07 tháng 7 2022

Reagan: "Mức độ bạo động này phải bị chặn lại."

Xin giới thiệu bản dịch hai bài viết về chuyện súng đạn:

Bài thứ nhất của cô Patti Davis, con gái cố Tổng thống Ronald Reagan. Cô kể lại chuyện cha cô bị ám sát bởi một kẻ tâm thần đã dễ dàng mua súng và gây án. TT Reagan may mắn thoát chết nhưng vẫn không ủng hộ các luật hạn chế súng. Cô cũng chia sẻ những trải nghiệm của cô liên quan đến súng và bạo lực, và nhận định của cô về tình trạng bạo động do súng ngày nay.

Bài thứ hai của chính Tổng thống Reagan vào năm 1993 khi ông đã rời Bạch Ốc. Ông lên tiếng ủng hộ Dự luật Brady, mà Quốc hội thông qua không lâu sau đó và được Tổng thống Bill Clinton phê chuẩn.


Bài 1: BẠO LỰC SÚNG ĐẠN ĐÃ THAY ĐỔI CHA TÔI - RONALD REAGAN - VÀ GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI NHƯ THẾ NÀO

Patti Davis, New York Times

05/07/2022


Patti Davis là một nhà văn và là con gái của Tổng thống Ronald Reagan.


Bốn mươi mốt năm trước, vào một ngày mưa phùn lạnh giá ở Washington, bốn người đã bị bắn bởi một thanh niên giấu súng trong áo khoác. Điều này xảy ra rất lâu trước khi các vụ xả súng hàng loạt trở thành thực tế thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Rất lâu trước khi vũ khí bán tự động trở nên phổ biến. Có rất nhiều "người tốt mang súng" ở đó ngày hôm đó. Họ chẳng giúp được gì. Bốn người đàn ông bị bắn chỉ trong vài giây. Tôi là con gái của một trong những người đàn ông đó, Ronald Reagan, người đã suýt mất mạng vì những viên đạn mà John Hinckley đã dùng là loại đạn tàn khốc, loại đạn vỡ ra nhiều mảnh nhằm có hiệu quả chết chóc hơn. Một trong những viên đạn đó đã làm vỡ một phần đầu của James Brady; ông ta gánh hậu quả vĩnh viễn.

Súng được sử dụng là súng lục ổ quay Röhm RG-14. Nó nằm gọn trong túi áo khoác. Trong mấy chục năm kể từ ngày đó, tôi đã sống với nỗi sợ hãi về súng, đặc biệt là những khẩu súng có vỏ che. Giờ đây, nỗi sợ hãi đó đã mở rộng ra với những sát thủ trong trang bị chiến thuật với súng trường kiểu AR-15 xông vào các cửa hàng tạp hóa, trường học, nhà thờ, rạp hát - thực sự là ở bất cứ đâu - và bắn gục nhiều người chỉ trong vài phút. Thật không thoải mái khi nỗi sợ hãi của tôi giờ được chia sẻ bởi rất nhiều người Mỹ. Trên thực tế, điều đó bổ sung thêm một khía cạnh khác. Chúng ta ngày càng trở thành một đất nước bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi: Nó làm suy yếu chúng ta, gặm nhấm sự tự tin của chúng ta, khiến chúng ta yếu đuối thay vì mạnh mẽ.

Gần đây, khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng người Mỹ có quyền mang súng ngắn có vỏ che khi ra nơi công cộng, tôi nghe hơi tê tái. Sẽ không phải là một gã mang ba lô có dáng khả nghi gây chú ý hay người mặc một chiếc áo khoác to sụ trong một ngày nắng gắt. Mà có thể là một người bình thường ít được chú ý, đột nhiên thò tay vào túi móc ra một khẩu súng. Một kẻ như John Hinckley, trà trộn trong đám đông cho đến lúc lộ diện.

Nhiều năm trước, ai đó đã gởi cho tôi một câu trích dẫn mà họ cho là - có thể là ngụy tạo - của nhà độc tài Nicolae Ceausescu người Romania. Câu trích dẫn là, "Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn nếu bạn khiến mọi người đủ sợ hãi." Có những người ở Mỹ biết điều này và đang tin tưởng vào nó. Và để có một đất nước mà mọi người đều sợ hãi về việc đụng phải ai đó có thể mang súng hợp pháp trong cuộc sống hàng ngày của họ có nghĩa là chúng ta có một đất nước suy yếu mà ở đó mọi thứ đều có thể xảy ra. Nỗi sợ hãi là nơi sinh sôi cho chế độ chuyên quyền, và lịch sử cho chúng ta thấy rằng sự sụp đổ của những nền dân chủ đều đã xảy ra trong bầu không khí sợ hãi.

Nhưng nỗi sợ hãi không phải là một chiều. Có một phiên bản lành mạnh mà chúng ta học được sự thận trọng; chúng ta học những gì cần tránh xa.

Chính cha tôi là người đã dạy tôi có một nỗi sợ hãi lành mạnh đối với súng. Tôi lớn lên vào những năm 1950, khi các truyền hình thường chiếu các phim là cao bồi Viễn Tây như "Khói súng" (“Gunsmoke”) và "Cuộc đời và huyền thoại của Wyatt Earp" (“The Life and Legend of Wyatt Earp”). Trong đó, những người đàn ông thường có súng, luôn có chuyện ai đó bị bắn, và họ sẽ ôm vết thương và tiếp tục chiến đấu. Cha tôi đã quyết tâm giáo dục tôi về những thực tế nào đó khác với những gì chúng tôi đang xem. Mỗi lần như thế, ông ta đều nói những câu như: Nếu anh chàng đó thực sự bị bắn vào vai ở cự ly đó, một nửa cánh tay của anh ta sẽ bị thổi bay. Hoặc là: Anh ta vừa bị bắn vào đùi. Anh ta sẽ không thể lết đi như thế. Anh ta sẽ bị mất máu. Cha đã học về động mạch đùi khi còn rất nhỏ.

Trước khi tôi được sinh ra, cha tôi đã xin được giấy phép mang súng có vỏ che. Đó là năm 1947; ông đang là người đứng đầu Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh và đó là thời kỳ của cơn sốt chống Cộng sản và tranh chấp lao động căng thẳng. Ông đã nhận được những lời đe dọa rằng sẽ bị tạt axit vào mặt. Có lần lốp xe của ông đã bị đâm thủng. Ông cho biết ông đeo khẩu súng trong bao da trên vai và đó là khoảng thời gian kinh hoàng trong cuộc đời ông. Ông nói ông cần làm vậy, nhưng thực sự nó không khiến ông cảm thấy an toàn hơn. Đó là một lời nhắc nhở liên tục về việc cuộc sống có thể có những bước ngoặt đáng sợ như thế nào và ông không thích sống trong sợ hãi. Ông biết nó bào mòn ông như thế nào.

Vào ngày cha tôi được xuất viện sau khi suýt bị John Hinckley giết chết, mẹ tôi và tôi đã hộ tống ông ra trước công chúng. Thế giới nhìn thấy ông tự tin, không sợ hãi. Những gì họ không nhìn thấy là cảnh mật vụ mặc áo chống đạn cho ông trong phòng bệnh, cẩn thận buộc nó lên vết mổ dài trên ngực ông. Tối hôm đó, tôi hỏi ông rằng liệu bây giờ ông có tán thành luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn không. Một cách bướng bỉnh, ông trả lời là không, rằng luật pháp nghiêm khắc hơn sẽ không ngăn cản được những gì đã xảy ra. Đến năm 1991, ông đã thay đổi quyết định, ủng hộ Dự luật Brady và viết một bài Ý kiến cho báo New York Times, trong đó ông viết: “Mức độ bạo động này phải bị chặn lại.”

Mặc dù dũng cảm nhìn xuống nỗi sợ hãi của mình, cha tôi đã phải nhượng bộ một số điều. Ông hiếm khi còn tham dự các buổi lễ nhà thờ. Ông nói ông sợ mình sẽ khiến người khác gặp nguy hiểm. Nhiều thập niên sau này, tôi nghĩ về điều đó, vào năm 2017, khi nhận được những lời đe dọa giết chóc sau khi xuất bản một số bài báo của mình, tôi đã quyết định ngừng điều hành nhóm hỗ trợ giúp người bệnh Alzheimer’s của mình. Tôi đã họp nhóm Beyond Alzheimer’s hai lần mỗi tuần trong suốt sáu năm, lịch trình công khai, bất kỳ ai cũng có thể vào dự và tôi ngày càng bị ám ảnh bởi khả năng tôi có thể khiến người khác chịu nguy hiểm. Một trong những lời đe dọa chống lại tôi đủ tin cậy khiến tôi phải liên lạc với FBI. Tôi nhớ sau vụ nổ súng ở hộp đêm Pulse, ngồi trong nhóm hỗ trợ mà lòng quặn thắt, tôi không thể gỡ bỏ ý nghĩ rằng tất cả chúng ta đều quá dễ bị tổn thương.

Bạn không bao giờ như cũ khi bạo lực súng đạn đã chạm đến cuộc sống của bạn. Từ những vết thương lòng sâu sắc nhất của những người mất con, người thân, bạn bè - gần đây nhất là ở Uvalde và Buffalo - đến những người sống sót, như những đứa trẻ từ Parkland, với cuộc sống đã thay đổi vĩnh viễn, cuộc sống không còn bình yên. Bạn sẽ luôn tự hỏi khi nào chuyện đó lại xảy ra; một phần nào trong bạn luôn dè chừng, luôn nghi ngờ người lạ. Bạn sẽ giật mình khi thấy ai đó thò tay vào ba lô. Càng ngày, vì các vụ xả súng đã trở nên quá phổ biến ở Mỹ, hầu như tất cả mọi người đều mang trong mình nỗi sợ hãi đó, ngay cả khi cuộc sống của họ chưa bị ảnh hưởng bởi bạo lực súng đạn.

Dân chủ phát triển mạnh khi công dân cảm thấy được tăng sức bởi đất nước của họ, khi họ cảm thấy tin tưởng vào các quyền tự do của mình và vào một chính phủ tồn tại để giúp cuộc sống của họ an toàn hơn chứ không phải rủi ro hơn. Nền dân chủ chết trong vùng nước đen tối của sự sợ hãi và đó là nơi chúng ta đang bơi để sống còn, ưu tư rằng tại sao một nhóm thiểu số ngoan cố lại muốn chúng ta chết chìm./.


Bài 2: TẠI SAO TÔI ỦNG HỘ DỰ LUẬT BRADY.

Ronald Reagan, New York Times

29/03/1991

Bản chụp bài Ý kiến của cố TT Ronald Reagan (New York Times Archives)

"Kỷ niệm" là một từ chúng ta thường liên tưởng đến những sự kiện vui vẻ mà chúng ta muốn ghi nhớ: sinh nhật, đám cưới, công việc làm đầu tiên. Tuy nhiên, ngày 30 tháng 3 đánh dấu một ngày kỷ niệm mà tôi mong sớm quên đi, nhưng không thể.

Đúng vào ngày đó 10 năm trước, một thanh niên loạn trí đứng giữa các phóng viên và nhiếp ảnh gia đã bắn một cảnh sát, một nhân viên mật vụ, thư ký báo chí của tôi và cá nhân tôi trên vỉa hè ở Washington.

Tôi đã may mắn. Viên đạn bắn trúng tôi đã trượt khỏi xương sườn và găm vào phổi, cách tim tôi chỉ một inch. Đường tơ kẽ tóc. Các bác sĩ đã hai lần không thể tìm thấy mạch của tôi. May mà viên đạn đã trượt khỏi trái tim tôi, kỹ năng của các bác sĩ và y tá tại Bệnh viện Đại học George Washington và sự hỗ trợ kiên trì của vợ tôi, Nancy, đã cứu sống tôi.

Jim Brady, thư ký báo chí của tôi, người đứng cạnh tôi, không may mắn như vậy. Một viên đạn đi vào bên trái trán, gần mắt của anh ấy, và xuyên qua phần não bên phải của anh ta trước khi nó thoát ra. Kỹ năng của đội ngũ y tế Đại học George Washington, cộng với sự quyết tâm tuyệt vời của anh ấy và sự gan dạ và tinh thần của vợ anh, Sarah, đã kéo Jim vượt qua. Sự hồi phục của anh ấy đã rất đáng kể, nhưng anh ấy vẫn phải sống với nỗi đau thể xác hàng ngày và phần lớn thời gian vẫn trên xe lăn.

Thomas Delahanty, một sĩ quan cảnh sát Washington, nhận một viên đạn vào cổ, chạm vào dây thần kinh cột sống của anh ta. Tổn thương dây thần kinh ở cánh tay trái buộc anh phải nghỉ hưu vào tháng 11 năm 1981.

Tim McCarthy, một nhân viên mật vụ, bị bắn vào ngực và bị rách gan. Anh đã bình phục và trở lại làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bốn cuộc đời đã bị thay đổi vĩnh viễn, và tất cả chỉ bởi một khẩu súng lục .22 rẻ tiền, mua ở một tiệm cầm đồ tại Dallas bởi một thanh niên có tiền sử rối loạn tâm thần.

Cơn ác mộng này có thể sẽ không bao giờ xảy ra nếu dự luật đang nằm tại Quốc hội bây giờ - dự luật Brady - đã trở thành luật vào năm 1981.

Được đặt theo tên của Jim Brady, luật này sẽ thiết lập thời gian chờ 7 ngày trên toàn quốc trước khi người mua súng ngắn có thể nhận hàng. Nó sẽ cho phép các quan chức thực thi pháp luật địa phương kiểm tra lý lịch về hồ sơ tội phạm hoặc tiền sử rối loạn tâm thần đã biết. Những người có hồ sơ như vậy sẽ bị cấm mua súng ngắn.

Mặc dù đã có luật Liên bang hiện hành trong hơn 20 năm cấm bán súng cho những kẻ phạm tội, những kẻ đào tẩu, nghiện ma túy và người bệnh tâm thần, nhưng nó không có cơ chế thực thi và về cơ bản chỉ hoạt động dựa vào sự thành thật của người mua trên mẫu đơn họ tự điền mà những người bán súng sau đó chỉ nhét vào hộc bàn.

Dự luật Brady sẽ yêu cầu đại lý bán súng cung cấp bản sao bản tuyên bố hữu thệ của người dự định mua súng cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương để có thể tiến hành kiểm tra lý lịch. Dựa trên bằng chứng ở các tiểu bang đã có áp dụng thời gian chờ khi mua súng, dự luật này - trên quy mô toàn quốc - chắc chắn sẽ ngăn chặn hàng nghìn vụ mua súng ngắn bất hợp pháp.

Và, vì nhiều khẩu súng ngắn được mua trong lúc nóng nảy (chẳng hạn như để giải quyết một cuộc cãi vã) hoặc vào những thời điểm trầm cảm bởi những người có nguy cơ tự sát, dự luật Brady sẽ tạo nên một khoảng thời gian hạ nhiệt chắc chắn sẽ có tác dụng giảm số người chết vì súng ngắn.

Những người chỉ trích cho rằng luật "thời gian chờ đợi" ở một số tiểu bang không có hiệu quả, rằng bọn tội phạm chỉ việc đến các bang lân cận không có luật như vậy để mua vũ khí của chúng. Cũng đúng, và đó càng cho thêm lý do để có một đạo luật Liên bang lấp vào các lỗ hổng. Mặc dù dự luật Brady sẽ không áp dụng cho các tiểu bang đã có thời gian chờ đợi ít nhất bảy ngày hoặc đã yêu cầu kiểm tra lý lịch, nhưng nó sẽ tự động bao gồm các tiểu bang không có. Hiệu quả sẽ là một tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc.

Ngay cả với khoảng cách hiện tại giữa các tiểu bang, những tiểu bang có thời gian chờ đợi báo cáo một số thành công. California, nơi có thời gian chờ đợi 15 ngày mà tôi ủng hộ và ký thành luật khi còn là Thống đốc, đã ngăn chặn gần 1.800 vụ bán súng ngắn bị cấm vào năm 1989. New Jersey đã có hệ thống giấy-phép-mua-súng trong hơn hai thập niên qua. Trong thời gian đó, theo cảnh sát bang, hơn 10.000 tội phạm bị bắt tội tìm cách mua súng ngắn.

Mỗi năm, trung bình có khoảng 9.200 người Mỹ bị sát hại bằng súng ngắn, theo thống kê của Bộ Tư pháp. Điều này không bao gồm các vụ tự sát hoặc hàng chục nghìn vụ cướp, hãm hiếp và hành hung được thực hiện bằng súng ngắn.

Mức độ bạo động này phải bị chặn lại. Sarah và Jim Brady đang làm việc cật lực vì điều đó, và tôi muốn họ được tiếp thêm sức mạnh. Nếu việc thông qua dự luật Brady chỉ làm giảm 10 hoặc 15% những con số đó (và có thể tốt hơn thế nhiều), thì nó sẽ rất đáng để biến nó thành luật vĩnh viễn của quốc gia.

Và sẽ có ít gia đình phải đối mặt với ngày kỷ niệm như cách gia đình Brady, gia đình Delahanty, gia đình McCarthy và gia đình Reagan của tôi phải đối mặt vào ngày 30 tháng 3 hàng năm./.



~~~~

Ý kiến của cô Patti Davis: https://www.nytimes.com/2022/07/05/opinion/guns-highland-park-ronald-reagan.html

Ý kiến của TT Reagan: https://www.nytimes.com/1991/03/29/opinion/why-i-m-for-the-brady-bill.html

Dự luật Brady: https://en.wikipedia.org/wiki/Brady_Handgun_Violence_Prevention_Act


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét