19 tháng 4 2025

LÀM SAO HOA KỲ CÓ THỂ TRÁNH TRỞ THÀNH NƯỚC NGA

Áp lực chính trị phải được kiên trì đưa ra — thông qua tòa án, báo chí và các tiểu bang, nhưng cũng phải áp dụng cho các nhà lập pháp khi họ vẫn còn quyền lực.

Garry Kasparov, The Atlantic

Ngày 17 tháng 4 năm 2025


Dựa trên các cuộc thăm dò, kết quả bầu cử và các thị trường, người Mỹ dường như đang thức tỉnh, dù có phần chậm chạp, về quy mô và bản chất của mối đe dọa mà họ phải đối mặt. Tổng thống Donald Trump và phe cầm quyền đang cố gắng xây dựng một nhà nước Mafia độc tài giống như nhà nước mà Vladimir Putin và đám cận thần đã thiết lập được ở Nga. Phe đối lập của Mỹ nói về "phá hoại nền dân chủ" và "khủng hoảng hiến pháp" — nhưng phần lớn, các nhà lập pháp, nhà hoạt động và chiến lược gia chính trị của họ vẫn làm chính trị như thường lệ. Họ không nên như vậy.

Nếu điều này nghe có vẻ gây hoang mang, hãy tha thứ cho tôi đã không khéo lựa lời. Đúng 20 năm trước, tôi đã giải nghệ môn cờ vua chuyên nghiệp để giúp Nga chống lại chế độ độc tài đang thành hình của Putin. Người dân ở đó cũng chậm chạp trong việc nắm bắt những gì đang diễn ra: Putin là người xấu, nhưng chắc chắn ông ta sẽ dừng lại không ___ — và bạn có thể điền vào chỗ trống bằng hàng chục điều ông ta đã làm để phá hủy nền dân chủ và xã hội dân sự mong manh của Nga, nhiều điều trong số đó Trump đang làm hoặc cố gắng làm ở Mỹ ngày nay.

Tấn công báo chí là tin giả và là kẻ thù của nhà nước? Có. Làm mất tính hợp pháp của ngành tư pháp, rào cản hiến pháp cuối cùng khi cơ quan lập pháp bị mua chuộc và vô trách nhiệm? Có. Mở rộng ảnh hưởng đối với nền kinh tế bằng cách đe dọa các doanh nghiệp và sử dụng thuế quan để tạo ra một cuộc khủng hoảng và hệ thống bổng lộc? Có. Tạo ra một nền văn hóa sợ hãi bằng cách đàn áp những cá nhân và nhóm không được ưa chuộng? Có luôn, làm đủ những điều đó.

Putin vẫn ở Điện Kremlin, và tôi đang viết những dòng này từ Thành phố New York — gia đình tôi đã định cư ở đây, một số ở Croatia, kể từ khi chúng tôi bị ép buộc phải rời khỏi Nga vào năm 2013.  Các thể chế và tinh thần dân chủ của Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn nhiều so với nhà nước mong manh, đầy khiếm khuyết mà Putin đã tiếp quản từ Boris Yeltsin 25 năm trước. Nước Nga chỉ mới thoát khỏi chế độ toàn trị của Liên Xô tám năm khi họ bầu chọn một trung tá KGB, kẻ khôi phục quốc ca Liên Xô và gọi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" thế kỷ 20.

Ngược lại, người Mỹ có một hộp công cụ đầy đủ để bảo vệ các thể chế dân chủ của họ, nếu họ muốn sử dụng nó. Báo chí vẫn được tự do; những hạn chế duy nhất nếu có là do chính họ tự áp đặt. Kinh tế đang mạnh mẽ, mặc dù Trump đang nỗ lực để chặn nó lại. (Những người cảm thấy bất an về kinh tế hoặc phụ thuộc vào chính phủ cho miếng bánh mì thường nhật thường không dám chống lại nó. Việc gieo rắc cảm giác bất lực, thiếu kiểm soát là một yếu tố chính của chủ nghĩa độc tài. Chẳng hạn, sự bất ổn do những thay đổi thuế quan của Trump tạo ra là điều tối kỵ đối với lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng những công dân thiếu kiên định phần nhiều sẽ đi theo một người đàn ông mạnh mẽ.) Thể chế liên bang của Hoa Kỳ và sự phân chia quyền lực không phải là thứ mà một kẻ có ý đồ độc tài dễ dàng vượt qua. Áp lực chính trị phải được kiên trì đưa ra — thông qua tòa án, báo chí và các tiểu bang, nhưng cũng phải áp dụng cho các nhà lập pháp khi họ vẫn còn quyền lực.

Phe đối lập của Hoa Kỳ nên dành ít thời gian hơn để chỉ trích nội dung các hành động hành pháp của chính quyền — ví dụ như khơi dậy sự thông cảm cho một cá nhân bị trục xuất hoặc lên án tác động của thuế quan của Trump đối với các quỹ hưu trí 401(k) — thay vào đó, họ nên tập trung vào các phương pháp đáng ngờ của chính quyền. Cuộc khủng hoảng thực sự nằm ở việc thiếu xét xử công minh trong các vụ trục xuất trong ví dụ đầu tiên, và ở việc tổng thống tiếm quyền Quốc hội trên quyền đánh thuế trong ví dụ thứ hai. Chắc chắn, Trump thích thuế quan, nói cách khác — nhưng ông ấy chủ yếu thích sử dụng quyền lực, và danh sách các khoản thuế tùy tiện của ông, do cơ quan hành pháp đơn phương áp đặt, là một sự chiếm đoạt quyền lực.

Đừng bao giờ quên rằng mục tiêu của chính quyền Trump là một mặt làm suy yếu và hạ giá bộ máy chính phủ, và mặt khác tư nhân hóa các đòn bẩy quyền lực. Họ đang thực hiện tất cả những điều này với tốc độ chóng mặt. Ủng hộ một kẻ mang tham vọng độc tài vì bạn thích chính sách của ông ta (như về DEI hoặc vận động viên chuyển giới) là một cái bẫy khủng khiếp, vì chẳng mấy chốc, ý kiến ​​và sự ủng hộ của bạn sẽ chẳng còn quan trọng nữa. Nhưng việc biến sự phản đối các chính sách thành trọng tâm của sự phản kháng cũng có nguy cơ bỏ lỡ mục đích chính. Nước Mỹ đang lao nhanh tới sự mất mát của các thể chế dân chủ và sự thành lập của một nhà nước độc tài, nơi sẽ không còn có bất kỳ cuộc thảo luận dân sự nào về những vấn đề này: Đó là điều mà một phe đối lập có nguyên tắc phải đấu tranh hết mình.

Việc nêu rõ những vấn đề này mỗi ngày, như Thượng nghị sĩ Cory Booker đã làm trong bài phát biểu  kỷ lục dài 25 giờ vào đầu tháng, là điều vô cùng quan trọng. Triệu tập các phiên điều trần, họp báo, biểu tình — mọi thứ có thể làm để thu hút sự chú ý đến các cuộc tấn công vào các thể chế. Giải thích về quy trình xét xử phân minh (due process) và trình bày tương phản của nó với các vụ trục xuất bất hợp pháp hoặc sai sót, khiến các gia đình bị chia cắt. Đừng để Elon Musk và những kẻ phá hoại của ông ta giả vờ rằng những gì họ đang làm là về hiệu quả khi mà hành động của họ giỏi lắm chỉ là sửa những lỗi nhỏ trong ngân sách.

Đây là một chiến thuật khác có thể có ý nghĩa đối với sự nhân nhượng chính trị qua lại trong một nền dân chủ, nhưng không phải là phương tiện đấu tranh cho sự sống còn của nền dân chủ: chọn trận chiến của bạn. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer có thể đã nghĩ rằng ông đang làm chính xác như vậy khi ông nhượng bộ trước áp lực của đảng Cộng hòa để thông qua ngân sách. Ông có một biện pháp hợp pháp để chống lại chương trình nghị sự độc đoán của Trump — tập hợp đảng của mình để từ chối thông qua dự luật chi tiêu của đảng Cộng hòa — nhưng ông đã từ chối sử dụng nó. Trong nền chính trị dân chủ thông thường, việc từ bỏ một trận chiến để chiến đấu lại vào một ngày khác là điều bình thường. Nhưng khi đấu tranh cho nền dân chủ, bạn không bao giờ biết liệu có ngày nào khác hay không. Hãy chiến đấu ở mọi nơi bạn có thể, luôn luôn, nếu không bạn sẽ sớm trở nên vô nghĩa như Viện Duma của Nga dưới quyền hành pháp tập trung của Putin.

Một khuyến nghị khác: Việc tấn công vào tính cách của Trump, bất kể những người chỉ trích có ghê tởm đến đâu, đều là vô ích. Tổng thống không hành động một mình. Trái ngược với nhiệm kỳ đầu vụng về, giờ đây ông đã có một kịch bản chuyên nghiệp, những người quản lý sân khấu và một kế hoạch. Dự án 2025 là sản phẩm của bộ máy chính trị đã xuất hiện xung quanh Trump, tìm cách nhổ tận gốc nền dân chủ Mỹ rồi rắc muối vào đất. Để thực hiện được điều này, chính quyền Trump, cũng giống như nhóm của Putin ở Nga, tập trung vào nỗi sợ hãi và thù hận, chứ không phải xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Chính quyền sẽ không bao giờ bị cám dỗ để hòa giải hoặc bị thuyết phục bởi sự tiếp cận lưỡng đảng. Vì vậy, hãy gạt sang một bên những chi tiết cụ thể trong chương trình nghị sự của Trump và sự ghê tởm của bạn đối với nhân cách ông ta. Hãy phản kháng ở mọi cấp độ, trong mọi cơ hội, thay vì chọn lựa cuộc chiến này hay cuộc chiến khác. Hãy hét lên từ trên mái nhà về các cuộc tấn công vào quy trình và nền dân chủ, không chỉ nội dung chính sách.

Kể từ khi Trump nhậm chức, người Mỹ đã đệ trình nhiều khiếu nại pháp lý phản đối các khoản cắt giảm hoặc lệnh cụ thể mà Musk và cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ của ông đã đưa ra. Rốt cuộc, Musk, với tư cách là một cá nhân, có thẩm quyền gì để thu thập dữ liệu của chính phủ, quyết định sa thải quan chức liên bang nào hoặc phân bổ nguồn lực theo cách mà hắn ta thấy phù hợp? Musk và Trump đã chỉ trích các thẩm phán dám phản bác tính hợp pháp của hành động của họ.

Đưa DOGE ra tòa là việc cần thiết — bằng mọi cách, hãy ném cát vào bánh răng mọi lúc mọi nơi — nhưng vẫn chưa đủ. Đó là vì Musk, giống như các nhà tài phiệt Nga, có vị thế gần với quyền lực, nhưng thực tế ông ta không có thẩm quyền pháp lý. Để loại bỏ ảnh hưởng của ông ta có nghĩa là mang cuộc chiến không chỉ đến với ông ta, mà còn đến các vị dân cử nơi quyền lực vẫn còn.

Người Mỹ có lẽ nên quen với việc học tiếng Nga, vì vậy tôi sẽ đưa ra một thuật ngữ chính trị trong từ điển của chúng ta: понятие, ponyatie (pon-YAH-tee-yeh), không có từ tương đương trong tiếng Anh nhưng có thể dịch đại khái là "sự hiểu biết". Hầu hết người dân đều hiểu rằng sự gần gũi với quyền lực tự nó là một dạng quyền lực, rằng "chúng ta đều biết ai thực sự là người ra lệnh". Những gì chúng ta đang thấy với DOGE là một ví dụ về hiện tượng này — hiểu biết (ponyatie) rằng Musk, với tư cách là một kẻ trọc phú có ảnh hưởng lớn đến Trump, nắm giữ quyền lực chính phủ to lớn mặc dù không có chức danh chính thức hoặc vai trò theo hiến pháp. Hiểu biết (Ponyatie) rằng quyền lực nhà nước có thể huy động chống lại những người chỉ trích và đối thủ của hắn, trong khi bản thân hắn lại miễn nhiễm với nó. Sự chấp nhận kiểu suy nghĩ đó phải bị ngăn chặn trước khi nó được phép thấm nhuần vào hệ thống chính trị Hoa Kỳ.

Vì mục đích đó, người Mỹ nên đầu tư thời gian và tiền bạc của mình để đấu tranh trong đấu trường nơi quyền lực chính trị vẫn còn tồn tại: với người dân Hoa Kỳ và tại Washington, D.C., với một số ít đại diện của Đảng Cộng hòa có thể ngăn chặn việc thâu tóm quyền lực. Truy đuổi những mắt xích yếu nhất và kêu gọi họ. Hứa sẽ hỗ trợ họ chống lại các mối đe dọa của Musk về việc tài trợ cho các đối thủ trong bầu cử sơ bộ nếu họ chống lại hắn — và sẽ gây quỹ hàng triệu đô la chống lại họ nếu họ không làm vậy. Đừng từ bỏ các đòn bẩy quyền lực chính trị quá sớm. Hãy sử dụng chúng, nếu không chúng sẽ biến mất, và khi đó tuần hành trên đường phố sẽ là giải pháp duy nhất còn lại — một giải pháp mà tôi có thể nói với bạn từ kinh nghiệm cá nhân đau đớn của mình không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Chính quyền Trump đã rất xảo quyệt khi chọn các mục tiêu đầu tiên. Việc trục xuất những người bị cho là thành viên băng đảng hay ủng hộ Hamas mà không qua thủ tục tố tụng hợp pháp có thể vi phạm nhiều điều luật, nhưng nó khiến những người đối lập bênh vực quyền của những người này cho phép chính quyền tô vẽ họ như những người bảo vệ chuyện sai trái. Không phải trận chiến nào cũng được ủng hộ như việc bảo vệ nghiên cứu ung thư hoặc quyền lợi của cựu chiến binh.

Đây là lý do tại sao sự phản kháng phải tập trung vào các nguyên tắc đang bị đe dọa. Nước Mỹ có pháp quyền hay không? Câu bào chữa trước tiên của một nhà nước cảnh sát trị mới chớm là: "Bạn không có gì phải sợ nếu bạn không làm gì sai". Kiểu ngụy biện này sẽ sớm được thay thế bằng: "Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai", vì chế độ này thấy được giá trị của việc sử dụng sự đàn áp tùy tiện để gieo rắc nỗi sợ hãi. Nhắc lại, nỗi sợ hãi là mục tiêu của kẻ độc tài, đơn giản như phải làm lắm việc mỗi ngày. Ngay cả khi bạn không thích ông ta hoặc các chính sách của ta, ông ta càng ở đó lâu, làm nhiều việc, thì kẻ độc tài bắt đầu càng cảm thấy quen thuộc, giống như mặt trời mọc mỗi ngày.

Trong chính trị, cũng như trong vật lý, lực bằng khối lượng nhân với gia tốc. Chính quyền đang tiến hành một loạt các cuộc tấn công, một cách thật cấp bách, để phá vỡ sự kháng cự của các cấu trúc pháp lý của Hoa Kỳ, đôi khi bằng cách sử dụng các chính sách hợp pháp và tương đối phổ biến (ví dụ như trục xuất tội phạm bị kết án) làm vỏ bọc cho các chính sách có khả năng là bất hợp pháp và tương đối không được ưa chuộng (trục xuất người nhập cư mà không có thủ tục hợp pháp). Sự cấp bách giả tạo là một dấu hiệu: Hiện không có chiến tranh, không có cuộc khủng hoảng kinh khiếp nào buộc tổng thống phải vi phạm Hiến pháp. Nhưng chính quyền đang phá vỡ các chuẩn mực và thiết lập tiền lệ nhanh hơn khả năng ngăn chặn của các thẩm phán. Tất nhiên, việc phớt lờ các thẩm phán cũng là một phần của kế hoạch.

Để chống lại cuộc tấn công này có nghĩa là phải tập trung. Bỏ qua các cuộc chiến văn hóa, nơi mà các lý lẽ có thể dễ dàng nghiêng về phía những người trung thành với MAGA. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc bảo vệ các quyền và giá trị của người Mỹ chống lại các tỷ phú và nhà độc tài muốn tước đoạt chúng. Chỉ vì bạn không thể cạnh tranh với Trump về chủ nghĩa dân túy không có nghĩa là bạn không thể được ưa chuộng và các cuộc thăm dò ý kiến ​​đã cho thấy rằng công chúng tin rằng tổng thống nên tuân thủ các lệnh của tòa án hay nên cung cấp nhiều viện trợ hơn cho Ukraine.

Phe đối lập cần phải tự hào bảo vệ hệ thống giá trị và khuôn khổ quý giá đã làm nên sự vĩ đại của đất nước này. Điều này có vẻ sáo rỗng đối với những người Mỹ hoài nghi đã coi nền dân chủ là điều hiển nhiên trong gần suốt cuộc đời họ, nhưng điều đó quan trọng. Những nhà lãnh đạo của phe phản kháng, nếu có thể tìm thấy, phải đóng vai trò là người phát ngôn và là ví dụ về những giá trị và thể chế này nếu họ muốn đưa ra một biện pháp phản kháng có thực chất đối với chủ nghĩa Trump.

Việc tập hợp để bảo vệ nền dân chủ hợp hiến của Hoa Kỳ đã trở nên vô cùng khó khăn sau nhiều năm cố chấp, từ cả phe cực tả và cực hữu, rằng hệ thống này đã bị hỏng đến mức không thể sửa chữa được. Tin tốt là Trump và Musk có thể đang nhắc nhở người Mỹ về những gì họ sẽ mất và mất vào tay ai, như đã thấy rõ trong phản ứng hả hê của đảng Dân chủ đối với cuộc bầu cử Tòa án Tối cao Wisconsin, nơi ứng cử viên được Musk ưa thích đã thua.

Người Mỹ chỉ cần nhìn vào các mô hình được các nhà lãnh đạo của họ công khai thừa nhận nếu họ thắc mắc liệu mọi thứ có thể tồi tệ hơn không. Đảng Cộng hòa đã di chuyển quá xa sang cánh phải đến mức họ song hành về mặt ý thức hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Việc chính quyền Trump từ chối chỉ trích Putin có thể là do hy vọng rập khuôn ông ấy, giống như việc Putin khôi phục di sản của Stalin theo các chính sách sao chép từ nhà độc tài Liên Xô. Và Musk đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trung Quốc của Tập Cận Bình, một quốc gia độc đảng hà khắc nơi Musk có lợi ích kinh doanh.

Chỉ cần bốn phiếu tại Thượng viện. Chỉ cần ba phiếu tại Hạ viện. Chỉ cần vậy thôi. Tìm ra những mắt xích yếu nhất. Truy đuổi họ, một cách dân chủ. Gây quỹ cho họ nếu họ đứng lên, hoặc chống lại họ nếu họ không đứng lên. Hệ thống hai đảng ở Mỹ hiện tại là Nhóm Phản Bội đấu với Nhóm Thua Cuộc. Chơi để thắng có nghĩa là hỏi mọi nhà lập pháp của tiểu bang đỏ xem họ có ổn khi tham gia Nhóm Phản Bội hay không.

Nguồn: https://www.theatlantic.com/international/archive/2025/04/america-russia-trump-putin/682473/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét