Một nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ cho phép Trung Cộng củng cố sự kiểm soát của nó đối với thế giới đang phát triển.
05/12/2023
Ghi chú: Bài viết này nằm trong loạt bài “Nếu Trump thắng”, một dự án xem xét những gì Donald Trump có thể làm nếu tái đắc cử vào năm 2024.
Sau bốn năm của Joe Biden, các nhà lãnh đạo Trung Cộng có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
So với người tiền nhiệm, Biden hoạt động khá lặng lẽ. Trump phát động chiến tranh thương mại; áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Cộng; và khiến Bắc Kinh tức giận khi gọi coronavirus là “Virus Trung Hoa” hay là “bệnh cúm Tàu", đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đã để cho nó lây lan, và thậm chí đôi khi còn đưa ra giả thuyết buồn cười rằng đảng này có thể đóng một vai trò trong việc tạo ra nó.
Nhưng Biden đã tấn công Trung Cộng mạnh mẽ hơn Trump từng làm. Được trang bị một chính sách đối ngoại kiên quyết hơn, ông đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và tham vọng địa chính trị của nước này, khiến Tập Cận Bình phải vật lộn để phục hồi. Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C., nói với tôi: “Có lẽ trên quan điểm của Trung Cộng, một nước Mỹ do Biden lãnh đạo có vẻ như là một thách thức ghê gớm hơn.”
Ví dụ điển hình nhất là chính sách về công nghệ của Biden. Vào năm 2022, chính quyền của ông đã cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các chất bán dẫn tiên tiến và các thiết bị phức tạp cần thiết để sản xuất chúng. Các biện pháp kiểm soát có thể sẽ cản trở hy vọng xây dựng ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh của Trung Cộng trong nhiều năm và cản trở sự tiến bộ của nước này trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo.
Biden đã hồi sinh mạng lưới liên minh toàn cầu do Mỹ lãnh đạo vốn đã bị suy yếu dưới thời Trump, và đã huy động sức mạnh của nó để chống lại Trung Cộng. Các nền dân chủ tiên tiến trong Nhóm G7 đã thể hiện mức độ phối hợp khác thường dưới sự giám sát của Biden, đã đồng ý trong năm 2023 về một cách tiếp cận chung nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Cộng. Biden cũng đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác mới, đặc biệt là Ấn Độ, để cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Cộng tại các nước đang phát triển. Thành công của Biden rõ ràng đã cảnh báo giới lãnh đạo Trung Cộng lo sợ bị liên minh các đồng minh của Mỹ bao vây và kiềm chế.
Để so sánh, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc mặc cả với Trump về thuế quan hoặc đấu võ mồm những lời ngoa ngữ chỉ là chút phiền toái. Việc Trump rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã khuyến khích Tập thúc đẩy Trung Cộng trở thành một cường quốc thế giới có trách nhiệm hơn. Sự hỗn loạn trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump – phản ứng yếu kém của chính quyền trước đại dịch, vụ bạo loạn Sáu tháng Giêng – đã cho phép cánh tuyên giáo Trung Cộng mô tả Hoa Kỳ như một siêu cường đang suy tàn. Việc tái cam kết ngoại giao của Biden đã khiến Trung Cộng khó tuyên truyền câu chuyện đó hơn. Đáp lại, Tập đã trở nên thù địch hơn với Washington. Ông thường xuyên cưỡng lại việc đối thoại với chính quyền Biden và ngày càng quyết tâm phá vỡ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Kết quả là ông ta ngày càng tuyệt vọng và bị cô lập. Bị hầu hết các cường quốc trên thế giới phản đối, Tập đã hợp tác với các quốc gia chầu rìa như Nga và Iran trong nỗ lực xây dựng một liên minh chống Mỹ nhằm thách thức vị thế thống trị của Hoa Kỳ.
Ngay cả khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có giữ lại một số khía cạnh trong chính sách với Trung Cộng của chính quyền Biden - chẳng hạn như các biện pháp kiểm soát công nghệ gần như chắc chắn sẽ được giữ nguyên - thì sự trở lại của Trump sẽ gây nguy hiểm cho mặt trận thống nhất mà Biden đã xây dựng giữa các nền dân chủ lớn. Chính sách “cứng rắn” của Trump có thể nhắm vào một vấn đề với Trung Cộng – chẳng hạn như thương mại – và bỏ qua những vấn đề quan trọng khác, chẳng hạn như nhân quyền và chính sách đối với Đài Loan. Để so sánh, Biden đã liên tục gây sức ép với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, thậm chí ông còn vượt xa quan điểm mơ hồ truyền thống của Washington về Đài Loan để gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu Trung Cộng tấn công quân sự. Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều đó khiến Trump ít đe dọa hơn Biden và dễ xử lý hơn nhiều.
Dù ai giành được Bạch Cung, Tập sẽ theo đuổi chương trình nghị sự nhằm đẩy lùi sức mạnh của Mỹ và tạo ra một trật tự thế giới lấy Trung Cộng làm trung tâm. Nhưng ông ta có thể sẽ nỗ lực hơn nữa trong tham vọng đưa Trung Cộng trở thành nhà lãnh đạo thế giới nếu Trump nắm quyền. Bằng cách làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ ở nước ngoài và nền dân chủ trong nước, Trump sẽ mang lại cho Tập nhiều cơ hội hơn để mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng và chinh phục con người ở các nước đang phát triển.
Tất nhiên, ta không thể giả định rằng Trump sẽ lại rập khuôn chính sách Trung Cộng của nhiệm kỳ đầu. Một tổng thống Trump mới tái đắc cử sẽ phải đối mặt với một môi trường địa chính trị bị thay đổi do cuộc chiến ở Ukraine và sự thù địch ngày càng gia tăng của ông Tập đối với Hoa Kỳ. Trump có thể thay đổi chính sách đối với Trung Cộng trước những thực tế mới này. Nhưng ông ta sẽ không thay đổi tính cách của mình. Trump có nhiều khả năng sẽ nịnh nọt Tập và những nhà độc tài khác dễ dàng như việc ông ta quyết bảo vệ chỗ ngồi của mình.
Nếu Tập có thể bỏ phiếu vào tháng 11, ông ấy chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Trump./.
Nguồn: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2024/01/trump-reelection-china-xi-jinping/676129/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét