22 tháng 8 2020

Facebook chuẩn bị cho tình huống Trump đưa ra nghi ngờ về kết quả bầu cử

Tổng thống Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Yuma, Arizona. Ông đã đặt vấn đề về tính hợp pháp của hệ thống bỏ phiếu bằng thư. (Ảnh: Doug Mills / The New York Times)


Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang tìm ra những bước cần thực hiện nếu Tổng thống Trump sử dụng trang mạng của họ để tranh chấp cuộc bầu cử.


Mike IsaacSheera Frenkel, New York Times

Ngày 21 tháng 8 năm 2020

Người dịch: Người Mỹ Gốc Việt


SAN FRANCISCO - Facebook đã dành nhiều năm để chuẩn bị ngăn chặn mọi hành vi quấy nhiễu trên trang web của mình trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Hiện mạng xã hội đã sẵn sàng trong trường hợp Tổng thống Trump can thiệp khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Những người hiểu biết về kế hoạch của Facebook cho biết, các nhân viên tại công ty ở Thung lũng Silicon đang đặt ra các kế hoạch dự phòng và xem xét các tình huống sau khi bầu cử.

Facebook đang chuẩn bị các bước để thực hiện nếu ông Trump tuyên bố sai trên trang mạng của họ rằng ông đã giành được một nhiệm kỳ bốn năm nữa, nhiều người cho biết với điều kiện giấu tên. Facebook cũng đang nghiên cứu các khả năng hành động nếu ông Trump cố gắng làm mất hiệu lực kết quả bầu cử bằng cách tuyên bố rằng Bưu điện đã mất các phiếu bầu qua thư hoặc các nhóm khác đã can thiệp vào cuộc bỏ phiếu, những người này cho biết.

Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook và một số cộng sự của anh ta đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp hàng ngày về việc giảm thiểu cách sử dụng nền tảng này để tranh chấp bầu cử, những người này cho biết. Họ đã thảo luận về một "công tắc" để  có thể tắt quảng cáo chính trị sau Ngày bầu cử vì những quảng cáo mà Facebook không kiểm soát về tính trung thực, có thể được sử dụng để truyền bá tin giả, những người này cho biết.

Các công tác chuẩn bị nhấn mạnh mức độ lo ngại gia tăng về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tháng 11 đã đến với các công ty mạng xã hội, có các trang mạng có thể bị sử dụng để khuếch đại lời nói dối, thuyết âm mưu và thông điệp phản cảm. YouTube và Twitter cũng đã thảo luận về các kế hoạch hành động nếu giai đoạn sau bầu cử trở nên phức tạp, theo các nhà nghiên cứu chính trị và tin giả đã tư vấn cho các công ty.

Các công ty công nghệ đã dành vài năm qua để tránh lặp lại cuộc bầu cử năm 2016, khi các đặc vụ Nga sử dụng Facebook, Twitter và YouTube để kích động cử tri Mỹ bằng những thông điệp gây chia rẽ. Trong khi các công ty kể từ đó đã kiềm chế sự can thiệp của nước ngoài, họ đang tính đến sự gia tăng can thiệp trong nước, chẳng hạn như từ nhóm thuyết âm mưu cánh hữu QAnon và chính ông Trump.

Trong những tuần gần đây, ông Trump, người sử dụng mạng xã hội như một cái loa khủng, đã tăng cường bình luận  về cuộc bầu cử. Ông đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc bỏ phiếu bằng thư, cho rằng các lá phiếu gửi qua thư của mọi người sẽ không được tính và tránh trả lời câu hỏi liệu ông có trao quyền nếu thất cử hay không.

Alex Stamos, giám đốc tổ chức Đài quan sát Mạng Internet của Đại học Stanford và là cựu giám đốc điều hành của Facebook, cho biết Facebook, Twitter và YouTube phải đối mặt với một tình huống đặc biệt là họ “có khả năng phải đối xử với tổng thống như một kẻ chơi tệ”, người có thể phá hoại quá trình dân chủ.

“Chúng ta không có kinh nghiệm về vấn đề đó ở Hoa Kỳ,” ông Stamos nói thêm.

Facebook có thể rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn vì Zuckerberg đã nói rằng mạng xã hội này là bảo vệ tự do ngôn luận. Không như Twitter, nơi đã gắn nhãn các bài đăng của ông Trump là không chính xác về dữ kiện và ca ngợi bạo lực, Facebook nói rằng các bài đăng của các chính trị gia là đáng coi là tin tức và công chúng có quyền xem chúng. Thực hiện bất kỳ hành động nào đối với các bài đăng của ông Trump hoặc chiến dịch của ông sau bầu cử có thể khiến Facebook bị cáo buộc là kiểm duyệt và thiên vị chống bảo thủ.

Trước cuộc bầu cử năm 2018, Facebook đã thiết lập một "phòng chiến sự" tại trụ sở chính của mình để xử lý sự can thiệp của nước ngoài và các mối đe dọa khác. (Ảnh: Jason Henry / The New York Times)

Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times vào tháng này, Zuckerberg nói về cuộc bầu cử rằng mọi người nên "sẵn sàng cho thực tế là có khả năng cao là phải mất vài ngày hoặc vài tuần để kiểm phiếu - và không có gì sai hoặc không hợp pháp về điều đó.”

Một phát ngôn viên của Facebook từ chối bình luận về chiến lược hậu bầu cử của họ. Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch cho một loạt các kịch bản để đảm bảo rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới.”

Judd Deere, một phát ngôn viên của Nhà Trắng, cho biết, “Tổng thống Trump sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo an ninh và tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta.”

Google, công ty sở hữu YouTube, xác nhận rằng họ đang tổ chức các cuộc thảo luận về chiến lược hậu bầu cử nhưng từ chối cho biết chi tiết. Jessica Herrera-Flanigan, Phó chủ tịch chính sách công của Twitter, cho biết công ty đang phát triển các chính sách của mình để “xác định, hiểu rõ hơn và giảm thiểu các mối đe dọa đối với các thảo luận công cộng, cả trước hoặc sau một cuộc bầu cử”.

Facebook thoạt đầu chỉ tập trung vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử - khoảng thời gian mà vào năm 2016, hầu hết các vụ can thiệp của Nga đều diễn ra trên trang của mình. Công ty đã vạch ra gần 80 kịch bản, nhiều kịch bản trong số đó đã xem xét những gì có thể xảy ra với nền tảng của mình trước khi người Mỹ bỏ phiếu, những người có kiến ​​thức về các cuộc thảo luận cho biết.

Một nhân viên cho biết, Facebook đã kiểm tra xem họ sẽ làm gì nếu các tin tặc được hỗ trợ bởi một quốc gia tiết lộ các tài liệu trên mạng trực tuyến, hoặc nếu một quốc gia phát động một chiến dịch tin giả rộng rãi vào phút cuối để ngăn cản người Mỹ đi bỏ phiếu.

Để tăng cường nỗ lực, Facebook đã mời những người trong chính phủ, các tổ chức  nghiên cứu và giới hàn lâm cùng tham dự và thực hiện các diễn tập xoay quanh các tình huống bầu cử giả định.

Graham Brookie, giám đốc Phòng nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, người có tham dự, cho biết: Một ý tưởng nảy ra trong một lần diễn tập - rằng Facebook gắn nhãn những bài đăng từ phương tiện truyền thông nhà nước để người dùng biết họ đang đọc nội dung do chính phủ tài trợ.

Ông nói: “Chúng ta có thể thấy rằng các quyết định chính sách của họ đang chịu ảnh hưởng bởi các cuộc diễn tập này.

Nhưng Facebook ít quyết định hơn trong các vấn đề khác. Nếu một bài đăng gợi ý rằng việc bỏ phiếu bằng thư bị hỏng hoặc khuyến khích mọi người gửi nhiều bản sao của phiếu bầu qua thư của họ, công ty sẽ không xóa các mẫu tin đó nếu chúng được trình bày như là một gợi ý hoặc một câu hỏi, một người đã khuyên công ty cho biết. Theo quy định của Facebook, nó chỉ gỡ bỏ các bài đăng liên quan đến bầu cử nếu những tuyên bố mà rõ ràng chứa thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.

Trong những tháng gần đây, Facebook chuyển sang lập kế hoạch hậu bầu cử. Hai nhân viên của Facebook cho biết sự thay đổi đó đã tăng tốc trong tháng này khi ông Trump nói nhiều hơn về vấn đề này.

Vào ngày 3 tháng 8, ông Trump đã đặt câu hỏi về việc liệu cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở Khu vực Quốc hội thứ 12 của New York có nên được tổ chức lại hay không vì việc kiểm phiếu gửi qua thư bị trì hoãn kéo dài.

Ông nói, “Tôi đoán rằng không ai biết chuyện gì đang xảy ra với những lá phiếu và những lá phiếu bị mất và những lá phiếu gian lận.”

Ngày hôm sau, ông Trump mở rộng cuộc tấn công của mình, tuyên bố sai trái rằng việc bầu phiếu qua thư dẫn đến nhiều hành vi gian lận cử tri trên toàn quốc. Ông nói, “Các lá phiếu qua thư rất nguy hiểm cho đất nước này vì những kẻ gian lận. Họ đi thu thập chúng. Họ lừa đảo trong nhiều trường hợp.”

Bình luận của ông Trump đã gây lo lắng cho các nhân viên Facebook đang làm việc bảo vệ trang mạng của mình trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Một nhân viên đã xem các tin nhắn trên các kênh trò chuyện nội bộ của nhóm cho biết nhiều người tự hỏi liệu ông Trump có tung ra nhiều cuộc tấn công hơn nữa chống lại việc bỏ phiếu bằng thư hay không. Một số lại hỏi liệu tổng thống có vi phạm các quy tắc của Facebook về việc tước quyền cử tri hay không.

Các câu hỏi về các vấn đề hậu bầu cử cuối cùng đã được gửi đến các giám đốc

điều hành hàng đầu của Facebook, bao gồm Mark Zuckerberg, trái và Joel Kaplan, phải.

(Ảnh: Samuel Corum / Getty)


Nhân viên này cho biết những câu hỏi đó cuối cùng đã được gửi đến ông Zuckerberg, cũng như các giám đốc điều hành hàng đầu bao gồm Joel Kaplan, người đứng đầu toàn cầu về chính sách công của công ty.

Trong một cuộc họp nhân viên sau đó trong tuần, Zuckerberg nói với các nhân viên rằng nếu các nhân vật chính trị hoặc nhà bình luận cố gắng tuyên bố sớm về chiến thắng trong một cuộc bầu cử, Facebook sẽ cân nhắc gắn nhãn vào các bài đăng của họ  để giải thích rằng kết quả chưa phải là chung cuộc. Về ông Trump, Zuckerberg cho biết công ty đang "ở trong lãnh thổ không có tiền l khi tổng thống nói một số điều mà tôi thấy khá phiền phức." Cuộc họp đã được BuzzFeed News đưa tin trước đó.

Kể từ đó, các giám đốc điều hành đã thảo luận về cái "công tắc" cho quảng cáo chính trị, theo hai nhân viên, sẽ tắt quảng cáo chính trị sau ngày 3 tháng 11 nếu kết quả bầu cử không rõ ràng ngay lập tức hoặc nếu ông Trump phản đối kết quả.

Các cuộc thảo luận vẫn diễn ra trôi chảy và không rõ liệu Facebook có tuân theo kế hoạch hay không, ba người thân cận với cuộc đàm phán cho biết.

Trong một cuộc gọi với các phóng viên vào tháng này, các giám đốc điều hành của Facebook cho biết họ đã xóa hơn 110.000 mẩu nội dung từ tháng 3 đến tháng 7 vi phạm các chính sách liên quan đến bầu cử của công ty. Họ cũng nói rằng có rất nhiều điều về cuộc bầu cử mà họ không biết./.



Nguyên bản tiếng Anh:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét