23 tháng 5 2022

IPEF - Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương: Một Hiệp ước Thương mại Mới Biden đang chào hàng ở châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẫy tay chào khi ông lên chiếc Đệ nhất Không lực để đến Nhật Bản sau chuyến công du Hàn Quốc vào ngày 22 tháng 5 năm 2022. (Ảnh: Kim Hong-Ji — Getty Images)

Josh Boak và Aamer Madhani, Time

23/05/2022

Người dịch: Bình Phương


TOKYO - Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với một nan đề về thương mại ở châu Á: Ông không thể đơn giản tái tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà người tiền nhiệm đã rút Hoa Kỳ ra khỏi vào năm 2017. Nhiều thỏa thuận thương mại liên quan, bất kể nội dung của chúng, đã trở thành độc chất về mặt chính trị đối với các cử tri Mỹ vì họ liên kết chúng với tình trạng mất công ăn việc làm tại Mỹ.

Vì vậy, Biden chọn một sự thay thế. Trong chuyến thăm Tokyo của Biden vào hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã công bố các quốc gia sẽ tham gia một hiệp ước thương mại mới, mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF - Indo-Pacific Economic Framework). 

IPEF sẽ làm gì?

Mọi việc còn đang trong vòng thảo luận. Thông báo hôm thứ Hai báo hiệu sự bắt đầu của các cuộc đàm phán giữa các quốc gia tham gia để quyết định xem cuối cùng sẽ là gì trong Khuôn khổ; vì vậy, các mô tả lúc này phần lớn chỉ mang tính kỳ vọng. Theo nghĩa rộng, đây là một cách để Hoa Kỳ đặt dấu mốc báo hiệu họ cam kết sẽ tiếp tục là một thế lực hàng đầu ở châu Á.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết IPEF “tập trung vào việc hội nhập sâu hơn nữa các nền kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số và cũng cố gắng đảm bảo rằng có các chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt.”

Ý tưởng rằng các tiêu chuẩn mới cho thương mại thế giới là cần thiết không chỉ đến từ sự bất bình của các cử tri Hoa Kỳ. Đó là sự công nhận về cách mà đại dịch đã làm gián đoạn toàn diện chuỗi cung ứng, từ việc đóng cửa các nhà máy, việc đình trệ các tàu hàng, việc tắc nghẽn tại các bến cảng và gia tăng lạm phát trên toàn cầu. Những lỗ hổng đó càng trở nên rõ ràng hơn vào cuối tháng Hai sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine, khiến chi phí lương thực và năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới tăng cao một cách nguy hiểm.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc gặp của họ tại văn phòng tổng thống vào ngày 21/05/2022 ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Jung Yeon-Je — Getty Images)

Ai sẽ định hình các chi tiết?

Các cuộc đàm phán với các nước đối tác sẽ xoay quanh bốn trụ cột, hoặc bốn chủ đề, với sự phân chia công việc giữa đại diện thương mại Hoa Kỳ và Bộ Thương mại.

Đại diện thương mại của Hoa Kỳ sẽ giải quyết các cuộc đàm phán về trụ cột thương mại “công bằng”. Điều này có thể sẽ bao gồm các nỗ lực bảo vệ công nhân Hoa Kỳ khỏi bị mất việc làm như từng xảy ra khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 dẫn đến việc sa thải nghiêm trọng trong ngành sản xuất gia công. Tình trạng mất việc làm đó đã làm suy yếu nhiều khu vực của Hoa Kỳ, khiến cử tri tức giận và giúp thúc đẩy sự trỗi dậy chính trị của Donald Trump, người mà sau đó trong tư cách tổng thống, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào năm 2017.

Bộ Thương mại sẽ giám sát các cuộc đàm phán về ba trụ cột khác: sự bền vững của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu, thuế và chống tham nhũng. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã bay cùng Biden trên chuyên cơ Đệ nhất Không lực đến Nhật Bản. Bà cũng đã ở bên cạnh Tổng thống trong thời gian ông ở Hàn Quốc, tại đó ông ca ngợi các khoản đầu tư của hãng sản xuất xe hơi Hyundai và công ty điện tử khổng lồ Samsung vào các nhà máy Hoa Kỳ.

Ai có thể tham gia câu lạc bộ? Không có Đài loan

Tòa Bạch Ốc cho biết IPEF sẽ là một nền tảng mở. Nhưng nó đã đối diện sự chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể là một nhóm "độc quyền" dẫn đến bất ổn lớn hơn trong khu vực.

Và có những nhạy cảm đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trước sự thành lập IPEF. Đảo Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc tuyên bố là của họ, đang bị đứng ngoài hiệp ước. Sự loại trừ này rất đáng chú ý vì Đài Loan là nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu, một yếu tố quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số - một phần trong các cuộc đàm phán của IPEF.

Sullivan cho biết mọi cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan sẽ chỉ được thực hiện song phương.

Sullivan nói: “Chúng tôi đang tìm cách tạo quan hệ đối tác kinh tế gắn bó hơn với Đài Loan, bao gồm cả các vấn đề công nghệ cao, bao gồm cả việc cung cấp chất bán dẫn. Nhưng trước mắt chúng tôi đang theo đuổi điều đó trong trên cơ sở song phương."

Mất bao lâu để thành hình?

Khi các cuộc đàm phán bắt đầu, các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ kéo dài từ 12 đến 18 tháng, một tiến trình cấp tốc cho một thỏa thuận thương mại toàn cầu, theo một quan chức chính quyền. Quan chức này yêu cầu giấu tên để thảo luận về các kế hoạch và nói thêm rằng việc xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ Hoa Kỳ cũng sẽ là chìa khóa./.


Nguồn: What to Know About the New IPEF Trade Bloc Biden Is Touting In Asia


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét