Nhân kỷ niệm 49 năm phán quyết của án lệ Roe v. Wade
Án lệ Roe v. Wade là một phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt được ban hành vào ngày 22/01/1973, mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã hủy bỏ đạo luật cấm phá thai của Texas, hợp pháp hóa y thuật này trên toàn nước Mỹ. Tòa cho rằng quyền phá thai của phụ nữ mặc nhiên là quyền riêng tư được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp. Trước vụ Roe v. Wade, việc phá thai bị xem là bất hợp pháp trên khắp nước Mỹ kể từ cuối thế kỷ 19.
Phán quyết Roe v. Wade vẫn gây nhiều tranh cãi và người Mỹ vẫn chia rẽ trong việc ủng hộ quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ. Kể từ phán quyết năm 1973, nhiều tiểu bang đã áp đặt các hạn chế khác nhau đối với quyền phá thai.
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ
Cho đến cuối thế kỷ 19, phá thai trước khi “thai máy” được xem là hợp pháp ở Hoa Kỳ. “Thai máy" là thời điểm mà thai phụ có thể cảm nhận được chuyển động của thai nhi lần đầu tiên, thường là vào khoảng tháng thứ tư của thai kỳ.
Một số quy định ban đầu liên quan đến phá thai đã được ban hành vào những năm 1820 và 1830 và xử lý việc bán các loại thuốc nguy hiểm mà phụ nữ sử dụng để phá thai. Bất chấp những quy định này và thực tế là đôi khi thuốc gây tử vong cho phụ nữ, chúng vẫn tiếp tục được quảng cáo và bán.
Vào cuối những năm 1850, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ mới thành lập đã bắt đầu kêu gọi hình sự hóa việc phá thai, một phần trong nỗ lực loại bỏ các đối thủ cạnh tranh của bác sĩ như các bà mụ hay các lang vườn.
Ngoài ra, một số người theo chủ nghĩa bản địa, lo ngại về số dân nhập cư ngày càng tăng, đã chống phá thai vì họ lo ngại sự suy giảm tỷ lệ sinh sản ở những người phụ nữ Mỹ da trắng theo đạo Tin lành.
Năm 1869, Giáo hội Công giáo cấm phá thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, và đến năm 1873, Quốc hội thông qua luật Comstock, quy định việc phân phối thuốc tránh thai và thuốc phá thai qua đường bưu điện của Hoa Kỳ là bất hợp pháp. Vào những năm 1880, việc phá thai đã bị đặt ngoài vòng pháp luật hầu như trên khắp nước Mỹ.
Mãi cho đến những năm 1960, trong phong trào đấu tranh nữ quyền, các vụ kiện liên quan đến các biện pháp tránh thai đã đặt nền tảng cho vụ Roe v. Wade.
Năm 1965, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã hủy bỏ luật cấm phân phối các biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng đã kết hôn, phán quyết rằng luật này vi phạm quyền riêng tư của họ được ngầm định theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Đến năm 1972, Tối cao Pháp viện lại đã hủy bỏ một luật tương tự cấm phân phối các biện pháp tránh thai cho những người trưởng thành chưa lập gia đình.
Trong khi đó, vào năm 1970, Hawaii trở thành bang đầu tiên hợp pháp hóa việc phá thai, mặc dù luật này chỉ áp dụng cho cư dân của bang. Cùng năm đó, New York hợp pháp hóa việc phá thai, không chỉ dành riêng cho cư dân tiểu bang. Đến 1973, khi vụ kiện Roe v. Wade diễn ra, việc phá thai cũng được áp dụng hợp pháp ở Alaska và Washington.
ÁN LỆ ROE V. WADE
Năm 1969, Norma McCorvey, một phụ nữ Texas ngoài 20 tuổi, đã tìm cách phá đi một bào thai ngoài ý muốn. Cô McCorvey lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo nàn, đã hai lần sinh con và đã cho cả hai đứa con làm con nuôi. Vào thời điểm cô mang thai vào năm 1969, phá thai là hợp pháp ở Texas — nhưng chỉ với mục đích cứu sống thai phụ.
Mặc dù những phụ nữ có đủ khả năng tài chính có thể tìm đến các tiểu bang khác nơi mà việc phá thai được xem là hợp pháp và an toàn nếu họ cần đến, hoặc trả một khoản phí lớn cho một bác sĩ nào đó sẵn sàng thực hiện phá thai cho họ một cách bí mật, thì những lựa chọn đó nằm ngoài tầm với của McCorvey và nhiều người phụ nữ khác.
Kết quả là, một số thai phụ đã sử dụng phương pháp phá thai bất hợp pháp, nguy hiểm, phá “chui”, hoặc tự phá thai. Theo Viện Guttmacher, trong những năm 1950 và 1960, ước tính số ca phá thai bất hợp pháp ở Hoa Kỳ dao động từ 200.000 đến 1,2 triệu ca mỗi năm.
Sau khi cố gắng phá thai bất hợp pháp không thành công, McCorvey được giới thiệu với luật sư Linda Coffee và Sarah Weddington của Texas, những người muốn thách thức luật chống phá thai. Trong các tài liệu của tòa án, McCorvey được gọi là "Jane Roe."
Năm 1970, các luật sư đệ đơn kiện thay mặt McCorvey và tất cả những phụ nữ khác “đã hoặc có thể mang thai và muốn cân nhắc mọi lựa chọn,” chống lại Henry Wade, Chánh Biện Lý Quận Dallas, nơi McCorvey sinh sống. Ông Wade lúc đó đã là người nổi tiếng trên khắp nước vào năm 1964 sau vụ ông truy tố Jack Ruby, kẻ đã giết Lee Harvey Oswald, tên sát nhân đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Vào tháng 6 năm 1970, một tòa án quận tại Texas đã ra phán quyết rằng lệnh cấm phá thai của tiểu bang là bất hợp pháp vì nó vi phạm quyền riêng tư theo hiến pháp. Nhưng sau đó, Wade đã tuyên bố sẽ tiếp tục truy tố các bác sĩ đã thực hiện phá thai. Vụ kiện vì vậy đã được kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Trong khi đó, McCovey đã sinh con và đứa trẻ này lại được cho làm con nuôi.
Vào ngày 22/1/1973, Tối cao Pháp viện, trong một quyết định với tỷ số 7-2, đã hủy bỏ luật cấm phá thai của Texas, hợp pháp hóa hiệu quả việc này này trên toàn quốc. Theo ý kiến đa số do Thẩm phán Harry Blackmun viết, tòa án tuyên bố rằng quyền phá thai của phụ nữ mặc nhiên là quyền riêng tư được Tu chính án 14 bảo vệ.
Tòa chia thai kỳ thành ba tam cá nguyệt và tuyên bố rằng lựa chọn phá thai trong tam cá nguyệt đầu tiên là hoàn toàn tùy thuộc vào người phụ nữ. Trong tam cá nguyệt thứ hai, chính phủ có thể đưa ra các điều lệ về việc phá thai, để nhằm bảo vệ sức khỏe của người mẹ, nhưng không được ngăn cấm. Trong tam cá nguyệt thứ ba, tiểu bang có thể cấm phá thai để bảo vệ thai nhi vì nó có thể tự tồn tại bên ngoài bào thai của mẹ, trừ trường hợp sức khỏe của thai phụ gặp nguy hiểm.
THỰC TIỄN CỦA QUYỀN PHÁ THAI
Ngay từ sau khi có án lệ Roe v. Wade, phe bảo thủ và giới tín đồ Thiên chúa giáo vận động mạnh mẽ đòi đảo ngược án lệ bằng những đạo luật cấp tiểu bang và những vụ kiện tụng triền miên tại các toà án. Phe này cũng chú tâm nhiều đến việc bổ nhiệm các thẩm phán Tối cao Pháp viện để mong có thể đảo ngược án lệ này bằng một án lệ khác. Khi còn những thẩm phán ủng hộ nữ quyền như Thẩm phán Sandra O'Connor, Thẩm phán Anthony Kennedy và Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, phe ủng hộ nữ quyền tin tưởng Tối cao Pháp viện vẫn còn là chỗ dựa của họ. Khi những vị thẩm phán trên lần lượt ra đi, sự tồn vong của án lệ và quyền phá thai thường xuyên được đưa ra bàn luận.
Tại Texas, dự luật chống phá thai SB8 do Thượng viện bang đưa ra được Thống đốc Abbott phê chuẩn vào tháng 5/2021 và đã có hiệu lực vào ngày 1/9/2021. Dự luật này còn có tên là “Luật Nhịp tim" (Heartbeat law) vì nó buộc tội hình sự việc phá thai khi phôi thai có nhịp tim. Theo khoa hoc, “nhịp tim” của phôi thai có thể nhận biết khoảng sau sáu tuần, vào lúc mà tim chưa thực sự hình thành và là thời điểm mà người phụ nữ có thể chưa nhận biết việc mình đang mang thai. Nó cũng buộc tội hình cho những ai cung cấp hoặc giúp thực hiện việc phá thai, gồm bác sĩ, y tá hay ngay cả người tài xế taxi nếu họ biết ý định người hành khách mà không từ chối. Nó còn treo giải 10 nghìn Mỹ kim cho ai tố cáo việc phá thai, vô tình tạo nên một xã hội mà con người có thể rình rập lẫn nhau vì quyền lợi. Dự luật này bị kiện lên đến Tối cao Pháp viện đến hai lần, nhưng đều bị từ chối xét xử, cho phép nó thành luật hiện hành của xứ Texas.
Tại bang Georgia, dự luật HB 481 năm 2019 đã được thông qua và ký ban hành nhằm ngăn cấm phá thai sau 6 tuần. Các vụ kiện tụng sau đó tại toà quận liên bang đã bác bỏ đạo luật đó.
Tại Ohio, Thượng viện bang trong năm 2021 đã đưa ra một dự luật HB480 khắc nghiệt hơn nhằm chống phá thai hoàn toàn, kể cả những bào thai là hậu quả của hiếp dâm hay loạn luân. Dự luật này cũng khuyến khích người dân tố cáo việc thực hiện, giúp đỡ, hay xúi giục phá thai với giải thưởng trên 10 nghìn Mỹ kim. Mỉa mai hơn nữa là nó có điều khoản ngăn cấm những thủ phạm của tội hiếp dâm hay loạn luân liên quan được lãnh thưởng nhờ việc tố cáo nói trên. Hiện nó vẫn còn là dự luật và đang chờ những vị dân cử của bang Ohio xem xét.
Cuộc tranh đấu giữa giới bảo vệ nữ quyền, được mệnh danh pro-choice (ủng hộ quyền chọn lựa) và giới bảo vệ thai nhi hay cả phôi thai mới thành hình, được mệnh danh pro-life (ủng hộ sinh mệnh) được dự kiến sẽ dậy sóng năm nay, 49 năm sau án lệ Roe v. Wade. Một đạo luật cấm hoàn toàn việc phá thai sau 15 tuần tại bang Mississippi, vốn được thông qua từ năm 2018 bởi một Quốc hội bang do phe Cộng hòa nắm đa số, đã chưa thể đưa ra áp dụng vì các vụ kiện liên quan. Trong khi tiểu bang tuyên bố thai nhi có thể tự sinh tồn từ tuần thứ 15 - hai tháng sớm hơn mốc cuối tam cá nguyệt thứ hai được đưa ra trong án lệ Roe v. Wade - và cho rằng việc phá thai ở tuần thứ 15 gây nhiều nguy hiểm cho thai phụ, Tổ chức Y khoa Phụ nữ (Jackson Women’s Health Organization) đưa nhiều chứng cứ rằng khả năng tự sinh tồn của thai nhi ở 15 tuần là gần như không thể có. Đạo luật này từ khi ban hành đã bị các tổ chức y tế khiếu kiện và liên tiếp đánh bại tại các toà.
Trông đợi vào 6 thẩm phán bảo thủ trong số 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện, tiểu bang Mississippi lại mang vụ kiện lên Tối cao pháp viện và đã được nhận xử hồi tháng 5/2021. Trong vụ kiện này, tiểu bang Mississippi đòi Tối cao Pháp viện huỷ bỏ án lệ Roe v. Wade và một án lệ liên quan khác quan trọng không kém là án lệ Casey v. Planned Parenthood của năm 1992. Vụ này được dự trù sẽ được Tối cao Pháp viện đưa ra xét xử vào năm nay.
NĂM MƯƠI NĂM SAU, TIẾN HAY LÙI
Hôm nay, nhân kỷ niệm 49 năm ngày Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết lịch sử Roe v. Wade, Tổng thống Biden kêu gọi luật hóa án lệ Roe v. Wade để nó vĩnh viễn tồn tại trong luật pháp Hoa Kỳ.
Biden và Harris cho biết trong một tuyên bố: “Quyền hiến định được thiết lập ở Roe v. Wade gần 50 năm trước giờ đây đang bị tấn công hơn bao giờ hết. Đó là quyền mà chúng tôi tin rằng phải được luật hóa và chúng tôi cam kết bảo vệ quyền đó bằng mọi công cụ mà chúng tôi có.”
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi hàng nghìn nhà hoạt động chống phá thai tập hợp ở Washington, D.C., bày tỏ chống đối việc phá thai, thúc đẩy việc lật ngược án lệ Roe v. Wade.
Một cuộc thăm dò gần đây do CNN thực hiện cho thấy phần lớn người Mỹ - gần 70% - nói rằng họ phản đối việc lật ngược Roe v. Wade. Ba mươi phần trăm người được hỏi nói rằng họ ủng hộ động thái này.
Liệu Hoa Kỳ sẽ có một nền tư pháp phù hợp với tiến bộ của xã hội hay sẽ lùi lại với sự bảo thủ của nửa thế kỷ trước. Liệu nữ quyền sẽ được bênh vực hay ý chí của những người Thiên chúa giáo sẽ ngự trị bên trên hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.
Lược dịch và tham khảo:
https://www.history.com/topics/womens-rights/roe-v-wade
https://www.nytimes.com/article/mississippi-abortion-law.html
https://www.thecut.com/2022/01/texas-bans-abortion-at-6-weeks-sets-bounty-on-providers.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét