Ảnh minh họa bởi The New York Times |
18/03/2021
Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt
Thực tế nghiệt ngã của đời sống Mỹ hiện đại là cứ mỗi khi có vụ giết người hàng loạt mới lại dẫn đến một cuộc nghiên cứu nóng sốt về động cơ và ý nghĩa. Có phải kẻ xả súng mới nhất được thúc đẩy bởi sự phân biệt chủng tộc, sự lầm lạc, tôn giáo, sự trả thù hoặc sự kết hợp nào đó của những thứ đó? Đó không phải là những câu hỏi mà các thành viên của một xã hội lành mạnh bị buộc phải hỏi hoặc trả lời lặp đi lặp lại.
Sau khi tám người - bao gồm sáu người gốc châu Á và bảy phụ nữ - bị bắn chết ở Georgia trong tuần này, một phó cảnh sát trưởng đã cho rằng vụ giết người do nghi phạm thú nhận là "nghiện tình dục", và rằng "hôm qua là một ngày thực tồi tệ" cho kẻ bị cáo buộc đã xả súng. Cách chẩn đoán đó đã vấp phải sự hoài nghi đáng có: Chính viên chức này đã quảng bá việc bán áo phông chống người châu Á khi tuyên bố rằng coronavirus được nhập khẩu từ “Chy-na”.
Phó cảnh sát trường Jay Baker, người cho rằng kẻ sát nhân tại Atlanta đã “có một ngày thực tồi tệ", từng quảng bá cho loại áo phông mang dòng chữ kỳ thị “Coronavirus được nhập khẩu từ Chy-na."
Thật khó để nhận thức những sự bệnh hoạn đáng tởm khiến một người đàn ông phải giết nhiều sinh mạng vô tội như thế. Cũng không thể bỏ qua bối cảnh mà các vụ giết người được thực hiện và tác động của thảm kịch đối với các cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Trong một phân tích về gần 4.000 vụ việc liên quan đến thù hận nhắm vào người Mỹ gốc Á được ghi nhận trong năm nay và năm ngoái, gần 70% nạn nhân là phụ nữ, theo một báo cáo của nhóm Stop AAPI Hate. New York là tiểu bang thứ hai sau California về tổng số vụ việc được nhóm ghi nhận.
Báo New York Times tường trình, “Trong số các thành phố lớn của Mỹ, thành phố New York được báo cáo có sự gia tăng lớn nhất về tội ác thù hận chống lại người châu Á vào năm ngoái, theo phân tích dữ liệu cảnh sát của một trung tâm tại Đại học Bang California (CSU) ở San Bernardino. Đã có 28 vụ như vậy xảy ra vào năm 2020, tăng từ ba vụ vào năm 2019, theo dữ liệu của Sở Cảnh sát New York ”.
Một dự luật hiện được đưa ra trước Cơ quan Lập pháp Tiểu bang New York, do Thượng nghị sĩ Tiểu bang Brad Hoylman và Dân biểu Tiểu bang Karines Reyes bảo trợ, sẽ yêu cầu thu thập dữ liệu tốt hơn về tội ác thù hận.
Sau một năm với đầy những ngôn ngữ cay độc và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á trong bối cảnh đại dịch coronavirus, đã quá chậm trễ để thừa nhận rằng đất nước có một vấn đề. Dân biểu Judy Chu, một đảng viên Đảng Dân chủ từ California, nói trong một phiên điều trần quốc hội hôm thứ Năm rằng “Cộng đồng người Mỹ gốc Á đã đạt đến một điểm khủng hoảng không thể bỏ qua.” Đây là phiên điều trần đầu tiên về chống kỳ thị người châu Á trong ba thập niên.
Vào tháng này năm ngoái, sau khi đại dịch bùng phát ở Hoa Kỳ, Ban Biên tập này viết rằng đã có một lịch sử lâu dài về các loại dịch bệnh gây ra làn sóng bạo lực - chống lại người Do Thái trong dịch hạch được mệnh danh Tử thần Đen cho đến các sự thù ghét liên quan đến Ebola, SARS và Zika. Ban Biên tập đã viết: “Người Mỹ gốc Hoa và những người châu Á khác bị gộp chung bởi những kẻ phân biệt chủng tộc đang bị đánh đập, phỉ báng, la mắng và xúc phạm từ bờ biển này sang bờ biển kia, khiến nhiều thành viên của cộng đồng thiểu số đang bị phỉ báng này phải mua súng đạn với nỗi sợ tình hình còn tồi tệ hơn khi đại dịch ngày càng sâu sắc.”
Tổng thống khi đó là Donald Trump, người đã dành nhiệm kỳ của mình để khai thác sự thù địch chống người nhập cư vì lợi ích chính trị. Ông đã nắm bắt mọi cơ hội để mô tả đại dịch theo các từ ngữ kỳ thị, đặc biệt miêu tả Trung Quốc là kẻ gây tội. Ông Trump lại nói đến "China virus" vào tuần này trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào đêm xảy ra vụ xả súng ở Georgia.
Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ các cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương tại Atlanta vào thứ Sáu, một sự việc được chào đón thể hiện nhân cách của tổng thống.
Không thể không thừa nhận lịch sử ngược đãi người Mỹ gốc Á của quốc gia này cũng như cách mà nó bộc lộ trong năm qua - từ các bài phát biểu về vấn đề chính trị, đến những món hàng bài ngoại, cho đến sự gia tăng tội ác thù hận. Những người Mỹ sống trong bóng tối của lịch sử này đòi hỏi nhiều hơn từ chính chúng ta - đồng cảm hơn, đường hoàng hơn, lịch sự hơn - ngay khi chúng ta đang cùng làm việc để chữa lành nhiều tệ nạn xã hội đang có.
Nguyên bản tiếng Anh:
Asian-Americans Are Scared for a Reason
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét