21 tháng 2 2025

MÀN TẤN CÔNG CỦA TRUMP NHẮM VÀO ZELENSKY BÁO HIỆU MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI ĐANG THÀNH HÌNH



Donald Trump khi còn là UCV đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9. (Ảnh: Julia Demaree Nikhinson/AP)

Từ việc xa lánh các đồng minh đến ca ngợi kẻ thù, Trump dường như sắp từ bỏ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ của nhiều thập niên.


Alexander Ward, WSJ

19 tháng 2 năm 2025

Tổng thống Trump đã đổi hướng đáng kể chính sách đối ngoại Hoa Kỳ chỉ trong bốn tuần ngắn ngủi, biến Hoa Kỳ trở thành một đồng minh kém tin cậy và rút lui khỏi các cam kết toàn cầu theo những cách có thể định hình lại cơ bản mối quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới.

Các công sứ hàng đầu của ông đã trao cho Nga những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt, kế đến Trump gọi nhà lãnh đạo Ukraine là một nhà độc tài, và ông ta giữ khoảng cách với châu Âu khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Ông đã giải thể cơ quan viện trợ hàng đầu của Hoa Kỳ USAID cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập chỗ đứng. Kế hoạch chiếm hữu Gaza của Trump và đưa người Palestine khỏi vùng đất này đã xóa bỏ nỗ lực kéo dài nhiều thập niên của Washington nhằm làm trung gian cho giải pháp hai-quốc-gia. Và kế hoạch tăng thuế quan của ông báo hiệu sự kết thúc của chiến lược toàn cầu hóa do Mỹ thúc đẩy.

Không ai mong đợi Trump xử lý các vấn đề toàn cầu như những người tiền nhiệm của mình. Nhưng ít ai ngờ rằng ông lại hành động nhanh chóng như thế để chuyển hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ khỏi lộ trình mà nước này đã vạch ra từ năm 1945.

Hầu hết các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho biết kể từ khi Thế chiến II kết thúc, hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã củng cố quyền lực của Hoa Kỳ. Bằng cách tuyên thệ bảo vệ các đồng minh ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, Hoa Kỳ đã đảm nhận vai trò là người bảo lãnh toàn cầu cho thương mại tự do và ổn định, một sứ mệnh bao gồm việc chống lại Liên Xô lúc ban đầu và gần đây hơn là Trung Quốc.

Trump có quan điểm khác: Các đồng minh lấy đi nhiều hơn những gì họ bỏ ra. Trump cho rằng thay vì dựa vào quân đội Hoa Kỳ và chiếc dù hạt nhân của Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh, các quốc gia khác nên chi nhiều hơn cho quân đội của họ trong khi vẫn cung cấp các ưu đãi kinh tế để duy trì ân sủng của Hoa Kỳ. Viễn kiến về chính sách đối ngoại của Trump mang nặng tính giao dịch, hơn thua.

Bà Victoria Coates, phó chủ tịch an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation, biện minh: "Không phải là Tổng thống Trump đang từ bỏ trật tự hậu Đệ Nhị Thế Chiến, mà là chúng ta không còn ở thời kỳ hậu Thế Chiến nữa và chúng ta phải chấp nhận rằng bối cảnh địa chính trị đã thay đổi". Cùng một cách tiếp cận đã thúc đẩy chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đã đưa vào một yếu tố mới, đề xuất mở rộng biên giới Hoa Kỳ và đơn phương chiếm đoạt lãnh thổ ở nước ngoài.

Ngay cả trước khi trở lại Nhà Trắng, Trump đã suy tưởng về việc đòi lại Kênh đào Panama, chiếm đoạt Greenland từ Đan Mạchbiến Canada thành tiểu bang thứ 51. Khi ông lặp lại những ý tưởng này sau khi nhậm chức, những ý tưởng xa vời kia bỗng trở thành chính sách khả thi của Hoa Kỳ và là tín hiệu báo động đến các quốc gia trên toàn thế giới.

Ông Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức cấp cao trong nhiều chính phủ Cộng hòa cho biết: "Sẽ rất khó để hồi phục những gì đang được thực hiện trong chính sách đối ngoại hoặc thuyết phục các đồng minh rằng đây là một lần duy nhất không bao giờ lặp lại. Điều đó còn khả dĩ sau khi Trump thắng cử lần đầu, chứ giờ đây sau lần ông ta tái đắc cử thì không ai tin. Danh tiếng về độ tin cậy và tính dự đoán được của Hoa Kỳ đã bị tổn hại nghiêm trọng".

Các sự kiện gần đây chỉ làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ của các đồng minh về một nước Mỹ do Trump lãnh đạo.

Tuần trước, Trump đã đồng ý đàm phán có thể chấm dứt sự cô lập toàn cầu của Moscow sau một cuộc gọi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth sau đó cho biết các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ không cứu xét chuyện nước này gia nhập NATO một chiến thắng cho Moscow ngay cả khi đàm phán chưa bắt đầu. Hegseth đã rút lại các bình luận, nhấn mạnh rằng mọi lựa chọn vẫn còn trên bàn, nhưng các đồng minh đã lập tức cảm nhận Hoa Kỳ dưới thời Trump không quan tâm nhiều đến sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống JD Vance đã chỉ trích các đồng minh châu Âu vì những chuyện ông cho là sự phá hoại nền dân chủ mà không đá động gì về cách chấm dứt cuộc xung đột lớn ở phía đông châu Âu. Các chính phủ châu Âu đã yêu cầu một ghế tại bàn đàm phán Ukraine - Nga, chỉ để nghe các quan chức Hoa Kỳ đáp rằng họ không được tham dự các cuộc đàm phán nhưng quan điểm của họ sẽ được xem xét.

Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Obama, tuyên bố: "Những gì đang xảy ra là một thách thức nghiêm trọng đối với nền tảng của trật tự thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về tương lai của quốc gia này và thế giới này như hiện tại."

Các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì để thảo luận về an ninh châu Âu. (Ảnh: ANP/Zuma Press)

Vực thẳm xa cách trong liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên xa cách hơn trong tuần này. Vào thứ Ba, sau khi các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga kết thúc, Trump đổ lỗi cho Kyiv đã bắt đầu cuộc chiến, bất chấp thực tế chính quân đội Nga đã tràn qua biên giới ba năm trước, khi Putin ra lệnh xâm lược toàn diện. Những phát biểu của Trump đã khiến Tổng thống Zelensky nói rằng tổng thống Hoa Kỳ đang hót như vẹt các thông tin xuyên tạc của Điện Kremlin.

Trump đã đáp trả vào thứ Tư bằng lời chỉ trích gay gắt nhất từng có bởi bất kỳ quan chức Hoa Kỳ nào đối với Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trump gọi Zelensky là "Nhà độc tài không có bầu cử" trên mạng xã hội. Nhiệm kỳ của Zelensky đã hết hạn vào năm ngoái, nhưng các cuộc bầu cử đã bị hoãn lại vì luật pháp Ukraine cấm tổ chức các cuộc bầu cử trong khi đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật.

Ivo Daalder, đại sứ Hoa Kỳ tại NATO trong chính quyền Obama, cho rằng việc Mỹ nghiêng về Nga và tách rời Ukraine đã mang lại phần thưởng cho Moscow.

Ông Daalder nói, "Ông ấy đã nói theo các luận điệu của Putin. Putin hiện đang ở vị trí tuyệt vời khi chỉ cần nói 'Yes', biết rằng nếu Ukraine nói 'No', Trump sẽ đổ lỗi cho Kyiv."

Tất nhiên, đó không phải là cách chính quyền Trump nhìn nhận vấn đề. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes cho biết: "Sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã tạo ra cơ hội đàm phán đầu tiên sau nhiều năm và ông đã làm được điều này chỉ sau bốn tuần nhậm chức. Ông ấy không bỏ sót bất kỳ điều gì liên quan đến việc tìm ra giải pháp hòa bình cho Ukraine điều mà chính quyền trước đã thất bại thảm hại."

Justin Logan, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, một viện nghiên cứu theo khuynh hướng tự do tại Washington, cho biết đã đến lúc một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hành động theo cách thuyết phục người châu Âu quan tâm nhiều hơn đến khu vực của họ. Logan phát biểu, "Trump đang thực hiện tầm nhìn của Hoa Kỳ có từ thời Dwight Eisenhower, người đã lo lắng vào năm 1959 rằng thái độ thờ ơ của châu Âu đối với an ninh của chính họ đang biến Chú Sam thành Chú Sucker". 

Nhưng lập trường đối ngoại của Hoa Kỳ đã thay đổi từ trước khi xảy ra chuyện khấu ó về Ukraine.

Chính quyền Trump trong những tuần đầu tiên đã giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, đóng băng hàng tỷ đô la viện trợ cho các chương trình điều trị AIDS, theo dõi đại dịch và cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em. Các  nhân viên cứu trợ cho biết những chương trình trợ giúp của USAID rải khắp từ châu Mỹ Latinh đến Châu Phi đến Châu Á đã bị tạm dừng, làm xói mòn lòng tin được xây đắp trong bao nhiêu năm giữa chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác của mình tại các quốc gia đang phát triển.

Ngoại trưởng Marco Rubio, người đã dành nhiều năm ca ngợi USAID là lá chắn chống lại Trung Quốc khi còn trong tư cách một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, hiện đang chủ trì một chương trình viện trợ bị cắt giảm rất nhiều, mà phe Dân chủ và các nhân viên cứu trợ nước ngoài cho rằng sẽ chỉ có lợi cho các đối thủ của Hoa Kỳ đầu tư vào các khu vực mà Hoa Kỳ bỏ rơi. Trung Quốc đã nói với các nhà lãnh đạo Cộng sản ở Nepal rằng Bắc Kinh sẵn sàng lấp đầy khoảng trống tài trợ ở quốc gia này do USAID để lại.

Người dân biểu tình ở Washington phản đối việc cắt giảm USAID. (Ảnh: Kent Nishimura/Reuters)

Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (DC, New Hampshire), thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng tác động của việc rút lui ở Nepal và những nơi khác "sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người trên thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ. Nó để lại một khoảng trống mà Trung Quốc, Nga và các đối thủ của chúng ta sẽ lấp vào.”

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump cho biết cách tiếp cận của tổng thống đã mang lại những chiến thắng ban đầu. Cuộc nói chuyện về việc kiểm soát Kênh đào Panama đã khiến tổng thống Panama từ bỏ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Tây Bán cầu. Và mặc dù đề xuất trục xuất người Palestine khỏi Gaza trong khi Hoa Kỳ xây dựng lại dải bờ biển này, Trump vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc họp mà các quan chức chính quyền mô tả là có hiệu quả với các nhà lãnh đạo Trung Đông bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Abdullah II của Jordan.

Không phải tất cả những người chỉ trích Trump đều nói rằng tổng thống đang thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ một cách không thể đảo ngược.

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, người đã quay lưng lại với ông chủ cũ của mình, cho biết tổng thống không có đủ hệ tư tưởng mạch lạc để phá hủy trật tự toàn cầu.

"Đây là quan điểm của một người, chỉ không may là ông ấy là tổng thống", Bolton nói. Lời khuyên của ông dành cho các đồng minh: "Cứ nghiến răng và chịu đựng."


Nguồn: https://www.wsj.com/world/trump-zelensky-foreign-policy-world-alliances-a3592bc4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét