13 tháng 4 2025

MỸ ĐANG CHỨNG KIẾN SỰ TRỖI DẬY CỦA MỘT NHÀ NƯỚC KÉP


Với hầu hết mọi người, tòa án sẽ tiếp tục hoạt động như thường lệ — cho đến khi chúng không còn nữa.

Aziz Huq, The Atlantic

Ngày 23 tháng 3 năm 2025


Vào ngày 20 tháng 9 năm 1938, một người đàn ông từng chứng kiến ​​sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít đã khăn gói bỏ trốn khỏi Berlin. Ông đã sắp xếp để lén mang theo một bản thảo mà ông đã bí mật soạn thảo trong hai năm trước đó. Đó là một cuốn sách đáng chú ý. Nó làm sáng tỏ những gì đang diễn ra ở Berlin vào thời điểm đó, những gì đã khiến ông chạy trốn.

Người chạy trốn hôm đó là một luật sư lao động gốc Do Thái mang tên Ernst Fraenkel. Hai năm sau, ông hoàn thành bản thảo tại Đại học Chicago (nơi tôi giảng dạy), và xuất bản với tên gọi Nhà nước kép (The Dual State), với phụ đề khiêm tốn “Một đóng góp cho Lý thuyết về chế độ độc tài”. Cuốn sách giải thích cách Đức Quốc xã xoay xở để duy trì nền kinh tế tư bản được quản lý bởi luật pháp ổn định — và duy trì sự bình thường hàng ngày cho phần lớn công dân — trong khi đồng thời thiết lập một lãnh địa phi luật pháp và nền bạo lực cấp nhà nước để hiện thực hóa viễn kiến khủng khiếp của họ về chủ nghĩa quốc-gia - sắc-tộc.

Fraenkel đã đưa ra một bức tranh đơn giản nhưng mạnh mẽ về cách nền tảng hiến pháp và pháp lý của Cộng hòa Weimar bị xói mòn và được thay thế bằng chế độ cai trị theo kiểu độc tài, trong đó các mệnh lệnh của Đảng Quốc xã và lãnh đạo của đảng này trở nên tối thượng. Quan điểm của ông không dựa trên lý thuyết chính trị trừu tượng; thay vào đó, nó phát triển từ kinh nghiệm của ông với tư cách là một luật sư Do Thái tại Berlin của Đức Quốc xã, đại diện cho những người bất đồng chính kiến ​​và những khách hàng khác đang bị rẻ rúng. Bằng ngôn ngữ học thuật, tác phẩm Nhà nước kép phác họa một khuôn mẫu về chế độ chuyên chế mới nổi được chắt lọc từ kinh nghiệm đẫm máu và đầy kinh hoàng.

Như Fraenkel đã giải thích, một chế độ độc tài phi luật pháp không xuất hiện đơn giản bằng cách xóa sạch hệ thống luật pháp thông thường gồm các quy tắc, thủ tục và tiền lệ. Ngược lại, hệ thống đó — mà ông gọi là “nhà nước chuẩn mực” (“normative state”) — vẫn tồn tại trong khi quyền lực độc tài lan dần khắp xã hội. Fraenkel giải thích rằng điều xảy ra là rất nguy hiểm. Thay vì xóa bỏ hoàn toàn nhà nước chuẩn mực, chế độ Đức Quốc xã đã từ từ tạo ra một khu vực song song mà “sự tùy tiện và bạo lực không giới hạn không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ chế pháp lý nào” có thể ngự trị một cách tự do. Trong khu vực này, mà Fraenkel gọi là “nhà nước đặc quyền” (“prerogative state”), luật pháp thông thường không được áp dụng. (Quyền lực đặc quyền là quyền lực cho phép một người như quốc vương hành động mà không cần quan tâm đến luật pháp hiện hành; các nhà lý thuyết từ John Locke và nhiều người sau này đã đưa ra nhiều cách diễn đạt khác nhau về ý tưởng này.) Trong nhà nước đặc quyền này, các thẩm phán và các tác nhân pháp lý khác đã tuân theo các hệ thống phân cấp theo sắc tộc và các thủ đoạn tàn nhẫn của chế độ Đức Quốc xã.

Điều quan trọng ở đây là nhà nước đặc quyền này không lấn át nhà nước chuẩn mực ngay lập tức và hoàn toàn. Thay vào đó, Fraenkel lập luận rằng chế độ độc tài tạo ra một khu vực phi luật pháp tồn tại song song với nhà nước chuẩn mực. Hai hệ thống nhà nước chung sống không dễ dàng và không ổn định. Mọi ngày, người dân hoặc các vụ việc có thể bị kéo ra khỏi nhà nước chuẩn mực và đẩy vào dưới nhà nước đặc quyền. Ví dụ, vào tháng 7 năm 1936, Fraenkel đã thắng kiện cho các nhân viên của một hiệp hội bị Đức Quốc xã tiếp quản. Vài ngày sau, ông mới hay rằng Gestapo đã tịch thu số tiền mà khách hàng ông vừa thắng kiện và sung vào kho bạc của chính phủ. Theo thời gian, nhà nước đặc quyền sẽ bóp méo và dần dần làm tan rã các thủ tục pháp lý của nhà nước chuẩn mực, để lại một khu vực ngày càng nhỏ hơn cho luật pháp thông thường.

Tuy nhiên, Fraenkel nhấn mạnh, thật sai lầm khi nghĩ rằng ngay cả Đức Quốc xã cũng sẽ hoàn toàn bãi bỏ luật pháp thông thường. Xét cho cùng, họ cần duy trì một nền kinh tế phức tạp, rộng lớn theo chủ nghĩa tư bản. Ông lưu ý rằng "Một quốc gia có 80 triệu người dân cần có các quy tắc ổn định". Bí quyết là tìm cách duy trì luật pháp cho những người Đức theo đạo Thiên chúa ủng hộ hoặc ít nhất là dung túng cho Đức Quốc xã, trong khi thực hiện một cách tàn nhẫn các chỉ thị của Lãnh Tụ chống lại kẻ thù của nhà nước, kẻ thù thực tế và tưởng tượng. Chủ nghĩa tư bản có thể song hành êm thắm cùng với sự đàn áp tàn bạo nền dân chủ, và thậm chí cả nạn diệt chủng.

Fraenkel sinh ra tại Cologne vào tháng 12 năm 1898 trong một gia đình thương gia khá giả và ấm cúng. Sau khi cha mẹ qua đời, Fraenkel và em gái được người chú ở Frankfurt nhận nuôi, nơi ông bắt đầu quan tâm đến hoạt động công đoàn. Mặc dù có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, ông đã gia nhập quân đội Đức và được cử đến Ba Lan vào tháng 4 năm 1917. Sau này, ông viết rằng ông hy vọng "cuộc chiến sẽ chấm dứt chủ nghĩa bài Do Thái". Fraenkel đã sống sót qua các chiến hào của Mặt trận phía Tây. Sau khi xuất ngũ vào năm 1919, ông đã lấy được bằng luật và cuối cùng đã có được công việc tại Berlin với tư cách là một luật sư lao động.

Tất nhiên, chiến tranh không chấm dứt chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng việc tham gia quân ngũ đã cứu sống ông, ít nhất là trong một thời gian. Vào ngày 9 tháng 5 năm 1933 — chỉ vài tháng sau khi Tòa nhà Quốc hội Đức bị đốt cháy — Fraenkel và các luật sư Do Thái khác đã nhận được thông báo chính thức cấm họ xuất hiện tại các tòa án Đức. Nhưng luật pháp Đức Quốc xã vẫn dành ngoại lệ cho các luật sư Do Thái đã tham gia trong Đệ nhất Thế chiến. Và vì vậy, trong khi nhiều người chạy trốn, Fraenkel vẫn ở lại Berlin, đại diện tranh tụng cho những người như các thành viên của Liên minh những người theo chủ nghĩa tự do Đức, một nhà lãnh đạo nhóm Công nhân Trẻ và một người đàn ông bị bắt vì nhục mạ một tờ báo của Quốc xã là "pho-mát cũ".

Ông thường phải dùng đến các chiến lược không chính thống. Trong vụ “pho-mát cũ” nói trên, Fraenkel đã thuyết phục thân chủ nhận tội, trong khi ông tập trung tranh cãi về mức độ nghiêm trọng của bản án. Mánh khóe này đã thành công: Người đàn ông đã bị kết án đúng luật và nhận được một bản án nhẹ, tránh được số phận của những người khác được tha bổng trong những vụ tương tự. Ít nhất có một vụ, ngay sau khi thẩm phán tuyên bố phán quyết vô tội, một đặc vụ Gestapo đã xuất hiện để bắt giữ bị cáo và nói, "Hãy đến Dachau" ("Kommt nach Dachau") (ND: Dachau là tên trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc Xã). Thế rồi, tên của Fraenkel cũng lọt vào danh sách của Gestapo. Ông cùng vợ trốn sang London, và từ đó chạy sang Chicago.

***

Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến ​​sự ra đời của một nhà nước kép mới. Hoa Kỳ từ lâu đã có một nhà nước chuẩn mực. Hệ thống đó luôn không hoàn hảo. Ví dụ, hệ thống tư pháp hình sự đã lôi quá nhiều người vào tù tội, chỉ để mang lại quá ít an toàn. Mặc dù vậy, nó vẫn được công nhận là một phần của nhà nước chuẩn mực.

Tuy nhiên, những gì chính quyền Trump và các đồng minh đang cố gắng xây dựng hiện nay thì không phải vậy. Một danh sách ngày càng dài các luật lệ được lập ra có chủ đích để tách biệt một khu vực mà luật pháp không áp dụng: các lệnh ân xá ban phát và mời mọc bạo lực nổi loạn; các cuộc thanh trừng các luật sư thâm niên tại Bộ Tư pháp và Văn phòng Công tố Liên bang Quận Nam New York (SDNY), các tổng thanh tra trong toàn chính phủ và các đặc vụ cấp cao của FBI; lệnh của tổng chưởng lý rằng các luật sư phải tuân theo tổng thống thay vì hành động dựa theo hiểu biết Hiến pháp; việc bổ nhiệm những người như Kash Patel và Dan Bongino, những người dường như đặt lòng trung thành với tổng thống cao hơn lời tuyên thệ trung thành Hiến pháp; tuyên bố của tổng thống rằng ông và tổng chưởng lý là những người duy nhất có thẩm quyền giải thích luật liên bang cho nhánh hành pháp; việc biến các trách nhiệm chi tiêu thông thường thành các công cụ tùy tiện để trừng phạt những kẻ thù đảng phái; việc tước chuẩn tín nhiệm an ninh của những kẻ thù và đối thủ tự gán; việc đe dọa truy tố hình sự đối với những phát ngôn mà tổng thống không ưa thích; và các lời lẽ tấn công các thẩm phán vì việc thực thi luật pháp của họ.

Mục đích duy nhất của các chiến thuật này là xây dựng một nhà nước đặc quyền, cai trị đất nước bằng sự tùy hứng tàn nhẫn, chứ không phải bằng luật pháp. Mức độ luật pháp liên bang bị gạt bỏ chỉ trong vài tháng đầu của chính quyền Trump chưa thể so sánh với các tầm mức rộng lớn của hệ thống pháp luật Weimar đã bị Đức Quốc xã phá hủy. Nhưng thật đáng kinh hoàng trước những sắc lệnh hành pháp của Donald Trump nhằm bác bỏ một số nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa hiến pháp Hoa Kỳ — chẳng hạn như quyền của Quốc hội trong việc áp đặt các quy tắc ràng buộc về cách thức thực hiện chi tiêu và quản lý — những thứ tối cần cho một nhà nước chuẩn mực không thể tồn tại.

Những CEO đã góp tiền để tham dự lễ nhậm chức lần thứ hai của Trump có thể mong đợi tòa án vẫn cho phép chủ nghĩa tư bản hoạt động bình thường. Tương tự, nhiều công dân ít quan tâm đến chính trị cũng có thể mong đợi nhà nước đặc quyền để họ yên. Hệ thống tư pháp hình sự thông thường sẽ tiếp tục hoạt động chỉ trong các vụ án phi chính trị. Bên ngoài nhà nước đặc quyền của Hoa Kỳ, nhiều thứ sẽ vẫn như cũ. Nhà nước chuẩn mực quá đáng giá để có thể phá bỏ hoàn toàn.

Vì lý do đó, không có gì ngạc nhiên khi các luật sư của Trump — dù đã hà hiếp Quốc hội, các tiểu bang, báo chí và công chức — đã khá chậm rãi trong việc thách thức các tòa án liên bang và thay vào đó họ đã đưa các vụ án lên Tòa án Tối cao, tìm kiếm sự chấp thuận của tòa án đối với các quyền hạn mới của tổng thống. Các tòa án, không giống như cơ quan lập pháp, vẫn hữu ích đối với một nhà độc tài trong một nhà nước kép.

Xây dựng một nhà nước kép không nhất thiết phải kết thúc bằng nạn diệt chủng: Nước Nga của Vladimir Putin và Singapore của Lý Quang Diệu đã đi theo cùng một mô hình nhà nước kép mà Fraenkel mô tả, mặc dù không bên nào thực hiện một hoạt động giết người hàng loạt như Đức Quốc xã đã làm. Thay vào đó, điểm tương đồng sâu sắc nhất của họ là cả hai đều không khoan nhượng với bất đồng chính kiến ​​​​trong khi để phần lớn công dân được yên. Mối nguy hiểm của nhà nước kép nằm chính xác ở khả năng đàn áp có mục tiêu này. Hầu hết mọi người có thể phớt lờ việc xây dựng nhà nước đặc quyền chỉ vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Họ có thể quay lưng lại trong khi những người bất đồng chính kiến ​​​​và những kẻ bị tế thần đang bị tước mất quyền tự do chính trị của họ. Nhưng một khi nhà nước đặc quyền được xây dựng, như bài viết và kinh nghiệm của Fraenkel gợi ý, nó có thể nuốt chửng bất kỳ ai./.


Nguồn: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2025/05/trump-executive-order-lawlessness-constitutional-crisis/682112/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét