![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Rio de Janeiro vào ngày 18 tháng 11 năm 2024. (Li Xueren / Getty Images) |
Kate Linthicum và Stephanie Yang, LA Times
Ngày 5 tháng 2 năm 2025
Trong chuyến công du chín ngày tại châu Mỹ Latinh vào mùa thu năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp các nhà lãnh đạo Mexico, Brazil, Bolivia, Chile và Argentina và khánh thành một hải cảng tại Peru trị giá 3 tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ.
Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh sự mối quan tâm của ông ta trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với một khu vực cách Bắc Kinh hơn mười ngàn dặm.
Ông ta nói với hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc: "Những người bạn thực thụ luôn cảm thấy gần gũi nhau. Bất kể khoảng cách giữa họ là bao xa".
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã bắt đầu thách thức quyền bá chủ lâu đời của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại ít nhất sáu quốc gia — Panama, Peru, Chile, Uruguay, Brazil và Bolivia.
Giờ đây, các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã được trao một cơ hội khác trong nỗ lực thống trị khu vực: nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.
Trong hai tuần đầu tiên nhậm chức, Trump đã gây sức ép với các đồng minh của Hoa Kỳ, sử dụng mối đe dọa về thuế quan để giành được sự nhượng bộ từ Colombia và sau đó là Mexico. Đồng thời, ông đã tạm ngưng — và đe dọa sẽ xóa bỏ — nhiều chương trình viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ vốn là cứu cánh cho các quốc gia đang phát triển.
Đột nhiên, Trung Quốc có vẻ như là đối tác ổn định hơn đối với nhiều quốc gia trong vùng.
Bà Carol Wise, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học USC và là chuyên gia về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, cho biết: "Hoa Kỳ hiện đang trở nên khó lường và kỳ quặc hơn bao giờ hết. Chính quyền Trump có thái độ rất thù địch với khu vực này, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện thái độ thù địch như vậy, chưa bao giờ.”
Trong số tất cả những nơi mà chính sách đối ngoại của Trump đã tạo ra một cơ hội mới cho Trung Quốc, không nơi nào quan trọng hơn Mexico.
![]() |
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng trong lễ ký kết hiệp định thương mại Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico vào ngày 29/1/2020.(Alex Brandon / AP) |
Các hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có từ ba thập niên trước gắn chặt nền kinh tế Mexico với Hoa Kỳ và trong một thời gian dài, Trung Quốc phần lớn bị loại ra rìa. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.
Để né tránh thuế quan của Hoa Kỳ áp dụng đối với một số hàng hóa của họ, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Mexico.
Theo số liệu của chính phủ Mexico, đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này đã tăng vọt lên 570 triệu đô la vào năm 2022 từ 5,5 triệu đô la vào năm 2013. Theo công ty phân tích bất động sản SiiLA, các công ty Trung Quốc hiện chiếm gấp đôi diện tích công nghiệp tại Mexico so với ba năm trước.
Họ đang xây dựng các nhà máy rộng lớn tại các khu công nghiệp như Hofusan, ở tiểu bang biên giới Nuevo León, và sản phẩm của họ được gởi đến Texas chỉ cách đó 125 dặm, và được miễn thuế.
![]() |
Nhà máy sản xuất đồ nội thất Kuka Home tại Khu công nghiệp Hofusan ở Mexico là một trong nhiều công ty Trung Quốc đầu tư để rút ngắn chuỗi cung ứng. (Marian Carrasquero / Getty Images) |
“Họ có thể đưa hàng nhập khẩu vào đất Hoa Kỳ chỉ trong một ngày”, Cesar Santos Cantú, một luật sư người Mexico đã xây dựng công viên công nghệ trên đất của gia đình mình với sự tài trợ của hai nhà đầu tư Trung Quốc, cho biết.
Các nhà lãnh đạo Mexico đã và đang chào mời thêm đầu tư từ Trung Quốc và các công ty nước ngoài khác trước động thái tăng cường các chính sách bảo hộ của Trump.
Ông Alicia Bárcena nguyên là ngoại trưởng Mexico phát biểu vào năm ngoái: “Mexico sẽ phải tìm kiếm những lối đi khác”, và ca ngợi Trung Quốc là quốc gia “luôn để tâm đến Mexico”.
Ông Juan Carlos Moreno-Brid, giáo sư kinh tế tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, khẩn nài Mexico cần đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, khi ông ta ví Hoa Kỳ như "một đối tác lạm dụng".
Ông nói, "Bạn không thể sống bốn năm với một khẩu súng chĩa vào đầu mình.”
Hoạt động thương mại của Mexico với Hoa Kỳ hiện vẫn lớn gấp tám lần hoạt động thương mại với Trung Quốc. Nhưng Washington đang theo dõi chặt chẽ các cuộc lấn sân của Trung Quốc ở phía nam biên giới.
Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ cho biết: "Tất cả những yếu tố này về mặt kinh tế đẩy Mexico về phía Trung Quốc. Nhưng điều đó làm phức tạp thêm mối quan hệ của Mexico với Tổng thống Trump".
Trung Quốc lần đầu tiên tăng cường thương mại với châu Mỹ Latinh vào đầu những năm 2000 để thỏa mãn nhu cầu gia tăng của nó về hàng hóa trong thời kỳ bùng nổ kinh tế.
Trung Quốc đã mua đậu nành từ Brazil, đồng từ Chile và lithium từ Bolivia trong khi đổ vào các thị trường Mỹ Latinh với các sản phẩm và mạng lưới viễn thông của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin tham dự cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 7 tháng 6 năm 2024. (Wang Zhao / AP)
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thương mại giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh đã tăng lên 315 tỷ đô la vào năm 2020 từ 12 tỷ đô la vào năm 2000. Dự kiến chỉ trong một thập niên nữa, con số đó sẽ đạt 700 tỷ đô la. Để so sánh, thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh vào năm 2020 đạt tổng cộng 767 tỷ đô la.
Ellis cho biết lúc đầu Hoa Kỳ phản ứng chậm trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.
Ellis cho biết: "Trong khi Trung Quốc đang tiến vào Nam Mỹ và phần nào của vùng Caribbean, tôi nghĩ rằng tại Hoa Kỳ vẫn đang còn một loại cảm giác an toàn giả tạo."
Sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của ngoại giao chiến lược.
Hơn 20 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribbean là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nó bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Và vào năm 2023, tám tổng thống Mỹ Latinh đã chính thức đến thăm Trung Quốc — nhiều nhất từ trước đến nay trong một năm, theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston.
Quyền lực mềm đó giúp mở đường cho đầu tư của Trung Quốc. Nó cũng xây dựng sự ủng hộ cho một trong những mục tiêu địa chính trị chính của Trung Quốc: áp lực nhiều nơi trên thế giới công nhận yêu sách lãnh thổ của họ đối với Đài Loan.
Trong tám năm qua, có ít nhất năm quốc gia ở châu Mỹ Latinh đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan như một điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mới nhất là Honduras vào năm 2023, một năm sau khi Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Honduras, theo trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary.
Ông Bryan Burgess, chuyên gia cao cấp về chính sách tại đó, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ ra sức lấp đầy khoảng trống gây bởi việc cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho khu vực.
Ông Burgess cho biết: “Việc Hoa Kỳ rút lui khỏi vai trò của mình trong các dự án tài chính phát triển và viện trợ truyền thống thực sự mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tràn vào khu vực này. Một trong những lợi thế đối với các nước Mỹ Latinh hiện nay là khả năng đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, so kè kiếm lợi và cố gắng đạt được các điều khoản thuận lợi hơn”.
Một lợi ích được nhận thấy đối với nhiều nước Mỹ Latinh là Trung Quốc không can thiệp vào chính trị nước sở tại, ngoại trừ vấn đề Đài Loan. Hoạt động thương mại — và viện trợ — của Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc như về dân chủ hay nhân quyền bởi Hoa Kỳ, hoặc đòi hỏi hợp tác về vấn đề di dân bởi Trump.
Henry Huiyao Wang, người sáng lập Trung tâm phi chính phủ về Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, cho biết việc Trung Quốc nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế — thay vì cưỡng ép chính trị — đã tăng sức hấp dẫn của nó đối với các nước Mỹ Latinh đã chán ngán sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Ông Wang cho biết: “Mỹ Latinh vẫn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc có thể mang lại cho họ lợi ích kinh tế và cùng với nhiều độc lập chính trị hơn”.
Tuy nhiên, quay sang với Trung Quốc cũng đi kèm với những rủi ro riêng. Việc vỡ nợ và những thất bại trong một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn — bao gồm một đập thủy điện trị giá 2 tỷ đô la ở Ecuador vừa hoàn thành đã có hàng ngàn vết nứt — cũng đã làm các nước Mỹ Latinh lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Và những rắc rối kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể báo hiệu rồi đây sẽ có ít giao thương hơn và cũng ít hào phóng hơn đối với các chính phủ xa xôi này.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, một ngân hàng đầu tư của Pháp, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng Mỹ Latinh coi Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy, nhưng chắc chắn là đối tác hữu ích, đặc biệt là đối với các chế độ dân túy và cánh tả.”
Với việc Trung Quốc và Hoa Kỳ mới đây công bố các mức thuế quan mới đối với nhau, có vẻ như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra. Châu Mỹ Latinh sẽ là một trong những chiến trường của cuộc xung đột.
Ông Enrique Dussel Peters, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Mexico tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cuộc đối đầu sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mối quan hệ tay ba mới mẻ này đang diễn ra ở khắp Châu Mỹ Latinh” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét