Phán quyết của các thẩm phán bảo thủ trong vụ kiện West Virginia v. EPA được đưa ra trong lúc có nhiều thách thức pháp lý khác đối với các chính sách khí hậu của tổng thống Biden.
Cảnh sát đứng bên ngoài Tòa án Tối cao vào ngày hôm nay, 21 tháng 6. (Matt McClain / The Washington Post) |
Maxine Joselow, Washington Post
30/06/2022
Theo các chuyên gia pháp lý, phán quyết của Tối cao Pháp viện hôm thứ Năm hạn chế khả năng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA để quy định lượng khí thải carbon có thể gây ra những hậu quả sâu rộng, điều này có thể ngăn cản các kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cùng với ô nhiễm không khí và nước.
Phán quyết 6-trên-3 trong vụ West Virginia v. EPA trong đó Toà phán rằng cơ quan này vượt quá thẩm quyền của mình với các quy tắc buộc các nhà máy điện cắt giảm ô nhiễm gây nóng hành tinh, được đưa ra khi những người bảo thủ đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý lớn hơn để kiềm chế chính phủ liên bang trong khả năng giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.
Kết quả của những vụ kiện đó có thể xác định liệu cuộc chiến về chính sách môi trường của Hoa Kỳ có làm thay đổi một cách quyết định đối với các tiểu bang hay không, trong khi một số bang sẽ làm suy giảm các biện pháp bảo vệ và những bang khác tiếp tục theo đuổi các giới hạn nghiêm ngặt về phát thải khí nhà kính và các dạng ô nhiễm khác.
William Buzbee, giám đốc Chương trình luật và chính sách về môi trường của Trung tâm Luật khoa thuộc Đại học Georgetown cho biết: “Vụ West Virginia có thể sẽ là một phần trong một loạt các vụ kiện mà Tòa Tối cao bảo thủ này nói chung sẽ cắt giảm quyền quy định của liên bang để đối phó các vấn đề mới nảy sinh.
Ông nói thêm, “Tất nhiên, các bang có thể vượt lên xa hơn những gì luật liên bang yêu cầu. Nhiều tiểu bang đang làm như vậy. Nhưng rất nhiều tiểu bang khác thì không. "
Trong nhiệm kỳ mùa thu bắt đầu từ tháng 10 tới đây, Tối cao Pháp viện sẽ xem xét vụ kiện liên quan Đạo luật Nước Sạch có thể thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của đạo luật theo những cách mà các doanh nghiệp và nhà xây dựng tìm kiếm từ lâu. Trong khi đó, tại các tòa án cấp thấp hơn, các Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa đang đấu tranh để ngăn chặn chính quyền Biden đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các quyết định quan trọng và cắt giảm chất gây ô nhiễm khí hậu khỏi ống thải của xe cộ.
Theo ý kiến đa số trên vụ West Virginia, Chánh Thẩm John G. Roberts Jr. đã viết rằng EPA chỉ có thể thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với lĩnh vực điện của quốc gia khi có sự chấp thuận rõ ràng của Quốc hội. Nhưng các nhà lập pháp đã không trao điều đó cho cơ quan này, vì đã có những chia rẽ đảng phái về các vấn đề môi trường trong vài thập niên qua.
EPA “phải chỉ ra ‘sự ủy quyền rõ ràng của Quốc hội’ đối với quyền lực mà nó sử dụng,” Roberts viết theo ý kiến đa số, với sự tham gia của các Thẩm phán Samuel A. Alito Jr., Amy Coney Barrett, Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh và Clarence Thomas.
Katie Tubb, một thành viên nghiên cứu tại Quỹ Di sản, một viện nghiên cứu bảo thủ, cho biết Tòa có quyền hạn chế quyền hạn của EPA.
Tubb nói: “Nhiều người bên cánh tả muốn EPA điều chỉnh lượng khí thải để đạt được một chương trình nghị sự cấp tiến về khí hậu. Nhưng vấn đề quan trọng ở đất nước này, ai là người đưa ra những quyết định đó. Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là đó phải là các dân biểu Hoa Kỳ… thay vì các quan chức EPA không được dân bầu chọn.”
Jody Freeman, giáo sư Trường Luật Harvard, cho biết Tòa có thể đã đi xa hơn trong việc hạn chế thẩm quyền của EPA. Phía đa số trong phán quyết hiện vẫn cho phép cơ quan này tiếp tục quy định lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện - nhưng không cho phép EPA làm như vậy bằng cách buộc các công ty tiện ích chuyển từ than sang năng lượng tái tạo.
Freeman nói: “Còn chút hy vọng ở đây. Nó chừa lại một con đường để EPA có thể vẫn thiết lập các tiêu chuẩn có ý nghĩa."
Tuy nhiên, các học giả pháp lý cho biết phán quyết trong vụ West Virginia có thể là báo hiệu không tốt cho chính quyền Biden trong vụ kiện về Đạo luật Nước Sạch được lên lịch vào mùa thu này. Trong vụ Sackett v. EPA đó, các thẩm phán bảo thủ cũng có thể cho rằng EPA đã vượt quá thẩm quyền của mình khi ra quy định về các vùng đất ngập nước và mạng đường thủy của quốc gia, mặc dù Quốc hội chả có chỉ đạo rõ ràng nào.
Dan Farber, giáo sư luật tại Đại học UC Berkeley, cho biết: “Tòa đã có một thông điệp mạnh mẽ để EPA không dùng thẩm quyền của mình quá rộng. Và điều đó chắc chắn sẽ rất bất lợi ích cho vụ Sackett."
Vụ kiện Đạo luật Nước sạch là một tranh chấp kéo dài liên quan đến một cặp vợ chồng Idaho, Chantell và Mike Sackett, người đã cố gắng xây dựng một ngôi nhà trên mảnh đất của họ gần Hồ Priest. Cặp vợ chồng cho biết kế hoạch của họ đã bị ngăn cản bởi một lệnh của EPA, trong đó xác định rằng tài sản này chứa một vùng đất ngập nước và họ cần có giấy phép liên bang.
Vụ việc đặt ra câu hỏi về điều gì tạo nên “vùng nước của Hoa Kỳ”, mà Đạo luật Nước sạch đã được thông qua để bảo vệ vào năm 1972. Phía nguyên đơn Sacketts ủng hộ một định nghĩa hẹp hơn do cố Thẩm phán Antonin Scalia đề xuất và được các nhóm doanh nghiệp như Phòng Thương mại Hoa Kỳ ủng hộ. Nếu họ thắng kiện, theo một số ước tính, 90% các tuyến đường thủy Hoa Kỳ do liên bang quản lý sẽ mất các biện pháp bảo vệ.
Damien Schiff, luật sư cấp cao của Pacific Legal Foundation, đại diện cho gia đình Sacketts cho biết: “Trong vòng 30 đến 40 năm qua, Đạo luật Nước Sạch đã đi xa hơn một chương trình chất lượng nước đơn giản. Trên thực tế, nó đã trở thành một thứ gì đó giống như một quy tắc liên bang cỡ nhỏ cho việc phân vùng đất đai."
Trong khi đó, các Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa đang cố gắng ngăn cản Biden đưa ra chỉ số quan trọng về chi phí thực tế của biến đổi khí hậu. Số liệu này, được gọi là chi phí xã hội của carbon, áp dụng cho các quyết định gây hậu quả liên quan đến việc khai thác nhiên liệu hóa thạch trên các khu đất công, các dự án cơ sở hạ tầng và thậm chí cả các thương thảo quốc tế về khí hậu.
Tối cao Pháp viện vào tháng 5 đã cho phép chính quyền Biden, tạm tiếp tục xem xét các chi phí xã hội của biến đổi khí hậu khi họ viết ra các quy định mới và củng cố các quy định hiện hành. Nhưng vẫn có khả năng các tòa án cấp thấp hơn có thể ngăn cản việc sử dụng nó khi cuộc chiến pháp lý diễn ra.
Kirti Datla, giám đốc vận động pháp lý chiến lược cho Earthjustice, một công ty luật về môi trường, cho biết: “Các vụ kiện liên quan đến Chi phí xã hội của carbon - và đặc biệt là việc các bang sẵn sàng đưa việc này lên Tối cao Pháp viện - báo hiệu rằng có những nhóm thực sự sẵn sàng đưa ra các lập luận pháp lý hung hãn, thường là mới lạ để thách thức các hành động của chính quyền Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
Các chính trị gia bảo thủ cũng đã thách thức các nỗ lực của Biden trong việc hạn chế khí thải từ ô tô và xe tải nhẹ, một nguồn chính gây ra khí nhà kính. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton (CH), một liên minh gồm 15 tiểu bang Cộng hòa đã khởi kiện về quy định cuối cùng của chính quyền nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ống xả, một quy định giúp ngăn hàng tỷ tấn các-bô-níc bị xả vào bầu khí quyển. Vụ kiện tụng đang chờ xử lý tại Tòa Phúc thẩm D.C., một trong những tòa án liên bang quan trọng nhất về chính sách môi trường.
Mặc dù các tòa án có thể hạn chế khả năng của chính phủ liên bang trong việc cắt giảm ô nhiễm từ các nhà máy điện, nhưng một số bang đang tiến hành các yêu cầu về năng lượng sạch ngay cả khi các bang khác đang gạt chúng sang một bên.
Cứ khoảng 10 người Mỹ thì có 4 người sống ở một tiểu bang, thành phố hoặc vùng lãnh thổ đã cam kết đạt 100% điện sạch muộn nhất vào năm 2050, theo phân tích của nhóm vận động chính sách của Liên đoàn các Cử tri Bảo tồn. Và 24 thống đốc đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, theo tổ chức Liên minh Khí hậu Hoa Kỳ, một liên minh thống đốc lưỡng đảng cam kết duy trì các mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris.
Tại Oregon, Thống đốc Kate Brown (DC) đã ký một trong những kế hoạch năng lượng sạch tích cực nhất của quốc gia vào năm ngoái. Kế hoạch yêu cầu các công ty tiện ích lớn nhất của bang phải giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, 90% vào năm 2045 và 100% vào năm 2040. Mốc thời gian đó giống với mục tiêu của Biden là loại bỏ khí thải khỏi ngành điện của quốc gia vào năm 2035.
Nhắc đến tình trạng dễ thương tổn trước nạn cháy rừng chết chóc, những trận sóng nhiệt phỏng da và tình trạng hạn hán nghiêm trọng của tiểu bang gây sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, thống đốc Brown cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Bất kể Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định gì, chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước vì chúng ta đang chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu mỗi ngày.”
Tại Connecticut, Thống đốc Ned Lamont (DC) vào tháng trước đã ký thành luật đặt mục tiêu đạt được một lưới điện phi carbon vào năm 2040. Biện pháp này được đưa ra sau khi nhà máy nhiệt điện than cuối cùng của Connecticut ngừng hoạt động, sau 53 năm, khi nó phải vất vả để cạnh tranh với khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo rẻ hơn.
Lamont cho biết trong một tuyên bố: “Đầu tư vào lưới điện sạch, bền vững là điều đã được ưu tiên từ lâu đối với Connecticut, cũng như nhiều bang, vì những lợi ích to lớn - công việc làm và phát triển kinh tế đi kèm với việc đầu tư vào năng lượng sạch nội địa, không khí sạch hơn và sức khỏe tốt hơn cho trẻ em và gia đình của chúng tôi, và phòng vệ tốt hơn trước thời tiết khắc nghiệt và biến động giá cả phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.”
Dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Glenn Youngkin, một đảng viên Đảng Cộng hòa, Virginia đã đi theo hướng ngược lại. Youngkin đã công bố kế hoạch rút tiểu bang này ra khỏi Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực, một nỗ lực nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon từ ngành điện ở Đông Bắc và Trung Đại Tây Dương, gọi đây là một “thỏa thuận bất lợi” đối với người tiêu dùng.
Các nhà lập pháp Cộng hòa ở Pennsylvania cũng đã cố gắng ngăn cản Thống đốc Dân chủ Tom Wolf tham gia Sáng kiến trên. Vấn đề sẽ được quyết định vào tháng 11, khi cử tri sẽ bầu một thống đốc mới của Pennsylvania lần đầu tiên sau tám năm. Doug Mastriano, ứng cử viên Cộng hòa đã cảnh báo rằng chương trình này sẽ làm giảm việc làm trong ngành năng lượng.
Trong khi đó, tại Nebraska - một bang đỏ mà Donald Trump đã thắng với 58,7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 - ba công ty tiện ích công cộng đều cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không chậm nhất vào năm 2050.
Quyết định này phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn điện sạch. Các công ty lớn như Facebook đã đặt trung tâm dữ liệu ở Nebraska, bang có lượng gió nhiều thứ ba trong cả nước, với hy vọng đáp ứng cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Bà Chelsea Johnson, Phó giám đốc của tổ chức Cử tri Bảo tồn Nebraska cho biết: “Thị trường đang hướng tới năng lượng sạch bất kể Tối cao Pháp viện ra phán quyết gì. Quy định của liên bang có thể giúp ích, nhưng nó không phải là tất cả, đặc biệt là khi khuynh hướng này mang tính kinh tế đáng kể dù có hay không các quy định của chính phủ”./.
Nguồn: https://www.washingtonpost.com/climate-environment/2022/06/30/epa-supreme-court-west-virginia/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét