11 tháng 7 2024

TRUMP KHÔNG ĐỦ TƯ CÁCH LÃNH ĐẠO


Ông ta rất nguy hiểm trong lời nói, chủ tâm, hành động.

Ông ta đặt mình lên trên quốc gia.

Ông ta căm ghét những luật lệ chúng ta đang có.


Ban Biên Tập New York Times

11/07/2024


Tuần tới, lần thứ ba trong vòng tám năm, Donald Trump sẽ chính thức được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Một đảng chính trị một thời vĩ đại giờ đang phục vụ quyền lợi của một người, một người rõ ràng không xứng đáng với chức vụ tổng thống nếu so với bất kỳ ứng cử viên nào trong lịch sử lâu dài của nền Cộng hòa, một người có các giá trị, tính khí, ý tưởng và ngôn ngữ thật sự quá tương phản với phần lớn những gì đã làm cho đất nước này trở nên vĩ đại.

Đó là một sự chọn lựa đáng rùng mình vào thời khắc này của quốc gia. Trong hơn hai thập niên qua, đại đa số người Mỹ cho biết họ không hài lòng với đường hướng của đất nước, và thời kỳ hậu Covid với lạm phát dai dẳng, lãi suất cao, chia rẽ xã hội và sự mụ mẫm chính trị đã khiến nhiều cử tri càng thêm thất vọng và chán nản.

Đảng Cộng hòa đã từng cậy đến quyền lực được cử tri giao phó để giải quyết những vấn đề như vậy, để xây dựng “thành phố tỏa sáng trên đồi,” như cách Ronald Reagan vẫn ưa nói. Viễn kiến của nó về Hoa Kỳ - thể hiện ở những công bộc có nguyên tắc như George H.W. Bush, John McCain và Mitt Romney - đều bắt nguồn từ các giá trị tự do, sự hy sinh, trách nhiệm cá nhân và lợi ích chung. Quan niệm của đảng về những giá trị đó đã được phản ánh trong chương trình nghị sự về chính sách bảo thủ lâu đời của đảng, và ngày nay nhiều đảng viên Cộng hòa đã gạt bỏ mối lo ngại của họ về Trump chỉ vì quan điểm của ông về vấn đề nhập cư, thương mại và thuế. Nhưng cái giá của cuộc bầu cử này về cơ bản không phải là những bất đồng về chính sách. Vấn đề mang tính nền tảng hơn: phẩm chất nào quan trọng nhất đối với một tổng thống và tổng tư lệnh nước Mỹ.

Trump đã tỏ ra một nhân cách không xứng đáng với trách nhiệm của một tổng thống. Ông ta đã thể hiện sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với Hiến pháp, nền pháp trị, và dân chúng Mỹ. Thay vì có tầm nhìn vững chắc về tương lai của quốc gia, Trump lại bị thôi thúc bởi khao khát quyền lực chính trị: sử dụng đòn bẩy của chính phủ để thúc đẩy lợi ích của mình, thỏa mãn sự bốc đồng và trừng phạt ngay những người mà ông cho rằng đã đối xử sai trái với ông.

Đơn giản là ông ta không đủ tư cách để lãnh đạo.

Đảng Dân chủ đang tham gia đúng đắn vào cuộc tranh luận của riêng họ về việc liệu Tổng thống Biden có phải là người phù hợp để đưa đề cử của đảng vào cuộc bầu cử hay không, trước những lo ngại rộng rãi của cử tri về thể lực liên quan đến tuổi tác của ông. Cuộc tranh luận này rất căng thẳng vì những lo ngại chính đáng rằng ông Trump có thể gây nguy hiểm cho đất nước, sức mạnh, an ninh và bản chất quốc gia - và rằng một giải pháp thay thế hấp dẫn của đảng Dân chủ là điều duy nhất có thể ngăn cản ông ta trở lại nắm quyền. Thật là một thảm kịch quốc gia khi đảng Cộng hòa đã không tổ chức một cuộc tranh luận tương tự về sự không phù hợp về mặt đạo đức và tính khí thất thường của những người đứng đầu của họ, thay vào đó, họ gạt bỏ những giá trị truyền thống của họ, và làm ngơ trước những gì được mô tả là sự gian dối, tham nhũng, tàn ác và kém cỏi một cách có hệ thống của ông ta, bởi chính những người từng làm việc gần gũi nhất với ông ta trước đây.

Nhiệm vụ đó bây giờ thuộc về người dân Mỹ. Chúng tôi kêu gọi cử tri nhìn rõ sự nguy hiểm của nhiệm kỳ thứ hai của Trump và loại bỏ nó. Gánh nặng và tầm quan trọng của chức vụ tổng thống đòi hỏi một người có những phẩm chất và giá trị thiết yếu để chiếm được lòng tin của chúng ta, những phẩm chất và giá trị mà Donald Trump hoàn toàn không có.


SỰ PHÙ HỢP ĐẠO ĐỨC CẦN THIẾT

Các tổng thống hàng ngày phải đối mặt với những thách thức không chỉ đòi hỏi sức mạnh và quyết tâm mà còn cả sự trung thực, khiêm tốn, vị tha, dũng cảm và quan điểm xuất phát từ phán đoán đạo đức đúng đắn.

Nếu Trump có những phẩm chất này thì người Mỹ chưa bao giờ thấy chúng được áp dụng vì lợi ích quốc gia. Lời nói và hành động của ông ta thể hiện sự coi thường đúng sai cơ bản và rõ ràng là thiếu tư cách đạo đức để nhận lãnh trách nhiệm của một tổng thống. 

Ông ta nói dối một cách trắng trợn và ác ý, bao che những kẻ phân biệt chủng tộc, lạm dụng phụ nữ và đem bản năng bắt nạt kiểu trẻ con để tấn công vào những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Ông ta thích thú trong việc đào khoét và phân hóa cộng đồng bằng ngôn ngữ ngày càng gây chia rẽ và kích động. Ông Trump thèm khát được chứng nhận và minh oan, đến mức ông ta thích những lời nói dối của một nhà lãnh đạo thù địch hơn là sự thật của các cơ quan tình báo của chính mình và sẵn sàng tống tiền một đồng minh yếu đuối để thủ lợi chính trị. Cách ông ta xử lý mọi thứ, từ công việc thường ngày đến các cuộc khủng hoảng lớn, đã bị hủy hoại bởi sự kết hợp tồi tệ giữa tính bốc đồng, bất an và kiểu quyết đoán thiếu cân nhắc của ông.

Đây là thành tích có được với một quốc gia do một người như vậy lãnh đạo: Hình ảnh, uy tín và sự gắn kết của nước Mỹ đã bị Trump không ngừng làm suy yếu trong nhiệm kỳ của ông.

Không có hành động sai trái nào của ông ta đã gây mất uy tín rõ ràng như nỗ lực kiên trì và có hệ thống của ông ta để làm suy yếu tính liêm chính của các cuộc bầu cử - yếu tố cơ bản nhất của bất kỳ nền dân chủ nào - một nỗ lực đã đưa đến đỉnh điểm là cuộc bạo loạn tại  Điện Capitol nhằm cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, Trump đã kích động đám đông bạo lực bằng những lời dối trá đầy căm hờn, sau đó thụ động hàng giờ trong khi hàng trăm người ủng hộ nghe lời ông đã xông vào Điện Capitol với mục đích khủng bố các thành viên Quốc hội để giữ ông tại vị. Ông ca ngợi những kẻ côn đồ này và gọi họ là những người yêu nước; trong các cuộc vận động tranh cử gần đây, ông ta còn ca ngợi họ như những ngôi sao, cho trình diễn bài quốc ca hát bởi các tù nhân liên quan đến vụ ngày 6 tháng 1, và hứa sẽ xem xét ân xá cho những kẻ côn đồ gây bạo loạn đó nếu tái đắc cử. Ông ta tiếp tục đổ tiếng xấu cho quốc gia và cử tri bằng cách nói dối về cuộc bầu cử năm 2020, cho rằng nó đã bị đánh cắp, bất chấp sự phản đối của các tòa án, Bộ Tư pháp và cả các quan chức tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa. Không một người nào phù hợp với chức vụ tổng thống lại đưa ra những lời nói dối nguy hiểm và phá hoại như vậy về các chuẩn mực và giá trị dân chủ, nhưng sự thèm khát được minh oan và trả thù của Trump không có trung tâm đạo đức.

Trao cho một người như vậy quyền lực tổng thống to lớn là gây nguy hiểm cho lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ ở nội địa cũng như ở nước ngoài. Tổng tư lệnh quốc gia phải giữ vững lời thề “giữ gìn, bảo vệ và chống đỡ cho Hiến pháp”. Đó là điều gần nhất với một niềm tin thiêng liêng mà quốc gia thế tục này có được. Tổng thống có một số nhiệm vụ và quyền hạn độc nhất: Ông là người duy nhất có thẩm quyền phóng vũ khí hạt nhân. Ông có quyền gửi quân đội Mỹ vào vùng nguy hiểm và cho phép sử dụng vũ lực gây chết người chống lại các cá nhân và các quốc gia khác. Những người Mỹ phục vụ trong quân đội cũng tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp và họ trông cậy vào việc tổng tư lệnh của họ sẽ thực hiện lời tuyên thệ đó một cách nghiêm túc như họ.

Ông Trump đã nhiều lần cho thấy rằng ông ấy không làm như vậy. Nhiều lần, ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và các chỉ huy lực lượng vũ trang Mỹ vi phạm lời thề đó. Có những lần khác, ông yêu cầu các thành viên của quân đội vi phạm các quy tắc nhằm bảo vệ phẩm giá của lực lượng vũ trang và bảo vệ quân đội khỏi bị sử dụng cho mục đích chính trị. Phần lớn họ từ chối những mệnh lệnh bất hợp pháp và vô đạo đức này, bởi ràng buộc với lời thề của họ.

Việc thiếu nền tảng đạo đức làm suy yếu Trump ngay cả trong những lĩnh vực mà cử tri coi ông mạnh mẽ hơn và tin tưởng hơn so với Biden, như vấn đề nhập cư và tội phạm. Với một kiểu tàn nhẫn quá độ, nói nhẹ là vô đạo đức và nặng là vi hiến, Trump nói rằng những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ đang “đầu độc máu của đất nước chúng ta”, và các cố vấn của ông nói rằng ông sẽ nhắm đến việc bắt giam họ hàng loạtchấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Ông đã chỉ ra rằng, nếu phải đối mặt với tình trạng bạo loạn hoặc tội phạm gia tăng, ông sẽ đơn phương đưa quân vào các thành phố của Mỹ. Ông đã hỏi các trợ lý rằng liệu Hoa Kỳ có thể bắn vào dưới thắt lưng của những người di cư để làm chậm họ lại hay không, và ông nói rằng ông sẽ sử dụng Đạo luật Chống Nổi Loạn để triển khai quân đội chống lại những người biểu tình.

Trong thời gian ông ta tại vị, không có điều nào trong số đó xảy ra vì lúc đó giới lãnh đạo quân sự  có đủ người có tư cách đạo đức để nói “không” với những mệnh lệnh trái luật như vậy. Nhưng có những lý do chính đáng để lo lắng về việc liệu điều đó có xảy ra lần nữa hay không, vì ông Trump đang nỗ lực hơn để chiêu mộ những kẻ biết chiều lòng thay vì kiểm soát những cơn bốc đồng quái đản nhất của ông.

Tối cao Pháp viện, với phán quyết vào ngày 1 tháng 7 trao cho các tổng thống “quyền miễn trừ tuyệt đối” đối với các hành vi chính thức, đã loại bỏ trở ngại đối với những bốc đồng tồi tệ nhất của Trump: mối đe dọa về hậu quả pháp lý. Điều còn lại là ý thức đúng sai của chính ông ta. Tương lai của đất nước chúng ta quá quý giá để có thể dựa vào một chiếc la bàn đạo đức hỏng hóc như vậy.


KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO CÓ NGUYÊN TẮC

Các ứng cử viên tổng thống và các tổng thống Đảng Cộng hòa đã sử dụng khả năng lãnh đạo của họ vào những thời điểm quan trọng để tạo ra một chuẩn mực cho xã hội noi theo. Ông Reagan đã đối mặt với chủ nghĩa chuyên chế vào những năm 1980, đã bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên vào Tối cao Pháp viện và làm việc với phía Dân chủ trên các cải cách lưỡng đảng về thuế và nhập cư. George H.W. Bush đã ký ban hành Đạo luật về Người Mỹ Khuyết tật (ADA) và kiên quyết bảo vệ đồng minh Kuwait trước cuộc xâm lăng của Iraq. George W. Bush, dù có những thất bại sau ngày 11 tháng 9, vẫn không gây ra sự căm ghét hay bôi nhọ người Hồi giáo hay đạo Hồi.

Khi còn là ứng cử viên trong cuộc đua năm 2008, ông McCain đã lên tiếng khi những người cùng phe bảo thủ của ông lan truyền những lời dối trá về đối thủ của ông, Barack Obama. Ông Romney sẵn sàng hy sinh vị thế và ảnh hưởng trong một chính đảng từng đề cử ông ra tranh chức tổng thống, để mạnh dạn chỉ ra những sai phạm của Trump và bỏ phiếu bãi nhiệm Trump.

Những hành động mang tính lãnh đạo này có nghĩa là đặt đất nước lên hàng đầu, nghĩ xa hơn chính mình.

Trump đã tỏ ra coi thường những lý tưởng này của nước Mỹ. Ông ngưỡng mộ những kẻ chuyên quyền, từ Viktor Orban đến Vladimir Putin đến Kim Jong-un. Ông ta tin vào mô hình quyền lực của kẻ mạnh - một nhà lãnh đạo khiến mọi việc diễn ra bằng mệnh lệnh, đoạt sự đồng ý bằng sức mạnh ý chí hay tính cách. Trên thực tế, một kẻ bạo chúa cai trị thông qua nỗi sợ hãi và việc sử dụng sức mạnh chính trị một cách vô nguyên tắc cho mục đích tư lợi, áp đặt những chính sách được hình thành kém nhằm dập tắt sáng kiến, óc quản trị, ý tưởng và hy vọng.

Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã cố gắng cai trị nước Mỹ như một kẻ mạnh, bằng cách ra lệnh hoặc đưa ra sắc lệnh trên Twitter. Ông tuyên bố những thay đổi đột ngột trong chính sách – về việc ai có thể phục vụ trong quân đội, về chính sách thương mại, về cách Hoa Kỳ đối phó với Triều Tiên hoặc Nga – mà không tham khảo ý kiến ​​các chuyên gia trong đội ngũ nhân viên của ông để xem những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào. Thực vậy, không nơi nào ông đặt lợi ích chính trị hoặc cá nhân lên trên lợi ích quốc gia một cách bi thảm hơn trong thời kỳ đại dịch, khi ông giả vờ khủng hoảng đã qua bằng cách đưa ra các thuyết âm mưu và khoa học giả tạo trong khi phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia và cản trở các biện pháp an toàn cơ bản mà nếu áp dụng có thể sẽ cứu được nhiều nhân mạng.

Ông ta đã áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với các mối quan hệ chiến lược của Mỹ ở nước ngoài. Ông đánh mất niềm tin của các đồng minh lâu đời của Mỹ, đặc biệt là NATO, làm cho châu Âu kém an ninh hơn và còn khuyến khích các nhà lãnh đạo cực hữu và độc tài ở châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á. Ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, để lại một đất nước, vốn đã là mối đe dọa đối với thế giới, nguy hiểm hơn khi nó hồi sinh một chương trình tinh luyện giúp nó thủ đắc chất uranium gần cấp độ vũ khí.

Trong một nhiệm kỳ thứ hai, việc Trump sẵn sàng làm vừa lòng Putin sẽ khiến gây lo ngại cho tương lai của Ukraine trong tư cách là một quốc gia dân chủ và độc lập. Trump ngụ ý rằng ông có thể tự tay chấm dứt cuộc chiến thảm khốc ở Gaza nhưng không có một kế hoạch thực sự. Ông ta đã gợi ý rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% hoặc cao hơn và ông sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, những động thái sẽ làm tăng giá cả tiêu dùng đối với người dân Mỹ và làm giảm sự canh tân bằng cách cho phép các ngành kỹ nghệ Mỹ dựa vào chủ nghĩa bảo hộ.

Những chính sách tồi tệ nhất của chính quyền Trump thường bị ngăn chặn bởi Quốc hội, bởi những các vụ kiện tụng tại tòa án và bởi sự phản đối của những công chức chính trực, những người đã ngăn cản các yêu cầu vô trách nhiệm hay vi luật của ông ta. Khi Trump muốn chấm dứt Obamacare, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất, ông McCain, đã cứu nó, bảo toàn quyền chăm sóc y tế cho hàng triệu người Mỹ. Trump đã yêu cầu James Comey, giám đốc F.B.I., cam kết trung thành với ông ta và chấm dứt cuộc điều tra về một đồng minh chính trị, nhưng bị Comey từ chối. Các nhà khoa học và quan chức y tế công cộng đã nhiều lần lên tiếng và đính chính thông tin sai lệch của ông về khoa học khí hậu và Covid. Tòa án Tối cao đã phản bác chính quyền Trump nhiều lần hơn bất kỳ chính quyền của một tổng thống nào khác, ít nhất là kể từ Franklin D. Roosevelt.

Một chính quyền Trump thứ hai sẽ khác. Ông ta có ý định đưa vào chính quyền những kẻ nịnh thần, những kẻ sẵn sàng tuân lệnh ông ta hoặc những kẻ không đủ sức mạnh để chống lại ông ta. Ông muốn loại bỏ những người có thể cản trở chương trình nghị sự của ông ta, bằng cách ban hành lệnh tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc sa thải các công chức và thay thế họ bằng những người trung thành hơn với ông.

Điều này không chỉ có nghĩa là người Mỹ sẽ bị thiệt thòi vì thiếu mất chuyên môn của họ mà còn có nghĩa là nước Mỹ sẽ bị cai trị trong bầu không khí sợ hãi, trong đó các nhân viên chính phủ phải phục vụ lợi ích của tổng thống hơn là của công chúng. Tất cả các Bộ trưởng trong nội các đều tuân theo sự lãnh đạo của tổng thống, nhưng trong tầm nhìn của Trump, một quốc gia với các dịch vụ công như người Mỹ quen thuộc sẽ không còn tồn tại - mà là một đất nước trong đó các công chức và các ban ngành không còn có thể đưa ra quyết định độc lập và là nơi các nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng cũng như các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp hay những cơ quan thực thi pháp luật liên bang khác sẽ ngoan ngoãn hơn trước các yêu cầu của Nhà Trắng.

Một nhiệm kỳ nữa dưới sự lãnh đạo của Trump sẽ có nguy cơ gây thiệt hại vĩnh viễn cho chính quyền chúng ta. Như ông Comey, một đảng viên Cộng hòa lâu năm, đã viết trong một bài tiểu luận trên mục Ý kiến báo New York Times vào 2019 rằng: “Những người tài năng nhưng thiếu bản lĩnh sẽ không thể cưỡng lại những thỏa hiệp bắt buộc để tồn tại với Trump để rồi một lúc nào đó họ sẽ không bao giờ phục hồi được nữa.” Rất ít người phục vụ dưới quyền ông có thể tránh được số phận này bởi vì theo Comey, “Trump nhai nuốt linh hồn bạn từng miếng nhỏ”. Comey viết rằng: “Tất nhiên, để ở lại, bạn phải được coi là người trong đội của ông ấy, vì vậy bạn phải thỏa hiệp hơn nữa. Bạn sử dụng ngôn ngữ của ông ấy, ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông ấy, tán dương lòng quyết tâm của ông ấy. Và rồi bạn đánh mất chính mình. Ông ấy đã nuốt mất linh hồn của bạn.” Nước Mỹ sẽ chẳng đi đến đâu nếu có một kẻ bạo chúa. Nước Mỹ cần một người lãnh đạo mạnh mẽ.


TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHÂN CÁCH

Nhân cách là phẩm chất mang lại cho người lãnh đạo sự tín nhiệm, uy quyền và tầm ảnh hưởng. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, những màn tấn công nhỏ mọn của Trump nhằm vào đối thủ và gia đình họ khiến nhiều đảng viên Cộng hòa kết luận rằng ông là người thiếu nhân cách. Các đảng viên Cộng hòa khác, bao gồm cả những người ủng hộ các chính sách của Trump khi còn đương chức, nói rằng lương tâm không cho phép họ ủng hộ ông ta cho chức vụ tổng thống. Hồi tháng Năm, cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nói về Trump như sau: “Đó là một chức vụ đòi hỏi loại nhân cách mà ông ấy không có.” 

Những người hiểu rõ nhất tính cách của ông Trump – những người được ông bổ nhiệm để phục vụ ở những vị trí quan trọng nhất trong Bạch Cung của ông – đã bày tỏ sự nghi ngờ nghiêm trọng về mức phù hợp của ông. 

Một cựu chánh văn phòng của Trump là John Kelly, một tướng Thủy quân lục chiến bốn sao đã nghỉ hưu, mô tả Trump là “người ngưỡng mộ những kẻ chuyên quyền và những kẻ độc tài sát nhân. Một người không có gì ngoài sự coi thường các định chế dân chủ, Hiến pháp và pháp quyền của chúng ta.” Bill Barr, người được Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, nói về ông ta: “Ông ấy sẽ luôn đặt lợi ích của bản thân và thỏa mãn cái tôi của mình lên trên mọi thứ khác, kể cả lợi ích của đất nước”. James Mattis, một tướng Thủy quân lục chiến bốn sao đã nghỉ hưu khác, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng thời Trump, cho biết: “Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong đời tôi không cố gắng đoàn kết người dân Mỹ - thậm chí không giả vờ cố gắng”.

Mike Pence, phó tổng thống của Trump, đã chối bỏ ông ta. Chưa từng có một phó tổng thống nào khác trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ đã làm điều đó. Ông Pence đã nói: “Tôi tin rằng bất kỳ ai đặt mình lên trên Hiến pháp không bao giờ nên trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Và bất cứ ai yêu cầu người khác đặt họ trên Hiến pháp sẽ không bao giờ nên trở thành tổng thống Hoa Kỳ một lần nữa.”

Những điều này không phải là ngoại lệ hiếm hoi. Trong bất kỳ chính quyền Mỹ nào khác, việc bội trung ở cấp nội các là rất hiếm. Nhưng một số lượng chưa từng có những người được Trump bổ nhiệm đã công khai chỉ trích khả năng lãnh đạo của ông, phản đối việc ứng cử tổng thống năm 2024 của ông hoặc né tránh các câu hỏi về khả năng của ông cho nhiệm kỳ thứ hai. Hơn chục người được ông bổ nhiệm cấp cao nhất - những người được ông chọn để làm việc sát cánh với ông và là những người quan sát rõ nhất cách hành xử của ông - đã lên tiếng chống lại ông, đóng vai trò là nhân chứng về hạng lãnh đạo như ông.

Có nhiều cách để đánh giá tính cách của người lãnh đạo; một là để xem liệu họ có chấp nhận trách nhiệm về hành động của mình hay không. Theo nguyên tắc chung, Trump căm ghét trách nhiệm giải trình. Nếu ông ta thua, cuộc bầu cử bị gian lận. Nếu ông ta bị kết án, đó là vì các thẩm phán đang muốn hại ông ta. Nếu không đạt được thỏa thuận, như đã xảy ra nhiều lần với Quốc hội khi còn tại vị, ông ta đóng cửa chính phủ hoặc đe dọa làm như vậy.

Dân chúng Mỹ không kỳ vọng tổng thống của họ phải hoàn hảo; nhiều người trong số đó đã thể hiện sự ngạo mạn, kiêu căng, tự cao và nhiều khuyết điểm khác về tính cách. Nhưng hệ thống chính phủ Mỹ không chỉ có tổng thống: Đó là một hệ thống kiểm tra và cân bằng, và nó dựa vào sự can thiệp của mọi người trong chính phủ khi những sai sót cá nhân của tổng thống có thể đe dọa đến lợi ích chung.

Trump đã thử nghiệm những giới hạn đó với tư cách là tổng thống, và ông tỏ ra không có thay đổi gì trong 4 năm qua kể từ khi ông thất cử. Ông ta cố gắng đe dọa bất cứ ai có can đảm làm chứng chống lại ông ta. Ông ta tấn công sự liêm chính của các thẩm phán đang thực hiện nghĩa vụ của họ để buộc ông ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông ta chế nhạo những người ông ta không thích và nói dối về những người chống lại ông ta và nhắm mục tiêu đánh bại các đảng viên Cộng hòa nếu họ không quỳ gối trước ông.

Người Mỹ có thể dễ tin rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ giống như nhiệm kỳ đầu tiên, với việc phần còn lại của chính phủ phải cứng rắn để bảo vệ đất nước và chống lại những bốc đồng tồi tệ nhất của ông ta. Nhưng kẻ bạo chúa muốn những người khác yếu đuối, và ông Trump đang vây quanh mình những kẻ chỉ biết dạ vâng.

Công chúng Mỹ có quyền đòi hỏi nhiều hơn từ tổng thống của họ và những người sẽ phục vụ dưới quyền ông ấy.


NGÔN TỪ CỦA TỔNG THỐNG

Khi nước Mỹ chứng kiến ​​những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và những người theo chủ nghĩa Tân Quốc xã tuần hành trên đường phố Charlottesville, Virginia, vào năm 2017 và các nhà hoạt động biểu tình chống phân biệt chủng tộc, ông Trump đã nói về “những người rất tốt ở cả hai phía”. Khi bị hỏi dồn về nhóm Proud Boys theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong một cuộc tranh luận năm 2020, ông Trump đã bảo họ “đứng lại và chờ đợi”, một mệnh lệnh mà chứng cứ cho thấy nhóm đó đã tuân thủ theo đúng nghĩa đen khi quyết định xông vào Quốc hội. Mùa đông năm nay, Trump đã kêu gọi người dân Iowa bỏ phiếu cho ông và giành chiến thắng trước những người đồng hương Mỹ của họ - những người mà Trump mô tả là “tất cả những kẻ dối trá, côn đồ, biến thái, lừa đảo, gian lận, quái đản, hèn hạ”. Và trong bài phát biểu vào Ngày Cựu chiến binh ở New Hampshire, ông đã sử dụng từ “sâu bọ” để mô tả cả những người nhập cư và các đối thủ chính trị.

Những gì một tổng thống nói phản ánh về nước Mỹ và kiểu xã hội mong muốn của chúng ta.

Vào năm 2022, ban biên tập chúng tôi đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về mối đe dọa bạo động chính trị ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ và những gì người Mỹ có thể làm để ngăn chặn điều đó. Khi đó, Trump đang chuẩn bị tuyên bố ý định tranh cử tổng thống một lần nữa, và Đảng Cộng hòa đang ở giữa cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát, giữa những người theo chủ nghĩa Trump và những người sẵn sàng rời bỏ sự lãnh đạo mang tính phá hoại của ông ta. Cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng này gây ra hậu quả cho tất cả người Mỹ. Chúng tôi viết: “Một nền dân chủ lành mạnh đòi hỏi cả hai đảng chính trị phải hoàn toàn cam kết tuân thủ pháp quyền và không ủng hộ hoặc thậm chí ngầm khuyến khích bạo lực hoặc phát ngôn bạo lực.”

Một cánh lớn trong một đảng chính trị ở đất nước này đã thất bại trước đòi hỏi đó, và cánh đó, cánh MAGA cực đoan của Trump, hiện đang kiểm soát đảng và các đòn bẩy quyền lực của nó. Có nhiều lý do khiến việc ông chinh phục Đảng Cộng hòa là không tốt cho nền dân chủ Mỹ, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là những kẻ cực đoan đó thường sử dụng ngôn từ bạo lực hoặc niềm tin vào việc sử dụng bạo lực để đạt được mục tiêu chính trị. Niềm tin này đã dẫn đến vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 và dẫn đến ngày càng nhiều mối đe dọa chống lại các thẩm phán, quan chức dân cử và công tố viên.

Mối đe dọa này không thể tách rời khỏi việc Trump sử dụng ngôn ngữ để khuyến khích bạo động, làm hạ nhân phẩm các nhóm dân chúng và truyền bá những lời dối trá. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học UC Davis công bố vào tháng 10 năm 2022, đã đưa ra kết luận rằng những người theo Cộng hòa MAGA (ngược với những người tự nhận mình là Cộng hòa truyền thống) “có nhiều khả năng có niềm tin cực đoan và phân biệt chủng tộc hơn, ủng hộ bạo động chính trị, tin rằng kiểu bạo động đó dễ xảy ra và dự trù rằng họ sẽ được trang bị vũ khí trong những hoàn cảnh mà họ nghĩ bạo động chính trị là chính đáng.”

Đảng Cộng hòa từng có cơ hội từ bỏ chủ nghĩa Trump; nhưng nó đã chọn phục tùng. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã có nhiều cơ hội để phản đối diễn ngôn bạo lực của Trump và nói rõ rằng không có chỗ cho nó trong đời sống chính trị; nhưng họ đã thất bại. Một số lượng lớn cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa đã bỏ rơi Trump để theo đuổi các ứng cử viên khác, trong khi những cử tri độc lập và chưa quyết định đã nói rằng ngôn ngữ của Trump đã khiến họ xa lánh việc tranh cử của ông.

Nhưng với việc được đảng của mình đề cử gần như đã được đảm bảo chắc chắn, Trump càng trở nên liều lĩnh hơn khi sử dụng những lời nói cực đoan và bạo lực, chẳng hạn như việc ông đề cập đến việc hành quyết những tướng lĩnh đặt vấn đề về hành động của ông. Ông ta đã lập luận trước Tòa án Tối cao rằng ông ta có quyền ám sát một đối thủ chính trị và không phải đối mặt với hậu quả.


TẦM QUAN TRỌNG CỦA NỀN PHÁP TRỊ

Mối nguy hiểm từ những thất bại nền tảng này - về đạo đức và tính cách, về khả năng lãnh đạo có nguyên tắc và sự khoa trương thái quá - chưa bao giờ rõ ràng hơn ở việc ông Trump coi thường pháp quyền, việc ông sẵn sàng gây thiệt hại lâu dài cho tính toàn vẹn của các hệ thống của Mỹ để đổi lấy những lợi ích cá nhân ngắn hạn.

Như chúng tôi đã lưu ý, sự coi thường dân chủ của Trump thể hiện rõ nhất trong nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và khuyến khích bạo lực nhằm ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Điều cản đường ông là nhiều người Mỹ yêu nước, ở mọi cấp chính quyền, đã gạt bỏ nỗ lực của ông nhằm ép buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của ông nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Thay vào đó, họ tuân theo các quy tắc và tuân theo pháp luật. Sự tôn trọng một nền pháp trị, chứ không phải một kẻ cai trị, là điều đã giúp nền dân chủ Mỹ tồn tại hơn 200 năm.

Trong 4 năm kể từ khi thua cuộc bầu cử, Trump càng quyết tâm lật đổ nhà nước pháp quyền, bởi vì toàn bộ lý thuyết chủ nghĩa Trump của ông ta đều tập trung vào chuyện ông ta có thể làm bất cứ điều gì ông muốn mà không phải chịu hậu quả. Người Mỹ đang chứng kiến ​​điều này diễn ra khi ông Trump cố gắng chống lại nhiều cáo buộc hình sự. Không chịu tuân làm theo luật để tự bảo vệ mình, thay vào đó, ông ta quay sang nhờ cậy các thẩm phán có cảm tình - gồm cả hai thẩm phán Tối cao Pháp viện có mâu thuẫn quyền lợi rõ ràng về vụ bầu cử năm 2020 và vụ kiện tụng liên quan đến ngày 6 tháng 1. Sách lược: trì hoãn việc truy tố liên bang cho đến khi ông ta có thể thắng cử và chấm dứt những vụ kiện pháp lý đó. Tầm nhìn của ông về chính phủ là làm những gì ông muốn, chứ không phải là một chính phủ hoạt động theo pháp quyền theo quy định của Hiến pháp, tòa án và Quốc hội.

Dù nước Mỹ bị chia rẽ như thế nào, người dân thuộc các trường phái chính trị khác nhau nói chung vẫn ghê tởm những luật lệ gian lận, thiên vị, tự tư tự lợi và lạm dụng quyền lực. Đất nước chúng ta đã ổn định bấy lâu nay một phần là do hầu hết người Mỹ và hầu hết các nhà lãnh đạo Mỹ đều tuân theo luật lệ hoặc phải đối mặt với hậu quả.

Rất nhiều điều trong hai thập kỷ qua đã thử thách những chuẩn mực này trong xã hội của chúng ta - cuộc xâm lược Iraq bằng những lý do sai trái, những thất bại dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái sau đó, đại dịch và tất cả những rạn nứt và bất bình đẳng mà nó bộc lộ. Chúng ta cần tái cam kết tuân thủ luật pháp và các giá trị của lối chơi công bằng. Cuộc bầu cử này là thời điểm để người Mỹ quyết định liệu chúng ta có tiếp tục phấn đấu vì những lý tưởng đó hay không.

Trump đã khước từ họ. Nếu ông ta tái đắc cử, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một tương lai mới và bấp bênh, một tương lai mà nước Mỹ có thể chưa chuẩn bị sẵn sàng. Đó là một tương lai trong đó các cơ quan tình báo sẽ bị đánh giá không phải dựa trên việc họ có bảo vệ được an ninh quốc gia hay không mà bằng việc họ có phục vụ chương trình nghị sự chính trị của ông Trump hay không. Điều đó có nghĩa là các công tố viên và quan chức thực thi pháp luật sẽ bị đánh giá không phải dựa trên việc họ có tuân thủ luật pháp để giữ an toàn cho người Mỹ hay không mà bằng liệu họ có tuân theo yêu cầu của ông ta để “truy lùng” kẻ thù chính trị hay không. Điều đó có nghĩa là công chức sẽ được đánh giá không phải theo sự cống hiến hay kỹ năng của họ mà bằng liệu họ có đủ trung thành với ông ta và chương trình nghị sự MAGA của ông ta hay không.

Ngay cả khi chương trình nghị sự chính sách mơ hồ của Trump không được thực hiện, ông ta vẫn có thể cai trị bằng nỗi sợ hãi. Bài học của các nước khác cho thấy khi bộ máy quan liêu bị chính trị hóa hoặc bị áp lực, những công chức giỏi nhất sẽ tìm lối thoát.

Đây là điều đã xảy ra trong Đảng Cộng hòa của Trump, với việc các nhà lãnh đạo và quan chức có nguyên tắc từ chức, nghỉ hưu hoặc đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông dự định sẽ làm điều đó với toàn bộ chính phủ.

***

Chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa là đến Ngày bầu cử. Lý lẽ chống lại ông Trump rất bao quát, và Ban Biên Tập chúng tôi kêu gọi dân chúng Mỹ thực hiện một hành động đơn giản như nghĩa vụ công dân trong một năm bầu cử: Hãy lắng nghe những gì Trump nói, chú ý đến những gì ông ấy đã làm với tư cách là tổng thống và thử cho phép mình thực sự sống trong những gì ông ấy hứa sẽ làm nếu trở lại chức vụ.

Các cử tri thất vọng vì lạm phát và nhập cư hoặc bị thu hút bởi sức mạnh cá tính của ông Trump nên tạm dừng và lưu ý đến những lời nói và lời hứa của ông. Chúng không liên quan nhiều đến sự đoàn kết và hàn gắn mà liên quan nhiều đến việc làm cho sự chia rẽ và giận dữ trong xã hội của chúng ta trở nên rộng hơn và gay gắt hơn hiện tại.

Đảng Cộng hòa sẽ đưa ra lựa chọn vào tuần tới; tất cả người Mỹ sẽ sớm có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình. Ông Trump sẽ làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai? Ông ta đã nói cho người Mỹ biết ông ấy là ai và cho họ thấy ông ta sẽ là người lãnh đạo như thế nào.

Với một người đã trượt quá nhiều những bài kiểm tra cơ bản, bạn đừng giao cho ông ta công việc quan trọng nhất trên thế giới.

Nguồn: https://www.nytimes.com/interactive/2024/07/11/opinion/editorials/donald-trump-2024-unfit.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét