Benjamin Carter Hett
31/12/2023
Cựu Tổng thống Donald Trump (và có thể tương lai) gần đây đã nói một số điều kỳ lạ.
Ông ta tuyên bố tại hội nghị bảo thủ CPAC thường niên vào tháng Ba: “Tôi mang lại sự báo thù cho bạn.” Trong bài phát biểu nhân Ngày Cựu chiến binh trước khán giả ở New Hampshire, Trump nói “Chúng tôi cam kết với các bạn rằng chúng tôi sẽ tiêu diệt tận gốc những tên cộng sản” và “những tên côn đồ cánh tả cực đoan sống như sâu bọ trong lãnh thổ chúng ta”. Trong cuộc trao đổi gần đây với người dẫn chương trình Fox News Sean Hannity - sau khi Hannity ráng oằn mình tạo cho Trụmp cơ hội để biện bạch rằng ông ta không dự tính trở thành một kẻ độc tài - Trump nói rằng ông chỉ muốn trở thành một nhà độc tài “vào ngày đầu tiên” của chính quyền mới của ông. Báo chí đưa tin rộng rãi rằng Trump và các đồng minh của ông ta dự tính áp dụng Đạo luật Nổi dậy, cho phép tổng thống triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.
Kể từ năm 2015 đã có nhiều tranh luận về việc liệu Trump có phải là một “kẻ phát xít” hay không. Cuộc tranh luận đó bây giờ đã ngã ngũ. Trump có lẽ không hiểu biết đủ về lịch sử hoặc lý thuyết chính trị để nhận ra rằng ông ta là một kẻ phát xít. Nhưng ông ta đã tìm được lối đến đó theo bản năng. Những ngôn từ “báo thù”, “sâu bọ” và mong muốn trở thành “nhà độc tài” của ông là tiếng vọng chính xác và đáng báo động từ luận điệu của Adolf Hitler và Benito Mussolini vào đầu thế kỷ 20.
Nếu Trump được bầu làm tổng thống một lần nữa, sẽ không có những H.R. McMaster, những John Kelly, những Mark Milley ở đó để ngăn cản ông làm điều tồi tệ nhất. Chính quyền của ông sẽ có rất nhiều người trung thành cuồng tín.
Xưa nay, người Mỹ chưa từng thấy một nhà lãnh đạo hay một chính quyền tiềm năng nào như thế này. Chuyện chỉ có ở các nước khác. Những điểm tương đồng trong lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thể loại chính trị mà Trump đang đề xuất cũng như những điều chúng ta có thể mong đợi sẽ xảy ra.
****
Có thể bạn đang nghĩ rằng: Điều này hơi loạn trí. Người Mỹ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho chế độ độc tài.
Có lẽ không. Nhưng vào những năm 1930, người Đức đâu có nghĩ rằng họ đang bỏ phiếu cho một chế độ độc tài, cho một cuộc chiến tranh thế giới khác, hay cho nạn diệt chủng.
Lịch sử cho thấy là những kẻ phát xít trở nên cực đoan hơn dần theo thời gian (và chúng ta đã thấy điều này với Trump). Bất cứ nơi nào họ lên nắm quyền, họ đều thực hiện điều đó thông qua một hệ thống bầu cử, trong đó họ phải thuyết phục một bộ phận cử tri đáng kể ủng hộ họ, thường là nhờ vào liên minh với những nhóm bảo thủ truyền thống. Vì lý do này, họ chơi một trò chơi phức tạp trên thông điệp của họ.
Cả Mussolini và Hitler đều đã nói cho cử tri biết chính xác họ thực sự là ai. Khi được một phóng viên theo chủ nghĩa tự do hỏi về chương trình của mình, Mussolini trả lời rằng chương trình của ông là “bẻ gãy xương” những người theo chủ nghĩa dân chủ như người phóng viên kia. Trước khi lên nắm quyền, Hitler thích nói rằng khi ông ta lên nắm quyền, “những cái đầu sẽ lăn trên cát”.
Khi bị chất vấn về những từ này, những kẻ phát xít thường lùi bước - một chút. Khi một thẩm phán tòa án tối cao yêu cầu Hitler giải thích ý của ông ta khi nói “những cái đầu sẽ lăn trên cát”, Hitler trí trá rằng đó chỉ là cách nói ẩn dụ. Ông nói rằng ông sẽ tuân thủ hiến pháp Đức quốc và không có kế hoạch đảo chính. Nhưng giống như Trump, ông ấy không thể dừng lại ở đó. Ông ta sau đó nói rằng, ông “bảo đảm" khi phong trào của ông “chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý” thì sẽ có “báo thù” và “những cái đầu cũng sẽ lăn.”
Khi Đức Quốc Xã cần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do, họ quay sang nói về những điều khác - những điều mà hầu hết cử tri đều quan tâm sâu sắc. Cuộc Đại suy thoái đã ảnh hưởng nặng nề đến nước Đức hơn bất kỳ quốc gia nào khác nên Đức Quốc Xã đã nói về “công ăn việc làm và bánh mì”. Hầu hết người Đức cảm thấy đất nước của họ là nạn nhân của nền kinh tế toàn cầu hóa nên nhà tuyên truyền Đức Quốc Xã Joseph Goebbels đã viết rằng “chúng tôi muốn xây một bức tường bao quanh nước Đức,” còn Hitler thì phàn nàn về việc các công ty Đức chuyển công ăn việc làm, chẳng hạn như ngành đóng tàu, sang Trung Quốc. Hầu hết người Đức cảm thấy nhục nhã và tức giận trước thất bại trong Thế chiến thứ nhất, các điều khoản của hiệp ước hòa bình và sự chiếm đóng của nước ngoài nên Đức Quốc Xã đã hứa sẽ đòi lại quyền lợi và danh dự quốc gia. Trong các cuộc bầu cử hoàn toàn tự do vào năm 1932, thông điệp này chỉ thu hút hơn một phần ba số cử tri - tuy nhiều hơn bất kỳ đảng nào khác, nhưng vẫn chưa đạt mức đa số trong mô hình nghị viện phức tạp của Đức.
Đức Quốc Xã không giấu giếm chủ nghĩa bài Do Thái của chúng, dù rằng khi càng tiến gần đến quyền lực, chúng thường nói về nó theo ngôn ngữ kín đáo hơn. Và trong cuộc bầu cử bán-tự-do cuối cùng vào tháng 2 và tháng 3 năm 1933, giọng điệu của họ về chế độ độc tài rất giống với cuộc nói chuyện của Trump bây giờ. Những kẻ cầm đầu Đức Quốc Xã đã có những bài phát biểu thẳng thừng hứa hẹn rằng dù có chuyện gì xảy ra thì đây sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng. Bộ trưởng Nội vụ của Hitler phát biểu tại một cuộc vận động bầu cử: “Chúng tôi không sẵn sàng rời khỏi sàn đấu một cách tự nguyện”. Goebbels nói với khán giả Berlin rằng những người Cộng sản Đức “không nên tin rằng mọi thứ sẽ vẫn như ngày nay.”
Đề tài về chế độ độc tài này là nhằm vào cơ sở cử tri ủng hộ Đức Quốc Xã. Cũng như đề tài về điều gì sẽ xảy ra với kẻ thù sau khi Đức Quốc Xã giành chiến thắng. Gần như chính xác giống y lời của Trump, Đức Quốc Xã đã hứa rằng họ sẽ “tận diệt gốc rễ và nhánh cành độc hại của lũ Cộng sản” giống như “người ta giết chuột bọ.” Đám cử tri ủng hộ chúng ưa thích những đề tài đó. Nhưng đáng ngại là những đề tài đó không làm phân tán những cử tri khác đang đổ theo Đức Quốc Xã. Đến tháng 3 năm 1933, Đức Quốc Xã giành được đến 43% số phiếu phổ thông.
Đức Quốc Xã đã nói đúng một điều. Rằng đó là cuộc bầu cử tự do cuối cùng của Đức ở cấp quốc gia trong 16 năm sau đó.
*****
Lịch sử này giúp chúng ta hiểu lý do tại sao không nên coi lời lẽ của Trump về chế độ độc tài và chuyện báo thù chỉ là lời cường điệu. Những thông điệp này có thể có tác dụng vì nhiều người Mỹ muốn có một chế độ độc tài. Thậm chí có thể đến một phần ba số cử tri, giống như nước Đức vào 1933.
Nhà báo Tim Alberta gần đây đã phát biểu trên chương trình NewsHour của PBS rằng nhiều người da trắng theo đạo Tin lành truyền giáo tin rằng họ “hiện đang mất địa vị theo những cách mà họ chưa từng thấy trước đây… Có cảm giác về sự suy tàn sắp xảy ra… rằng chính phủ đang tấn công họ, rằng đạo Tin lành đang nằm trong tầm ngắm và họ cần phải chống trả.” Là một người theo Tin lành và là con trai của một mục sư, Alberta hiểu rõ xu hướng cảm xúc đó và ông vừa xuất bản một cuốn sách về chủ đề này. Ông nói: “Khi Trump tự nhận mình là một người cứng rắn, như thể một kẻ bị xem là độc tài, những gì những tín đồ kia nghe thấy là thông điệp rằng những thời điểm tuyệt vọng cần đến những biện pháp liều lĩnh.” Những tín đồ Tin lành da trắng sẽ “sẵn sàng đi theo chủ nghĩa độc tài nếu nó bảo tồn những gì họ coi là một nước Mỹ Thiên chúa giáo, thay vì chịu chấp nhận lối dân chủ phóng khoáng.” Khi nghe Trump nói về chế độ độc tài, những người ủng hộ sẽ nói “Tốt! Đã đến lúc."
Nhiều người ủng hộ và phò trợ cho Trump cung cấp những ví dụ khủng khiếp về những gì Alberta đề cập. Một năm trước, Gavin Wax, lãnh đạo nhóm Thanh niên Cộng hòa ở New York, đã sử dụng chính xác ngôn ngữ của Goebbels khi tuyên bố “Chúng ta muốn chiến tranh tổng lực!” Gần đây anh ta đã quay lại với ý tưởng này. Tại một cuộc tụ tập gần đây, anh ta nói giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt: “Một khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền, chúng ta sẽ không chơi đẹp nữa. Sẽ đến lúc phải trả thù.”
Bên dưới chủ nghĩa cuồng tín này ẩn chứa đầy những yếu tố tương tự từng châm dầu cho Đức Quốc Xã cách đây gần một thế kỷ - cảm giác tương tự về việc bị tước đoạt quyền lợi kinh tế và mất địa vị xã hội, gây bởi các chuyển biến về nhân chủng học và kinh tế xã hội lâu dài.
Cơ sở ủng hộ của Trump phần lớn bao gồm những người da trắng thuộc tầng lớp lao động. Tỷ lệ người da trắng ở Mỹ đang giảm, trong khi bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng và cơ hội thăng tiến cá nhân trong xã hội ngày càng giảm mạnh kể từ những năm 1980.
Một hệ quả là những người thuộc tầng lớp lao động, cả người da trắng và người da màu, phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu thốn dịch vụ chăm sóc sức khỏe, môi trường vật chất sút kém và triển vọng nghề nghiệp hạn chế. Điều này đã góp phần tạo ra sự chia rẽ chính trị chưa từng có dựa trên trình độ học vấn: đa số những người có trình độ đại học, kể cả người da trắng, hiện nay bỏ phiếu theo Đảng Dân chủ, và đa số những người không có bằng đại học lại bỏ phiếu theo Đảng Cộng hòa.
Những yếu tố này cung cấp nhiên liệu cho phong trào của Trump và những người ủng hộ - một cảm giác bị sỉ nhục và tự ti đang lan tràn. Nelson Mandela từng nói: “Không ai nguy hiểm hơn người từng bị sỉ nhục”. Lịch sử của chủ nghĩa phát xít đã chứng minh điều đó. Nhà sử học Robert Paxton đã viết rằng những kẻ phát xít được đánh dấu bằng “mối bận tâm ám ảnh của họ về suy thoái cộng đồng, về cảm xúc bị sỉ nhục hoặc tâm trạng là nạn nhân”, mà giải pháp là “sự tinh khiết” và “làm sạch từ bên trong và lan rộng ra bên ngoài,” thực hiện bằng bạo lực và không bị “những trói buộc về đạo đức hoặc pháp lý.”
Trong những năm 1920 và 1930, chủ nghĩa phát xít trỗi dậy ở các quốc gia từng bị sỉ nhục bởi thất bại quân sự và hậu quả đi kèm. Lực lượng dân quân của nó là những thanh niên có ít triển vọng về công việc làm và tương lai hạn chế trong những nền kinh tế tàn lụi. Họ nghĩ kẻ thù của họ là những kẻ tội phạm, những kẻ phản bội, những kẻ khác chủng tộc, hoặc sự pha trộn của cả ba. Họ sử dụng bạo lực để “thanh lọc” ra khỏi xã hội của họ những “Người Do Thái” và “Tội phạm tháng 11” (thuật ngữ của Đức Quốc Xã dành cho các chính trị gia đã ký Hiệp định đình chiến và mang lại cho nước Đức nền dân chủ hoàn toàn vào năm 1918).
Gần đây Trump cũng xoáy vào chủ đề “sự tinh khiết”. Mới đây ông đã phát biểu tại một cuộc vận động ở New Hampshire rằng những người nhập cư từ Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ đang “đầu độc dòng máu của đất nước chúng ta”. Đề tài này gây cộng hưởng với những người da trắng đang lo sợ trở thành thiểu số, với những người theo đạo Cơ đốc đang hoang mang khi thấy Cơ đốc giáo đang ngày càng suy yếu tại đất nước này, với những người lao động đang cảm thấy địa vị xã hội của họ bị đẩy rơi xuống các bậc thấp hơn. Đối với họ, chủ nghĩa phát xít của Trump đồng nghĩa với sự minh oan và “khôi phục” đất nước trong trí tưởng của họ.
****
Mỹ có đành phải đi theo con đường của nước Đức của Hitler hay nước Ý của Mussolini?
Nhiều nhà bình luận dường như nghĩ như vậy. Robert Kagan của báo Washington Post gần đây đã gây nhiều chú ý với một bài ý kiến lập luận rằng chúng ta chỉ còn cách chế độ độc tài có vài tháng nữa thôi, và sẽ có rất ít sự chống đối khi nó xuất hiện. Liz Cheney cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Như quyết tâm để chứng minh Kagan đúng, Thượng nghị sĩ J.D. Vance (CH-Ohio) đã yêu cầu điều tra Kagan về tội kích động nổi dậy bằng ý kiến cảnh báo đó.
Vốn là một luật sư được đào tạo tại Yale, ông Thượng nghị sĩ này lại tự trình bày bằng chứng cho thấy hầu như sẽ không có sự phản đối nào đối với chế độ độc tài của Trump từ bất kỳ ai trong Đảng Cộng hòa, đang bị chia rẽ giữa những người thiếu can đảm và nguyên tắc đạo đức để chống lại nền độc tài với những người, như chính ông TNS Vance, nhiệt thành chào đón nó.
Nhưng Mỹ là một đất nước rộng lớn và đa dạng. Hơn hai thế kỷ của nền chính trị đại diện (với một nền dân chủ toàn diện ít nhất là khoảng 60 năm) đã in sâu vào tâm trí người Mỹ những ý tưởng về sự tham gia của dân chúng. Bất chấp Trump và những người ủng hộ ông, nước Mỹ vẫn có kháng thể mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa độc tài trong dòng máu quốc gia của mình.
Hãy lấy một nét văn hóa cơ bản: Dữ liệu khoa học xã hội thường cho thấy rằng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, người Mỹ là những người có chủ nghĩa cá nhân cao nhất trên thế giới. Các nhà độc tài châu Âu và châu Á có được lợi thế là người dân sẵn sàng chấp nhận mệnh lệnh từ chính phủ của họ hơn. Đôi khi, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19, chủ nghĩa cá nhân ăn sâu vào người Mỹ đã gây ra nhiều vấn đề. Nhưng để đối mặt với một chính phủ độc tài thì đó lại là một lợi điểm.
Thử nhìn lại chuyện gì đã xảy ra sau phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, một phán quyết đã tước đi quyền phá thai của án lệ Roe v. Wade có từ 50 năm trước. Sự hưởng ứng độc đoán với phán quyết vụ Dobbs ở các tiểu bang đỏ đã vấp phải bức tường bất tuân của dân chúng. Số vụ phá thai tại Hoa Kỳ trong năm sau khi có phán quyết Dobbs đã nhiều hơn so năm trước đó. Việc xé bỏ quyền của phụ nữ bởi một Tòa Tối cao Pháp viện với đa số do Đảng Cộng hòa bổ nhiệm hóa ra lại làm lợi cho các ứng cử viên và mục tiêu của Đảng Dân chủ vào năm 2022 và 2023, ngay cả ở các tiểu bang đỏ như Kansas và Ohio. Đơn giản là người Mỹ sẽ không tuân theo những mệnh lệnh mà họ không thích.
Phong trào dân quyền đưa ra một ví dụ khác. Vùng miền Nam mang tên Jim Crow South là khu vực gồm các tiểu bang độc đảng, độc tài với sự cai trị của một thiểu số nhỏ được thực thi bằng bạo lực và các hoạt động bầu cử thối nát. Mục tiêu chính của nó là duy trì sự phân biệt chủng tộc, nhưng ở một số tiểu bang, các biện pháp như thuế thân (poll taxes) đã khiến nhiều người da trắng bỏ bê việc đi bầu hơn so với người da đen. Nhưng hệ thống này cuối cùng đã bị lật đổ bởi một phong trào phản kháng từ bên trong.
Trong phong trào dân quyền, ngay cả những cách mà trong đó người Mỹ ít đặt nặng chủ nghĩa cá nhân hơn so với các chuẩn mực quốc tế - trong các cam kết của họ với nhà thờ, với các mục tiêu và với các tổ chức tình nguyện - đã chứng tỏ sự hỗ trợ cho việc kháng cự một nền độc tài. Có đủ lý do để mong đợi xu hướng tương tự ở cấp quốc gia nếu Trump tái đắc cử tổng thống.
Có những yếu tố khác cũng sẽ hạn chế những nỗ lực độc tài của Trump. Trump đã chứng tỏ mình là một nhà điều hành vô kỷ luật và bất tài một cách ngoạn mục. Ông ta thiếu mục đích kiên định đầy xảo quyệt của những nhà độc tài thực thụ. Trong một chính quyền mới, ông ta sẽ vây quanh mình những chú hề kiểu như Michael Flynn hoặc Rudolph W. Giuliani. Ngay cả khi Trump và các đồng minh của ông cố gắng phá hủy phần lớn chính phủ liên bang, họ sẽ chỉ tạo ra sự hỗn loạn và làm suy yếu khả năng của chính quyền liên bang để có thể thực thi ý muốn của tổng thống. Chính quyền các tiểu bang, ít nhất là ở các tiểu bang xanh, sẽ là trung tâm phản kháng hiệu quả.
Rất khó có khả năng vào cuối thập niên này, Hoa Kỳ sẽ giống như nước Hungary của Viktor Orban hay nước Nga của Vladimir Putin, chứ đừng nói đến nước Đức của Hitler.
Nhưng khó để giải thoát khỏi một nền độc tài của Trump mà không phải vật lộn cam go và cũng không phải chẳng có khổ đau, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất: người lao động nghèo, người da màu, người di cư và người tị nạn, phụ nữ cần phá thai. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới, sẽ tốt hơn nhiều nếu có thể mượn lá phiếu để gửi một thất bại cho Trump và những kẻ cùng giuộc, một thất bại đủ thê thảm để khiến Đảng Cộng hòa tiến tới quá trình phi phát-xít hóa nội bộ của chính nó. Điều đó, hơn bất cứ điều gì khác, sẽ cứu chúng ta khỏi chủ nghĩa phát xít./.
Nguồn:
Opinion: 2024 could be the year America fends off dictatorship, or invites it in
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét