Benjarmin Wallac-Wells, The Newyorker
Ngày 12 tháng 4 năm 2025
Vào đúng 1 giờ chiều thứ Tư tuần trước, Tổng thống Trump đã đăng một tuyên bố trên Truth Social rằng ông sẽ tạm dừng trong chín mươi ngày mức thuế cao ngất ngưởng của Ngày Giải phóng, mức thuế vô lý về mặt kinh tế đối với hầu như toàn bộ thế giới, mà ông mới công bố trước đó một tuần. Sự thoái lui là điều không thể tránh khỏi. Các mức thuế quan được thiết kế hấp tấp đến độ họ áp đặt mức thuế mười phần trăm đối với các đảo Nam Cực nơi chỉ có mấy con hải cẩu và chim cánh cụt sinh sống, và áp đặt mức thuế gần năm mươi phần trăm đối với Campuchia, một quốc gia sản xuất hàng dệt may giá rẻ nhưng quá nghèo để có thể mua phần lớn những gì do Mỹ sản xuất. Thị trường lao dốc đúng như dự đoán, xóa sổ hơn sáu ngàn tỷ đô la; Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết "hậu quả rất có thể" sẽ là suy thoái; và việc bán tháo trái phiếu chính phủ làm dấy lên khả năng đáng ngại là thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ sẽ không còn là nơi để thế giới chọn mặt gởi vàng nữa. Nhà kinh tế học về lao động Arindrajit Dube viết, "Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, một quyết định kỳ quặc của một cá nhân lại phá hủy nhiều tài sản đến vậy".
Tổng thống thừa nhận rằng thị trường đã trở nên "hoảng loạn một chút". Nhưng Trump không bao giờ thực sự thoái lui; ông ta chỉ tái định vị. Trong bài đăng hôm thứ Tư — trong đó ông kết thúc bằng câu "Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến vấn đề này!" — Trump tiết lộ rằng ông sẽ giữ nguyên mức thuế mười phần trăm đối với hầu hết các quốc gia và sẽ lập tức đẩy mạnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, áp đặt mức thuế gần một trăm năm mươi phần trăm. Thị trường chứng khoán phục hồi nhanh chóng vào thứ Tư khi hầu hết các mức thuế vô lý hơn đã được bãi bỏ, và sau đó lại giảm vào thứ Năm khi thực tế xung đột với Trung Quốc xuất hiện. Tổng thống có thực sự rút lui không?
Jason Furman, người từng giữ chức chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama, viết trên mạng xã hội, "Tôi không nghĩ mọi người nhận ra được một điểm quan trọng là thuế quan hiện cao hơn và dễ gây lạm phát hơn mức đã công bố" vào Ngày giải phóng — thậm chí mức thuế "đã giảm" hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức thuế được áp dụng bởi bất kỳ quốc gia lớn nào khác. Vì vậy, cách tiếp cận mới của Tổng thống có thể không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn tự tạo và hết sức rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu.
Những nỗ lực của Trump nhằm điều chỉnh mạnh mẽ các mối quan hệ chi phối kinh tế thế giới đã khiến một số nhà phân tích tài chính đặt câu hỏi. Viktor Shvets, một chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Macquarie Capital, cho biết trên podcast "Odd Lots" của Bloomberg, "Tôi cứ tự hỏi, 'Chính quyền này đang cố gắng làm gì?' " Mục tiêu là tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ, hay tăng thu nhập quốc gia để giúp chi trả cho việc cắt giảm thuế cho người giàu, hay thay đổi dòng tiền toàn cầu? Shvets cho biết: "Câu trả lời của tôi luôn là, họ muốn tái tạo nước Mỹ. Nhưng bạn không thể tái tạo nước Mỹ trừ khi bạn cùng lúc tái tạo thế giới. Vì vậy, đây là một phong trào cách mạng".
Như Shvets tiếp tục ám chỉ, Chính quyền Trump thứ hai đang hình thành như một Đội các Đối thủ hiện ra trong kiếng dị dạng. Nó bao gồm những nhân vật lớn (Trump, Elon Musk, J. D. Vance) với quan điểm bất nhất về vai trò của nước Mỹ trên thế giới — một rạn nứt được nêu bật trong tuần qua, khi Musk công khai lên án cố vấn thương mại và kiến trúc sư thuế quan của Trump là Peter Navarro là "ngu ngốc hơn cả một bao gạch". Nhưng, ngay cả khi các cố vấn có mục tiêu khác nhau, họ dường như chia sẻ ác cảm thực sự đối với tính phổ biến của trật tự thế giới tự do và mong muốn tái tạo nó một cách triệt để — làm suy yếu các trường đại học, hạn chế sự dịch chuyển toàn cầu của di dân và hàng hóa, rút lui về pháo đài của lợi ích cá nhân.
Nếu Chính quyền Trump có thể dễ dàng chuyển hướng từ hệ thống thuế quan trừng phạt nhắm vào hầu như tất cả các nước sang hệ thống chiến tranh thương mại bất ngờ với Trung Quốc (nước này đã nhanh chóng áp đặt thuế quan trả đũa), thì có lẽ đó là vì Bạch Ốc cho rằng các chi tiết của thay đổi chính sách không quan trọng bằng quy mô của nó — miễn nó đại diện cho một sự thay đổi đáng kể so với hệ thống cũ. Vào thứ Ba, khi thị trường lao dốc, Trump đã nói với Ủy ban Quốc hội Cộng hòa Quốc gia rằng, "Họ đã trấn lột chúng ta từ trái sang phải, nhưng bây giờ đến lượt chúng ta trấn lột họ."
Nhận xét đó giả định rằng Hoa Kỳ có một sức mạnh thô bạo — khả năng tạo ra mô-men xoắn gây biến dạng — mà Mỹ có thể sẽ không còn duy trì được lâu nữa. Tuần lễ thuế quan mang tên Ngày Giải phóng hoạt động như một phép thử về cách thị trường sẽ phản ứng và cách nền kinh tế thực sẽ thiết lập lại, và nó đã cho thấy một số kết quả. Bây giờ chúng ta biết rằng các nhà đầu tư không tin tưởng Trump sẽ tái tạo hệ thống thương mại, và nhiều người trong đảng của ông cũng vậy: trong một phiên điều trần vào tuần trước, Thượng nghị sĩ Thom Tillis, của North Carolina, đã hỏi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Jamieson Greer, "Tôi sẽ bóp cổ ai nếu điều này chứng tỏ là sai?"
Lý thuyết của Nhà Trắng dường như là mức thuế quan cao cuối cùng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất di dời, chẳng hạn như các nhà máy ô tô và nhà máy luyện nhôm đến Hoa Kỳ. Nhưng các doanh nghiệp cần sự ổn định để thực hiện các loại đầu tư lớn vốn mà việc xây dựng các nhà máy mới ở quốc gia này đòi hỏi, chứ không phải là một bầu không khí được xác định bởi các đợt tạm dừng chín mươi ngày và các lần đảo ngược đột ngột. Ngay cả trong bối cảnh áp thuế quan, tờ Times vẫn thấy chẳng mấy công ty hứng thú với việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ: Một doanh nhân Hoa Kỳ cho biết, "Ở lại Trung Quốc và tìm cách hoạt động là chiến lược của mọi người hiện nay”. Trong khi đó, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đang tìm kiếm các mối quan hệ thương mại của riêng họ. Mối nguy hiểm đằng sau cái đỏng đảnh của Trump là, bằng cách nhấn mạnh quá mức vào tính không thể thiếu của nước Mỹ, ông có thể đang làm suy yếu nó. (Vào thứ sáu, Axios đưa tin, "Giao dịch mới nóng hổi của thế giới là 'bán nước Mỹ'. ) Hiện tại, khoảng mười phần trăm thương mại toàn cầu chảy qua Hoa Kỳ, nhưng nếu các quốc gia tiếp tục tìm kiếm các đối tác thương mại khác, thì bao nhiêu trong số đó sẽ bị mất?
Về phần mình, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại. Theo báo Financial Times, các tổ chức thương mại và nhà nước Trung Quốc đã thành lập một "đội quốc gia" để chống lại thuế quan, điều phối các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc để bù đắp cho các khoản lỗ thương mại. Và mặc dù Trump đã dành cả một thập niên để công kích những tác động của lợi ích kinh tế của Trung Quốc gây ra cho các cộng đồng người Mỹ, nhưng tình trạng hỗn loạn hiện tại cho thấy ông thực sự không có lộ trình để tháo gỡ chúng, ngoài niềm tin hoàn toàn vào khả năng đạt được thỏa thuận của chính ông ta. Ông muốn biến thuế quan thành trò chơi để có thể tận dụng từng mối đe dọa để có vị thế đàm phán tốt hơn. Nhưng giờ đây quá nhiều thứ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giả định sắp tới: một ước tính cho thấy mức thuế mới sẽ khiến một hộ gia đình trung bình ở Mỹ mất 4.700 đô la một năm. Không giống như chính trị đảng phái, chiến tranh thương mại không phải là tổng bằng không. Đôi khi mọi người đều thua./.
Nguồn: https://www.newyorker.com/magazine/2025/04/21/what-the-world-learned-from-donald-trumps-tariff-week
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét