07 tháng 2 2022

Lao động xuất khẩu Việt tại Nhật Bản

Những người lao động Việt Nam mà Nhật Bản phụ thuộc vào đang rơi xuống rãnh. Một nữ tu Phật giáo đang cố gắng cứu vớt họ.


Đài tưởng niệm những người Việt Nam di cư vừa qua đời tại Nhật Bản. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)

Michelle Ye Hee Lee và Julia Mio Inuma

Washington Post

3/2/2022

Dịch bởi: Bình Phương


HONJO, Nhật Bản - Trong một góc thiếu sáng bên cạnh bàn thờ tại đền Daionji là nhiều dãy những miếng gỗ ghi tên những người di cư Việt Nam vừa qua đời, cùng với ngày sinh, ngày mất, tuổi và tên quy y của họ.

Những tấm bia gỗ này dành cho cho những người từ Việt Nam di cư sang Nhật Bản theo lời hứa về công ăn việc làm hoặc cơ hội học hành. Nhưng mỗi người họ đều đã chết trong đơn độc, thường là sau khi trở thành người vô gia cư, không việc làm hoặc đang bỏ trốn. Họ không có người thân yêu để chăm sóc cho hài cốt của họ - ngoại trừ một ni sư người Việt Nam: Thích Tâm Trí.

Ngôi đền 43 năm tuổi là điểm đến cho những người di cư Việt Nam đang phải vật lộn để một chốn nương thân tại Nhật Bản, và nó giúp điền khuyết những lỗ hổng trong mạng lưới an toàn xã hội của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Cộng đồng người Việt đã tăng gấp 10 lần trong thập niên qua và chiếm tỷ trọng lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật, nhưng những người di cư này vẫn luôn bị coi thường bởi một chính phủ đang dựa vào sức lao động của họ và luôn bị bóc lột bởi các công ty thuê mướn họ.

Ni sư Thích Tâm Trí nói: “Là một nữ tu, nỗ lực của tôi không dựa trên động cơ chính trị hay ý muốn chỉ trích một hệ thống, mà chỉ đơn giản là từ quan điểm nhân đạo. Nếu có ai đó trước mặt tôi cần giúp đỡ, điều tự nhiên là tôi muốn giúp họ, và tôi rất vui để làm việc đó. Ngôi đền của chúng tôi không có cổng, và cửa đền luôn rộng mở cho tất cả mọi người 24/7.”

Đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm tình trạng cô lập của những công nhân này, và để đáp ứng nhu cầu quá lớn, ni sư Tâm Trí đã mở một địa điểm mới vào tháng 11. Kể từ tháng 4/2020, ni sư đã phân phát hơn 60.000 gói thực phẩm và đồ cứu trợ cho những người gốc Việt đang gặp khó khăn trong đại dịch.

Lực lượng lao động của Nhật Bản đang thu hẹp khi dân số già đi, buộc đất nước này phải mở rộng đáng kể điều mà trước đây không thể tưởng tượng được trong một xã hội phần lớn đồng nhất, nơi người nước ngoài chiếm khoảng 2% dân số, phần lớn là lao động nhập cư. Trong số các chương trình trọng điểm là Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật, chủ yếu cho các nghề sản xuất, nông nghiệp và ngư nghiệp ở nông thôn.

Những công việc này rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước Nhật nhưng không hấp dẫn đối với thanh niên Nhật, những người đổ xô ngày càng nhiều đến các thành phố lớn để tìm công việc có lương cao hơn.

Tuy nhiên, trong thập niên qua, đã có những lo ngại về thực tế tuyển dụng của chương trình này và về các lỗ hổng quy định chưa được giải quyết đầy đủ. Chương trình, ban đầu được thiết kế để chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cho người lao động từ các nước đang phát triển, đã nhiều lần được nêu tên trong báo cáo buôn bán người hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó nêu lên những lo ngại về các hoạt động cưỡng bức lao động cũng như điều kiện sống và làm việc kém.

Ông Shoichi Ibusuki (http://www.tipheroes.org/shoichi-ibusuki/), một luật sư nhân quyền tại Tokyo và là nhà vận động lâu năm cho người lao động nước ngoài tại Nhật Bản cho biết: “Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật không phải mới trở nên tồi tệ mà đơn giản là luôn tồi tệ trong suốt 30 năm. Đã có một số biện pháp được thực hiện dẫn đến những thay đổi nhỏ, nhưng vẫn luôn có những kẽ hở xung quanh nó, bởi vì hệ thống vẫn đền được thay đổi một cách cơ bản.”

Thích Tâm Trí, một ni sư gốc Việt sang Nhật Bản như một du học sinh, đã giúp kết nối những người di cư Việt Nam với các dịch vụ mà họ cần. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)


Du khách cầu nguyện tại Daionji, một ngôi đền ở Honjo, tỉnh Saitama. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)

Người Việt Nam chiếm một phần tư trong tổng số 1,7 triệu lao động nước ngoài của Nhật Bản tính đến tháng 10 năm 2020. Họ chiếm khoảng 57 phần trăm trong số 354.104 lao động trong chương trình thực tập sinh.

Chương trình này đã bắt đầu bị phê phán trong những tuần gần đây sau khi một video lan truyền trên mạng cho thấy một công nhân Việt bị một đồng nghiệp Nhật Bản đánh đập. Trong đoạn clip do công đoàn đại diện cho công nhân tung ra, có thể nghe thấy cả tiếng cười của người quay phim.

Vào tháng Giêng, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa đã ra lệnh điều tra vụ việc và xem xét lại toàn bộ chương trình để đáp lại những chỉ trích gần đây. Ông Ibusuki cho biết ông hy vọng việc xem xét này sẽ tạo động lực cho sự thay đổi lâu dài.

Ông Ibusuki nói: “Tôi hy vọng rằng những thay đổi thực sự sẽ diễn ra khi quyền con người của người lao động nước ngoài đang được ưu tiên và đó sẽ không phải là một chương trình mới được trình bày dưới dạng ngụy tạo.” 


'Tôi muốn nhiệt tình giúp đỡ họ'

Là con gái của một bà mẹ đơn thân, ni sư Tâm Trí đã đi tu từ nhỏ, lớn lên ở làng quê Gia Lai, miền Trung Việt Nam trước khi sang Nhật Bản vào khoảng năm 2000 để học về Phật giáo. Nhưng thảm họa kinh hoàng năm 2011 gồm động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân đã thôi thúc ni sư chọn một cuộc sống phục vụ cộng đồng.

Trong những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam và các thành viên của một cộng đồng hơn 440.000 người Việt đều dựa vào ni sư để tìm sự hỗ trợ.

Điện thoại của ni sư hiếm khi ngừng rung chuông bởi các cuộc gọi, tin nhắn, email và tin nhắn Facebook từ những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ của cô. Với khả năng nói tiếng Nhật hoàn hảo, ni sư Tâm Trí giúp những người di cư vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Ni sư thương lượng các hóa đơn viện phí của người lao động, số tiền này rất đắt vì những người di cư không có bảo hiểm của công ty. Khi các công ty tịch thu hộ chiếu của người lao động, ni sư giúp họ khai báo mất để lấy hộ chiếu mới. Ni sư sắp xếp các chuyến đi miễn phí đến phi trường để giúp những người cần về nước.

Và với đại dịch, ni sư chỉ trở nên bận rộn hơn, giúp đỡ những người bị mất việc làm hoặc bỏ việc, không hiểu biết được các quy tắc về biên giới và nhập cư, hoặc đang phải vật lộn để mua khẩu trang. Ni sư đã nuôi hàng chục công nhân tại ngôi đền này khi họ không thể trở về Việt Nam.

Ni sư Tâm Trí nói: “Là một người Việt, tôi muốn giúp đỡ những người Việt tại Nhật Bản. Nếu tôi không giúp họ, họ sẽ thành người không có giấy tờ và rơi vào hoàn cảnh khó khăn, và khi ngoài kia còn những người như vậy, bản thân tôi cũng không thể hạnh phúc được.” 

Ni sư Thích Tâm Trí đang phân loại những chiếc hộp được quyên góp tại đền để giúp đỡ những người di cư Việt Nam đang cần thực phẩm và vật dụng. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)


Suốt ngày, sinh viên Việt Nam và những cư dân Nhật Bản gần đó đến để cầu nguyện ở chánh điện, nói chuyện với ni sư và nhân viên của bà. Đền Daionji - tiếng Nhật có nghĩa là “Ngôi đền của ân sủng và lòng biết ơn vĩ đại” - nằm ở đầu con đường uốn quanh những ngôi nhà và cánh đồng ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo. Ngôi đền thường xuyên lạnh giá vào mùa đông, vì vậy mỗi nữ tu phải mặc ít nhất ba lớp quần áo ngay cả khi có bật máy sưởi.

Ni sư Tâm Trí đặc biệt tâm niệm phải dành cho những người đã khuất một lời từ biệt đúng nghĩa, đầy tình cảm. Ni sư làm việc với cảnh sát để xác định danh tính thi thể của những người Việt qua đời một mình, đồng thời thu xếp tang lễ, hỏa táng và vận chuyển tro cốt của họ về gia đình ở Việt Nam.

Ni sư nói: “Tôi có được vị trí ngày hôm nay là nhờ kinh nghiệm và sự học hỏi của tôi ở Nhật Bản, vì vậy tôi thực sự yêu Nhật Bản. Tôi muốn nhiệt tình giúp đỡ họ trong chuyến hành trình cuối cùng tại Nhật Bản, để họ trút bỏ nỗi uất hận và trở về Việt Nam với cảm giác tích cực hơn.”

Nhược điểm hệ thống

Đặng Tùng Lâm, 28 tuổi, đến Nhật Bản vào năm 2017 để làm việc tại một công ty sản xuất ở Fukuoka, phía Tây Nam của đất nước. Anh mơ ước sẽ làm việc chăm chỉ trong chương trình thực tập sinh ba năm, tiết kiệm tiền, học tiếng Nhật và trở về Việt Nam làm việc cho một công ty Nhật Bản với mức lương cao hơn.

Nhưng trên thực tế, Lâm chỉ kéo dài được bốn tháng. Anh ta cho biết chỉ kiếm được khoảng 863 đô la một tháng - một phần được gửi về hỗ trợ gia đình - trong khi bị các đồng nghiệp Nhật Bản và sếp của anh ta bắt nạt hàng ngày. Anh ta bị công ty đã lấy mất hộ chiếu và không thể rời khỏi Nhật. Anh bỏ trốn, đi làm các công việc dọn dẹp bán thời gian và lao động chân tay như một công nhân không có giấy tờ.

Anh nói, “Nếu chỉ là lao động vất vả, người Việt có thể kiên trì… nhưng đây là sự bắt nạt mà chúng tôi không thể chịu đựng được.” 

Lâm ngày càng khó tìm việc trong đợt đại dịch, vì vậy năm ngoái, anh đã tìm đến Daionji. Tại đây, anh đã có được thị thực để ở lại Nhật Bản, tìm được một công việc mới và một hộ chiếu mới để một ngày nào đó anh có thể về nước và theo đuổi ước mơ mở một nhà hàng Nhật Bản.

Nơi ngủ nghỉ dành cho những ai đang tìm nơi trú ẩn tại đền. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)

Quang cảnh bên trong khu vực ngủ nghỉ. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)

Nhiều người lao động như Lâm bị ràng buộc về tài chính và pháp lý khi sang Nhật. Những người ủng hộ cho biết những người lao động này thường mắc nợ vì phải trả tiền cho các công ty môi giới ở Việt Nam, hộ chiếu và điện thoại di động của họ thường xuyên bị tước đoạt. Theo yêu cầu của chương trình, họ phải duy trì công việc tương tự trong 3 đến 5 năm và không được chuyển sang công ty mới ngay cả khi họ phải đối mặt với các hành vi quấy rối hoặc điều kiện làm việc bất hợp pháp.

Trong số 8.124 công ty thuê thực tập sinh nước ngoài, 70,8% bị phát hiện vi phạm luật lao động, bao gồm các vấn đề về an toàn, vấn đề chi trả lương và giờ làm việc, theo báo cáo kiểm tra năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.

Yoshihisa Saito, phó giáo sư tại Đại học Kobe và là nhà vận động lâu năm cho lao động nước ngoài tại Nhật Bản, cho biết các công ty này được giám sát bởi một cơ quan chính phủ, Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật, nhưng vấn đề là người lao động được thuê bởi các công ty cung cấp nhân sự không chịu sự giám sát đó.

Cơ quan này từ chối trả lời các câu hỏi, nhưng một người đại diện đã chỉ vào sách hướng dẫn dài 591 trang nói rằng cơ quan tiến hành điều tra hàng năm đối với các công ty đã đăng ký và rằng các vi phạm có thể dẫn đến việc công ty bị đình chỉ, đóng cửa hoặc bị phạt.

Tuy nhiên, theo Saito, nếu không có kỹ năng ngôn ngữ vững vàng, các thực tập sinh phải vật lộn khi cần yêu cầu sự giúp đỡ - hoặc chỉ vì sợ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, hai thực tập sinh gốc Việt đang phải đối mặt với tội danh bỏ xác con mới sinh. Cả hai người phụ nữ cho biết họ sợ sẽ mất việc trong chương trình nếu công ty của họ phát hiện ra họ có thai.

Saito nói: “Một cách có hệ thống, việc giáo dục và sàng lọc phù hợp thực sự cần được đưa ra, cũng như một cách an toàn để thực tập sinh tìm kiếm sự giúp đỡ.”

Trong khi đó, Daionji đã cung cấp một mạng lưới an toàn hiếm hoi, ông nói.

Ni sư Tâm Trí đã giúp đỡ hàng chục nghìn người trong những năm qua, nhưng có những chuyện luôn làm bà trăn trở vì bà cảm thấy mình đã không thể làm đủ.

Một trong những chuyện đó là về một cựu thực tập sinh, có hai con còn ở Việt Nam, đã bỏ việc và đang làm công nhân không có giấy tờ tùy thân. Trong trận đại dịch, cô trở nên lo lắng vì bị ốm, và cô muốn trở về nhà với các con của mình. Ni sư đã thu xếp xe đến đón cô từ đền ra phi trường. Hai ngày trước khi được đón như dự tính, cô đã bị một chiếc xe hơi tông và tử vong.

Ni sư đã tiếp nhận xác cô và sắp xếp tang lễ cho cô. Khi thu dọn đồ đạc của người phụ nữ, ni sư tìm thấy một cuốn nhật ký. Trong đó là những lời cầu nguyện cho các con của cô trên từng mỗi trang.

Ni sư nói, “Tôi thực sự cảm thấy hối hận vì có lẽ mọi chuyện đã khác nếu tôi có thể giúp cô ấy sớm hơn.”

Ni sư cho rằng sự cô lập mà người Việt thường phải trải qua ở Nhật Bản là kết quả của sự va chạm văn hóa khi trở thành người ngoại lai trong một xã hội đơn văn hóa sâu sắc. Bà hy vọng những nỗ lực của mình sẽ truyền cảm hứng cho các công dân Nhật Bản, giúp tạo ra một xã hội nơi người nước ngoài - những người đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước - được đón nhận.

Bà nói: “Vì dân số Nhật Bản đang già đi và không có đủ lao động trẻ, nên Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào lao động nước ngoài. Thực tập sinh nước ngoài có thể đóng góp rất lớn cho xã hội Nhật Bản về lâu dài, vì vậy tôi muốn họ được trân trọng.”

Ngôi đền của Thích Tâm Trí ở Honjo. (Michelle Ye Hee Lee / The Washington Post)

Nguồn: The Vietnamese workers Japan depends on are falling through the cracks. One Buddhist nun is trying to catch them.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét