Trump đang ráp nối lại một thứ mà Hoa Kỳ chưa từng có trước giờ - một lực lượng cảnh sát quốc gia, được sử dụng để dập tắt các cuộc biểu tình.

Trong nhiều thập niên, các nhà hoạt động và các nhà lãnh đạo bảo thủ đã cảnh báo rằng “những tên côn đồ mang giày lính” từ chính phủ liên bang sẽ đến để cướp đi quyền dân sự của người Mỹ mà không có thủ tục tố tụng và không có sự truy cứu. Bây giờ bọn họ hiện hữu ở đây, nhưng họ đã được triển khai bởi một tổng thống cánh hữu cứng rắn với sự hỗ trợ bảo thủ mạnh mẽ.

Ở Portland, Oregon, các đặc vụ liên bang trong quân phục đã tuần tra đường phố nhiều ngày qua giữa bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra nhằm phản đối sự tàn bạo của cảnh sát. Các lực lượng này, tuyển dụng bởi được Bộ An ninh Nội địa, đã bắt người đi khỏi các con đường trong thành phố, từ chối nhận diện chính họ, và giam giữ người dân mà không cần buộc tội. Bề ngoài, họ có mặt để bảo vệ các tòa nhà liên bang khỏi người biểu tình. Trên thực tế, họ dường như đang hành động theo một nhiệm vụ rộng lớn hơn nhiều, hoặc để đàn áp các cuộc biểu tình hoặc (nói một cách cay độc hơn) để kích động sự đối đầu, thay mặt cho một Nhà Trắng  nghiêng ngả đang nhìn đó như một lợi ích tranh cử.

Các quan chức liên bang đã khẳng định các lực lượng này là cần thiết để ngăn chặn tình trạng vô chính phủ (từ của Tổng thống Trump). Nhưng các quan chức địa phương, bao gồm cả thị trưởng Portland và Thống đốc Kate Brown, đã chỉ trích sự hiện diện của chúng và yêu cầu, một cách vô ích để chúng rút đi, vì họ cho rằng chúng đang gây ra nhiều rắc rối hơn là chúng giúp ngăn chặn. (Như báo chí địa phương lưu ý, ý kiến cho rằng thành phố bị tàn phá bởi sự hỗn loạn là vô lý, cho dù đã có một số vụ phá hoại.)

Việc triển khai của Bộ An ninh Quốc nội (DHS) tới Portland theo sau cuộc đàn áp bị quân đội hóa đối với những người biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Lafayette ở Washington D.C. vào tháng 6, và nó dường như là một sự thử nghiệm cho việc triển khai rộng hơn. Nói chuyện với các phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm thứ Hai, Trump nói rằng Portland chỉ là bước đầu tiên trong một hoạt động đã được hoạch định.

Ông nói, “New York và Chicago và Philadelphia, Detroit, và Baltimore và tất cả những khu vực này - và cả Oakland - chỉ là một mớ hỗn độn, chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra ở đất nước này, tất cả đều điều hành bởi đảng Dân chủ phóng túng. Chúng tôi sẽ có nhiều cơ quan thực thi pháp luật liên bang, mà tôi có thể nói với bạn.”

Dẫu đáng buồn khi chuyện lực lượng thực thi pháp luật vi phạm các quyền dân sự không phải là mới, Trump dường như đang cố gắng làm một điều gì đó mới lạ ở đất nước này: thiết lập một lực lượng như các bộ nội vụ ở các nước khác. Hoa Kỳ có Bộ Nội vụ, nhưng nó không giống như hầu hết các cơ quan có tên đó trên khắp thế giới. Tại Mỹ, bộ này giám sát các đơn vị như Dịch vụ Công viên Quốc gia, Cục Các vấn đề Người da đỏ và cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Nhưng ở nhiều quốc gia, vai trò của một bộ nội vụ rộng lớn và quyền lực hơn nhiều: Vai trò của nó là giám sát tình hình nội địa của đất nước.

Một công cụ phổ biến cho một bộ nội vụ là một lực lượng cảnh sát quốc gia. Đó có thể là một công cụ nguy hiểm vì một lực lượng cảnh sát quốc gia có vũ trang trong tay chính quyền trung ương có xu hướng bị lạm dụng. Một chế độ hà khắc đang gặp nguy hiểm, hay đơn giản là đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình mà nó thấy rắc rối, có thể sử dụng cảnh sát quốc gia để trấn áp, biến lực lượng này thành một cơ quan bảo vệ những người cai trị, thay vì bảo vệ luật pháp. Ngay cả ở các nước dân chủ hơn, một lực lượng cảnh sát quốc gia có thể là một mối đe dọa. Tại Tây Ban Nha, vào đầu thời kỳ hậu Franco [tên một tổng thống độc tài từng cai trị  Ban Nha giai đoạn 1939-1975], cơ quan An ninh Dân sự là một điểm nóng của chủ nghĩa bất lương phát xít. 

Hoa Kỳ chưa bao giờ có một lực lượng cảnh sát quốc gia như thế này, vì những lý do bắt nguồn từ thuở lập quốc. Trong khi chính phủ liên bang đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ khi độc lập, chủ nghĩa liên bang ăn sâu trong hệ thống của Hoa kỳ đã luôn ngăn cản một lực lượng cảnh sát quốc gia. (Ngay cả cảnh sát tiểu bang cũng ra đời rất chậm.) Những Người sáng lập đã cảnh giác việc thành lập bất kỳ lực lượng vũ trang thường trực nào dưới sự kiểm soát của chính phủ liên bang, thậm chí cảnh báo chống lại một đội quân thường trực.

“Một lực lượng quân sự thường trực với một nền hành pháp phát triển quá mức sẽ không bao giờ là bạn đồng hành an toàn cho tự do,” ông James James Madison nói với Hội nghị lập hiến. “Những phương tiện phòng thủ chống lại nguy hiểm từ nước ngoài luôn là công cụ của sự chuyên chế ở trong nước.”

Hẳn nhiên đôi khi chính phủ liên bang đã sử dụng lực lượng của mình chống lại người dân. Theo Đạo luật Khởi nghĩa 1807 và các sửa đổi sau đó, tổng thống có thể, trong một số trường hợp, có thể triển khai Quân đội bên trong Hoa Kỳ. Năm 1932, quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Tướng Douglas MacArthur đã giải tán Quân đội Phụ trội, một đội ngũ hàng ngàn cựu chiến binh nghèo khổ của Đệ nhất Thế chiến đã cắm trại trên khuôn viên của Tòa nhà Quốc hội. Năm 1957, sau khi Thống đốc bang Arkansas Orval Faubus từ chối hợp nhất Trường trung học Little Rock và huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tiểu bang bao vây trường, Tổng thống Dwight Eisenhower đã gửi  đoàn dù 101 của Lục quân Hoa Kỳ  để dọn đường cho học sinh da đen. Faubus và quân Vệ binh phải nhượng bộ.

Trước những lo ngại sâu sắc của người Mỹ về sự chuyên chế, đem Quân đội vào [thành phố] là rủi ro chính trị, và vì vậy, nó hiếm khi được thực hiện - và rồi thường là theo yêu cầu của chính quyền địa phương (như sau các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992) hoặc để bảo vệ các quyền dân sự (như ở Little Rock). Sự phản đối mạnh mẽ của các thống đốc là một lý do khiến Trump lùi bước trước mối đe dọa hồi tháng 6 để viện dẫn Đạo luật Khởi nghĩa để đáp trả các cuộc biểu tình chống cảnh sát. Sự hiện diện của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trong vụ bê bối ở Quảng trường Lafayette đã mang đến một sự lên án từ các quan chức quân đội đã nghỉ hưu, bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu Chủ tịch Mike Mullen. Tướng Milley cuối cùng nói rằng ông đã sai lầm: “Sự hiện diện của tôi trong thời điểm đó và trong môi trường đó đã tạo ra một nhận thức về quân đội liên quan đến chính trị trong nước.”

Vì không thể triển khai từ chính nội bộ quân đội hoặc có được một lực lượng cảnh sát quốc gia thực sự, các cơ quan khác đã được dùng đến để thực hiện một số chức năng tương tự. Cục Điều tra Liên bang FBI  tiến hành điều tra tội phạm, canh chừng khủng bố  và tiến hành phản gián, trong số các vai trò khác. Sở Mật vụ điều tra tội phạm tài chính. Hệ thống Cảnh sát Liên bang (U.S. Marshall) phục vụ các tòa án. Cục quản lý Rượu, Thuốc lá, và Vũ khí (ATF) kiểm soát việc lạm dụng rượu, thuốc lá, và súng, cũng như chất nổ và hỏa hoạn. Lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên phòng (CBP) bảo vệ biên giới; lực lượng Cưỡng chế Hải quan và Nhập cư (ICE) kiểm soát việc nhập cư ngay bên trong đất nước.

Trong khi một số cơ quan này, đặc biệt là FBI, thường lạm dụng quyền lực của họ, không ai có quyền hạn rộng như một lực lượng cảnh sát quốc gia. Họ cũng bị phân tán khắp các bộ phận nội các, khuếch tán sức mạnh của họ. FBI, Cảnh sát Liên bang và ATF đều là một phần của Bộ Tư pháp, trong khi CBP và ICE là một phần của Bộ An ninh Nội địa. Sở Mật vụ cũng vậy, nhưng nó từng là một phần của Kho bạc. Ông Garrett Graff lưu ý rằng có tổng cộng 80 cơ quan thực thi pháp luật liên bang, trải khắp trong nhánh hành pháp.

Các đặc vụ trên đường phố Portland được cắt cử từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, Cơ quan An ninh Giao thông, Cảnh sát Tuần duyên, và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan. Trong số các lực lượng được triển khai tại Washington vào tháng trước, khi Trump tự tạo rào chắn ngắn ngủi trong Nhà Trắng, có các sĩ quan từ Cục Nhà tù Liên bang. Khi tổng thống tăng cường an ninh xung quanh các bức tượng, để đối phó với sự phá hoại và phá hủy các di tích, các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa đã được giao nhiệm vụ đó.

Không có nhiệm vụ nào trong số này có liên quan nhiều đến các nhiệm vụ đã nêu của các cơ quan hoặc bộ phận này - Các sĩ quan Cảnh sát Tuần duyên, thường không được đào tạo để kiểm soát bạo loạn - và đây là “an ninh nội địa", theo nghĩa chung nhất. Lý do những nhân viên đặc vụ này là những người đang được triển khai chỉ đơn giản là họ là những người có sẵn. Vì không có lực lượng cảnh sát liên bang, chính quyền chỉ đơn giản là kéo theo bất kỳ nhân viên thực thi pháp luật liên bang nào mà họ có quyền tái bố trí.

Đây là một cách nghiệp dư để kết hợp một lực lượng cảnh sát quốc gia, đặc trưng của tính độc đoán ngẫu hứng của chính quyền Trump. Nhưng có một điều trớ trêu lịch sử kỳ lạ rằng một tổng thống Cộng hòa trên thực tế lại là người tạo ra một bộ nội vụ.

Trong khi đảng Cộng hòa thường tự nhận mình là người hết lòng vì luật pháp và trật tự và bảo vệ cảnh sát, thì trong phong trào bảo thủ còn có một làn sóng phản đối chống lại sự phát triển của thực thi pháp luật liên bang. Điều này trở nên đặc biệt mạnh mẽ sau các cuộc bao vây gây chết chóc của  liên bang tại Ruby Ridge, Idaho, năm 1992 và Waco, Texas, vào năm 1993. Riêng ATF đã bị ghét cay ghét đắng. Trong một lá thư gây quỹ khét tiếng năm 1995, Giám đốc điều hành Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) Wayne LaPierre đã cảnh báo về “những tên côn đồ mang giày quân đội" từ chính phủ liên bang thu giữ súng theo Lệnh cấm Vũ khí Tấn công:

Cách đây không lâu, không thể tưởng tượng được các đặc vụ liên bang đội mũ nồi bảo hiểm kiểu Đức Quốc xã và mặc quân phục đen đúa gớm ghiếc để tấn công các công dân tuân thủ luật pháp... Trong chính quyền của Bill Clinton, nếu bạn có huy hiệu, bạn sẽ được chính phủ cho toàn quyền quấy rối, hăm dọa, thậm chí sát hại những người công dân tuân thủ pháp luật.

Vậy mà vào hôm thứ Năm, khi các báo cáo xuất hiện từ Portland về các đặc vụ liên bang với trang bị hùng hậu đã tấn công các công dân tuân thủ luật pháp, NRA tuyên bố họ tán thành ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, ca ngợi ông vì đã “đứng lên vì quyền tự do hiến pháp mà các thành viên của chúng tôi tin tưởng.”

Sự im lặng của nhiều người bảo thủ cao cấp (với một số ngoại lệ) khi đối mặt với nỗ lực của Trump, nhằm tạo ra một lực lượng cảnh sát quốc gia để đè bẹp bất đồng chính kiến ​​có liên quan nhiều đến các chi tiết cụ thể. Đối tượng của cuộc đàn áp chính phủ không phải là người da trắng, chủ sở hữu súng ở vùng nông thôn, như tại Ruby Ridge, mà là một liên minh đa chủng tộc của cư dân đô thị, những người có xu hướng nghiêng về tự do, và đang phản đối bạo lực cảnh sát chống lại người da màu. (NRA đã im lặng một cách rõ rệt khi cảnh sát vi phạm quyền sở hữu  súng của người da đen.)

Các động thái của chính quyền Trump ở Portland khác với những nỗ lực kiểm soát trong nước trước đây theo những cách quan trọng mà nó nhấn mạnh dự án nguy hiểm đang được thực hiện. Chính phủ liên bang không bảo vệ các quyền dân sự, như trong vụ án Little Rock; trên thực tế, nó nhằm trừng phạt những người biểu tình đang đòi hỏi sự bảo vệ dân quyền tốt hơn. Nó cũng không hành động theo yêu cầu của chính quyền địa phương; như chúng ta đã thấy, chính quyền tiểu bang và địa phương đã kêu gọi chính phủ liên bang rút lui. Chad Wolf, người đứng đầu DHS trong cuộc đàn áp, cũng chỉ chịu trách nhiệm trước tổng thống: Trump, người yêu thích tránh né những ràng buộc của Hiến pháp về  việc chuẩn thuận của Thượng viện cho một số  chức vụ, thường chọn cách dùng các lãnh đạo cơ quan ở tình trạng lâm thời (acting) để họ  phụ thuộc vào ông ta và cũng dễ uốn nắn.

Theo chính trị truyền thống, lời hứa của Trump về việc thực thi pháp luật liên bang rộng lớn là đáng ngại. Sự giải toả bằng bạo lực ở Quảng trường Lafayette là một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, gây ra sự lên án rộng rãi, tạo ra sự chia rẽ trong đội ngũ lãnh đạo của ông và làm giảm sự chấp thuận của công chúng đối với việc xử lý bạo loạn và chủng tộc. Ngay cả trong bối cảnh của chiến lược căn bản kỳ quặc của Trump, thật khó để việc gửi các đặc vụ liên bang vào các thành phố của Mỹ để thực hiện các vụ bắt giữ đáng ngờ có thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm trong các thăm dò về tranh cử của chính ông.

Điều đó đưa các nhà phê bình đến những diễn giải ảm đạm hơn, cho rằng Trump đang cố gắng kìm hãm sự phản kháng trước cuộc bầu cử, cản trở việc bỏ phiếu hoặc chuẩn bị để phản đối kết quả nếu ông thua cuộc. Dù động cơ của ông ta là gì, những tiền lệ mà ông tạo ra có khả năng tạo ra một hệ luỵ: những người kế nhiệm ông nay đã có một bản thiết kế cho việc thành lập một lực lượng cảnh sát  liên bang chờ nghe lệnh tổng thống.


Nguồn: https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2020/07/americas-interior-ministry/614389/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét