Lãnh đạo Đa số Thượng viện hiện tại Mitch McConnell (bên trái) và Cố Lãnh đạo Đa số Thượng viện Robert A. Taft. |
Bài phân tích của Ronald Brownstein, CNN
1/12/2020
Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt
Sự im lặng của các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong quốc hội khi những tuyên bố vô căn cứ của Tổng thống Donald Trump về gian lận bầu cử ngày càng trở nên hoang dại hơn và độc hại hơn giống như sự nhân nhượng của đảng từng có với Thượng nghị sĩ Joe McCarthy trong thời kỳ quá độ tồi tệ nhất trong cuộc thánh chiến chống Cộng của ông vào đầu những năm 1950.
Trong thời đại của ông nghị McCarthy, hầu hết các nhà lãnh đạo Cộng hoà đều tìm lý do để tránh thách thức các thuyết âm mưu mà họ biết là không đáng tin, ngay cả khi bằng chứng về thiệt hại do nó gây ra đối với quốc gia ngày càng tăng. Trong nhiều năm, bất chấp những nghi ngờ riêng tư của họ về các cáo buộc và phương pháp của ông ấy, các lãnh đạo Cộng hoà hàng đầu - đặc biệt là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Robert A. Taft, một Mitch McConnell vào thời đó - hoặc thụ động tiếp tay hoặc tích cực ủng hộ các tuyên bố phiến diện của McCarthy về tội phản quốc và sự xâm nhập của Cộng sản. Một bộ phận đáng kể của đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã không tham gia với đảng Dân chủ để kiềm chế quyền lực của McCarthy cho đến khi ông nghị này tự thiêu huỷ vì những cáo buộc của ông, trong các phiên điều trần năm 1953 và 1954 được công bố rộng rãi, rằng Lục quân đã bị chọc thủng bởi những kẻ Cộng sản ngay trong nhiệm kỳ tổng thống của người đồng đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower.
Theo nhiều khía cạnh, phản ứng của các nghị viên Cộng hòa đối với Trump song song với phản ứng của đảng đối với McCarthy. Bất kể mối bận tâm riêng tư của họ về hành vi hoặc giá trị của Trump là gì, đại đa số các nghị viên Cộng hòa đã ủng hộ Trump kể từ khi ông nhậm chức năm 2017 ở hầu hết các vụ việc, gạt sang một bên lo ngại về mọi thứ, từ ngôn ngữ phân biệt chủng tộc công khai đến nỗ lực tống tiền chính phủ Ukraine để hòng bôi bẩn ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden.
Khuôn mẫu nhân nhượng đó đã tiếp tục kể từ cuộc bầu cử khi Trump đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng ông ấy thua chỉ vì gian lận cử tri to lớn; khi một loạt các tòa án tiểu bang và liên bang đã bác bỏ những tuyên bố đó vì thiếu bất kỳ bằng chứng hỗ trợ nào, Trump chỉ nâng cao thêm các cáo buộc của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào Chủ nhật, Trump đã mở rộng tuyên bố của mình khi cho rằng cả cơ quan FBI và Bộ Tư pháp là một phần trong âm mưu đánh bại ông ta; sau nhiều tuần tấn công Ngoại trưởng Cộng hòa của Georgia vì đã không lật ngược kết quả bầu cử của tiểu bang cho mình, tuần này Trump đã mở rộng chỉ trích đối với thống đốc Cộng hòa bảo thủ kiên định của tiểu bang, ông Brian Kemp. Hôm thứ Hai, Trump đã có thêm một mục tiêu mới trong Đảng Cộng hòa khi ông tung một loạt các cuộc tấn công chống lại Thống đốc bang Arizona Doug Ducey sau khi bang này chứng nhận chiến thắng của Biden ở đó.
Thông qua tất cả, khi các cáo buộc của Trump ngày càng trở nên cẩu thả và cay độc hơn, Lãnh đạo Đa số Thượng viện McConnell, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lập pháp Cộng hoà hàng đầu khác trong cả hai viện - chưa kể đến một đa số đông đảo các thống đốc Đảng Cộng hòa - đã không đưa ra một chút phản kháng nào.
Chiến lược gia bảo thủ và nhà phê bình Trump, Bill Kristol nói về sự im lặng của đảng về những cáo buộc gian lận vô căn cứ của Tổng thống: "Đối với tôi, nó như là con chó không biết sủa. Điều này giống như thể chúng ta đã có các phiên điều trần của Lục quân với McCarthy và mọi người chỉ im lặng. Không ai truy xét bất cứ điều gì."
Phải mất nhiều năm đảng Cộng hoà mới có thể tháo xiềng khỏi McCarthy, và thậm chí sự phân ly đó chỉ xảy ra sau khi một nhân vật đáng gờm như Eisenhower, một Tổng thống đương nhiệm và anh hùng dân tộc, đã khuyến khích chuyện đó một cách riêng tư.
Như Kristol lưu ý, với việc McConnell và các nhà lãnh đạo Cộng hòa khác hoàn toàn nhân nhượng Trump - và việc nhiều người trong đảng Cộng hoà thở phào nhẹ nhõm trước thành tích cạnh tranh đáng ngạc nhiên của đảng trong các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện - không rõ một sức phản kháng quan trọng đối với ông ta có thể hình thành từ đâu, bất chấp các cuộc tấn công ngày càng công khai của ông vào các trụ cột cơ bản của nền dân chủ Mỹ.
Kristol dự đoán: "Vượt qua McCarthy dễ dàng hơn là vượt qua Trump."
Có chăng là các đảng viên Cộng hòa tại quốc hội ngày nay đầu hàng trước những tuyên bố gây sốt của Trump thậm chí còn tệ hơn so với những người tiền nhiệm của họ từng làm với McCarthy. Trong khi Taft luôn ủng hộ McCarthy trước công chúng, một thiểu số Cộng hòa phản kháng đã đối đầu với ông ta theo những cách mà ngày nay hầu hết đều phù hợp với những người Cộng hòa không phải do dân bầu, những người tự nhận là "không bao giờ Trump" (nguyên văn: “never Trumpers").
Sự ra đời của chủ nghĩa McCarthy
McCarthy lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện từ Wisconsin vào năm 1946, một phần trong sự gia tăng của đảng Cộng hòa vào năm đó được thúc đẩy bởi sự bất bình với việc chuyển đổi trở lại nền kinh tế thời bình sau Thế chiến thứ hai. Kể từ cuộc vận động tranh cử đầu tiên đó, ông thường xuyên làm nhụt chí bất kỳ lực lượng nào cản đường ông - từ các tờ báo tự do của bang Wisconsin cho đến các đảng viên Đảng Dân chủ được đề cử chống lại ông - như là những kẻ đồng tình hoặc đồng minh hoàn toàn với Cộng sản.
The Life and Times of Joe McCarthy |
"Sự xâm nhập của Cộng sản là một vấn đề sống còn ở Mỹ," ông nhấn mạnh trong một lần phát biểu trên đài phát thanh trong cuộc đua đó, theo cuốn tiểu sử toàn diện năm 1982 của Thomas C. Reeves, "Cuộc đời và Thời đại của Joe McCarthy" ("The Life and Times of Joe McCarthy").
Những cáo buộc này không làm cho McCarthy trở thành duy nhất vào thời điểm đó. Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu ở châu u và Trung Quốc rơi vào tay các lực lượng Cộng sản của Mao Trạch Đông, một loạt đảng viên Cộng hòa và đảng viên Dân chủ bảo thủ đã lên tiếng cảnh báo về sự xâm nhập của Cộng sản thông qua một loạt các tổ chức của Mỹ; Các cuộc điều trần năm 1947 của Ủy ban Hoạt động Phản Hoa Kỳ tại Hạ viện đã dẫn đến danh sách đen của ngành điện ảnh về những người Cộng sản hoặc thực sự hoặc bị nghi ngờ ở Hollywood.
McCarthy đã tự thúc đẩy mình để đứng đầu cuộc diễu hành này bằng một bài phát biểu ở Wheeling, West Virginia, vào ngày 9 tháng 2 năm 1950, trong đó ông tuyên bố ông nắm giữ danh sách 205 "thành viên tích cực của Đảng Cộng sản" trong Bộ Ngoại giao. Ở những điểm khác, ông đã thay đổi số người bị cáo buộc là Cộng sản thành 57 người, nhưng bài phát biểu đã đặt ra khuôn mẫu cho bốn năm quyền lực đầy khốc liệt tiếp theo của ông: các cáo buộc dàn trải và biến hóa, sự triển khai ngay lập tức các cáo buộc mới bất cứ lúc nào có một cáo buộc bị bác bỏ và liên tục cáo buộc rằng những người chỉ trích ông đã đẩy mạnh các mục tiêu Cộng sản (cố ý hoặc không cố ý).
Trong ảnh hồ sơ ngày 9 tháng 6 năm 1954 này, Joseph McCarthy làm chứng chống lại Lục quân Hoa Kỳ trong các phiên điều trần Army-McCarthy ở Washington. |
Ở nhiều khía cạnh, phong cách hùng biện của McCarthy đã định hình trước cho Trump. Giống như Trump ngày nay, McCarthy liên tục cố gắng kích động sự bất bình đối với giới tinh hoa được cho là mềm yếu và không Hoa Kỳ, những người mà ông gọi là "những thanh niên sáng sủa được sinh ra với những chiếc thìa bạc trong miệng." Cũng giống như Trump đã nhiều lần khuyến khích bạo lực từ những người ủng hộ ông, McCarthy tự cho mình là sự thay thế "nam tính" cho những người chỉ trích ông. Ông thường tuyên bố, "Chủ nghĩa McCarthy là chủ nghĩa Hoa Kỳ với ống tay áo được xắn lên."
McCarthy, giống như Trump, chỉ đích danh các phóng viên để tấn công họ trong các bài phát biểu của mình. Và, giống như Trump ngày nay, McCarthy nhấn mạnh rằng chỉ những người ủng hộ ông mới đại diện cho "người Mỹ thực sự." (Roy Cohn, luật sư hoang dại từng là trợ lý trưởng Thượng viện của McCarthy và là cố vấn pháp lý cho Trump nhiều thập niên sau đó, đã cung cấp mối liên kết sống động giữa hai người đàn ông.)
Mị dân (Demagogue) |
Nhiều đảng viên Cộng hòa ngay từ đầu đã nhận ra sự vô trách nhiệm trước những cáo buộc không ngừng nghỉ của McCarthy. Thượng nghị sĩ Taft, lãnh đạo Cộng hoà lâu năm tại Thượng viện, con trai của cựu tổng thống William Howard Taft và là một nhân vật được tôn kính trong đảng đến mức ông được gọi là "Ông Cộng hòa", đã bày tỏ sự nghi ngờ về McCarthy ngay từ đầu. Như tác giả Larry Tye kể lại trong cuốn “Mị dân” ("Demagogue"), cuốn sách năm 2020 của ông về McCarthy, sau bài phát biểu của McCarthy ở Wheeling, Taft gọi McCarthy là "hoàn toàn thiếu thận trọng" và phàn nàn rằng ông đã "đưa ra những cáo buộc không thể chứng minh" và "có thể khiến chúng ta xấu hổ trước khi có thể vượt qua."
Nhưng trước công chúng, Taft hầu như luôn bênh vực và động viên McCarthy. Mặc dù sau đó ông đã phủ nhận điều đó, hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng ngay từ đầu ông đã nói với McCarthy rằng "hãy tiếp tục nói chuyện và nếu có một vụ không thành công thì ông ta nên tiếp tục với một vụ khác." Khi Tổng thống Harry Truman chỉ trích những cáo buộc mở rộng của McCarthy trong một bài phát biểu trước American Legion, Taft gọi Truman là "kẻ cuồng loạn."
Gần như ngay từ đầu, một nhóm lớn hơn các nghị viên Cộng hòa đã chống lại những cáo buộc ngông cuồng của McCarthy hơn là nhóm đã chống lại Trump tại bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ tổng thống của ông (và chắc chắn kể từ cuộc bầu cử năm 2020). Vào ngày 1 tháng 6 năm 1950, Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ đầu Margaret Chase Smith của bang Maine, trong một tuyên bố có sự tham gia của khoảng nửa tá đồng nghiệp Cộng hòa khác, đã lên sàn Thượng viện để tố cáo không chỉ McCarthy mà cả những người khác trong đảng hy vọng sẽ đi "đến chiến thắng thông qua sự khai thác chính trị ích kỷ của sự sợ hãi, cố chấp, ngu dốt và không khoan dung."
Ngay cả tạp chí Time, một trụ cột truyền thông của liên minh chống Cộng, vào mùa thu năm 1951 đã đưa ông nghị này lên trang bìa với tiêu đề “Kẻ mị dân McCarthy," theo Reeves.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Cộng hoà vẫn kiên định đứng sau McCarthy trong những năm đầu tiên của trận cuồng nộ của ông ta. Trong một cuộc điều tra mở rộng của Thượng viện về những cáo buộc ban đầu của ông ở Wheeling chống lại Bộ Ngoại giao, Reeves đã viết, "Đảng Cộng hòa tập hợp lại sau McCarthy mặc dù hầu hết đều hiểu rằng những cáo buộc của ông là gian lận."
Dù họ có nghi ngờ gì về tuyên bố của ông ta, Taft và các nhà lãnh đạo Cộng hòa khác kết luận rằng Chủ nghĩa McCarthy là một người chiến thắng chính trị cho đảng, một niềm tin được củng cố bởi sự thắng lợi của Cộng hoà ở cả Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1950, và một thắng lợi xa hơn đã giúp đảng giành quyền kiểm soát cả hai viện lập pháp trong trận thắng lở đất năm 1952 của Eisenhower. Các cuộc thăm dò của Gallup cho thấy khoảng ba phần năm số cử tri Đảng Cộng hòa đánh giá tốt McCarthy vào đầu năm 1954.
Hóa đơn đến hạn
Trong một sự song song với Trump khác, các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đã nhân nhượng không chỉ vì họ coi McCarthy là đồng minh, mà còn vì họ nhận ra ông là một mối đe dọa tiềm tàng. Nhà báo William S. White đã nắm bắt được bầu không khí bất kham của họ khi viết, "Ở McCarthy, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa bối rối khi biết rằng họ đã nắm được một khẩu súng bazooka nóng đỏ, hữu ích trong việc tiêu diệt kẻ thù nhưng cũng có khả năng làm bỏng tay lực lượng sử dụng nó. Nỗi sợ hãi riêng tư của họ là một đầu đạn huỷ diệt có thể nổ tung ở đầu bên này của nòng bắn."
Cũng giống như các nghị viên Cộng hòa hiện nay với Trump, các nhà lập pháp Cộng hoà lúc đó nhận thấy mình đang theo chân McCarthy vào vùng biển ngày càng sâu hơn của các thuyết âm mưu. Dấu hiệu ban đầu cho thấy McCarthy có thể đi xa đến đâu vào tháng 6 năm 1951, khi ông thực hiện một cuộc tấn công dài 60.000-từ nhắm vào George Marshall, Tham mưu trưởng xuất sắc của Lục quân trong Thế chiến II và sau này là ngoại trưởng cho Truman. Chính trong bài phát biểu đó, McCarthy nổi tiếng (hoặc khét tiếng) đã tuyên bố rằng ông ta đang làm sáng tỏ "một âm mưu ... to tát đến mức sẽ làm thui chột bất kỳ vụ mạo hiểm nào trước đây trong lịch sử loài người."
Tuy nhiên, ngay cả sau cuộc tấn công điên khùng đó - có lẽ tương đương những tuyên bố đáng kinh ngạc thời nay của Rudy Giuliani, Sidney Powell và các luật sư khác của Trump trong cuộc họp báo giữa tháng 11 của họ - McCarthy đã được vinh danh với vị trí phát biểu quan trọng tại Hội nghị đảng Cộng hoà vào mùa hè năm sau. Và ngay cả Eisenhower cũng đủ ngại ngùng bởi quyền lực của ông nghị để loại bỏ một đoạn nhằm bảo vệ Marshall trong bài phát biểu của mình khi ông vận động tranh cử ở Wisconsin trong cuộc đua tổng thống vào năm sau.
Giống như Cộng hoà hôm nay với Trump, đảng Cộng hòa khi đó nghĩ rằng họ có thể hưởng lợi từ tiếng sủa của McCarthy mà không phải chịu đau với vết cắn của ông ta. Nhưng hoá đơn cho những năm nâng đỡ cho McCarthy đã đến hạn thanh toán sau khi Eisenhower nhậm chức vào tháng 1 năm 1953. Các nghị sĩ Cộng hòa của Quốc hội, những người đã từng nhanh chóng hoan nghênh các cuộc tấn công của McCarthy vào chính quyền của Truman đã phát hiện ra mình bị sa lưới khi ông nghị nhắm mục tiêu vào Eisenhower. Trong suốt hai năm đầu tiên của Eisenhower, McCarthy tiếp tục cáo buộc Cộng sản xâm nhập vào Đài tiếng nói Hoa Kỳ, vào CIA và cuối cùng là vào Quân đội - một mục tiêu đã làm ông ta tàn lụi sau đó.
Ngay cả khi đó, sự phản đối của Cộng hoà đối với McCarthy chỉ kết hợp lại một cách chậm chạp. Cái chết của Taft vào năm 1953 đã loại bỏ một trợ thủ quan trọng của McCarthy. Nhưng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa như William Knowland ở California, người kế nhiệm Taft, đã dao động giữa việc bảo vệ McCarthy và cố gắng kiềm chế ông ta. Và mặc dù Eisenhower liên tục ngăn cản một cuộc đối đầu công khai toàn diện với McCarthy - và Phó Tổng thống Richard Nixon liên tục cố gắng tạo hòa bình giữa hai người - sự vi phạm ngày càng mở rộng, với việc McCarthy tấn công Tổng thống công khai hơn và Eisenhower lặng lẽ ủng hộ các động thái chống lại ông nghị này.
Khi hành vi của McCarthy trở nên không thể bênh vực, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ralph Flanders của Vermont - một nhà lãnh đạo có thể được gọi là "không bao giờ McCarthy" vào thời đó (nguyên văn: “Never-McCarthys") - đã công khai thừa nhận điều mà rất ít người trong đảng của ông dám nói: "Trách nhiệm đối với việc này nằm ngay trên đầu những người theo Đảng Cộng hòa, những người luôn bị quá ám ảnh bởi giá trị của McCarthy đối với đảng. Chúng ta đang gặt hái những gì họ đã gieo."
Những đường song song với Trump
Cuối cùng, McCarthy đã bị tiêu diệt bởi hành động quá khích của ông ta trong cuộc điều tra Lục quân, điều này đã phản pháo lại ông ta khi Bộ Quốc phòng đưa ra bằng chứng chi tiết rằng Cohn, trợ lý hàng đầu của ông ta, đã gây áp lực có hệ thống với Ngũ Giác Đài để giành đối xử thiên vị cho một nhân viên McCarthy khác đã bị sung quân dịch vào Lục quân.
Cơn sốt quốc gia mà McCarthy đã châm mồi hơn bốn năm trước đó dường như tan vỡ chỉ trong một khoảnh khắc điện ảnh vào tháng 6 năm 1954 khi Joseph Welch, cố vấn đặc biệt của Lục quân, bào chữa cho một thanh niên khác bị buộc tội là có thiện cảm với Cộng sản bởi McCarthy với lời kháng biện bất tử, "Thưa ngài, cho đến cùng, ông vẫn không có chút ý thức nào về sự đường hoàng hay sao?”
Ảnh hưởng của McCarthy nhanh chóng suy giảm sau đó. Tháng 12 năm đó, Thượng viện, nơi đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về hành vi của McCarthy, cuối cùng đã bỏ phiếu để khiển trách ông ta. (Ngay cả khi đó, đảng Cộng hòa vẫn chia rẽ một cách chính xác giữa một nửa ủng hộ và một nửa phản đối biện pháp này.) Ảnh hưởng của ông càng suy giảm khi đảng Dân chủ, sau khi lấy thêm ghế trong cuộc bầu cử năm 1954, giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, đẩy McCarthy vào phe thiểu số. Bị cay đắng, cô lập và tàn phá bởi chứng nghiện rượu, McCarthy qua đời vào tháng 4 năm 1957.
McCarthy đã không tạo ra "nỗi sợ hãi màu đỏ" vào đầu những năm 1950, nhưng ông đã phóng đại và tăng cường nó. Theo cách tương tự, Trump không tạo ra sự lo lắng về sự thay đổi nhân khẩu học, văn hóa và kinh tế vốn là cốt lõi của phong trào chính trị của ông, nhưng ông ta đã biến những nỗi sợ đó thành vũ khí chính trị mạnh mẽ. Mỗi ông đều đã khuấy động sự phấn khích to lớn trong các bộ phận của liên minh Cộng hoà - đặc biệt là các cử tri thuộc tầng lớp lao động không có bằng đại học - và làm nhụt chí hầu hết các quan chức được bầu của Đảng Cộng hòa để họ phải im lặng vì lo ngại tác động gây chia rẽ của mỗi ông đối với đảng và đất nước.
Reeves kể lại trong cuốn tiểu sử về McCarthy của mình rằng trong khi McCarthy vẫn còn đang đứng ở đỉnh cao vào đầu năm 1954, Walter Lippmann, người phụ trách chuyên mục của tờ báo có ảnh hưởng nhất vào thời đó, đã viết rằng mục tiêu của thượng nghị sĩ là trở thành "ông chủ tối cao" của đảng Cộng hòa.
Lippmann viết, "Đây là chủ nghĩa toàn trị của ông ta: nỗ lực lạnh lùng và tàn nhẫn, có tính toán và kéo dài để khiến người khác sợ hãi. Đó là lý do tại sao ông ta đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình, mỗi cuộc biểu tình được thiết kế để chứng tỏ rằng ông ta tôn trọng không một ai, không một cơ quan nào, không một định chế nào trên đất nước, và tất cả những người mà ông ta gầm gừ đe doạ đều phải bỏ chạy."
Mỗi từ đó cũng có thể áp dụng hoàn hảo cho Trump và Cộng hoà ngày nay. Sự im lặng hèn nhát của McConnell và gần như tất cả các đảng viên Cộng hòa hàng đầu khác khi Trump mở rộng các cáo buộc gian lận huyễn hoặc của mình thành một "âm mưu ... to lớn" đến mức bao trùm Bộ Tư pháp, FBI và thống đốc Cộng hòa của Georgia cho thấy vị Tổng thống sắp mãn nhiệm đã thành công đến mức nào trong việc dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến trong toàn đảng.
Một số đảng viên Cộng hòa có thể sợ Trump; những người khác có thể thấy những cáo buộc gian lận của ông ta là một công cụ hữu ích để làm suy yếu Biden hoặc biện minh cho một làn sóng mới của các biện pháp đàn áp cử tri. Nhưng bất kể động cơ của họ để cho phép những tuyên bố vô căn cứ và xâm hại của Trump, Mitch McConnell, Kevin McCarthy và đại đa số các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa khác rất có thể đã tự gắn kết họ với cùng một bản án héo tàn mà lịch sử đã gán cho cho những người tiền nhiệm trong đảng họ, những người đã tìm thấy lý do riêng của họ để không phản đối khi Joe McCarthy đã xé nát những giá trị sâu sắc nhất của quốc gia trong nhiều năm./.
Nguyên bản tiếng Anh:
GOP silence on Trump's false election claims recalls McCarthy era
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét