18 tháng 12 2020

Biden phải đương đầu với Trung Quốc về nhân quyền

Cảnh sát xịt hơi cay ở Hồng Kông, Trung Quốc, tháng 8 năm 2019 (Ảnh: Thomas Peter / Reuters)

Hoa Kỳ quá thường xuyên tìm ra lý do để không hành động

Sophie Richardson, Foreign Affairs

27/11/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

Đề cập nhân quyền trong các cuộc họp với các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc. Lên tiếng công khai và rõ ràng về các vụ lạm dụng thay vì chỉ nói với các nhà ngoại giao sau cánh cửa đóng kín. Đặt quyền lợi của 1,4 tỷ dân Trung Quốc vào chương trình nghị sự trong tất cả các tương tác chính với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, cho dù các quyền này liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu hay bất kỳ điều gì khác.

Đó là những lời khẩn nài của Tổ chức Giám sát Nhân quyền HRW đến các chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua. Nếu Hoa Kỳ tuân thủ những điều đó trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì Hoa Kỳ ít ra đã thực hiện mức tối thiểu để thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc. Ngày nay những đòi hỏi đó là không đủ một cách buồn cười. Khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị lên nắm quyền ở Washington, chính phủ Trung Quốc đang tấn công một cách có hệ thống các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, bao gồm giam giữ tùy tiện một triệu người Duy Ngô Nhĩ và làm ảnh hưởng đến văn hóa Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Chính quyền Trung Quốc đã tấn công các nhà hoạt động và luật sư, thực hiện giám sát của nhà nước ở khắp nơi, và phá hủy hy vọng về dân chủ ở Hồng Kông.

Chính quyền Biden sẽ không thể đứng nhìn và không thể coi các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc chỉ là một vấn đề chính sách đối ngoại. Thay vào đó, chính quyền mới cần đưa các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc vào chương trình nghị sự chính sách đối ngoại và đối nội của họ, bởi vì những vi phạm như vậy đe dọa người dân không chỉ ở Trung Quốc, nơi các chiến dịch đàn áp đang được tiến hành, mà còn ở Hoa Kỳ, nơi các công ty, trường đại học và cộng đồng người nước ngoài dễ bị ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các chuẩn mực nhân quyền mà Trung Quốc phá hoại hiện nay mang tính toàn cầu, và hậu quả của sự suy yếu của chúng cũng sẽ mang tính toàn cầu.

 

SẮP ĐẶT SỰ ƯU TIÊN CHO ĐÚNG ĐẮN

Các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ đã cố gắng can dự với Bắc Kinh về nhân quyền. Họ đã kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân chính trị, đề nghị cho tị nạn những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc và cố gắng mở các cuộc thảo luận giữa các quan chức Trung Quốc và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự về luật nhân quyền và cải cách luật pháp. Nhưng nhiệm vụ này đã tỏ ra chỉ nửa vời, có lẽ vì Hoa Kỳ có xu hướng đặt nhân quyền ở mức độ ưu tiên tương đối thấp, và những nỗ lực không nhất quán của họ hầu như không theo kịp sự lạm dụng của Bắc Kinh.

Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thẳng thắn về bản chất lạm dụng sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và họ đã đi xa hơn khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ, cơ quan và công ty Trung Quốc được cho là đã có các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Những người ủng hộ nhân quyền đã hoan nghênh những động thái này nhưng lo ngại rằng các câu hỏi về động cơ của chính quyền đã làm suy yếu thông điệp của chính họ. Xét cho cùng, chính quyền Trump đã làm suy giảm một cách rộng rãi cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân quyền ở trong và ngoài nước thông qua các chính sách nhập cư vô nhân đạo và việc thả lỏng các luật và chuẩn mực nhân quyền. Hơn nữa, những lời khen ngợi xa hoa của Trump dành cho Chủ tịch Tập và sự đâm thọc mang xu hướng bài ngoại của ông (việc ông khăng khăng gọi coronavirus là “vi rút Trung Quốc” chỉ là một ví dụ) khó lòng cho thấy sự quan tâm căn bản đến nhân quyền của Trung Quốc.

Hoa Kỳ từ lâu đã nhường chỗ các mối quan tâm về nhân quyền cho các mong muốn giành được sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề khác. Trong nhiều thập niên, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế, cho rằng nếu Trung Quốc mở cửa tự do hóa thương mại và kinh tế, các biện pháp bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ hơn sẽ theo sau. Điều đó đã không xảy ra — thay vào đó, các vụ vi phạm nhân quyền đã gia tăng.

Hoa Kỳ bây giờ phải tự trở thành người đối thoại đáng tin cậy với chính phủ Trung Quốc về nhân quyền. Để làm được như vậy, chính quyền Biden sẽ cần thể hiện cam kết bảo vệ các quyền đó cả trong nước và toàn cầu. Nó cũng sẽ cần phải có lập trường nguyên tắc và nhất quán đối với các hành vi lạm dụng của chính phủ Trung Quốc - một lập trường không ưu tiên các chuyện đạt thỏa thuận các thương lượng cao hơn chuyện giải quyết các tình huống cấp bách và tồi tệ.


TỚI LÚC ĐỂ THAY ĐỔI

Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ đáng báo động trong việc làm xói mòn các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập, bao gồm cả việc quy định các quốc gia phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ. Liên Hiệp Quốc đã trở thành một sân khấu quan trọng cho những nỗ lực đó. Tại đó, chính phủ Trung Quốc đã sách nhiễu các chuyên gia nhân quyền và tìm cách loại trừ các nhóm xã hội dân sự độc lập khỏi các thủ tục tố tụng. Bắc Kinh đã bắt nạt các chính phủ khác để ép họ ủng hộ các chương trình nghị sự phản nhân quyền của mình và thậm chí đã lôi kéo các chính phủ khác vào các tuyên bố của mình mà không cần tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Năm mươi chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi một cuộc tranh luận khẩn cấp, một phiên họp đặc biệt và một báo cáo viên đặc biệt  được bổ nhiệm để điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Chính quyền Biden nên hỗ trợ nhu cầu đó. Washington cũng nên giúp các nạn nhân của các chính sách đàn áp của Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thu thập và lưu giữ bằng chứng về những vi phạm mà họ đã phải  hứng chịu để gửi khiếu nại, theo các điều ước được phép như Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc. Các quan chức Trung Quốc biết rằng chính phủ mà họ phục vụ sẽ không bắt họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng, nhưng họ rất nhạy cảm với những lời chỉ trích quốc tế - đủ để phản ứng lại với cường độ đặc biệt. Ví dụ, Bắc Kinh đã tổ chức các chuyến thăm dàn dựng kiểu Potemkin cho hàng trăm nhà ngoại giao, nhà báo và nhân vật tôn giáo để che đậy các hành vi vi phạm nhân quyền và hỗ trợ các chính sách của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Các vi phạm ở phạm vi và quy mô ở Tân Cương mang đến viễn cảnh bị quốc tế giám sát và chịu trách nhiệm pháp lý mà các quan chức có trách nhiệm của Trung Quốc phải lo sợ.

Các chuẩn mực nhân quyền mà Trung Quốc phá hoại mang tính toàn cầu, và hậu quả cũng sẽ là toàn cầu.

Hoa Kỳ dưới thời Biden sẽ cần phải dẫn đầu một liên minh các nền dân chủ có cùng chí hướng nếu muốn đảo ngược chương trình nghị sự phản nhân quyền của Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia này nên đưa ra các ứng cử viên cho các văn phòng chính của tổ chức, tham gia vào các cơ quan có ảnh hưởng của tổ chức và nhấn mạnh rằng các nhóm xã hội dân sự độc lập - đặc biệt là những nhóm chỉ trích chính phủ Trung Quốc - được chào đón tại Liên Hiệp Quốc.

Nhưng sự phối hợp như vậy không nên chỉ giới hạn ở Liên Hiệp Quốc. Nhiều công cụ tốt nhất dành cho các chính phủ dân chủ để áp đặt hậu quả đối với những kẻ vi phạm nhân quyền sẽ hiệu quả nhất nếu nhiều quốc gia áp dụng chúng cùng một lúc: chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt nhắm vào thủ phạm: Mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh đã áp đặt luật “an ninh quốc gia” hà khắc đối với Hồng Kông. Một số chính phủ — bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, Vương quốc Anh và New Zealand — đã đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của họ với Hồng Kông để đáp lại. Sự phối hợp hơn nữa về bản chất này có thể thuyết phục các quan chức Trung Quốc thay đổi hướng đi.

Chính quyền Biden nên tìm cách khôi phục mối quan hệ của Washington với  mảnh vụn của xã hội dân sự độc lập trên khắp Trung Quốc — bao gồm các nhà hoạt động, học giả, luật sư và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính phủ của ông Tập đã làm tắt tiếng, bỏ tù hoặc tống ra nước ngoài nhiều người, chẳng hạn như Cai Xia và Nathan Law, những người đã cổ súy cho các quan điểm khác biệt hoặc đã chỉ trích các nhà cầm quyền. Những người này đã phải hy sinh rất nhiều để buộc Bắc Kinh tôn trọng các cam kết về nhân quyền của mình — một mục tiêu mà Hoa Kỳ nói rằng họ chia sẻ.


CÔNG VIỆC NỘI BỘ

Chính quyền Biden nên coi sự thù địch của chính phủ Trung Quốc đối với nhân quyền không chỉ là ưu tiên của chính sách đối ngoại mà còn là ưu tiên đối nội. Công dân Trung Quốc, bao gồm cả thành viên của các cộng đồng thiểu số, đang học tập hoặc làm việc tại các trường đại học ở Hoa Kỳ đã báo cáo rằng Bắc Kinh tìm cách kiểm soát họ bằng cách theo dõi các cuộc thảo luận trong lớp học và đe dọa các thành viên gia đình của họ, cùng các phương thức khác. Khi những người bị ảnh hưởng đưa mối quan tâm của họ đến cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ hoặc các cơ quan khác, họ ít tìm thấy sự hiểu biết. Và không có chính quyền nào của Hoa Kỳ thực hiện đầy đủ công việc ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc vi phạm hoặc tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm quyền.

Chính quyền mới nên xem xét việc tạo ra một vị trí siêu đại sứ để thu hẹp khoảng cách giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nơi hiện có hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc với các cơ quan khác trong nước. Chẳng hạn, quan chức mới này có thể trợ giúp các cơ quan thực thi pháp luật và các viện giáo dục, đồng thời phản ứng với các vi phạm nhân quyền xuất phát từ Bắc Kinh, trong khi đảm bảo rằng những quan ngại trong nước này là một phần trong bản tóm tắt của cơ sở về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Quan chức này cũng có thể làm việc để chống lại sự phân biệt chủng tộc mà lời hùng biện của Tổng thống Trump đã khuyến khích chống lại những người gốc Trung Quốc, và nhấn mạnh rằng một chính quyền Hoa Kỳ tôn trọng nhân quyền sẽ bảo vệ - chứ không phải quỷ hoá - cộng đồng này.

Các vi phạm nhân quyền bên trong Trung Quốc gây ra hậu quả toàn cầu: nếu không có gì khác làm rõ điều đó, thì ít ra cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rõ nó sẽ làm tồi tệ hơn như bởi sự kiểm duyệt ban đầu của chính phủ Trung Quốc. Chính phủ Tập đe dọa nhân quyền trên toàn cầu thậm chí nhiều hơn so với cách đây 4 năm. Chính quyền Biden có một nhiệm vụ to lớn trước mắt, nhưng họ nên bắt đầu bằng cách ưu tiên nhân quyền trong chính sách Trung Quốc, khôi phục các liên minh và củng cố các thể chế nhân quyền. Bằng cách đi đầu trong vấn đề quan trọng này, Hoa Kỳ có thể mang lại một số hỗ trợ cho những người trên thế giới hiện đang đấu tranh vì nhân quyền của họ./.


Nguyên bản tiếng Anh:

Biden Must Stand Up to China on Human Rights


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét