07 tháng 1 2022

Diễn văn của Tổng thống Biden nhân kỷ niệm đầu tiên ngày 6/1

 



Thưa bà Phó Tổng thống.

Các bạn công dân Mỹ của tôi.

Hãy để tôi nói rõ một điều.

Ngày này một năm trước, ở nơi thiêng liêng này, nền dân chủ bị tấn công, nói thẳng là bị tấn công. Ý chí của dân chúng đã bị tấn công. Hiến pháp - Hiến pháp của chúng ta - đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng nhất. Bị áp đảo về số lượng trong một vụ tấn công tàn bạo, những người cảnh sát điện Quốc hội, Sở cảnh sát Thủ đô, Vệ binh Quốc gia, và nhiều sĩ quan công lực dũng cảm khác, đã cứu lấy nền pháp quyền.

Nền dân chủ của chúng ta được giữ vững.

Dân tộc chúng ta đã vượt qua thử thách.

Dân tộc chúng ta đã chiến thắng.

Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, một tổng thống chỉ vừa thua một cuộc bầu cử đã cố gắng ngăn cản việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình với một đám đông bạo động đã xâm phạm điện Quốc hội. Nhưng họ đã thất bại.

Họ đã thất bại.

Vào ngày tưởng niệm này, chúng ta phải bảo đảm rằng một cuộc tấn công như vậy không bao giờ xảy ra một lần nữa.

Tôi đang nói chuyện với bạn hôm nay tại sảnh đường các pho tượng bên trong điện Quốc hội Hoa Kỳ. Đây là nơi các dân biểu quốc hội đã hội họp trong 50 năm trước khi xảy ra cuộc nội chiến.

Tại tầng nhà này, kia là nơi nghị sĩ trẻ từ Illinois mang tên Abraham Lincoln, từng ngồi tại bàn số 191. Phía bên trên của ông, bên trên của chúng ta bây giờ, qua cánh cửa kia, dẫn vào căn phòng hình tròn đó, là một tác phẩm điêu khắc khắc họa Clio, vị nữ thần lịch sử. Trong tay bà là một cuốn sách nhỏ để ghi lại các sự kiện diễn ra trong căn phòng này bên dưới. Nữ thần Clio đứng trông coi hội trường này.

Vào ngày này năm trước, như vẫn làm trong hơn 200 năm qua, bà đã ghi lại những gì đã diễn ra. Lịch sử thực sự, dữ kiện thực sự, sự thật thực sự.  Những dữ kiện và sự thật mà Phó Tổng thống Harris vừa chia sẻ, những gì mà bạn và tôi và cả thế giới đã nhìn thấy bằng chính mắt chúng ta.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Chúng ta sẽ biết sự thật.

Và đây là sự thật tuyệt đối về ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Bạn hãy nhắm mắt lại. Quay trở về ngày hôm đó.

Bạn thấy gì?

Lần đầu tiên trong điện Quốc hội này, những kẻ bạo loạn hung hăng vẫy lá cờ liên bang biểu tượng cho mục đích phá hủy nước Mỹ, xé lẻ chúng ta.

Điều chưa từng xảy ra ngay cả thời nội chiến, đã xảy ra vào năm 2021.

Bạn còn thấy gì nữa?

Một đám đông đập vỡ các cửa sổ, đạp đổ những cánh cửa để xâm chiếm điện Quốc hội. Những cây cờ Mỹ được sử dụng làm vũ khí như mũi giáo, những bình chữa cháy được dùng để ném vào các sĩ quan cảnh sát. Một đám đông tự nhận yêu quý cảnh sát đã tấn công thô bạo những sĩ quan cảnh sát kia, kéo lê họ, xịt hơi lên họ, giẫm đạp lên họ.

Hơn 140 sĩ quan cảnh sát bị thương. Tất cả chúng ta đều đã nghe những lời chứng của các sĩ quan cảnh sát có mặt ngày hôm đó nói về những gì đã xảy ra. Một sĩ quan gọi nó là “trận đánh thời Trung cổ", và anh nói rằng vào ngày hôm đó anh đã sợ hãi hơn cả khi anh ấy đang chiến đấu trong cuộc chiến ở Iraq.

Kể từ ngày đó, họ đã luôn thắc mắc làm sao có ai, bất cứ ai, có thể xem nhẹ, coi thường, hay phủ nhận cái địa ngục mà họ bị xô vào.

Chúng ta đã nhìn thấy tận mắt những kẻ dấy loạn đã đe dọa những hội trường này, hăm dọa tính mạng của Chủ tịch Hạ viện. Dựng lên giá treo cổ, theo nghĩa đen, hầu treo cổ phó tổng thống Hoa Kỳ.

Có gì chúng ta đã không nhìn thấy?

Chúng ta đã không nhìn thấy một cựu tổng thống, người vừa cổ võ đám đông tấn công, ngồi trong phòng ăn riêng cạnh Phòng Bầu dục của tòa Bạch ốc và xem tất cả diễn tiến trên màn ảnh truyền hình. Và không làm gì cả trong hàng giờ trong khi cảnh sát bị tấn công, sinh mạng đang bị đe dọa, thủ đô quốc gia bị bao vây.

Đây không phải là một nhóm du khách. Đây là một cuộc nổi loạn có vũ trang. Chẳng phải họ tìm cách phò trợ ý nguyện của dân chúng. Họ tìm cách chối bỏ ý nguyện của dân chúng.

Chẳng phải họ tìm cách phò trợ một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Họ đang tìm cách lật ngược một cuộc bầu cử.

Họ chẳng phải đang tìm cách cứu lấy chính nghĩa của Mỹ quốc. Họ đang tìm cách lật đổ Hiến pháp.

Đây cũng không phải là chuyện sa lầy vào quá khứ. Nó chỉ là việc cố giữ lấy một quá khứ không chịu chôn cất.

Nhưng đó là con đường duy nhất để bước tới.

Đó là những gì các quốc gia vĩ đại làm. Họ không chôn vùi sự thật. Họ đối mặt với nó. Nghe có vẻ như cường điệu, nhưng đó là sự thật. Họ phải đối mặt với nó.

Chúng ta là một quốc gia vĩ đại.

Các bạn công dân Mỹ của tôi, trong cuộc sống có sự thật và thật bi thảm là có cả những lời dối trá. Những lời dối trá được hình thành và lan truyền. Vì lợi nhuận và quyền lực.

Chúng ta phải tuyệt đối rõ ràng đâu là sự thật và đâu là dối trá.

Và đây là sự thật: Cựu Tổng thống của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã tạo ra và lan truyền một mạng nhện những lời dối trá về cuộc bầu cử năm 2020.

Ông ta làm như vậy vì ông ta coi trọng quyền lực hơn nguyên tắc, vì ông ta thấy lợi ích riêng tư của ông ta quan trọng hơn lợi ích quốc gia, lợi ích của Mỹ quốc. Và bởi vì cái tôi bị chà xát của ông ta quan trọng với ông ta hơn là nền dân chủ của chúng ta, hay hiến pháp của chúng ta.

Ông ta không thể chấp nhận ông ta đã thua, mặc dù đó là những gì 93 Thượng nghị sĩ liên bang, Tổng chưởng lý của chính ông ta, Phó Tổng thống của chính ông ta, những thống đốc và các quan chức tiểu bang ở mọi tiểu bang tranh chấp, tất cả đã nói rằng ông ta đã thua. Đó là những gì 81 triệu người trong số bạn đã làm khi bạn bầu chọn cho một con đường mới.

Ông ta đã làm chuyện mà không có tổng thống nào trong lịch sử Mỹ quốc, lịch sử của quốc gia này, đã bao giờ làm. Ông ta từ chối chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử và ý nguyện của người dân Mỹ.

Một số người can đảm trong đảng Cộng hòa đứng lên chống lại nó, cố gắng duy trì nguyên tắc của đảng họ. Nhưng có quá nhiều người khác đang biến đổi đảng đó thành một cái gì đó khác. Họ dường như không còn muốn là đảng của Lincoln, của Eisenhower, của Reagan, của Bush.

Bất kể những bất đồng khác của tôi là gì với những người Cộng hòa ủng hộ pháp quyền chứ không phải quyền của một cá nhân, tôi sẽ luôn tìm cách làm việc cùng với họ để tìm các giải pháp chung nếu có thể.  Bởi vì nếu chúng ta có chung niềm tin vào dân chủ thì mọi thứ đều có thể. Bất cứ thứ gì.

Và vì vậy tại thời điểm này, chúng ta phải quyết định chúng ta sẽ trở thành quốc gia nào.

Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia chấp nhận bạo lực chính trị như một thông lệ? 

Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia cho phép các quan chức bầu cử phe đảng lật đổ ý nguyện được thể hiện hợp pháp của người dân?

Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia sống không phải dưới ánh sáng của sự thật mà là trong bóng tối của dối trá?

Chúng ta không thể cho phép mình trở thành những thứ đó. Con đường tiến tới là nhìn nhận ra sự thật và sống với nó.

Lời đại bịp được đưa ra bởi vị tổng thống tiền nhiệm và nhiều đảng viên Cộng hòa sợ hãi cơn thịnh nộ của ông ta cho rằng cuộc nổi dậy ở đất nước này thực sự đã diễn ra vào ngày bầu cử 3/11/2020.

Hãy nghĩ về điều đó.

Đó có phải là điều bạn nghĩ? Đó có phải là điều bạn nghĩ khi bạn bỏ phiếu vào ngày hôm đó? Tham gia vào một cuộc nổi dậy ư?

Đó có phải là điều bạn nghĩ, hay bạn nghĩ rằng bạn đang thực hiện nghĩa vụ cao nhất của bạn với tư cách là một công dân và bỏ phiếu.

Những người ủng hộ cựu tổng thống đang cố gắng viết lại lịch sử. Họ muốn bạn coi ngày bầu cử là ngày nổi dậy và cuộc bạo loạn đã diễn ra tại đây vào ngày 6/1 mới là biểu hiện thực sự của ý nguyện của dân chúng.

Bạn có thể nghĩ ra một cách nào xuyên tạc hơn để nhìn về đất nước này, để nhìn về Mỹ quốc?

Tôi không thể.

Đây là sự thật.

Cuộc bầu cử năm 2020 là sự biểu diễn dân chủ vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước này. Nhiều người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đó hơn bao giờ hết trong lịch sử Mỹ. Hơn một trăm năm mươi triệu người Mỹ đã đi đến phòng phiếu và bỏ phiếu vào ngày hôm đó ngay giữa đại dịch, phần nào chấp nhận rủi ro đến sinh mệnh họ. Họ nên được hoan hô, chứ không phải bị tấn công.

Ngay bây giờ, hết tiểu bang này đến tiểu bang khác, những luật mới đang được soạn ra, không phải để bảo vệ lá phiếu mà để từ chối nó. Không những để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu mà còn đảo ngược nó. Không phải để củng cố hoặc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta mà chỉ vì cựu tổng thống đã thất cử.

Thay vì nhìn vào kết quả bầu cử 2020 và nói rằng họ cần ý tưởng mới hoặc ý tưởng tốt hơn để giành được nhiều phiếu bầu hơn, cựu tổng thống và những người ủng hộ ông ta đã quyết định cách để họ chiến thắng là ngăn chặn phiếu bầu của bạn và lật đổ các cuộc bầu cử của chúng ta.

Điều đó là sai.

Điều đó là phi dân chủ.

Và thành thật mà nói, đó không là kiểu Mỹ.

Lời đại bịp thứ hai được đưa ra bởi cựu tổng thống và những người ủng hộ cho rằng kết quả của cuộc bầu cử 2020 là không đáng tin cậy.

Sự thật là không có cuộc bầu cử nào, không có cuộc bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ đã được soi xét kỹ lưỡng hơn hay được đếm cẩn thận hơn. Mọi thách thức pháp lý có thể thực hiện để đặt nghi vấn trên các kết quả tại mọi tòa án ở đất nước này đều đã được thực hiện và đều đã bị gạt bỏ. Thường là bị gạt bỏ bởi các thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm, gồm cả những thẩm phán được bổ nhiệm bởi chính cựu Tổng thống, từ cấp tiểu bang đến liên bang và cả Tối cao Pháp viện.

Chuyện tái kiểm phiếu được thực hiện tại hết bang này đến bang khác. Bang Georgia đếm kết quả của nó ba lần, kể cả một lần bằng tay. Những cuộc tái kiểm giả dối theo đảng phái đã được thực hiện rất lâu sau cuộc bầu cử tại nhiều tiểu bang. Không có cái nào làm thay đổi kết quả. Và trớ trêu là nhiều cuộc tái kiểm trong số đó đã tăng nhẹ khoảng cách cho bên thắng phiếu.

Vì vậy chúng ta hãy nói rõ ràng về những gì xảy ra vào năm 2020. Ngay cả trước khi lá phiếu đầu tiên được bầu, cựu tổng thống đã bày tỏ nghi ngờ về kết quả bầu cử. Ông ta đã xây dựng lời nói dối của mình trong nhiều tháng không dựa trên bất kỳ dữ kiện nào. Ông ta chỉ đang tìm kiếm một cái cớ, một tiền đề để che đậy sự thật.

Ông ta không chỉ là một cựu Tổng thống. Ông ta là một cựu tổng thống bị đánh bại. Bị đánh bại bởi một độ khác biệt hơn bảy triệu phiếu bầu trong một cuộc bầu cử đầy đủ và tự do và công bằng.

Đơn giản là không có bằng chứng rằng kết quả bầu cử không chính xác. Trên thực tế, ở mọi nơi mà bằng chứng phải được chưng ra, mọi nơi mà người ta bị buộc phải thề nói sự thật, cựu tổng thống đã thất bại để chứng minh quan điểm của mình.

Chỉ nghĩ về điều này, cựu Tổng thống và những người ủng hộ chưa bao giờ có thể giải thích làm sao họ chấp nhận các kết quả bầu cử khác đã diễn ra vào ngày 3/11 là chính xác. Các cuộc bầu cử thống đốc, Thượng viện Liên bang, Hạ viện Liên bang, mà trong đó họ đã thu hẹp khoảng cách tại Hạ viện. Họ không thách thức cái nào trong số đó. Trên lá phiếu, tên các ứng viên tổng thống đầu tiên, sau đó xuống đến các ứng viên thống đốc, thượng nghị sĩ, dân biểu, bằng cách nào đó những kết quả đó là chính xác trên cùng một lá phiếu. Nhưng riêng cuộc đua tổng thống lại bị gian lận, trên cùng một lá phiếu vào cùng ngày được chọn bởi cùng một cử tri.

Sự khác biệt duy nhất: cựu Tổng thống đã không thua những cuộc đua kia, ông ta chỉ thua trong cuộc đua của chính mình.

Cuối cùng là lời đại bịp thứ ba được nói bởi một cựu tổng thống và những người ủng hộ cho rằng đám đông đã tìm cách áp đặt ý chí của họ bằng bạo lực kia là những người yêu nước thực sự của quốc gia.

Đó có phải là những gì bạn nghĩ khi bạn nhìn vào đám đông đang lục soát điện Quốc hội, phá hoại tài sản, phóng uế ở hành lang theo đúng nghĩa đen, lấy cắp đồ đạc từ các bàn làm việc của các thượng nghị sĩ và dân biểu, săn lùng các thành viên quốc hội.

Những nhà ái quốc? Không phải cách nhìn của tôi.

Với tôi những người yêu nước chân chính là hơn 150 triệu người Mỹ bày tỏ qua lá phiếu bầu của họ một cách hòa bình tại những phòng phiếu, là các nhân viên bầu cử đã bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, và những anh hùng đã bảo vệ tòa nhà này.

Bạn không thể chỉ yêu đất nước của bạn khi bạn thắng. Bạn không thể chỉ tuân theo luật pháp khi nó tiện lợi. Bạn không thể có lòng ái quốc khi bạn ôm ấp và kích hoạt những lời dối trá, những kẻ đã làm mưa làm gió ở điện Quốc hội này, và những kẻ đã khuyến khích và xúi giục, và những kẻ đã chỉ thị cho họ làm như vậy.

Dí dao găm vào cổ họng của nền dân chủ Mỹ. Họ không đến đây vì lòng yêu nước hoặc vì nguyên tắc. Họ đến đây trong cuồng nộ. Họ không vì nước Mỹ mà là vì một cá nhân, vì những kẻ đã kích động đám đông, những kẻ thực sự mưu đồ trong tuyệt vọng muốn từ chối chứng nhận của cuộc bầu cử này và bất chấp ý nguyện của cử tri.

Nhưng âm mưu của họ đã bị phá vỡ.

Những người Dân chủ và Cộng hòa đã ở lại. Những thượng nghị sĩ, dân biểu, và các nhân viên. Họ đã hoàn thành công việc của họ như Hiến pháp yêu cầu. Họ tôn trọng lời thề của họ bảo vệ Hiến pháp chống lại tất cả kẻ thù nước ngoài và trong nước.

Mọi người hãy nhìn đi. Bây giờ nó tùy thuộc vào tất cả chúng ta, vào dân tộc chúng ta, để ủng hộ pháp quyền, để bảo toàn ngọn lửa dân chủ, để giữ cho lời hứa của nước Mỹ tồn tại.

Một lời hứa đang bị nguy hiểm, bị nhắm mục tiêu bởi các lực lượng coi trọng bạo lực hơn tính tôn nghiêm của nền dân chủ, sợ hãi hơn hy vọng, lợi ích cá nhân hơn lợi ích công cộng. Đừng nhầm lẫn điều đó.

Chúng ta đang sống ở một điểm uốn trong lịch sử, cả trong nước và ở ngoài. Chúng ta vừa lại dấn thân vào một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền, giữa nguyện vọng của đa số và tham vọng của thiểu số, giữa quyền tự quyết của người dân và sự chuyên quyền tự phát.

Từ Trung Quốc đến Nga và xa hơn nữa, người ta đang đánh cược nền dân chủ chúng ta chỉ còn đếm từng ngày. Họ thực sự bảo tôi rằng nền dân chủ là quá chậm chạp, quá chìm sâu trong sự chia rẽ để có thể thành công trong thế giới phức tạp và thay đổi nhanh chóng của ngày nay. Và họ đang đánh cược Mỹ sẽ trở nên giống họ nhiều hơn và ít giống chính chúng ta hơn. Họ đang đánh cược rằng Mỹ là một nơi dành cho kẻ chuyên quyền, kẻ độc tài, kẻ bạo chúa.

Tôi không tin điều đó. Chúng ta không như thế. Chúng ta chưa từng như thế, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ nên như thế.

Những nhà quốc phụ của chúng ta, dù có không hoàn hảo, đã thiết lập một thử nghiệm đã thay đổi thế giới theo đúng nghĩa đen. Ở đây tại Hoa Kỳ, người dân sẽ nắm quyền cai trị. Quyền lực sẽ được chuyển giao một cách hòa bình, không bao giờ bằng mũi giáo hoặc nòng súng.

Họ đã cam kết trên giấy một ý tưởng mà họ đã chưa làm được, dẫu họ chưa làm được, nhưng không thể bị giới hạn.

Vâng ở Mỹ tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng.

Không phải sự khước từ bạn theo kiểu rằng nếu bạn thành công đồng nghĩa với tôi thất bại. Rằng bạn tiến về phía trước đồng nghĩa với tôi tụt lại phía sau. Rằng tôi kéo bạn xuống đồng nghĩa với bằng cách nào đó tôi tự nâng mình lên.

Vị cựu tổng thống nói dối về cuộc bầu cử này và đám đông tấn công điện Quốc hội đã đi quá xa khỏi những giá trị cốt lõi của Mỹ quốc.

Họ muốn cai trị, bằng không họ sẽ hủy hoại những gì đất nước chúng ta từng chiến đấu vì. Tại Lexington, tại Concord, tại Gettysburg, tại bãi biển Omaha (Pháp), tại Seneca Falls, Alabama.

Và chúng ta đã chiến đấu vì điều gì? Quyền bầu cử. Quyền tự quản. Quyền tự quyết định số phận của mình.

Quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Trách nhiệm coi nhau là xóm giềng. Có thể chúng ta không đồng ý với người hàng xóm đó nhưng họ không phải là kẻ thù. Trách nhiệm loại trừ chuyện hễ thất bại thì quay lại đấu trường và đòi thử lại để tìm cơ hội. Trách nhiệm nhìn thấy Mỹ quốc là một ý tưởng. Một ý tưởng đòi hỏi sự quản lý thận trọng.

Khi chúng ta đứng ở đây ngày hôm nay. Một năm kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2021. Những lời nói dối đã thúc đẩy sự tức giận và sự điên rồ mà chúng tôi đã thấy ở nơi này. Chúng đã không suy giảm.

Vì vậy chúng ta phải vững vàng, kiên quyết và không nhân nhượng trong việc bảo vệ quyền bỏ phiếu và được kiểm phiếu của chúng ta.

Một số người đã hy sinh tánh mạng trong nỗ lực thiêng liêng này. Jill và tôi muốn vinh danh nhiều cảnh sát tại sảnh đường Quốc hội này. Không phải một mà là hai. Để tưởng niệm ngày 6 tháng 1, chúng tôi muốn vinh danh sĩ quan Brian Sicknik, người đã mất mạng một ngày sau khi bị tấn công. Thứ đến, chúng tôi muốn vinh danh sĩ quan Billy Evans, người đã mất mạng để bảo vệ điện quốc hội này.

Chúng tôi nghĩ về những người khác đã tử vong hay bị thương, và tất cả mọi người vẫn đang sống giữa những tổn thương của ngày hôm đó. Từ những người bảo vệ điện Quốc hội này, bảo vệ các thành viên quốc hội ở cả hai đảng và nhân viên của họ, bảo vệ các phóng viên, các nhân viên tạp dịch hay nhà ăn, và cả những gia đình của họ.

Chẳng phải chuyện đùa. Nỗi đau và những vết sẹo từ ngày đó đã hằn sâu.

Tôi đã nói điều đó nhiều lần. Không thể có gì thực hơn và đúng hơn nếu chúng ta nghĩ về sự kiện ngày 6 tháng 1 như thể chúng ta đang trong một trận chiến giành lấy linh hồn của nước Mỹ. Một trận chiến mà chúng ta sẽ chiến thắng nhờ ân điển của Chúa và cái thiện và sự vinh hiển và sự vĩ đại của quốc gia này.

Hãy tin tôi. Tôi biết dân chủ khó khăn như thế nào. Tôi nhìn rõ như pha lê những mối đe dọa mà Mỹ quốc đối diện, nhưng tôi cũng biết rằng những ngày đen tối nhất của chúng ta có thể dẫn tới ánh sáng và hy vọng. Chính từ sự hủy diệt và tử vong tại Trân Châu Cảng như Phó Tổng thống nhắc đến đã dẫn tới sự chiến thắng các lực lượng phát xít. Từ sự tàn bạo của ngày Chủ nhật đẫm máu trên cầu Edmund Pettus đã đưa đến điều luật lịch sử về Quyền bầu cử.

Vì vậy bây giờ chúng ta hãy cùng bước lên để viết chương tiếp theo trong lịch sử Mỹ quốc. Trong đó, ngày 6 tháng Giêng đánh dấu không phải là sự kết thúc của nền dân chủ mà là sự khởi đầu của một thời kỳ phục hưng của tự do và công bằng.

Tôi đã không cố kiếm cuộc chiến đã bị mang đến thủ đô này vào ngày này năm trước, nhưng tôi cũng sẽ không lùi lại trước nó.

Tôi sẽ giữ vững ý nguyện này, tôi sẽ bảo vệ quốc gia này không cho phép một ai có thể dí dao găm vào cổ họng của nền dân chủ.

Chúng ta sẽ bảo đảm rằng ý nguyện của mọi người được lắng nghe. Rằng lá phiếu chiến thắng chứ không phải bạo lực. Rằng quyền lực tại quốc gia này sẽ luôn luôn được chuyển giao trong hòa bình.

Tôi tin vào quyền tổng thống và mục đích của nó là để đoàn kết quốc gia này chứ không để chia rẽ nó. Để nâng chúng ta lên chứ không chia cắt chúng ta. Nó nên là vì chúng ta, về chúng ta, chứ không vì tôi.

Sâu trong trái tim của nước Mỹ, ngọn lửa của tự do và bình đẳng vẫn cháy bỏng từ hơn gần 250 năm trước.

Đây không phải là lãnh thổ của vua chúa hay những kẻ độc tài hoặc những kẻ chuyên chế.

Chúng ta là một quốc gia của luật pháp, của trật tự, không phải của hỗn loạn. Của hòa bình, không phải của bạo lực.

Tại Mỹ quốc này, người dân cai trị thông qua lá phiếu và ý chí của họ sẽ thắng.

Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau nhớ rằng chúng ta là một quốc gia, dưới Chúa, không thể chia cắt. Rằng ngày hôm nay, ngày mai, và mãi mãi ở mức tốt nhất của chúng ta, chúng ta là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Chúa ban phước lành cho tất cả các bạn.

Cầu chúa bảo vệ quân đội của chúng ta.

Và cầu xin Chúa ban phước lành cho những ai đứng trông chừng nền dân chủ của chúng ta./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét