Cynthia Miller-Idriss, Foreign Affairs
Số tháng 9 / 10 năm 2021
Người dịch: Bình Phương
Những tư tưởng cực đoan mà ngày nay được xem là hữu khuynh - chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa tự do bạo lực chống chính phủ, chủ nghĩa cực đoan Cơ đốc giáo - đã đóng vai chính trong câu chuyện nước Mỹ ngay từ đầu. Tuy nhiên, gần như trong suốt thời kỳ hậu chiến, phong trào cực hữu phần lớn nằm trong bóng tối, ngoài rìa xã hội Mỹ. Tất nhiên, nó không bao giờ biến mất, và vào đầu những năm 1990, nó dường như đã sẵn sàng cho sự hồi sinh sau một loạt các cuộc đối đầu giữa các nhà chức trách với các lực lượng dân quân chống chính phủ và các phần tử tôn giáo cực đoan, mà đỉnh điểm là vụ đánh bom khủng bố năm 1995 nhằm vào một tòa nhà liên bang ở Oklahoma City của một kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, cực đoan chống chính phủ, đã giết chết 168 người.
Tuy nhiên, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, những sự kiện đó dường như đã nằm vào quá khứ. Trong những năm sau vụ tấn công Oklahoma City, làn sóng bạo lực cánh hữu mà người ta lo sợ đã không thành hiện thực. Nếu có chăng, vụ đổ máu đó dường như càng làm cho phong trào cực hữu bị đẩy ra rìa xa hơn.
Hai thập niên trôi qua, và bức tranh đã trông rất khác. Sự bùng nổ của bạo lực cực hữu và sự bình thường hóa các tư tưởng cực đoan thúc đẩy nó đã hiện rõ trong vài năm qua. Tại Hoa Kỳ vào năm 2019, 48 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công do những kẻ cực đoan bạo lực nội địa thực hiện, trong đó 39 người bị giết bởi những kẻ cực đoan da trắng, khiến 2019 là năm có nhiều chết người nhất vì chủ nghĩa khủng bố nội địa kể từ 1995. Năm 2020, số lượng các âm mưu và các vụ tấn công khủng bố nội địa ở Hoa Kỳ đạt mức cao nhất kể từ năm 1994; hai phần ba số đó là do những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và những người cực đoan cánh hữu khác. Trong tháng 3 năm nay, FBI có hơn 2.000 cuộc điều tra dang dở trên chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước, gần gấp đôi con số vào mùa hè năm 2017. Cũng trong năm 2020, các nhà chức trách trên toàn quốc đã bắt giữ số người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nhiều gần gấp ba lần số người của nhóm đó bị bắt vào năm 2017. Và năm ngoái, các báo cáo thuộc Liên đoàn Chống Phỉ báng (ADL) về tuyên truyền của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng — dưới dạng tờ rơi, áp phích, biểu ngữ và miếng nhãn được dán ở các địa điểm như công viên hoặc khuôn viên trường đại học — đạt mức cao nhất mọi thời đại là hơn 5.000, gần gấp đôi số báo cáo trong năm trước. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Mặc dù các chiến binh thánh chiến vẫn là mối đe dọa khủng bố lớn nhất ở châu Âu, nhưng sự gia tăng của bạo lực cực hữu đang ngày càng mạnh hơn. Quan chức chống khủng bố hàng đầu của Anh, ông Neil Basu, gần đây đã mô tả chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là "mối đe dọa phát triển nhanh nhất" của Vương quốc Anh và ở Đức, tội phạm bạo lực do chủ nghĩa cực đoan cánh hữu thúc đẩy đã tăng 10% từ năm 2019 đến năm 2020.
Trong bối cảnh bạo lực gia tăng này, các tư tưởng cực hữu đang đi vào dòng chính và được bình thường hóa, với các đảng chính trị cực hữu giành được đại diện trong hơn ba chục nghị viện quốc gia và ngay trong Nghị viện châu Âu. Tại Hoa Kỳ, việc thắng cử 2016 của Donald Trump vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của xu hướng này. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông và nhiệm kỳ của ông ở Nhà Trắng ngập tràn những luận điệu dân túy, dân tộc chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa, mà phe cực hữu nhìn như sự hợp pháp hóa quan điểm của họ. Đến khi xảy ra chiến dịch “Stop the Steal" ("Ngăn chặn việc ăn cắp") tìm cách lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 (với sự khuyến khích rõ ràng của Trump), các ý tưởng cực đoan đã chiếm vị trí trung tâm trong chính trường Hoa Kỳ. Sự gia tăng bạo lực cực hữu và bình thường hóa chủ nghĩa cực đoan cánh hữu đã cùng nhau dựng nên cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ: một cuộc tấn công tàn bạo được châm ngòi bởi những ý tưởng cực hữu đã trở thành xu hướng chủ đạo.
Sự phát triển của cánh hữu cực đoan được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả phản ứng dữ dội đối với những thay đổi về nhân khẩu học và niềm tin ngày càng tăng vào các thuyết âm mưu. Nó đã được tăng tốc hơn nữa nhờ cái loa khủng của các mạng truyền thông xã hội, khi các kênh trực tuyến mới lập nhằm khuếch đại và lan truyền các ý tưởng đã mở rộng đáng kể ảnh hưởng của tin giả và tuyên truyền cực hữu, tạo ra các kết nối toàn cầu giữa các nhóm và phong trào, đồng thời tạo ra những cách thức mới để chủ nghĩa cực đoan xâm nhập vào dòng chính.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, đó là một dạng khác của chủ nghĩa cực đoan - và phản ứng của Washington đối với nó - theo nhiều cách đã thúc đẩy sự trỗi dậy của cực hữu. Sau vụ tấn công 11/9, sự trỗi dậy của chủ nghĩa thánh chiến bạo lực đã định hình lại nền chính trị Mỹ theo những cách tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Các cuộc tấn công là một món quà cho những kẻ rao bán chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa thượng tôn người da trắng và chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo: khi những người Hồi giáo nước ngoài da ngăm cố gắng sát hại người Mỹ, những kẻ khủng bố al Qaeda và những kẻ đồng điệu của chúng dường như đã bước ra từ một cơn mê cực hữu. Gần như chỉ qua một đêm, Hoa Kỳ và các nước châu Âu tràn ngập với chính nỗi sợ hãi mà phía cực hữu đã cố gắng gây ra trong nhiều thập niên.
Nhưng không chỉ những kẻ khủng bố đã thúc đẩy các phần tử cực đoan cánh hữu: cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu cũng đã góp phần, từ sự chuyển hướng gần như hoàn toàn của tình báo, an ninh và công lực sang mối đe dọa Hồi giáo, họ đã bỏ mặc chủ nghĩa cực đoan cánh hữu phát triển không bị kiểm soát.
Trong những năm gần đây, những kẻ cực đoan cánh hữu ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã tỏ rõ rằng chúng mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận các thủ đoạn khủng bố; theo một cách nào đó, chúng đã trở thành hình ảnh phản chiếu của những chiến binh thánh chiến mà chúng khinh khi.
Các chính phủ phương Tây phải hành động dứt khoát để chống lại mối đe dọa này. Tuy nhiên, phát động một “cuộc chiến chống khủng bố” mới không phải là cách nên làm. Cuộc chiến chống bạo lực thánh chiến đã diễn ra tồi tệ theo nhiều cách và tạo ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn — bao gồm cả việc hỗ trợ sự trỗi dậy của cực hữu, hiện đang gây ra nguy cơ khủng bố nghiêm trọng nhất. Trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa mới này, các nhà hoạch định chính sách cần tránh lặp lại chính những sai lầm đã góp phần tạo nên thực tế mới nguy hiểm kia.
CÁC CHIẾN BINH EURABIAN
Phong trào cực hữu hiện đại tồn tại trên một phạm vi rộng lớn và bao gồm những người theo chủ nghĩa tân phát xít, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, các nhóm dân quân chống lại chính phủ liên bang, các nhóm tự cho mình là “sô-vanh phương Tây” như Proud Boys, nhóm kích động “alt-right”, những người theo thuyết âm mưu và những kẻ theo chủ nghĩa coi khinh phụ nữ tự gọi mình là “incels” (viết tắt của cụm từ tiếng Anh có nghĩa “những người độc thân không tự nguyện”). Điều liên kết các yếu tố khác nhau này là một thế giới quan âm mưu và một sự tuân thủ chung đối với các ý tưởng phản dân chủ và phản tự do. Một nhóm nhỏ trong số họ cũng ủng hộ - ít nhất là trên lý thuyết - việc sử dụng bạo lực rộng rãi chống lại các mục tiêu dân sự và chính phủ.
Mặc dù các ý tưởng và hình tượng của họ lấy cảm hứng từ Liên minh miền Nam, Ku Klux Klan, Đức Quốc xã và các phong trào tàn bạo hoặc chết chóc khác, các nhóm cực hữu ở Mỹ và châu Âu ngày nay có nguồn gốc vững chắc hơn từ những phát triển khá gần đây. Vào đầu những năm 1980, các đợt khủng bố cực hữu đã xảy ra ở Pháp, Ý và Đức như một phần của phong trào phát xít mới và tân phát xít đang trỗi dậy ở Tây u. Các cuộc tấn công đó được theo sau bởi một làn sóng hoạt động tân phát xít tràn qua Đức và Đông u trong thời kỳ các thay đổi xã hội, chính trị và kinh tế nhanh chóng diễn ra vào những năm 1990, sau khi Bức màn Sắt sụp đổ và nước Đức thống nhất. Hình thức chủ nghĩa cực đoan này thể hiện trong một nền văn hóa thanh niên đầu trọc kỳ thị chủng tộc, bạo lực, tôn vinh các cuộc chiến đường phố và tấn công những người xin tị nạn và người nhập cư.
Cùng lúc đó, các nhóm đầu trọc kỳ thị chủng tộc cũng bắt đầu nổi lên ở Bắc Mỹ. Tại Hoa Kỳ, một nguồn gốc khác của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và chống chính phủ là một đội ngũ nhỏ nhưng tận tâm của các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, họ đã thành lập các trại huấn luyện để đào tạo lực lượng bán quân sự, với mục tiêu thành lập một miền đất ly khai da trắng. Khi các loại vũ khí tấn công và thiết bị chiến thuật có thể mua dễ dàng hơn trong những năm 1980 và 1990 tại Hoa Kỳ, các nhóm dân quân đã xây dựng các kho vũ khí đáng kinh ngạc và ngày càng trở nên táo bạo hơn trong việc đối đầu với chính quyền. Một loạt các vụ đối đầu nổi tiếng giữa các nhóm cực đoan với các cơ quan thực thi pháp luật — bao gồm một vụ tại Ruby Ridge, Idaho, vào năm 1992 và một vụ tại Waco, Texas, vào năm sau — thu hút sự chú ý đến mối đe dọa đã âm ỉ trong nhiều năm. Vụ đánh bom tại Oklahoma City đã biến phong trào cánh hữu trở thành vấn đề cấp bách nhất trong chính trị quốc gia, ít nhất là trong một thời gian.
Nhưng thay vì được khuyến khích bởi vụ đánh bom, phong trào cực hữu chìm xa hơn vào bóng tối. Số thành viên của các lực lượng dân quân bất hợp pháp đã giảm. Các thủ lãnh dân quân đã xa lánh những kẻ đánh bom, những kẻ đã thu hút sự chú ý không mong muốn từ cơ quan thực thi pháp luật. Khi mối đe dọa dường như giảm đi, phong trào cực hữu cũng mờ dần khỏi ý thức của công chúng. Trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ, tiến bộ công nghệ, hòa bình và thịnh vượng tương đối vào cuối những năm 1990, chủ nghĩa khủng bố trở thành chuyện thứ yếu đối với công chúng Mỹ.
Tất cả đã thay đổi vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi đất nước quay cuồng với các cuộc tấn công, các nhóm cực hữu nhìn thấy cơ hội và nắm lấy nó, nhanh chóng và dễ dàng điều chỉnh thông điệp của họ theo bối cảnh mới. Một cỗ máy thù ghét Hồi giáo có nguồn lực dồi dào đã bắt đầu hoạt động, sử dụng nhiều chiến thuật hù dọa khác nhau để tạo ra sự cuồng loạn về mối đe dọa đang rình rập. Ở châu Âu, trí tưởng tượng của những người cực hữu đã được nắm bắt bởi một thuyết âm mưu được tác giả người Anh Bat Ye’or đưa ra trong cuốn sách Eurabia (Châu Âu của người Ả rập) năm 2005 của bà. Cuốn sách Eurabia lập luận rằng những thay đổi nhân khẩu học sâu sắc diễn ra ở các nước châu Âu không phải là ngẫu nhiên. Ngược lại, cuốn sách gợi ý, người Hồi giáo đang dàn dựng một sự phục hưng của caliphate (một nhà nước do Hồi giáo cai trị) bằng cách thay thế những người châu Âu da trắng thông qua việc nhập cư và tỷ lệ sinh sản cao. Tác giả Ye’or cảnh báo, châu Âu đang chuyển từ nền văn minh Cơ đốc giáo sang nền văn minh Hồi giáo và người châu Âu sẽ sớm phải tuân theo luật Hồi giáo sharia, bị buộc phải cải đạo hoặc chấp nhận các vai trò thứ yếu.
Trong tình hình đó, tình cảm chống người nhập cư trở nên chủ đạo hơn. Các tổ chức và đảng phái chính trị cực hữu nắm lấy ý tưởng về mối đe dọa Hồi giáo, sử dụng phép ẩn dụ và hình tượng từ các cuộc Thập tự chinh Thiên chúa giáo và các cuộc chiến tranh thế kỷ 15 ở châu Âu nhắm vào người Hồi giáo và người Do Thái. Tại Pháp, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cánh hữu, Marine Le Pen, đã so sánh các nhóm người Hồi giáo cầu nguyện trên vỉa hè bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo với những kẻ xâm lược Đức Quốc xã. Nhà lãnh đạo cực hữu của Hà Lan Geert Wilders đã mô tả những người tị nạn là một “cuộc xâm lược của Hồi giáo”. Phân bộ ở Anh của nhóm cực hữu Generation Identity đã liên kết cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đa văn hóa với những nỗ lực từ thế kỷ 15 của các lực lượng châu Âu nhằm chiếm lại Bán đảo Iberia bị những kẻ cai trị Hồi giáo kiểm soát vào thời đó.
Vụ tấn công 11/9 là một món quà dành cho những kẻ rao bán chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc.
Vào năm 2015, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại các thành phố trên khắp châu Âu dưới biểu ngữ của một nhóm có tên PEGIDA, chữ viết tắt của cụm từ tiếng Đức “Những người châu Âu ái quốc chống lại sự Hồi giáo hóa phương Tây” — các cuộc tập hợp đôi khi dẫn đến bạo động giữa những người biểu tình và những người phản biểu tình antifa (chống chủ nghĩa phát xít). Trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm 2019, đảng cực hữu Thay thế cho nước Đức (AfD) đã treo các biển quảng cáo có một chi tiết từ bức tranh The Slave Market (Chợ Nô lệ) năm 1866 của Jean-Léon Gérôme, trên đó vẽ một phụ nữ da trắng khỏa thân bị khám răng và miệng bởi một người đàn ông da ngăm, đầu quấn khăn xếp turban. Các áp phích kêu gọi cử tri học hỏi từ lịch sử "để châu Âu không trở thành Eurabia."
Tại Hoa Kỳ, cảm xúc chống Hồi giáo gia tăng đã được thể hiện trong một phong trào ngăn chặn thành công việc xây dựng một nhà thờ Hồi giáo gần nơi xảy ra vụ tấn công 11/9 ở Thành phố New York và trong đạo luật được thông qua ở hàng chục bang của Hoa Kỳ nhằm ngăn cản những nỗ lực không có thật nhằm buộc cư dân tuân theo luật Hồi giáo sharia. Sau khi vị tổng thống Da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được bầu chọn vào năm 2008, số lượng các nhóm thù địch đã tăng kỷ lục. Những nhóm bên rìa chống chính phủ vốn đã trở nên yên tĩnh sau vụ đánh bom Oklahoma City nổi lên trở lại, với những lời kêu gọi khởi nghĩa và cách mạng đến từ các lực lượng dân quân như nhóm Oath Keepers (Những người giữ lời thề) và các phong trào như Three Percenters (tên được lấy cảm hứng từ tuyên bố sai lầm rằng chỉ có ba phần trăm của người Mỹ thuộc địa đã vùng lên chống Anh thành công trong thời kỳ Cách mạng Mỹ). Bắt đầu từ năm 2014, Bắc Mỹ cũng chứng kiến một loạt các vụ tấn công bạo lực được thực hiện bởi những kẻ incels khinh miệt phụ nữ lấy cảm hứng từ hệ tư tưởng nam quyền, dẫn đến cái chết của hàng chục phụ nữ, bao gồm cả trong các vụ xả súng hàng loạt tại một trường đại học nữ và một phòng tập yoga và trong một vụ tấn công bằng xe trên đường phố Toronto. Năm 2016, Proud Boys kéo đến tham gia vào các cuộc ẩu đả trên đường phố và tuyên bố đứng dậy bảo vệ nền văn minh phương Tây.
NGUY HIỂM PHÁT TRIỂN
Trong bối cảnh bùng nổ hoạt động cực hữu này, chính phủ các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn tập trung vào khủng bố thánh chiến, xây dựng các cơ quan mới và chi hàng tỷ đô la. Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu hoàn toàn bị phớt lờ, và nó được các tổ chức quốc tế coi là một vấn đề trong nước mà các quốc gia riêng lẻ phải đối mặt, chứ không phải là một mối đe dọa chung trên toàn cầu.
Tất nhiên, khủng bố thánh chiến là một mối đe dọa thực sự - và vẫn đang còn, đặc biệt là ở các quốc gia có xung đột thuộc vùng cận Sahara của châu Phi và cả Trung Đông, nơi khủng bố Hồi giáo cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Nhưng phản ứng toàn cầu đối với cú sốc 11/9 bị thổi phồng quá mức khiến các nhà hoạch định chính sách, các quan chức an ninh và công chúng bị mờ mắt trước sự phát triển nhanh hơn của những gì đã trở thành mối đe dọa lớn hơn nhiều từ chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Kết quả là, các cuộc tấn công khủng bố của phe cánh hữu được coi là những sự cố bên lề, thay vì là mối nguy hiểm dai dẳng và ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia - một mối nguy hiểm hiện vượt xa chủ nghĩa khủng bố thánh chiến nhìn trên tổn hại của các xã hội phương Tây.
Ngay cả những cuộc tấn công ngoạn mục và khủng khiếp nhất của phía cực hữu cũng không thể đánh động được các cơ quan chống khủng bố ở phương Tây. Ví dụ, vào năm 2011, một kẻ cực hữu ở Na Uy tên là Anders Behring Breivik đã sát hại 77 người, chủ yếu là thanh thiếu niên tham gia trại hè của Đảng Lao động ở ngoại ô Oslo. Breivik đã soạn một bản tuyên ngôn dài 1.500 trang, trong đó hắn ta chửi rủa đạo Hồi, cảnh báo về sự xuất hiện của Eurabia, và đề cập đến các nhà hoạt động chống Hồi giáo tại Hoa Kỳ gần 200 lần. Vụ tấn công của hắn nhận được sự chú ý cao của giới truyền thông nhưng chỉ bị xem là một sự bất thường, và bản thân Breivik đôi khi được miêu tả như một kẻ giết người hàng loạt bị tâm thần chứ không phải một kẻ khủng bố, mặc dù vụ bạo động của hắn ta rõ ràng mang tính chính trị.
Sự chú tâm quá mức vào mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo chừa chỗ cho chủ nghĩa cực đoan cánh hữu phát triển không ngừng.
Bằng mọi thước đo liên quan, sẵn có — số vụ bắt giữ và kết án, số lượng và mức độ nghiêm trọng của các âm mưu, số lượng thông tin tuyên truyền, và số lượng các cuộc tấn công — chủ nghĩa cực đoan cánh hữu đã tăng lên đáng kể. Trên toàn cầu, số người chết vì khủng bố đã giảm năm năm liên tiếp trong năm 2019. Nhưng ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc và New Zealand, chúng đã tăng 709% trong 5 năm đó - hệ quả của việc gia tăng khoảng 250% các cuộc tấn công cực hữu ở đó. Trong năm 2010, chỉ có một vụ tấn công khủng bố cực hữu được ghi nhận ở những nơi đó; năm 2019, có 49 vụ, chiếm gần một nửa tổng số vụ tấn công khủng bố ở những nơi đó và dẫn đến 82% tổng số ca tử vong liên quan đến khủng bố ở đó.
Một số người có thể cho rằng sự suy giảm của chủ nghĩa cực đoan thánh chiến chỉ phản ánh hiệu quả của những nỗ lực của chính quyền để chống lại nó. Nhưng sự mất cân bằng to lớn về các nguồn lực và nỗ lực hướng tới việc ngăn chặn các âm mưu khủng bố, với phần lớn để chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến, đã gây ra những hậu quả trực tiếp cho sự thành công của phong trào cực hữu. Trong lời khai trước Quốc hội gần đây, các quan chức FBI lưu ý rằng bất chấp sự thay đổi lớn về bản chất của mối đe dọa, 80% các đặc vụ chống khủng bố của họ vẫn tập trung vào các vụ khủng bố quốc tế. Việc phân bổ sai nguồn lực đã có tác động: từ ngày 11/9 đến cuối năm 2017, 2/3 số vụ âm mưu bạo động của chủ nghĩa Hồi giáo ở Hoa Kỳ đã bị chặn đứng trong giai đoạn lập kế hoạch, so với chỉ ít hơn 1/3 số vụ âm mưu bạo lực cực hữu.
SIÊU CHÍNH TRỊ CỦA THÙ GHÉT
Sự trỗi dậy sau ngày 9/11 của bạo lực cực hữu phản ánh những phản ứng trước những điều kiện xã hội đang thay đổi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa thánh chiến, chủ nghĩa cơ hội của những kẻ kích động chính trị và sự thiển cận của cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, nó cũng bắt nguồn từ một dự án trí tuệ được khởi động vào cuối những năm 1960 bởi một nhóm các nhà tư tưởng người Pháp có tên là Tân Quyền (Nouvelle Droite). Một số người gọi nhóm này, bao gồm Alain de Benoist và Guillaume Faye trong số những người sáng lập của nó, là "những người theo phái Gramsci của cánh hữu" vì họ đã chấp nhận lời kêu gọi của Antonio Gramsci - một nhà tư tưởng người Ý theo chủ nghĩa Marxist - để thúc đẩy cuộc cách mạng không phải bằng vũ lực mà bằng cách giành quyền kiểm soát lối suy nghĩ của mọi người, thông qua giáo dục và thay đổi văn hóa. Họ đã điều chỉnh cách tiếp cận đó thành một khái niệm gọi là “siêu chính trị”, một thuật ngữ mà nhóm tư tưởng Tân Quyền sử dụng để mô tả nỗ lực của họ trong việc thúc đẩy các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư khác, sau đó đưa chúng vào tư tưởng chủ đạo theo những cách cuối cùng sẽ dẫn đến thay đổi chính trị và xã hội.
Siêu chính trị là một bài tập về sự kiên nhẫn, đòi hỏi một cái nhìn rằng chính trị được “bắt nguồn từ văn hóa”, theo cách nói của tay hoạt động cực hữu người Mỹ Andrew Breitbart. Trên thực tế, chiến lược liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông hàn lâm và chính thống để phê phán toàn cầu hóa và các khái niệm dân chủ tự do như chủ nghĩa quân bình và chủ nghĩa đa văn hóa, đồng thời lập luận ủng hộ chủ nghĩa ly khai và thuần chủng sắc tộc. Những ý tưởng như vậy đã gây tranh cãi nhưng có ảnh hưởng: vào năm 1978, de Benoist đã giành được giải thưởng trí tuệ được thèm muốn nhất của Pháp, giải Prix de l’Essai danh giá của Viện Hàn lâm Pháp.
Sau gần 50 năm, trò chơi dài hơi này cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Những ý tưởng từng bị xếp ra rìa đã len lỏi vào các cuộc tranh luận công khai, giúp biện minh cho các chính sách chống nhập cư cứng rắn. Trong những năm đầu của thế kỷ này, các đảng chính trị cực hữu cứng rắn đã giành thêm chỗ đứng đáng kể trong các cuộc bầu cử quốc hội quốc gia trên khắp châu Âu, thường là bằng cách cho những ý tưởng cực đoan mập mờ nhất một vỏ bọc khả kính bằng cách khoác chủ nghĩa trí thức lên chúng - một cách tiếp cận được hoàn thiện bởi AfD (được đặt biệt danh là “chính đảng của các giáo sư”) và bởi những nhân vật “cực hữu” ở Hoa Kỳ như Richard Spencer. Nền siêu chính trị cánh hữu đã hình thành một vòng phản hồi, với những ý tưởng chính trị cuối cùng chảy ngược dòng vào nền văn hóa. Chẳng hạn, những kẻ kích động cực hữu dán các khẩu hiệu và biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng lên các thiết kế quần áo thời thượng, và nhiều người trẻ sau đó mặc để phô trương vẻ lập dị và nổi loạn trên mạng xã hội.
Trong suốt thập niên qua, các nhóm cực hữu đã thành công đủ để bước xa hơn nền siêu chính trị trong quá khứ và để có thể tiếp nhận các hình thức chính trị truyền thống hơn, không chỉ bằng cách thành lập các đảng phái chính trị mà còn bằng cách đưa ra một cái gì đó giống như một câu chuyện lớn để thống nhất các phần khác nhau của phong trào: một thuyết âm mưu về một "sự thay thế vĩ đại" sắp tới của nền văn minh châu Âu và da trắng. Được một học giả người Pháp đặt ra trong cuốn sách cùng tên năm 2011, thuật ngữ này mô tả một âm mưu của giới tinh hoa cấp quốc gia và quốc tế bị cáo buộc nhằm thay thế các nhóm người da trắng, Cơ đốc giáo, châu Âu bằng những người da trắng, không theo đạo Cơ đốc. Đây là một ý tưởng thành công nhất của chủ nghĩa cực hữu, kết hợp các tư tưởng chống Hồi giáo của Eurabia, chủ nghĩa dân tộc da trắng kiểu Mỹ và những luận điệu bài Do Thái lâu đời về sự thống trị của người Do Thái.
Thuyết âm mưu có ảnh hưởng mạnh vì nó rất linh hoạt. Một phần tử cực đoan cánh hữu có thể áp dụng lặp lại cùng khuôn mẫu gần như trước cho bất kỳ mối đe dọa tự huyễn nào, có thể là về người Do Thái, người Hồi giáo, người nhập cư hoặc thậm chí là về người da trắng cấp tiến. Vào năm 2019, một kẻ khủng bố ở Christchurch, New Zealand, đã phát trực tiếp trên mạng trực tuyến vụ giết hại 51 tín đồ Hồi giáo tại hai nhà thờ Hồi giáo sau khi viết một tuyên ngôn có tựa đề “Sự thay thế vĩ đại”. Chưa đầy năm tháng sau, một kẻ khủng bố đã giết 23 người trong một chợ Walmart ở El Paso sau khi đăng một tuyên ngôn đầy căm thù cảnh báo về một “cuộc xâm lược của người nói tiếng Tây Ban Nha vào Texas” và tuyên bố rằng người da trắng sẽ bị thay thế thông qua nhập cư.
PHẢN ỨNG DỘI NGƯỢC
Trong nhiều trường hợp, các tuyên truyền chống Hồi giáo và các thuyết âm mưu - những thứ đã được đưa dần vào câu chuyện “thay thế vĩ đại” và đã vô tình được hỗ trợ bởi các chính sách chống khủng bố - đã làm mờ nhạt sự khác biệt giữa đạo Hồi và khủng bố Hồi giáo. Sau sự kiện 11/9, các phương pháp tiếp cận theo chủ nghĩa phản văn hóa — chẳng hạn như cái được gọi là Chính sách Ngăn chặn ở Vương quốc Anh hoặc chương trình giám sát người Hồi giáo của Sở Cảnh sát Thành phố New York — nhắm mục tiêu vào các cộng đồng Hồi giáo bình thường. Tròn một thập niên sau ngày 11/9, FBI vẫn còn sử dụng các tài liệu huấn luyện mang tính chống Hồi giáo trong đó mô tả những người Hồi giáo bình thường như những cảm tình viên của bọn khủng bố, và các khoản quyên góp từ thiện của họ được xem như là “cơ chế tài trợ cho chiến đấu”. Đối với các nhà hoạt động cực hữu, những kiểu hành xử đó dường như xác nhận rằng bản thân đạo Hồi đã gây ra một mối đe dọa cho sự sinh tồn và nền văn minh của họ. Những cách tiếp cận như vậy cũng mở đường cho những ý tưởng phân biệt đối xử rõ ràng hơn, chẳng hạn như suy nghĩ của Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người Hồi giáo và lời hứa của ông sẽ cấm tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu dẫn đến các hành động quân sự trên khắp Trung Đông gây ra cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có ở châu Âu - kéo theo sự tiếp thêm sinh lực cho phe cực hữu. Sau các cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào Afghanistan và Iraq, hàng triệu người đã chạy trốn khỏi các quốc gia đó để đến châu Âu, tạo ra một làn sóng người Hồi giáo đã gây ra phản ứng dữ dội, bao gồm các cuộc tuần hành chống Hồi giáo và hàng trăm cuộc tấn công vào những người tị nạn và những người xin tị nạn.
Những người cực đoan cánh hữu đã trở thành hình ảnh phản chiếu của các chiến binh thánh chiến mà họ khinh thường.
Các hành động quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng thúc đẩy tình cảm chống Hồi giáo trong quân đội đang tại ngũ và trong cộng đồng cựu chiến binh. Hàng hóa được rao bán trên các trang web phục vụ cho các cựu chiến binh đã giúp mang tình cảm hiếu chiến được nuôi dưỡng trên tiền tuyến vào cuộc sống thường dân ở nội địa. Ví dụ, nhãn dán và áo phông cho phép lính Mỹ tự hào nhận mình là "kẻ ngoại đạo" và hiển thị dòng chữ Ả Rập với cụm từ "Lùi lại 100 mét nếu không sẽ bị bắn."
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng của các lực lượng dân quân bất hợp pháp trong phong trào cực đoan chống chính phủ — bao gồm một số được tuyển mộ từ các cộng đồng cựu chiến binh và quân nhân tại ngũ. Giống như sự trở về của những cựu chiến binh từ Chiến tranh Việt Nam đã giúp phát động phong trào quyền lực của người da trắng trong những năm 1970, sự trở về của một số cựu chiến binh từ Afghanistan và Iraq đã mang theo cảm giác tức giận và bị phản bội. Nhiều người phải vật lộn với tình trạng căng thẳng hậu chấn thương (PTSD), mà nghiên cứu cho thấy có thể làm tăng khả năng bị dụ dỗ đi theo các nhóm cực đoan. Ví dụ: Sự thiếu nhân tính mà binh lính được đào tạo để áp dụng như một chiến thuật chiến trường, có thể không tự động tắt khi họ trở lại xã hội dân sự. Và những luận điệu được các nhóm cực đoan cực hữu sử dụng để chiêu mộ thành viên — với lời kêu gọi tình anh em, chủ nghĩa anh hùng, bảo vệ nhân dân và cơ hội góp phần cho một mục đích có ý nghĩa — đã làm vọng lại những lời hùng biện từng thu hút nhiều người tham gia quân ngũ thuở ban đầu.
MỘT CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ KHÁC?
Đáng mừng là sự gia tăng bạo lực cực hữu cuối cùng đã thu hút sự chú ý của các quan chức chống khủng bố. Một cuộc vật lộn để sắp xếp lại các nguồn lực và tập hợp chuyên môn hiện đang được tiến hành. Từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đến nghị viện các quốc gia cho đến quân đội và cơ quan an ninh, hiện có hàng chục ủy ban, lực lượng đặc nhiệm, các cuộc tường trình, và điều tra đang tiến hành trên toàn cầu để tìm cách đối phó với mối đe dọa mới. Một số quốc gia đã công bố luật mới. Chẳng hạn như Đức đã có kế hoạch chi một tỷ euro cho 89 biện pháp cụ thể để chống lại phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Phản ứng toàn diện của New Zealand đối với cuộc tấn công Christchurch bao gồm các thay đổi được đề xuất đối với luật về tội ác thù hận và luật chống khủng bố, thành lập một bộ mới cho các cộng đồng sắc tộc, tài trợ để tăng cường an ninh cho các cộng đồng đặc biệt bị khủng bố đe dọa, và thành lập một trung tâm quốc gia mới nhằm tạo gắn kết xã hội và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan.
Các thay đổi cũng bắt đầu bén rễ tại Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2020, bản đánh giá mối đe dọa hàng năm của Bộ An ninh Nội địa cuối cùng đã tuyên bố chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước là mối đe dọa chết người và cấp bách nhất mà quốc gia này phải đối mặt. Vài tháng sau, cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ đã làm rõ thực tế đó. Vào tháng 6 năm nay, chính quyền Biden đã phát hành Chiến lược Quốc gia đầu tiên của nước này về Chống khủng bố nội địa, trong đó nhấn mạnh việc ngăn chặn cực đoan hóa bằng cách tăng cường kỹ năng lĩnh hội từ các phương tiện truyền thông và xây dựng khả năng tỉnh táo với các thông tin sai lệch trực tuyến và sự cần thiết phải giải quyết các điều kiện cơ bản đã giúp thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan trong nước, bao gồm phân biệt chủng tộc và cả việc kiểm soát súng chưa đúng mức.
Để chống lại phong trào cực hữu, các nhà lãnh đạo sẽ cần phải từ bỏ những lập luận đã tạo cơ sở cho cuộc chiến chống khủng bố.
Điều này thể hiện một sự thay đổi đáng hoan nghênh. Nhưng việc thực hiện các chính sách mới trên toàn cầu sẽ gặp phải những thách thức đáng kể khi phương Tây xoay trục từ thời kỳ khủng bố trước đây. Vấn đề một phần là cấu trúc: các chiến lược được thiết kế để chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến — điều tra và giám sát các nhóm lãnh đạo theo thứ bậc và các ổ khủng bố — không phù hợp với bản chất hậu tổ chức (post-organizational) của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Các nhóm chính thức đóng vai trò giảm dần trong việc tuyển dụng và cực đoan hóa cực hữu, điều này thường diễn ra trong một hệ sinh thái tuyên truyền và sai lệch thông tin trực tuyến rộng lớn và ngày càng mở rộng. Chỉ 13% các cuộc tấn công chết người do khủng bố cực hữu ở Bắc Mỹ, Tây u, Úc và New Zealand từ năm 2002 đến 2019 là do một nhóm cụ thể nào đó. Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ngày nay ít có kiểu nghi lễ khởi sự; thay vào đó là các cuộc tấn công bởi các ổ khủng bố rời rạc và nhiều hoạt động đào tạo và hoạt động riêng rẻ tự chỉ đạo hơn, và rồi có thể được phát trực tuyến cho khán giả toàn cầu.
Động cơ và ý thức hệ của các nhóm cực hữu có phần lộn xộn hơn động cơ của các nhóm thánh chiến mà hầu hết các chuyên gia khủng bố đều quen thuộc. Thế giới cực hữu bao gồm những người theo thuyết tận thế, những người theo chủ nghĩa tân phát xít ăn chay, những người hoạt động chống vắc xin, những người theo QAnon và hàng nghìn người cực đoan không thể phân loại được đã tập hợp những mẩu tuyên truyền cực hữu thành những hệ thống niềm tin phiêu lưu tự chọn mà không phải lúc nào những người ngoài cũng có thể hiểu được. Ví dụ, một số nhóm cực hữu quảng bá quyền LGBTQ và nữ quyền để thu hút ủng hộ từ những người cánh tả cấp tiến bằng cách lập luận rằng họ đang bảo vệ những gì họ cho là các giá trị phương Tây chống lại sự xâm lược của Hồi giáo. Hoặc "những người theo chủ nghĩa sinh thái" ủng hộ việc đóng cửa biên giới như một cách bảo vệ và bảo tồn các vùng lãnh thổ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu - không phải vì lợi ích của nhân loại mà vì lợi ích của người da trắng, những người tin rằng họ có đặc quyền vì "đã đổ máu" (nguyên văn: “blood and soil" entitlement) cho những vùng đất đó.
Việc chống lại những mối đe dọa này sẽ bớt chú trọng việc theo dõi và giám sát vốn là chiến thuật đặc trưng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và sẽ tăng cường sự vững vàng của xã hội đối với thông tin sai lệch và tuyên truyền. Chính trị kiểu sợ hãi được thực hành bởi nhiều quan chức và nhà lãnh đạo ở các nước phương Tây trong thời kỳ hậu 9/11 rõ ràng đã góp phần vào việc cực đoan hóa cánh hữu. Bằng cách khuyến khích mọi người cảm thấy rằng họ mất kiểm soát cuộc sống của chính mình, coi mình là người dễ bị tổn thương và sợ hãi người ngoài, phong cách chính trị này đã mở rộng cánh cửa cho những kẻ cực đoan. Vì vậy, đấu tranh chống cực đoan cánh hữu cũng sẽ có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn kiểu lập luận văn minh vốn tạo nền tảng cho cuộc chiến chống khủng bố — đôi khi có ý thức, đôi khi là vô tình. Các nhà chức trách chống khủng bố phải loại bỏ các chính sách và thông điệp được dự đoán dựa trên ý tưởng rằng Hồi giáo gây ra mối đe dọa cho nền văn minh phương Tây, điều đã giúp tạo ra một hệ tư tưởng mà phe cực hữu đã xây dựng nên một phong trào.
KHÔNG BAO GIỜ BIẾT TRƯỚC NGÀY MAI
Trong những tuần lễ sau ngày 6 tháng 1, Washington D.C. đã trở thành một khu quân sự. Các khu trung tâm rộng lớn đã được rào lại, với các trạm kiểm soát quân sự trên cầu và hơn 25 nghìn Vệ binh Quốc gia được triển khai để bảo vệ thủ đô trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Có lẽ người Mỹ đơn giản sẽ quen với những biện pháp an ninh này, giống như việc du khách toàn cầu chấp nhận việc bước qua máy rà an ninh không nịt, không giày ở các sân bay. Để tránh kết cục đó, các quan chức chống khủng bố của Hoa Kỳ sẽ phải phòng ngừa tốt hơn. Có rất ít bằng chứng về những gì có tác dụng ngăn chặn cực đoan hóa hoặc giúp mọi người tách rời khỏi các phong trào cực đoan, và thậm chí còn ít kiến thức hơn về những loại can thiệp nào có thể được nhân rộng một cách hiệu quả. Các quốc gia khác chọn thực hiện các cách tiếp cận tổng thể, liên quan đến các cơ quan giải quyết các dịch vụ y tế và nhân sinh, văn hóa, giáo dục và phúc lợi xã hội. Riêng Hoa Kỳ vẫn chú trọng vào các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật — mặc dù chiến lược quốc gia mới của Biden báo hiệu một sự thay đổi, với viễn kiến về một nỗ lực phối hợp đa thành phần để giảm phân cực, hạn chế tiếp cận vũ khí và chống phân biệt chủng tộc.
Có lẽ bài học quan trọng nhất cần rút ra từ sự vận động của phe cực hữu trong 20 năm qua là các ý tưởng và thể chế dân chủ tự do phải được nuôi dưỡng thông qua giáo dục chứ không chỉ được bảo vệ bằng vũ lực. Cách tốt nhất để chống lại một nhóm cực đoan có mặt khắp nơi không phải là chỉ thông qua đàn áp mà bằng cách làm cho xã hội chính thống trở nên kiên cường hơn và ít bị tổn thương hơn trước những lời kêu gọi cực hữu. Đây là cách tiếp cận “dân chủ phòng thủ” mà Đức theo đuổi sau Thế chiến thứ hai, liên quan đến các khoản đầu tư bền vững của liên bang vào các chương trình xóa mù chữ trên phương tiện truyền thông có thể mở rộng, dựa trên bằng chứng để tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với nền dân chủ đa văn hóa và các nguyên lý cốt lõi của nó. Nó đòi hỏi phải cung cấp cho tất cả công dân các công cụ để nhận ra và bác bỏ những tuyên truyền và thông tin sai lệch cực đoan. Các cơ quan liên bang không thể tự mình làm công việc này; những nỗ lực đó đạt hiệu quả tốt nhất khi được tích hợp với các sáng kiến ở cấp địa phương, nơi các nhà lãnh đạo nhận được sự tin tưởng nhiều hơn và được trang bị tốt hơn để hiểu nhu cầu của cộng đồng của họ.
Các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật vẫn có vai trò cần thiết, nhưng các nhà chức trách nên mở rộng đội ngũ chuyên gia tư vấn cho họ về chủ nghĩa khủng bố: các cơ quan có đầy đủ các chuyên gia được đào tạo bài bản về các nguồn khủng bố Hồi giáo đã phải vật lộn để nhận ra và ứng phó với mối đe dọa cực hữu. Các chính phủ nên đào tạo các nhóm chuyên gia liên ngành về công tác xã hội, tâm lý học và giáo dục, và về các chủ đề như tôn giáo, băng đảng, bạo lực trên cơ sở giới tính, phân biệt chủng tộc và chấn thương. Họ cũng nên thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với các học viện và trung tâm nghiên cứu, nơi các học giả trẻ thường nắm bắt được nhịp đập của các mối đe dọa mới hình thành và đang phát triển.
Không có quả cầu pha lê nào có thể đoán trước được tương lai khủng bố sẽ mang lại điều gì. Nhưng nếu có một điều chắc chắn, thì đó là điều này: chủ nghĩa cực đoan của ngày mai sẽ không giống hệt như ngày nay. Hoa Kỳ có thể sẽ chứng kiến nhiều bạo lực hơn từ các nhà bảo vệ môi trường cấp tiến; từ liên minh của các nhóm chống vắc-xin, các nhóm chống chính phủ và nhóm thuyết âm mưu; và từ các nhóm tìm kiếm sự sụp đổ của các hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế để thực hiện nhiều mục tiêu ý thức hệ khó xác định. Khi mối nguy ngày càng gia tăng, điều tồi tệ nhất mà đất nước có thể làm là một lần nữa là chỉ tập trung hoàn toàn và quá mức vào mối đe dọa hiện tại mà đất nước phải đối mặt./.
Nguồn:
https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-08-24/war-on-terror-911-jan6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét