05 tháng 6 2024

MỘT KẺ TỘI PHẠM TRONG PHÒNG BẦU DỤC SẼ THỬ THÁCH HỆ THỐNG CỦA MỸ

Một số người đang tự hỏi cơ chế kiểm tra và cân bằng của Hiến pháp, nhằm buộc các tổng thống phải chịu trách nhiệm, sẽ hoạt động như thế nào nếu tổng thống tiếp theo được bầu đã là một tội phạm.


Hình minh họa của Patrick Henry, người đã cảnh báo tại Hội nghị Virginia về việc phê chuẩn Hiến pháp về khả năng xảy ra “chế độ chuyên quyền tuyệt đối”. (Ảnh: Thư viện Quốc hội)



Peter Baker

2/6/2024


Peter Baker, trưởng nhóm ký giả Bạch Cung của New York Times, đã đưa tin trong năm đời tổng thống cho đến nay, bao gồm cả Donald Trump và Joe Biden.

Người anh hùng thời Cách mạng Mỹ là Patrick Henry biết ngày này sẽ đến. Ông ta có thể đã không lường trước được tất cả các chi tiết, chẳng hạn như chuyện diễn viên khiêu dâm trong phòng khách sạn và khoản tiền bất chính để giữ cô ta im lặng. Nhưng ông lo ngại rằng sẽ có ngày một tên tội phạm có thể ngự trị phủ tổng thống và sử dụng quyền lực của hắn để ngăn cản bất kỳ ai tìm cách buộc hắn phải chịu trách nhiệm. Henry tuyên bố "Away with your president, we will have a king." (Tạm dịch: “Hùa theo tổng thống của các người, chúng ta sẽ có một vị vua.”

Đó chính xác là điều mà những nhà lập quốc đã tìm cách tránh né, bằng cách vứt bỏ ách thống trị của một vị vua toàn năng. Nhưng dù họ nỗ lực thiết lập các cơ chế kiểm soát và cân bằng, hệ thống mà họ xây dựng để buộc những vị tổng thống ương ngạnh phải chịu trách nhiệm cuối cùng lại tỏ ra không vững chắc.

Bất cứ quy tắc nào mà người Mỹ nghĩ là đã được áp dụng hiện đang được viết lại bởi Donald J. Trump, tổng thống một thời và có lẽ là tương lai, người đã phá bỏ nhiều rào cản và tiền lệ. Quan điểm cho rằng 34 trọng tội không tự động huỷ tư cách tranh cử và một tội phạm bị kết án vẫn có thể là ứng cử viên khả thi cho vị trí tổng tư lệnh đã đảo ngược những giả định về nền dân chủ Mỹ trong suốt hai thế kỷ rưỡi vừa qua.

Và nó đặt ra những câu hỏi cơ bản về giới hạn quyền lực trong nhiệm kỳ thứ hai, nếu ông Trump được trở lại nắm quyền. Nếu thắng, điều đó có nghĩa là ông sẽ tồn tại sau hai cuộc luận tội, bốn cáo trạng hình sự, các bản án dân sự về lạm dụng tình dục và gian lận kinh doanh cũng như một bản án trọng tội. Do đó, thật khó để tưởng tượng những biện pháp răn đe thể chế nào có thể ngăn cản sự lạm dụng hoặc thái quá.

Hơn nữa, nhánh tư pháp có thể không còn là cơ quan kiểm soát nhánh hành pháp như trước đây. Nếu không có vụ án nào khác được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử, có thể phải mất 4 năm nữa các tòa án mới có thể xem xét liệu tổng thống mới đắc cử có gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hay tìm cách lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 một cách bất hợp pháp như ông đã bị buộc tội hay không. Như hiện tại, ngay cả trước cuộc bầu cử, Tối cao Pháp viện có thể cấp cho ông Trump ít nhất một số biện pháp miễn trừ.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Trump vẫn sẽ phải hoạt động trong hệ thống hiến pháp, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn vượt qua các ranh giới của nó. Khi còn là tổng thống, Trump tuyên bố rằng Hiến pháp đã cho ông “quyền làm bất cứ điều gì tôi muốn”. Sau khi rời chức vụ, ông chủ trương “chấm dứt” Hiến pháp để có thể trở lại nắm quyền ngay mà không cần bầu cử nữa và thề sẽ dành nhiệm kỳ thứ hai để “trả thù”.

Một số người ủng hộ và thậm chí cả những người chỉ trích cho rằng khả năng Trump mở rộng hoặc lạm dụng quyền lực tổng thống nếu ông tái đắc cử là khó xảy ra. (NYTimes)

Các cố vấn của ông ta đã vạch ra một kế hoạch sâu rộng nhằm tăng cường quyền lực của ông trong nhiệm kỳ thứ hai bằng cách dẹp bỏ các cơ quan dân sự để đưa vào thêm những người được bổ nhiệm chính trị. Trump đã đe dọa truy tố không chỉ Tổng thống Biden mà cả những người khác mà ông coi là kẻ thù. Khi tìm kiếm quyền miễn trừ từ Tối cao Pháp viện, các luật sư của Trump thậm chí còn chấp nhận lập luận rằng có những trường hợp tổng thống có thể ra lệnh ám sát một đối thủ chính trị mà không gặp nguy hiểm về mặt hình sự.

Jeffrey A. Engel, giám đốc Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, cho biết: “Không có tiền lệ lịch sử hữu ích nào cả. Vấn đề thú vị không phải là việc một cựu tổng thống đã bị xét xử và kết án, như những nhà lập quốc có thể đã dự đoán, mà là việc ông ấy vẫn là một ứng cử viên khả thi cho chức vụ, một việc có thể khiến họ kinh ngạc và hết sức nản lòng.”

Câu hỏi làm thế nào để tạo ra một người quản trị hành pháp quyền uy mà không biến ông ta thành một vị vua miễn trách nhiệm giải trình đã được các nhà lập hiến quan tâm khi họ thiết kế Hiến pháp. Họ chia quyền lực cho ba nhánh của chính phủ và hình dung việc luận tội như một cách kiểm tra một tổng thống lừa đảo. Họ thậm chí còn nói rõ ràng rằng một tổng thống bị luận tội vẫn có thể bị truy tố tội ác sau khi bị cách chức.

Nhưng ngay cả khi đó, vẫn có những ý kiến ​​lo lắng rằng giới hạn đó là chưa đủ. Trong số đó có Henry, nhà ái quốc nổi tiếng với bài phát biểu “cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết”. Tại hội nghị Virginia nhằm phê chuẩn Hiến pháp năm 1788, ông đã cảnh báo về khả năng xảy ra “chế độ chuyên quyền tuyệt đối”.

Trong cuốn sách sắp xuất bản Các Tổng thống và Nhân dân: Năm nhà lãnh đạo đe dọa nền dân chủ và những công dân chiến đấu để bảo vệ nó của mình, Corey L. Brettschneider, giáo sư Đại học Brown, viết về Henry như sau: “Quan điểm của ông ấy là nếu một tổng thống tội phạm như vậy lên nắm quyền, tổng thống đó sẽ nhận ra rằng có rất ít cơ chế để ngăn chặn ông ta.” Ông viết thêm: “Ông ta còn đi xa tới mức nhìn nhận rằng một tổng thống như thế sẽ tuyên nhận ngai vàng của một vị vua.”

Ông Brettschneider nói thêm, ““Lập luận của tôi là ​​cảnh báo này giờ đây thậm chí còn đúng hơn khi xét tới khả năng một tổng thống đương nhiệm có thể được miễn trừ không bị buộc tội và sự bất lực mà chúng ta đã thấy sau hai nỗ lực luận tội.”

Robert Kagan, một học giả tại Viện Brookings ở Washington, đã cảnh báo trong cuốn sách mới của mình, Cuộc nổi dậy: Một lần nữa - Chủ nghĩa chống chủ nghĩa tự do đang xé nát nước Mỹ như thế nào,” rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể dẫn đến sự lạm quyền không kiểm soát được.

Ông Kagan viết: “Với tất cả quyền lực to lớn của tổng thống Mỹ, với khả năng kiểm soát và chỉ đạo Bộ Tư pháp, FBI, IRS, các cơ quan tình báo và quân đội, điều gì sẽ ngăn cản ông ta sử dụng quyền lực nhà nước để truy đuổi kẻ thù chính trị?” 

Những người ủng hộ Trump, và cả một số người chỉ trích ông, cho rằng những lo ngại như vậy đã đi quá xa. Các đồng minh của Trump cho rằng khi ông ta đưa ra những lời lẽ khiêu khích như trở thành “nhà độc tài” trong một ngày, ông ta đang nói đùa hoặc đang huých chỏ để khiến những người chỉ trích mình nổi giận. Họ lập luận rằng cuộc khủng hoảng thực sự không phải là sự thiếu trách nhiệm giải trình của các tổng thống mà là việc chính trị hóa hệ thống tư pháp chống lại ông Trump.

Jonathan Turley, giáo sư luật tại Đại học George Washington, người có mặt tại phòng xử án Manhattan hôm thứ Năm khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết kết tội, đã gọi vụ án chống lại ông Trump là “việc sử dụng hệ thống tư pháp hình sự một cách thô bạo về mặt chính trị” và một “sự giết người ly kỳ” bởi các đối thủ của ông ta. Ông nói trên Fox News: “Những gì xảy ra trong căn phòng đó phải trả giá. Nó phải trả giá bằng nền pháp trị.”

Ngay cả một số người không ủng hộ Trump cũng cho rằng những cảnh báo về một nhà cầm quyền không được kiểm soát là quá đáng. Eric Posner, giáo sư tại Trường Luật Đại học Chicago, người từng viết cuốn sách gọi Trump là kẻ mị dân đang thách thức nền dân chủ Mỹ, cũng cho rằng cựu tổng thống quá “yếu đuối” và không đủ năng lực để thực thi một chế độ độc tài thực sự.

Trong một bài viết đáp lại bài viết trên Washington Post của ông Kagan, ông Posner viết:  “Trump đã và đang làm rất nhiều thứ, hầu hết đều tệ. Nhưng ông ấy không phải là một kẻ phát xít khi còn là tổng thống và ông ấy sẽ không trở thành một nhà độc tài nếu được bầu lần thứ hai.” Ông Posner nói thêm, “ông ấy đã thất bại hoàn toàn” khi nói về việc ông Trump kích động đám côn đồ và truyền bá những lời dối trá để cố gắng duy trì quyền lực.  Các nhà lập pháp Mỹ đã nỗ lực tìm ra một cơ chế độc lập để thực thi trách nhiệm giải trình của tổng thống mà không bị chính trị làm vấy bẩn đến mức mất đi uy tín với công chúng. Vấn đề này đã được nêu lên nhiều lần trong hơn nửa thế kỷ qua mà không có một giải pháp đồng thuận.

Chín trong số 10 tổng thống gần đây nhất đã phải chứng việc một cố vấn đặc biệt hoặc cố vấn độc lập điều tra chính họ hoặc ai đó trong chính quyền của họ - ngoại lệ duy nhất là Barack Obama. (Gerald R. Ford bị soi xét về tài chính cho chiến dịch tranh cử khi ông còn là phó tổng thống nhưng không dẫn đến cáo buộc nào.)

Việc Tổng thống Richard Nixon sa thải công tố viên đặc biệt đầu tiên điều tra Watergate đã thúc đẩy Quốc hội thông qua luật thành lập luật sư độc lập. (AP)

Cả hai đều không phải đối mặt với nguy cơ bị buộc tội hình sự nghiêm trọng như Trump. Richard M. Nixon thoát khỏi bị truy tố vì che đậy vụ Watergate bằng cách từ chức và sau đó nhận lệnh ân xá từ ông Ford, người kế nhiệm ông. Bill Clinton đã tránh được các cáo buộc có thể khai man và cản trở công lý liên quan vụ bê bối của ông với Monica S. Lewinsky bằng cách thỏa thuận với các công tố viên vào ngày tại chức cuối cùng, theo đó ông thừa nhận đã cung cấp lời khai hữu thệ sai sự thật và từ bỏ giấy phép hành nghề luật sư của mình.

Bận tâm đến việc Nixon sa thải công tố viên đặc biệt đầu tiên điều tra vụ Watergate, Quốc hội đã thông qua luật về công tố độc lập để tạo ra một công tố viên trên lý thuyết sẽ tách biệt khỏi chính trị. Nhưng đảng Cộng hòa ngày càng không hài lòng với mô hình đó sau cuộc điều tra Iran-contra của Lawrence Walsh, cũng như đảng Dân chủ trở nên không hài lòng sau cuộc điều tra Whitewater của Ken Starr, vì vậy Quốc hội đã để luật này mất hiệu lực.

Các công tố viên đặc biệt từng điều tra các tổng thống tiếp theo, trong đó có cả ông Trump và ông Biden, đều do bộ trưởng tư pháp bổ nhiệm vào thời điểm đó. Mặc dù có quyền tự chủ đáng kể nhưng họ không hoàn toàn độc lập và do đó các cuộc điều tra và kết luận của họ thường bị chỉ trích là mang tính chính trị, cho dù không có bằng chứng can thiệp.

Chịu đựng cuộc điều tra Nga của công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III cũng như cuộc điều tra can thiệp bầu cử và tài liệu mật hiện nay của công tố viên đặc biệt Jack Smith, ông Trump khó lòng bổ nhiệm một bộ trưởng tư pháp cho phép ông Smith tiếp tục nhiệm vụ của mình, chứ đừng nói đến việc đưa ra một công tố đặc biệt nào nữa để điều tra ông ta.

Jack Smith, công tố viên đặc biệt giám sát hai vụ án liên bang chống lại ông Trump, được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Garland. Khó có khả năng ông sẽ tiếp tục làm việc dưới sự chỉ đạo của một Bộ Tư pháp của Trump. (Doug Mills/New York Times)

Thay vào đó, ông Trump cho thấy đã không ngừng sấn tới có thể sẽ mang lại lợi thế cho ông về mặt chính trị bất chấp những bê bối, điều tra và xét xử - ít nhất là cho đến nay. Ông ta sẽ giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống lần thứ ba và ít nhất có cơ hội ngang ngửa để thắng ông Biden và trở lại Bạch Cung. Nếu được vậy, ông ấy sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới cho những gì được coi là có thể chấp nhận được ở một tổng thống.

Hãy kết thúc với lời của Lindsay M. Chervinsky, người sắp nhận chức giám đốc điều hành của Quỹ Thư viện Tổng thống George Washington, và và là tác giả của cuốn sách “Làm Tổng thống”, một cuốn sách về John Adams sẽ được xuất bản vào tháng Chín. Lindsay cho biết: “Tôi nghĩ điều rút ra được lớn nhất của tôi là chúng ta đã may mắn biết bao khi có những vị tổng thống hầu hết cư xử đúng mực, hoặc ít nhất là tôn trọng phẩm giá của chức vụ. Phán quyết có tội này làm rõ ràng rằng Trump đã bác bỏ truyền thống đó một cách thô bạo như thế nào.”


Nguồn: https://www.nytimes.com/2024/06/02/us/politics/trump-presidency-checks-balances.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét