Sonia Ohlala vay mượn rất nhiều bài vở từ các phương tiện truyền thông cánh hữu và thậm chí còn phát sóng từ Washington DC vào ngày bạo loạn ở Điện Capitol. Nhưng cô ấy là ai?
22/5/2024
Ảnh màn hình từ một chương trình phát trực tiếp của Sonia Ohlala từ Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, được chụp lại trên trang lưu trữ Internet, Wayback Machine. Video đã bị xóa. |
Sonia Ohlala không phải là một điển hình của các YouTuber có ảnh hưởng.
Các video của cô ta — tất cả đều bằng tiếng Việt và nhắm đến cộng đồng di dân gốc Việt ở Mỹ — thường có những tiêu đề chứa những tuyên bố thiếu căn cứ hoặc tuyên bố gây ngộ nhận:
“BREAKING!!! CHÍNH QUYỀN BIDEN CẤP SỐ AN SINH XÃ HỘI CHO NGƯỜI NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO MỸ” (Tháng Bảy 2022)
“BIDEN CỐ TÌNH THỔI PHỒNG CHIẾN TRANH HẠT NHÂN ĐỂ QUẢN (sic) CÁO THUỐC TRỊ PHÓNG XẠ.” (Tháng Mười 2022)
“CHÍNH QUYỀN BIDEN THẢ HƠN 1300 TỘI PHẠM HÌNH SỰ NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO LẠI CỘNG ĐỒNG .” (Tháng Giêng 2023)
Vào ngày 6 tháng Giêng 2021, Ohlala đã phát hình trực tiếp khi tham dự một trong những cuộc biểu tình dẫn đến cuộc tấn công ngay sau đó vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, cô ta kêu gọi người xem “Hãy chiến đấu vì Tổng thống Trump ở Washington DC! Thời khắc lịch sử!” Một năm sau, Ohlala đăng bài về việc kiêu hãnh chiến đấu “vì quốc gia tôi và vì quyền lợi của tôi” cùng với “hàng trăm nghìn người yêu nước từ khắp nước Mỹ”, những người “tập trung lại ở Washington DC để đòi hỏi minh bạch cho một cuộc bầu cử bị đánh cắp đáng hổ thẹn”.
Những video đó của Ohlala đã bị gỡ khỏi YouTube nhưng The Markup vẫn có thể truy cập phần mô tả các video gốc thông qua công cụ Wayback Machine của trang lưu trữ Internet Archive.
Sau khi trang tin tức The Markup đưa tin lần đầu tiên về việc Ohlala thường xuyên dịch các trang web cực hữu gây ngộ nhận như The Gateway Pundit và Newsmax sang tiếng Việt, hơn chục thành viên trong cộng đồng Việt đã yêu cầu The Markup tìm hiểu thêm. Họ muốn biết tại sao cô ta chọn phát sóng bằng tiếng Việt và tại sao các video của cô ta lại phò Trump đến thế. Một số thành viên cộng đồng cũng chia sẻ những nghi ngờ rằng cô ấy là đặc vụ Nga — đối với họ, nội dung của cô ta có vẻ mang những chỉ dấu như kiểu những kẻ hoạt động chính trị Nga sử dụng thông tin sai lệch để gây chia rẽ giữa người Mỹ với nhau trong kỳ bầu cử 2016. Họ cũng e ngại rằng nhân vật Ohlala có thể được tạo ra phần nào nhờ kỹ thuật ngụy tạo (deepfake) như các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp hoặc các công cụ chuyển văn bản thành tiếng nói bởi vì các hình ảnh của cô ấy được đánh bóng khá kỹ lưỡng và bởi vì cô ta có thể đăng tải quá thường xuyên.
Phần lớn các video trên YouTube của Ohlala đều chiếu cảnh cô ta ngồi trước màn hình màu xanh lá cây, nhưng trang cộng đồng YouTube của cô ta thỉnh thoảng đăng ảnh của cô, trong đó có nhiều hình ảnh với súng ống. Gần đây, cô ta đã đăng một bức ảnh của mình với miếng nhãn “I voted" có xuất xứ từ Los Angeles. Trong các bài đăng cũ hơn, cô ta viết về thời tiết ở California nóng như thế nào và giá xăng ở Nam California cao ra sao.
Nhưng ngoài ra, không có nhiều thông tin về Ohlala. Việc tìm kiếm dựa vào tên cô ta trên nhiều cơ sở dữ liệu công cộng và các nền tảng xã hội khác không đem lại bất kỳ kết quả nào ngoài danh tính trên mạng trực tuyến của cô ta như là một vlogger (người làm tin tức video), cho thấy rằng Sonia Ohlala không phải là tên thật của cô ta.
Nhiều nỗ lực tiếp cận Ohlala cũng không dẫn đến đâu. Trên trang Facebook của mình, Ohlala liệt kê một địa chỉ ở Florida (chứ không phải California), một địa chỉ email Facebook và một số điện thoại. Markup đã cố gắng liên lạc với cô ta bằng cả ba cách. Số điện thoại của cô ta, có mã vùng British Columbia (Canada), đã ngừng hoạt động. Địa chỉ ở Florida của cô có được mười cái tên, và sau khi gọi đến từng số điện thoại được liệt kê cho những địa chỉ đó, The Markup nhận thấy tất cả các số đó đều hết sử dụng. Markup cũng đã gửi email và nhắn tin cho Ohlala trên Facebook, nhưng tất cả các tin nhắn đều không được trả lời. Cuối cùng, The Markup đã đăng bình luận trên các video YouTube của cô ta, yêu cầu cô ta liên lạc với chúng tôi nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Vì The Markup không thể liên lạc với Ohlala nên chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn qua các video của cô ta.
Sự trỗi dậy của những kẻ Youtuber có ảnh hưởng về chính trị
The Markup đã truy cập và phân tích các video có trên hai Kênh YouTube của Ohlala tính đến cuối tháng Giêng 2024, bao gồm 645 video trên kênh chính @SoniaOhlala và 97 video trên kênh @soniaohlalausa, một “kênh Youtube dự phòng” theo mô tả của cô.
Chúng tôi nhận thấy rằng Ohlala sản xuất các video ủng hộ Trump với tốc độ đáng kinh ngạc — trung bình khoảng 9 video mỗi tuần vào năm 2023 — dành riêng cho cộng đồng người Việt. Những dòng tít ca ngợi cựu tổng thống Donald Trump thường xuyên xuất hiện trên trang Ohlala và những người Việt từng xem các video của cô ta để ý rằng Ohlala thường nhắc đến Trump như thể ông là một vị vua hoặc một người có địa vị tối cao. Cô ta có hơn 200.000 người trên kênh YouTube chính và khoảng 50.000 người ghi danh trên kênh dự phòng. Trung bình vào năm 2023, mỗi video trên các kênh của cô đạt hơn 40.000 lượt xem. Lượng người theo dõi của Ohlala ít hơn các tổ chức tin tức cộng đồng người Việt đã có tại Mỹ từ lâu như Người Việt Daily News ở Mỹ (713.000 người ghi danh trên kênh YouTube), nhưng cô ta vẫn là một nhân tố đáng kể trong mảng truyền thông dành cho người Mỹ gốc Việt. Nhiều thành viên cộng đồng mà chúng tôi đã nói chuyện, cả những người ủng hộ Trump và những người khác, đều biết hoặc đã xem các video của cô ta.
Sự hiện diện và mức độ phổ biến của những người làm tin tức có ảnh hưởng như kiểu Ohlala trong các cộng đồng di dân không phải là hiếm.
Trợ lý Giáo sư Josephine Lukito tại Đại học Texas ở Austin, Texas, người chuyên nghiên cứu về tin giả và tin xuyên tạc ở Hoa Kỳ và nước ngoài, cho biết: “Những người có ảnh hưởng đã bắt đầu đóng một vai trò thực sự to lớn trong việc thu thập thông tin của công chúng. Điều đó đúng bất kể hệ tư tưởng chính trị cũng như khu vực địa lý. Những thách thức này lại trầm trọng hơn đối với các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là trong lĩnh vực phát hiện tin giả và tin xuyên tạc trong các ngôn ngữ không phải tiếng Anh.”
Sự ra đời của kỹ thuật ngụy tạo (deepfake) và các công cụ chế tác bằng trí tuệ nhân tạo miễn phí, dễ sử dụng chỉ khiến bối cảnh tin tức trở nên khó nhận thức hơn, đặc biệt đối với các cộng đồng di dân thường dựa vào các nền tảng xã hội như Facebook và YouTube để nhận tin tức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về tin giả chính trị trong các cộng đồng di dân. Sau khi dự luật an ninh biên giới và viện trợ nước ngoài của Thượng viện thu hút được nhiều sự chú ý hơn trên toàn quốc vào đầu năm 2024, lượng tin giả tiếng Tây Ban Nha đã gia tăng mạnh mẽ và lan truyền những câu chuyện như lý thuyết “cuộc thay thế vĩ đại”, một thuyết âm mưu cho rằng Đảng Dân chủ sử dụng vấn đề nhập cư để thay thế công dân Hoa Kỳ da trắng. Trong kỳ bầu cử 2020, các tin nhắn trên WeChat đã can ngăn cử tri người Mỹ gốc Hoa không nên đi bỏ phiếu và các meme chống Đảng Dân chủ với thông tin sai lệch và xuyên tạc đã lan truyền trên WhatsApp trong các cộng đồng Nam Á ở Hoa Kỳ.
Nhưng không giống như những nhân vật như Alex Jones, sáng lập viên của Infowars và là kẻ phải đối mặt với kiện tụng và phạt tiền vì truyền bá thông tin sai lệch đến khán thính giả, những người có ảnh hưởng các cộng đồng di dân như Sonia Ohlala hay King Radio thường hoạt động thoải mái mà không bị chính quyền truy xét.
Có rất ít nỗ lực giải quyết vấn đề tin giả nhắm vào các cộng đồng di dân. Người ta biết rằng các video của Ohlala đều có nội dung đáng nghi vấn, nhưng trong một cộng đồng thường xuyên tìm kiếm thông tin mới nhờ vào thuật toán đề xuất của YouTube, Ohlala vẫn đang ngày càng phổ biến hơn.
Nhiều tháng qua, không có video mới nào của Ohlala xuất hiện trên YouTube. Nhưng theo cô Sarah Nguyễn, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Thông tin thuộc Đại học Washington tại Seattle và là người chuyên nghiên cứu cơ sở hạ tầng thông tin và tin giả trong các cộng đồng di dân không nói tiếng Anh — đồng thời là người đã theo dõi và lưu trữ nội dung của Ohlala từ năm 2020 — Ohlala dường như đã lấy xuống nhiều video khỏi kênh YouTube của cô ta. Ảnh chụp trang blog cá nhân của cô ta, được lưu trữ bởi Wayback Machine, hiển thị các video không thể truy cập được nữa, kể cả đoạn phát trực tiếp nói trên về cảnh cô ta tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ Trump ngày 6 tháng Giêng mà cuối cùng đã dẫn đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Nguồn tin giả
Để hiểu rõ hơn Ohlala lấy thông tin từ đâu, The Markup đã phân tích 431 bản tin đăng trên trang cộng đồng thuộc danh khoản YouTube chính của cô ta. Trong những bản tin này, Ohlala mô tả ngắn gọn các video của mình và đôi khi cung cấp đường dẫn đến các nguồn tin của cô ta. Chúng tôi tìm thấy 3.616 đường dẫn và đã phân tích chúng để xem Ohlala trích dẫn nhiều nhất từ tổ chức nào.
Dưới đây là 15 trang web hàng đầu, ngoài trang web của cô, mà Ohlala chú dẫn như nguồn thông tin, cùng với đánh giá về khuynh hướng đảng phái của chúng từ một phân tích do Ad Fontes Media thực hiện:
Trang cộng đồng Youtube của Ohlala thường trích dẫn Gateway Pundit, một trang web có thành tích đăng tải những thông tin sai lệch và gây ngộ nhận, bên cạnh những trích dẫn các nguồn đáng tin cậy hơn, như Reuters và Associated Press, vào video của cô ta.
Sarah Nguyễn nói rằng sự pha trộn này “tạo ra thêm tình trạng hỗn loạn thông tin”.
Cô nói: “Đôi khi đó là tin xấu, đôi khi là tin tốt. Nhưng điều đó càng tạo ra thêm nhiều ngờ vực trong môi trường thông tin của chúng ta. Vì vậy, bản thân việc thu nhận thông tin của bạn đã có nền tảng không ổn định.”
Đối với khoảng một chục cư dân gốc Việt tại Hoa Kỳ biết về các video của Ohlala (tuy họ không xem các video đó) mà The Markup có dịp trò chuyện, việc thiếu rõ ràng về nhân thân thực sự của cô ta là một vấn đề lớn và khiến họ không tin tưởng vào các video này.
Tốc độ Ohlala tạo ra nội dung, tính chất chính trị của nội dung đó và chất lượng sản xuất, bao gồm nhiều đồ họa hào nhoáng, cho thấy có khả năng không chỉ riêng Ohlala làm việc trên các video đó.
Cô Sarah nói: “Nhưng cô ta (Ohlala) không bao giờ nhìn nhận rằng có ai đó ngoài cô ta giúp sản xuất các nội dung này. Có điều gì đó đang xảy ra nhiều hơn trong loại kênh này, kênh có lượng người theo dõi lớn, lượng người ghi danh và lượng người xem lớn, đồng thời nội dung mà cô ấy tạo ra cần phải được chọn lọc kỹ hơn”.
Đối với loại kênh này, loại kênh có lượng người theo dõi lớn, lượng người ghi danh và lượng người xem lớn cũng như nội dung do cô ấy đưa ra cần phải được soi xét kỹ hơn.”
Nhưng thay vì các công ty công nghệ lớn như YouTube đòi hỏi sự minh bạch từ những người phát tin tức trên nền tảng của họ, trách nhiệm đưa những người sáng tạo nội dung có vấn đề ra ánh sáng lại nằm ở các cá nhân, như các thành viên cộng đồng người Việt mà The Markup đã nói chuyện.
Sarah Nguyễn cho biết phần lớn công việc ngăn chặn tin giả trong các cộng đồng không nói tiếng Anh được đặt lên vai chính những thành viên trong cộng đồng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tin giả. Cô kết luận: “Không nên như vậy.”
Cô ta có thể làm việc cho cơ quan tình báo của CSTQ, có nhiệm vụ đưa những tin tức thật nhưng không quan trọng, và đưa những tin tức giả để lèo lái dư luận của người VN trong mục đích chính trị có lợi cho CSTQ.
Trả lờiXóa