13 tháng 10 2021

Washington nhận định sai về Trung Quốc

Một cuộc khủng hoảng tại một công ty bất động sản cho thấy những yếu điểm sâu sắc, nguy hiểm và thường không được công nhận trong nền kinh tế Trung Quốc.

Michael Schuman, The Atlantic

10/10/2021

Dịch bởi: Bình Phương


Tập đoàn Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang đứng trước bờ vực phá sản. Người sáng lập của nó, Hui Ka Yan, đang vất vả tìm kiếm tiền mặt để đáp ứng các khoản thanh toán 300 tỷ Mỹ kim mà công ty của ông đang nợ. Bắc Kinh đã cảnh báo các quan chức địa phương chuẩn bị cho sự thất bại có thể xảy ra nếu công ty khổng lồ này sụp đổ. Trên khắp thế giới, các nhà phân tích tài chính đang tự hỏi liệu Evergrande có phải là “thời khắc Lehman” của Trung Quốc hay không, là phát súng khởi đầu cho một làn sóng vỡ nợ hủy diệt có thể hạ gục các ngân hàng của quốc gia này và khiến đất nước — và cả thế giới — vừa phục hồi một cách yếu ớt sau  suy thoái kinh tế gây bởi đại dịch.

Tất cả những điều đó là lý do đủ để quan tâm đến những gì đang xảy ra tại công ty bất động sản có trụ sở tại Thẩm Quyến ít được biết đến này. Nhưng Evergrande và những vấn đề mà nó phải đối mặt cho thấy một câu chuyện cơ bản và quan trọng hơn về Trung Quốc và tương lai của nó. Cuộc khủng hoảng cho thấy những yếu điểm sâu sắc, nguy hiểm và thường không được công nhận trong nền kinh tế Trung Quốc có thể làm trật đường rầy sự tiến triển của nó và kéo theo nó cả cái tham vọng của Bắc Kinh muốn thách thức vị thế thống trị của Mỹ trên trường thế giới.

Điều đó nghe có vẻ như quá lớn với vai trò của một công ty xây dựng căn hộ đang gặp khó khăn. Các quan chức ở Washington và người Mỹ nói chung có xu hướng nghĩ rằng tiến bộ kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ di động 5G và trí tuệ nhân tạo. Nhưng trên thực tế, vấn đề Evergrande cũng là cốt lõi cho sự cân bằng quyền lực toàn cầu trong tương lai, bởi vì nó đại diện cho mô hình kinh tế của Trung Quốc thực sự đã bị phá vỡ như thế nào.

Cách nhận định này thật ra không có vẻ đầy tranh cãi như nó thoạt nhìn. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thừa nhận sự cần thiết phải hiệu chỉnh lại động cơ của nền kinh tế trong hơn một thập niên qua. Hệ thống của họ tạo ra tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng gây lãng phí lớn, kém hiệu quả, nợ nần và tổn thất tài chính. Và, trong quá trình này, nó tạo ra những công ty kiểu Evergrande — những công ty không biết giới hạn, chỉ muốn kiếm tiền dễ dàng và mở đường vào đống đổ nát tài chính.

Trên thực tế, những công ty kiểu Evergrande của Trung Quốc - bản thân Evergrande là một ví dụ đang gây chú ý, nhưng không phải là duy nhất, về sự lớn mạnh như vậy - chỉ là một lý do để gây lo ngại về chiều hướng kinh tế. Một thảm họa nhân khẩu học, cuộc đối đầu ngày càng lớn với Mỹ và quan trọng nhất là sự thay đổi trong chính sách kinh tế tạo lợi thế cho nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân, tất cả dường như được định sẵn để ngăn chặn sự tăng trưởng, sự sống động và sự đổi mới mà nền kinh tế Trung Quốc cần đến một cách thậm tệ.

Đối với một số người, lập luận này khiến họ trợn tròn. Nhiều chuyên gia từ lâu đã dự đoán về sự diệt vong của nền kinh tế Trung Quốc, và những chuyên gia đó đã sai lầm. Các nhà lãnh đạo cũng như người dân của Trung Quốc, đã liên tục chiến thắng những kẻ nghi ngờ và những rủi ro.

Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi là những rủi ro đó chống lại họ, có lẽ hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Trung Quốc có thể đã đạt đến thời điểm mà những thành công dễ dàng đã đạt hết, biên độ cho các sai sót chính sách đã thu hẹp, nền kinh tế đã mất đi một số động lực tinh thần và giới lãnh đạo phải có thêm ý chí mới để đưa ra các lựa chọn khó khăn và không được ưa chuộng để thúc đẩy tiến triển.

Sự đồng thuận ngày càng tăng ở Washington, trải dài cả chính quyền Trump và Biden, là Trung Quốc phải bị kiềm chế vì nếu không nước này sẽ tiếp tục sự trỗi dậy không thể lay chuyển, và rồi sẽ làm lu mờ vai trò siêu cường của Mỹ và kéo theo là sự áp đặt ý chí của họ lên trật tự thế giới. Tuy nhiên, những gì Evergrande cho chúng ta thấy chứng tỏ điều này không phải là một chuyện đã rồi. Mặc cho mọi thứ đã diễn ra, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, và kết quả của giai đoạn này hoàn toàn không chắc chắn.

Bắc Kinh bận tâm rằng thế kỷ 21 phải thuộc về Trung Quốc, và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới phải điều chỉnh tốt hơn các ưu tiên và lòng trung thành của họ trước một hệ thống toàn cầu với Trung Quốc là siêu cường duy nhất. Và rằng những nhà lãnh đạo thế giới vẫn bám vào ý tưởng về một trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đi ngược lại với lịch sử. Trong một bài phát biểu vào tháng Bảy,  lãnh đạo hàng đầu của nước này, Tập Cận Bình, tuyên bố, “Sự trẻ hóa đất nước của Trung Quốc đã trở thành một điều tất yếu trong lịch sử.”

Quan niệm này cũng đã bén rễ ở Washington. Hai đảng của Mỹ không đồng ý với nhau gần như trên mọi điều, nhưng có một đồng thuận lưỡng đảng rộng rãi đó là: Trung Quốc là mối đe dọa sống còn đối với Hoa Kỳ, với vị thế thống nhất toàn cầu và bản thân nền dân chủ của nó. Mối đe dọa đó bao trùm các phạm vi kinh tế, công nghệ, hệ tư tưởng, quân sự và ngoại giao. Niềm tin này đang định hình phần lớn quan điểm của Washington về thế giới và vị trí của Hoa Kỳ trong đó. Các chính sách kinh tế và đối ngoại của nước này đang được thiết kế lại dựa trên mối đe dọa từ Trung Quốc. Chính quyền Biden sẵn sàng mạo hiểm cắt đứt với Pháp, một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington, để ký kết hiệp ước quốc phòng nâng cấp năng lực hải quân của Australia và do đó, sức mạnh của một đối tác quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương đối đầu với Trung Quốc. Dự luật 250 tỷ đô la của Quốc hội nhằm tăng cường lĩnh vực chip điện tử và nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ đã phá vỡ truyền thống kinh tế hàng thập niên phản đối sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với ngành công nghiệp nhằm chống lại thách thức của Trung Quốc đối với vị trí lãnh đạo công nghệ của Hoa Kỳ.

Tất nhiên, công việc của các nhà hoạch định chính sách là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mối đe dọa từ Trung Quốc bị thổi phồng quá mức, hoặc không bao trùm tất cả như Washington mong đợi? Điều gì sẽ xảy ra nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi? Theo đó, nói rộng ra, chiến lược của Mỹ cũng đã sai lầm. Trong kịch bản này, Mỹ đang tái trang bị các ưu tiên kinh tế và các mối quan hệ của mình với các đồng minh để bảo vệ mình khỏi mối đe dọa không bao giờ thành hiện thực.

Liệu mối đe dọa đó có xảy ra hay không phụ thuộc vào những gì xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc. Sức mạnh chính trị và quân sự của Bắc Kinh chỉ có thể tiếp tục được xây dựng nếu các nguồn lực kinh tế và năng lực công nghệ của họ tiếp tục phát triển. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể xoay chuyển thành công nền kinh tế của họ trở thành một nền kinh tế năng động và hiệu quả hơn, thì rủi ro đối với Washington là có thật. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hóa ra giống Evergrande hơn - một câu chuyện tăng trưởng hào nhoáng với cốt lõi mục nát - thì tham vọng của Bắc Kinh sẽ tan rã, giống như của công ty bất động sản kia.

Ông George Magnus, một cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford và là tác giả của cuốn Báo động đỏ: Tại sao Trung Quốc của Tập đang gặp hiểm nguy, nói với tôi rằng: “Nếu Trung Quốc không có khả năng kinh tế hơn Liên Xô ở thời kỳ đỉnh cao của nó, chúng ta sẽ không nên lo lắng về điều đó nhiều như vậy. Sức mạnh kinh tế của nó chính xác là những gì chúng ta thấy khá đe dọa ngay bây giờ, bởi vì nó là cơ sở mà Trung Quốc đang đưa ra một thái độ gian manh và thâm độc hơn nhiều đối với khát vọng của chính họ về hình ảnh thế giới trông như thế nào.”

Ông nói tiếp, “Bất cứ điều gì làm suy yếu sức nặng kinh tế của nó, đều có hậu quả rất lớn”.

Lịch sử hiện đại cho chúng ta biết rằng phát triển kinh tế không phải là điều chắc chắn. Đặc biệt, nhiều quốc gia nghèo khi giàu lên phải đối mặt với một hiện tượng được gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, trong đó họ đạt đến một mức độ giàu có nhất định, vừa phải, rồi mắc kẹt, không thể tiến xa hơn. Chỉ một số ít có thể chuyển đổi từ một nền kinh tế mới nổi sang một nền kinh tế tiên tiến — Hàn Quốc là một ví dụ hiếm hoi. Vấn đề thường là sự thiếu khả năng thay đổi: Các chính sách giúp các quốc gia thoát khỏi đói nghèo không nhất thiết hữu dụng khi giải quyết bước tiếp theo, khó khăn hơn — trở nên có hiệu suất hơn và đổi mới hơn, những yếu tố quan trọng để vươn tới hàng ngũ những nước giàu có.

Trung Quốc đang đi theo mô hình đáng tiếc này. Vấn đề cơ bản là sự tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào các công trình xây dựng, chẳng hạn như đường cao tốc, nhà máy và tòa tháp căn hộ kiểu Evergrande. Tất cả hoạt động xây dựng đó giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao, công nhân được tuyển dụng và tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này đều đặn dẫn đầu danh sách đứng đầu thế giới. Nhưng không phải tất cả sự tăng trưởng đều như nhau. Nếu đầu tư chảy vào các công ty và dự án không cần thiết hoặc không mong muốn và do đó không mang lại lợi nhuận, thì nó sẽ làm tăng sản lượng quốc gia trong ngắn hạn nhưng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế về lâu dài.

Thử nhìn Evergrande — và nhân tiện, toàn bộ ngành bất động sản của Trung Quốc. Các công ty này đã tiếp tục xây dựng, xây dựng và xây dựng thêm nữa, nhưng đất nước không cần mọi thứ mà họ xây dựng. Rhodium Group, một công ty nghiên cứu, ước tính rằng Trung Quốc có đủ tài sản chưa bán được để làm nơi ở cho 90 triệu người, nhiều hơn toàn bộ dân số nước Đức. Và bất động sản chỉ là một lĩnh vực phải hứng chịu sự thừa thải quá mức này: Theo nhà cung cấp dữ liệu Qichacha, Trung Quốc có hơn 300.000 công ty tham gia vào ngành công nghiệp xe dùng năng lượng mới, một số trong số đó được hỗ trợ bởi nhà nước, với một số lượng quá nhiều để tồn tại. Việc đầu tư quá mức lặp đi lặp lại này đã giúp thúc đẩy một khoản nợ tăng cao có khả năng gây bất ổn. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy nợ ở Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần trong 15 năm qua và hiện nay gần gấp ba lần tầm cỡ của toàn bộ nền kinh tế. Một phần đáng kể trong số các khoản vay đó - có lẽ là một phần tư - có thể không bao giờ được hoàn trả, bởi vì các khoản đầu tư cơ bản đã bị phèn hóa.

Người ta không cần giải Nobel kinh tế để nhận ra rằng điều này là không bền vững. Cuối cùng, các hóa đơn đến hạn thanh toán và các công ty như Evergrande không thể thanh toán. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm, đã cam kết cải cách nền kinh tế để chi tiêu của người tiêu dùng đóng một vai trò lớn hơn, giống như ở Hoa Kỳ. Nhưng họ chỉ kéo lê đôi chân của mình. Phần lớn, điều này là vì lý do chính trị: Đảng Cộng sản đã quảng bá tốc độ tăng trưởng cao ngất ngưởng của đất nước như một bằng chứng về năng lực của mình — và hơn thế nữa là quyền cai trị — và khăng khăng phải đạt được các mục tiêu đặt ra quá cao. Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Quảng Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, nói với tôi: “Khi bạn có những gì trông giống như một chiến lược chiến thắng, bạn sẽ không bao giờ thay đổi chiến lược của mình. Rất khó để chuyển đổi mô hình đó cho đến khi nó trở nên vô cùng rõ ràng rằng nó đã trở nên quá ư không lành mạnh.”

Có lẽ cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc hết tự mãn. Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra, cũng không hẳn họ chọn được giải pháp phù hợp — tự do hóa kinh tế sâu sắc hơn. Khi các thị trường tự do hơn được phép đổ vốn vào các khoản đầu tư xứng đáng, thay vì các ưu tiên của nhà nước, và thúc đẩy năng lực sản xuất của ngành công nghiệp và người lao động, thì tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo lành mạnh hơn.

Nhưng cải cách thị trường tự do đã bị đình trệ từ lâu. Nếu có chăng, ông Tập đang chuyển chính sách theo hướng hoàn toàn ngược lại - hướng tới vai trò nặng nề hơn của đảng và nhà nước. Ông Matt Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia thời Trump và hiện là chủ tịch chương trình Trung Quốc tại Tổ chức Phòng thủ của các nền Dân chủ, nói với tôi: "Ông Tập biết rằng [tự do hóa kinh tế] sẽ buộc ông từ bỏ quyền kiểm soát theo những cách mà ông không có một chút gì chuẩn bị hoặc sẵn sàng làm. Ông ấy đang chuẩn bị nền kinh tế cho một giai đoạn mới tăng trưởng chậm hơn, mà ở đó đảng khẳng định quyền kiểm soát ngày càng nhiều hơn đối với nền kinh tế. Đó tất cả chỉ là đặt chính trị lên trên phát triển."

Chỉ trong những tháng gần đây, chính phủ Tập đã hạn chế ảnh hưởng của các doanh nhân nổi tiếng — đáng chú ý nhất là tỷ phú sáng lập công ty Alibaba, Jack Ma; quy định chặt chẽ về lĩnh vực công nghệ, giáo dục, kỹ nghệ tài chánh và giải trí; hạn chế khả năng huy động vốn của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài; ngăn cấm tiền ảo điện tử (cryptocurrencies); và phát động một chiến dịch vì "sự thịnh vượng chung" nhằm vào sự bất bình đẳng về thu nhập mà cho đến nay vẫn giống như một cuộc trấn lột của nhà nước đối với những người giàu có.

Từ kinh nghiệm của chính Trung Quốc, chúng ta biết rằng các chính sách như vậy không hoạt động. Huyền thoại vĩ đại về phép màu kinh tế của Trung Quốc là thương hiệu đặc biệt của “chủ nghĩa tư bản nhà nước” là bí quyết tạo nên thành công lịch sử của nước này, trong khi thực tế nó chủ yếu chỉ là phần “chủ nghĩa tư bản”. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt được mức tăng trưởng siêu khi tình trạng hống hách trong những năm cách mạng Mao suy giảm và cho phép doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài và thương mại phát triển mạnh mẽ. Phong trào cải cách thị trường được phát động vào những năm 1980 ở một mức độ lớn là liều thuốc giải độc cho nền chính trị quấy nhiễu của Mao đã khiến Trung Quốc trở nên nghèo nàn, bị cô lập và lỗi thời về mặt công nghệ.

Ông Tập có thể nghĩ rằng ông có thể vượt qua Mao và điều hành tiểu tiết nền kinh tế để đạt được kết quả tốt hơn các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân là nguồn gốc thực sự của sự đổi mới ở Trung Quốc và bằng cách gạt nó sang một bên để ủng hộ khu vực nhà nước đang rối loạn chức năng, ông có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề gây tổn hại nhất của nền kinh tế — đầu tư lãng phí và năng suất yếu. Dẫu các chương trình do nhà nước lãnh đạo của ông Tập đã có hào nhoáng được khích lệ. Việc đầu tư quá mức vào lĩnh vực xe điện là kết quả của việc ông Tập thúc đẩy ngành này thông qua trợ cấp của nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác.

Trung Quốc không thể chịu nổi những bước đi sai lầm như vậy. Dân chúng vẫn còn tương đối nghèo - thu nhập bình quân đầu người, ở mức 10.550 đô la, chỉ bằng một phần sáu của Hoa Kỳ - và tệ hơn nữa, nó đang già đi nhanh chóng. Lực lượng lao động suy giảm tự động làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. (Hy vọng, có lẽ khá tự đắc, để đảo ngược xu hướng, chính phủ của ông Tập đang chuyển sang hạn chế phá thai, một cách tiếp cận nặng tay đặc trưng đối với nhân khẩu học của đất nước.)

Chính sách đối ngoại của ông Tập cũng không giúp được gì. Khi quan hệ với Mỹ xấu đi, Washington đã hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ quan trọng. Ví dụ, các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ đang cản trở sự phát triển của máy bay phản lực thương mại tự tạo của Trung Quốc vì nhà sản xuất quốc doanh của họ gặp khó khăn trong việc mua sắm các phụ tùng. Phản ứng của ông Tập là hướng nội và giảm bớt những tổn thương của Trung Quốc trước sức ép từ bên ngoài. Chiến dịch “tự cung tự cấp” được đề cao của ông hy vọng sẽ thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm thay thế tự chế. Nhưng điều đó cũng có thể kéo lùi nền kinh tế. Một bài viết gần đây của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho rằng chi phí tiềm ẩn của sáng kiến ​​này “sẽ rất lớn và có tác động tiêu cực, lâu dài”, bao gồm giảm đầu tư nước ngoài và các nguồn lực khác được phân bổ sai cho các chương trình do nhà nước chỉ đạo.

Dự đoán một cách chắc chắn tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào là điều không thể. Tuy nhiên, như ông Magnus của Oxford đã nói, “có một trường hợp khả dĩ là ngay bây giờ Trung Quốc đã đạt đến một mức bình nguyên về tính năng động kinh tế của mình.” Nếu điều đó thực sự đúng, và Bắc Kinh không thay đổi các chính sách kinh tế của mình để đáp lại, Trung Quốc có thể không bao giờ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế không thể thiếu của thế giới, cũng như sẽ không thể tích lũy tài sản để duy trì việc xây dựng năng lực quân sự hoặc tiếp tục các hành vi ngoại giao táo bạo, chẳng hạn như chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém có tên Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Những hệ quả (của dự đoán) đối với Washington là rất lớn. Việc kìm hãm Trung Quốc sẽ không còn là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, hay chủ đề chính trong quan hệ của nước này với các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Nó sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với một Trung Quốc khác với một tương lai khác.

Có một khả năng khác đen tối hơn: Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc suy thoái với tư cách là một đối thủ kinh tế nhưng lại vươn lên với tư cách là một đối thủ chính trị? Lo sợ đất nước của mình sẽ yếu hơn trong tương lai so với hiện tại và cần một lý do hợp pháp mới để thay thế hiệu quả kinh tế, ông Tập có thể quay sang các mục tiêu dân tộc chủ nghĩa và trở nên hung hăng hơn, có lẽ nhằm thu phục Đài Loan. Trong kịch bản này, một Trung Quốc giống Evergrande — hào nhoáng và èo uột — đáng sợ hơn một Trung Quốc không giống Evergrande.

Pottinger nói với tôi: “Có một lý lẽ xác đáng để nói rằng chúng ta đã chứng kiến ​​Trung Quốc đạt đỉnh cao về mặt kinh tế, nhưng chúng ta chưa thấy Trung Quốc đạt đỉnh cao về mặt chính trị hoặc quân sự. Đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”./.


Nguồn: https://www.theatlantic.com/international/archive/2021/10/evergrande-china-us/620360/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét